Hội đồng Liên Tôn lên án vụ đàn áp Song Ngọc
Posted by Luu HoanPho, Feb 23, 2017, Comments Off
Chỉ sau khi mới đi được 20 km, đoàn giáo dân đi khiếu kiện đã bị lực lượng công an “gài bẫy”, cho người “trà trộn … ném đá vào cảnh sát cơ động” và làm bị thương gần 50 giáo dân. (Ảnh Tin Mừng cho Người nghèo)
Tin VOA.- Hội đồng Liên tôn Việt Nam mới đây đã ra tuyên bố lên án nhà chức trách tỉnh Nghệ An đàn áp một đoàn giáo dân khi họ cố gắng đi nộp đơn kiện hãng Formosa.
Hội đồng – với thành viên thuộc các tôn giáo Cao Đài, Công giáo, Phật giáo, Phật giáo Hòa Hảo và Tin Lành – đã gửi ra tuyên bố hôm 21/2.
Tuyên bố cáo buộc rằng hôm 14/2 chính quyền Nghệ An đã ngăn cản và đàn áp các giáo dân Giáo xứ Song Ngọc, tỉnh Nghệ An, khi họ trên đường đi đến đến tòa án thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, để nộp đơn đòi hãng Formosa bồi thường.
Thông qua tuyên bố của mình, Hội đồng Liên tôn tố cáo rằng “nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam” vi phạm nghiêm trọng các quyền con người, đặc biệt là “vi phạm trắng trợn quyền khởi kiện của công dân”.
Hội đồng cũng phản đối công an, cảnh sát Nghệ An đã gài bẫy, vu khống, sử dụng vũ lực thô bạo đối với nhân dân, khi họ đang thực hiện quyền công dân một cách đúng luật và ôn hoà.
Linh mục Đinh Hữu Thoại, một trong những người ký tuyên bố của Hội đồng Liên tôn, nói thêm với VOA về mục đích của tuyên bố:
“Một mục đích của chúng tôi khi lên tiếng là để cho những kẻ đã gây ra những việc này là họ phải ý thức, họ phải thay đổi, thay đổi hành vi của họ. Nhà cầm quyền này họ đâu có tôn trọng pháp luật đâu. Mình chỉ lên tiếng nói rồi họ lắng nghe, họ phản hồi thì tốt. Không thì mình cứ tiếp tục dùng áp lực cách này cách khác thôi”.
Linh mục Thoại hiện phụ trách Giáo phận Đà Nẵng, vùng Quảng Nam.
Một ngày trước tuyên bố của Hội đồng Liên tôn, hôm 20/2, Tòa Giám mục Giáo phận Vinh cũng ra thông báo nói hành động của chính quyền ngăn cản đoàn người khởi kiện là sự vi phạm nghiêm trọng “quyền của con người, quyền công dân Việt Nam”.
Nhà máy đặt ở Hà Tĩnh thuộc hãng Formosa của Đài Loan hồi tháng 4 năm ngoái đã gây ra ô nhiễm biển nghiêm trọng. Hãng đã nhận trách nhiệm và đền bù cho chính phủ Việt Nam 500 triệu đôla để khắc phục hậu quả ở ven biển 4 tỉnh là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Người dân ở Song Ngọc, tỉnh Nghệ An, cho rằng họ bị ảnh hưởng bởi vụ ô nhiễm, nhưng lại không nằm trong danh sách được đền bù. Vì vậy họ đã tìm cách kiện Formosa.
Tuy nhiên, nỗ lực của họ đã bị cản trở hôm 14/2. Thông tin trên mạng xã hội trước đó và tuyên bố mới đây của Hội đồng Liên tôn cho hay giới chức tỉnh Nghệ An đã “cấm các chủ phương tiện vận tải công cộng chở đoàn người khởi kiện”.
Tiếp đó, khi người dân quyết tâm đi bộ và xe máy đến toà án trên quãng đường hơn 170 km, chỉ sau khi mới đi được 20 km, họ đã bị lực lượng công an “gài bẫy”, cho người “trà trộn … ném đá vào cảnh sát cơ động”, để lực lượng này có cớ “đánh đập đến đổ máu”, làm bị thương gần 50 giáo dân.
Tuyên bố của hội đồng nói phía công an đã “cướp đoạt, phá nát các phương tiện ghi hình”, “bắt các phóng viên báo chí tự do”, và nghiêm trọng hơn là “đã tấn công gây thương tích cho Linh mục Nguyễn Đình Thục” là người dẫn đầu cuộc đi kiện.
Theo tuyên bố, sau cuộc trấn áp, báo chí nhà nước đã đăng bài vu khống, chụp mũ cho đoàn người và Linh mục Nguyễn Đình Thục về “tổ chức bạo loạn, tấn công lực lượng an ninh, gây thương tích cho nhiều cán bộ và nhân viên công lực”.
Hội đồng Liên tôn nói họ lên án các phương tiện truyền thông nhà nước vì “trơ trẽn vu khống đoàn người khiếu kiện, hầu tiếp tay cho âm mưu bắt bớ và xử tòa các nạn nhân vô tội trong tương lai”.
Hội đồng cảnh báo rằng việc tiếp tục đàn áp người dân, nhất là các nạn nhân của thảm họa đi đòi công lý và quyền lợi, chẳng những “không giải quyết được những vấn đề do Formosa gây ra”, mà trái lại còn “đẩy đất nước vào khủng hoảng mọi mặt và nguy cơ ngoại xâm, cũng như làm dày thêm hồ sơ tội ác của đảng Cộng sản”.
Trong các cuộc phỏng vấn cách đây ít ngày, Linh mục Nguyễn Đình Thục đã xác nhận với VOA về các sự việc này, trong khi chính quyền địa phương không hồi đáp các đề nghị của VOA về xác nhận thông tin.