Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Mỹ tăng ngân sách quốc phòng : Châu Á lao vào chạy đua vũ trang?


Tin The Diplomat, RFI.- Vào lúc tổng thống Donald Trump thông báo tăng 9 % ngân sách quốc phòng và muốn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phải vượt qua mặt Nga, vậy châu Á Thái Bình Dương, đứng đầu là Trung Quốc, sẽ lao vào một cuộc chạy đua vũ trang ? Động thái của Washington là tín hiệu khuyến khích châu Á phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân ?

Trong bài phân tích trên trang mạng của báo Nhật Bản The Diplomat số ra ngày 28/02/2017, Ankit Panda không mấy lạc quan cho rằng, chắc chắn là Bắc Kinh sẽ lại càng nhân cơ hội này để “ hiện đại hóa và phát triển các phương tiện phòng thủ thích hợp ”.

Một ngày trước khi phát biểu tại Quốc Hội, đích thân tổng thống Hoa Kỳ thứ 45 thông báo bơm thêm 54 tỷ đô la cho ngân sách quốc phòng Mỹ vào năm tới, nâng ngân sách của Lầu Năm Góc lên thành hơn 620 tỷ thay vì 584 tỷ đô la trong tài khóa 2017 – tương đương với 3,3 % tổng sản phẩm nội địa. Ngược lại, Nhà Trắng sẽ mạnh tay cắt giảm các khoản chi tiêu “ không mang tính quân sự ”.

Hiện tại ngân sách quốc phòng của Mỹ đứng đầu thế giới, cao hơn rất nhiều so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc. Theo các số liệu chính thức được Bắc Kinh công bố là chưa đầy 200 tỷ đô la cho tài khóa 2016.

Tuần trước, trả lời phỏng vấn hãng thông tấn Anh Reuters, tổng thống Donald Trump khẳng định muốn kho vũ khí hạt nhân của Mỹ phải “ vượt trội hơn tất cả ” các nước khác, kể cả Nga. Chủ nhân Nhà Trắng đặc biệt lo ngại khi thấy “ tiềm lực hạt nhân và quân sự của Hoa Kỳ đã bị tụt hậu ”.

Trong thời gian vận động tranh cử, ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa từng chủ trương cắt giảm viện trợ cho các đồng minh châu Á, và kêu gọi Hàn Quốc hay Nhật Bản phải tự lực trong lĩnh vực an ninh, không nên trông chờ vào Mỹ.

Cũng trong thời gian vận động tranh cử, nhà tỷ phú địa ốc Donald Trump không ngừng chỉ trích Hoa Kỳ can thiệp vào Irak năm 2003, hay quyết định của tổng thống Obama dẫn đầu liên quân quốc tế oanh kích vào sào huyệt của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria và Irak.

Nhưng khi trở thành tổng thống Hoa Kỳ, ông Trump đã có một cái nhìn khác.

Liên quan đến khu vực châu Á Thái Bình Dương, tác giả Ankit Panda lưu ý : ông Trump luôn chủ trương nâng số lượng tàu chiến của Hải Quân Hoa Kỳ đang từ 272 chiếc lên thành hơn 350 chiếc. Một phần trong số đó sẽ có nhiệm vụ tuần tra trong vùng châu Á Thái Bình Dương.

Có điều, vào lúc đề nghị tăng ngân sách quốc phòng của tổng thống Trump còn phải được Quốc Hội xem xét và thông qua, thì theo ghi nhận của nhà báo Ankit Panda, có lẽ Bắc Kinh không lãng phí thời gian để tiếp tục củng cố thêm các phương tiện quân sự của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, các phương tiện của Hải Quân Trung Quốc đã được nâng cấp một cách nhanh chóng. Bắc Kinh đã trang bị thêm cho lực lượng này cả tàu trên mặt nước lẫn tàu ngầm. Sau khi tàu sân bay Liêu Ninh đã đi vào hoạt động, Trung Quốc sắp trình làng thêm chiếc hàng không mẫu hạm thứ nhì.

Tất cả những động thái nói trên sẽ ảnh hưởng đến toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương. Đây là nơi mà theo báo cáo mới nhất của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Stockholm SIPRI, trong 5 năm qua, các chi phí quân sự tăng cao chưa từng thấy kể từ khi Chiến Tranh Lạnh kết thúc.

Đáng quan ngại hơn cả là việc Hoa Kỳ tăng ngân sách quốc phòng còn có nguy cơ tràn sang cả lĩnh vực vũ khí hạt nhân.

Hai ngày trước lễ Giáng Sinh 2016, khi chưa chính thức nhậm chức, tổng thống tân cử Donald Trump trong một tin nhắn trên mạng Twitter khẳng định : Hoa Kỳ “ cần củng cố mạnh mẽ và phát triển khả năng nguyên tử cho đến khi nào thế giới tỉnh ngộ về vũ khí hạt nhân ”.

Gần đây hơn lãnh đạo Nhà Trắng không che giấu tham vọng dưới nhiệm kỳ tổng thống của ông, sức mạnh hạt nhân của Hoa Kỳ phải là số một trên thế giới.

Donald Trump không ngần ngại chỉ trích hiệp ước START cắt giảm số đầu đạn hạt nhân của Nga và Mỹ được thông qua dưới thời tổng thống Barack Obama là một “ hiệp ước tồi tệ ”.

Những tuyên bố như trên chẳng những là động lực thúc đẩy Matxcơva lao vào một cuộc chạy đua vũ trang mà còn châm thêm củi lửa để Trung Quốc tăng thêm kho vũ khí nguyên tử, phát triển các hệ thống tên lửa hiện đại như MIRV có khả năng mang nhiều đầu đạt hạt nhân.

Chính sách phòng thủ đang được tổng thống Donald Trump định hình có nguy cơ đẩy châu Á Thái Bình Dương và cả phần còn lại của thế giới vào một cuộc chạy đua vũ trang.

Ngành công nghiệp vũ khí thông thường và hạt nhân đang trông thấy một tương lai tương sáng, nhưng đây hoàn toàn không phải là một tin vui với nhân loại.

Nguồn: The Diplomat, RFI/Thanh Hà

Tags: ,

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh