Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

FB LÊ CÔNG ĐỊNH: Nhà nước Pháp Quyền hay Thần Quyền?


Lời phát biểu gần đây về tương quan giữa quan và dân của ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, gặp nhiều chỉ trích từ công luận. Câu nói, rằng “nếu chúng ta sai, chúng ta nhận lỗi trước dân, nếu dân sai, thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, thật ra đã truyền tải một thông điệp khá hàm súc, mà có lẽ không cần diễn giải thêm.

Dù vậy, nhân phát ngôn của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, bài viết này chỉ muốn bàn đến quan điểm của đảng cầm quyền về “Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa”, một khái niệm mà lúc thiết lập nền chuyên chính vô sản vào năm 1955 tại Việt Nam người cộng sản chưa nghĩ đến. Chỉ sau khi cùng các đảng chư hầu khác của Liên Sô tiến hành cải cách nền kinh tế, đảng cầm quyền mới giới thiệu và du nhập khái niệm đó vào Việt Nam.
Quy phạm đạo đức hay quy phạm pháp luật?

Trong phát biểu của mình, ông Mai Tiến Dũng dùng từ “sai” và “nhận lỗi” để mô tả tính chất và hậu quả của hành vi mà các quan chức thuộc bộ máy công quyền thực hiện trong lúc thi hành công vụ. Sai và lỗi là những yếu tố thuộc phạm trù đạo đức, nên vị Bộ trưởng dường như thừa nhận rằng chức trách của họ bị chi phối bởi các quy phạm đạo đức thuần túy.

Dưới lăng kính quy phạm đạo đức, nếu làm sai thì phải nhận lỗi. Điều này không sai. Tuy nhiên, điều làm mọi người ngạc nhiên là tại sao cơ quan công quyền và quan chức lại chỉ chịu sự chi phối của các quy phạm đạo đức lúc thi hành công vụ, thay vì bởi pháp luật nói chung và luật hành chính nói riêng.

Tuy nhiên, dưới lăng kính quy phạm pháp luật không có hành vi “sai”, mà chỉ có hành vi vi phạm một quy định pháp lý hoặc xâm phạm một quyền luật định. Luật pháp cũng đưa ra khái niệm lỗi [của người vi phạm], nhưng đó là cơ sở của trách nhiệm pháp lý mà chế tài là sự trừng phạt của pháp luật, chứ không đơn thuần nhận lỗi hoặc bị lên án như trong phạm vi đạo đức.

Quản lý nhà nước trong một Quốc gia Pháp trị (Rule of Law) là lĩnh vực được hiến định và luật định, tức là chỉ chịu sự chi phối bởi các quy phạm pháp luật. Tất nhiên, người dân vẫn đòi hỏi tư cách đạo đức của quan chức, nhưng sự lên án về đạo đức không phải là biện pháp chế tài áp dụng đối với hành vi vi phạm pháp luật trong lúc thi hành công vụ.
Ở đây cần lưu ý, dưới góc độ pháp lý, không có quan chức làm sai, mà chỉ có quan chức vi phạm, và như đã nói vi phạm thì phải chịu trách nhiệm pháp lý và chịu sự chế tài của pháp luật. Do đó, nhận lỗi hay không chỉ liên quan đến uy tín chính trị và đạo đức của quan chức, còn sự trừng phạt của pháp luật mới là điều mà một Quốc gia Pháp trị phải bảo đảm duy trì.

Như vậy, trong quan niệm về Nhà nước Pháp quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, pháp luật chỉ đóng vai trò thứ yếu chi phối hoạt động quản lý nhà nước của các cơ quan công quyền và quan chức. Khi pháp luật không thủ giữ vai trò quan trọng nhất, thì thế nào là sai hay đúng sẽ không dựa trên cơ sở pháp lý, mà chỉ bằng nhận định cảm tính của các vị quan chức bề trên. Cơ quan công quyền vì thế được vận hành như những triều đình to hay nhỏ mà thôi.

Pháp luật dành cho một phía

Nói như thế không có nghĩa là Nhà nước Pháp quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam không có pháp luật. Pháp luật luôn hiện hữu, nhưng là công cụ để nhà nước cai trị toàn dân. Đến đây, thiết tưởng cần xem lại lý luận của các nhà khai sáng nên học thuyết làm nền tảng của những chế độ cộng sản toàn trị ngày nay.

Lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin về nhà nước và pháp luật luôn cho rằng ở những xã hội có giai cấp, tức không phải xã hội Việt Nam hiện nay (theo sự phân loại giáo điều Marxisme), pháp luật là ý chí của giai cấp thống trị được đề lên thành luật, là công cụ để giai cấp bóc lột áp đặt sự cai trị lên đại đa số quần chúng nhân dân lao động bị áp bức và bóc lột. Lý luận này, tuy nhiên, có vẻ mô tả chính pháp luật của nhà nước cộng sản.

Thật vậy, khi chỉ nhấn mạnh trách nhiệm pháp lý về phía người dân, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng vô tình thừa nhận pháp luật chỉ áp dụng cho dân, chứ không dành cho các cơ quan công quyền và quan chức. Pháp luật đó thể hiện ý chí của đảng cầm quyền và là công cụ để họ cai trị nhân dân, đúng như lý luận của Chủ nghĩa Marx-Lenin về pháp luật ở những xã hội có giai cấp bóc lột. Như vậy, ông Bộ trưởng vô tình quay mũi tên công kích những chế độ xã hội bóc lột của Marx và Lenin để đâm ngược lại vào chính đảng cầm quyền ở Việt Nam, nhưng ông đúng.

Chính vì pháp luật chỉ dành cho dân, nên sự diễn giải và áp dụng luật của cơ quan công quyền rất tùy tiện. Ai là sinh viên trường luật ở Việt Nam đều thuộc lòng câu gối đầu giường sau đây: pháp luật được áp dụng tùy thuộc vào tình hình chính trị ở mỗi nơi và mỗi lúc. Đó cũng là quan điểm về pháp luật của các nhà lý luận giáo điều Marxisme, mà ngày nay các nước thuộc khối chư hầu của Liên Sô trước đây đều đã từ bỏ, vì nó đi ngược lại quan niệm về một Quốc gia Pháp trị.

Sự tùy tiện nói trên đưa đến hậu quả tất yếu là tuy pháp luật vẫn hiện hữu nhưng tình trạng vô pháp ngày càng diễn ra nghiêm trọng ở khắp nơi. Hầu như mỗi ngày đều có thông tin về những trường hợp vô pháp như thế trên các phương tiện truyền thông. Cách xử lý nương tay những quan chức tham nhũng như Đinh La Thăng gần đây, hay các bản án nặng nề dành cho dân đen dù hậu quả pháp lý không lớn là những ví dụ không bao giờ hết về sự vô pháp đó. Nó minh chứng cho điều mà dân gian vẫn truyền miệng, rằng tuy ở Việt Nam có một rừng luật, nhưng chỉ luật rừng được áp dụng.

Điều đáng tiếc là thay vì nhận ra tình trạng vô pháp nghiêm trọng ấy và tìm hướng giải quyết từ bên trong cơ chế luật pháp, các quan chức Việt Nam lại tiếp tục suy nghĩ sai lệch về quyền lực của đảng và trách nhiệm công vụ của mình, luôn tìm cách tránh né sự chế tài pháp lý trong chiếc ô xử lý nội bộ và bằng biện pháp “nhận lỗi” vô thưởng vô phạt. Phát biểu của ông Mai Tiến Dũng đã phản ánh chính xác não trạng như thế của tất cả quan chức trong bộ máy nhà nước hiện nay.

Hình ảnh thực tế của Nhà nước Pháp quyền

Tóm lại, câu nói của Bộ trưởng Mai Tiến Dũng xứng đáng được xem là danh ngôn, vì nó thể hiện cô đọng và rõ nét nhất về hình ảnh thực tế của Nhà nước Pháp quyền theo quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hình ảnh đó chắc chắn không tương thích với Quốc gia Pháp trị, theo đó pháp luật được thượng tôn đối với cả quan lẫn dân, và nhà nước vận hành theo cơ chế tam quyền phân lập.

Trong khi đó Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa là một thể chế nhà nước dung nạp vừa quy phạm đạo đức, vừa quy phạm pháp luật. Trong đó, quy phạm đạo đức dành cho cơ quan công quyền và quan chức, còn quy phạm pháp luật chỉ dành cho dân. Hai loại quy phạm đó đều do đảng cầm quyền thiết lập và vận dụng, tùy vào nhận định riêng của các quan chức có thẩm quyền và tùy vào tình hình chính trị ở mỗi nơi và mỗi lúc. Tất cả đều nhằm mục đích tối hậu là bảo vệ quyền lực thống trị độc tôn của đảng cầm quyền đối với nhà nước và xã hội.

Như vậy, trong Nhà nước Pháp quyền, nhà nước phải luôn được bảo đảm ổn định bằng công cụ pháp luật vận hành uyển chuyển theo ý chí chủ quan của đảng cầm quyền. Điều cần lưu ý là do thiếu vắng tinh thần thượng tôn pháp luật, mà thay vào đó là sự thượng tôn quyền lực của đảng, nên hình ảnh của Nhà nước Pháp quyền không phải là Pháp trị, mà là Đảng trị.

Nói ngắn gọn hơn, Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa là thể chế nhà nước và pháp luật của đảng, do đảng và vì đảng.

Nguồn: FB Lê Công Định 16/5/2017

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh