Trung Quốc bố trí pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập
Posted by Luu HoanPho, May 18, 2017, Comments Off
Cảnh bố phòng của Trung Quốc tại Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef, đá ngầm Vĩnh Thử theo tiếng Trung Quốc, Kagitingan theo Philippines), Trường Sa, từ máy bay do thám Hoa Kỳ P-8A Poseidon, ngày 21/05/2015.–
Tin REUTERS, RFI.– Trích dẫn một bài báo trên tờ Quốc Phòng Thời Báo Trung Quốc ngày 16/05/2017, hãng tin Anh Reuters cho biết Trung Quốc đã lắp đặt nhiều giàn pháo chống người nhái trên Đá Chữ Thập (Fiery Cross Reef), một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Bắc Kinh đã bồi đắp ở vùng quần đảo Trường Sa (Biển Đông). Mục tiêu, theo bài báo, là để ngăn chặn đặc công người nhái Việt Nam.
Theo bài báo, được trang tin Trung Quốc Tân Văn Đầu Điều (xwtoutiao.cn) đăng lại, thì hệ thống mà Bắc Kinh cho lắp đặt là loại pháo Norinco CS/AR-1 55 ly, có khả năng phát hiện, nhận dạng và tấn công tiêu diệt người nhái của đối phương.
Bài báo không cho biết là hệ thống pháo này đã được triển khai trên Đá Chữ Thập từ lúc nào, nhưng xác định đây là một trong những biện pháp nằm trong kế hoạch nhằm đối phó với sự kiện là vào tháng 5 năm 2014, người nhái Việt Nam đã giăng một khối lượng lưới cá lớn tại khu vực quần đảo Hoàng Sa.
Đá Chữ Thập là một trong bảy hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã bồi đắp ở vùng Trường Sa, biến thực thể này thành đảo lớn nhất tại Trường Sa, và xây dựng trên đó cả một sân bay, với phi đạo dài hơn 3000 mét, cùng nhiều cơ sở quân sự khác. Giới chuyên gia đã đánh giá Đá Chữ Thập là căn cứ tác chiến lớn nhất của Trung Quốc tại Trường Sa. Vào tháng Giêng 2016, hai phi cơ hàng không dân dụng của Trung Quốc đã bay ra Đá Chữ Thập để thử nghiệm phi đạo tại đây.
Hoa Kỳ đã chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa các tiền đồn ở Biển Đông. Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này, cho rằng các cơ sở quân sự mà họ xây dựng trên các hòn đảo trong tay họ chỉ mang tính chất thuần túy phòng thủ. Mặt khác, Bắc Kinh xác định là họ có quyền xây dựng trên các khu vực thuộc lãnh thổ Trung Quốc.
Đá Chữ Thập hiện do Trung Quốc kiểm soát, nhưng Việt Nam, Philippines và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền trên thực thể này.
Nguồn: REUTERS, RFI/Trọng Nghĩa