Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

CÁC TỔ CHỨC XHDSVN: Tuyên bố chung gửi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ


V/v ĐÁNH GIÁ CHUNG về tình hình nhân quyền ở Việt Nam

Bà Virginia Bennett,
Quyền Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động / Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ

Ngày 21 tháng 5 năm 2017

Mặc dù Việt Nam đã có những tiến bộ trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhưng chính quyền vẫn duy trì cơ chế độc đảng và hạn chế ngặt nghèo các quyền tự do. Vi phạm nhân quyền được phản ánh ở mọi lĩnh vực, đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do tụ tập, tự do lập hội và tự do tôn giáo/tín ngưỡng. Các vi phạm trên diện rộng đó cản trở Việt Nam tiến đến một nền dân chủ và phát triển bền vững.

Khi mà chính quyền Việt Nam đàn áp rất mạnh các nỗ lực thúc đẩy nhân quyền ở trong nước thì việc khuyến khích và thúc đẩy của cộng đồng quốc tế thông qua các sáng kiến hợp tác thương mại hiện nay có thể là công cụ hỗ trợ tốt cho sự thay đổi.

Ngay khi những dòng này được viết ra, nhiều người hoạt động xã hội dân sự vẫn đang bị quản thúc tại gia bởi hàng chục nhân viên an ninh thường phục và có thể cả côn đồ được chính phủ tài trợ, nhằm ngăn cản họ tiếp cận với phái đoàn Hoa Kỳ trong phiên đối thoại nhân quyền thứ 21 ở Việt Nam. Ngoài ra, bạo lực do nhà nước bảo trợ nhằm vào các nhà hoạt động ôn hòa đang gia tăng kể từ đầu tháng 5, và chưa có một vụ hành hung nào được điều tra thỏa đáng.

Báo cáo này nhằm đánh giá tổng thể tình hình nhân quyền hiện nay ở Việt Nam và đưa ra một số khuyến nghị từ các tổ chức xã hội dân sự độc lập về cách thúc đẩy nhân quyền và dân chủ ở Việt Nam thông qua hợp tác thương mại song phương giữa Mỹ và Việt Nam.
Những hạn chế đối với tự do truyền thông

1. Chính phủ duy trì một hệ thống cơ quan tuyên truyền làm việc ở cả cấp trung ương và địa phương. Các cơ quan này họp hàng tuần với báo chí để buộc họ tuân thủ chặt các đường lối của đảng cộng sản cầm quyền và để đảm bảo rằng không có sự kiện “nhạy cảm chính trị” nào sẽ được công bố hoặc được đưa tin theo hướng không mong muốn.

2. Có một luật bất thành văn là tổng biên tập cơ quan báo chí phải là đảng viên của đảng Cộng sản Việt Nam. Các cơ quan truyền thông chủ chốt duy trì đội ngũ “cố vấn cao cấp”, và tất cả những người này cũng phải là đảng viên.

3. Một mặt, nhà nước kiểm soát chặt chẽ các phương tiện truyền thông chính thức. Mặt khác, họ sử dụng thẻ báo chí do nhà nước phát hành để từ chối các nhà báo độc lập. Những người không có thẻ báo chí không được công nhận là nhà báo và không được phép hoạt động trong lĩnh vực truyền thông.

4. Tệ hơn nữa, bằng cách từ chối công nhận các nhà báo độc lập, chính quyền ngấm ngầm bật đèn xanh cho lực lượng công an và côn đồ bức hại họ. Hàng chục nhà báo độc lập, chủ yếu là các blogger, bị tấn công hàng năm.
5. Ngay cả những phóng viên không được cấp thẻ nhà báo cũng có thể là nạn nhân của bạo lực do nhà nước bảo trợ. Trong một trong những sự kiện gần đây nhất, ngày 15/2, phóng viên L.N.T, 36 tuổi, của tờ L.Đ. đã bị hành hung nghiêm trọng bởi một nhóm côn đồ và bị chấn thương não sau đó. Gia đình ông, nghe nói là dưới áp lực của cảnh sát, đã không đưa vụ việc ra công khai. Tất cả các tin tức về vụ việc đã bị buộc phải gỡ bỏ khỏi Internet.

6. Việt Nam với dân số 90 triệu người có tốc độ tăng trưởng Internet cao nhất trong khu vực và facebook vẫn là mạng truyền thông xã hội lớn nhất với hơn 35 triệu tài khoản vào năm 2016. Dù vậy, chính quyền bắt giữ các blogger chính trị gần như cứ mỗi quý một lần.

Chỉ riêng trong 4 tháng gần đây, cảnh sát đã bắt giữ tám người hoạt động và phát lệnh truy nã hai người.
Những người bị bắt giữ trong vòng bốn tháng (tính từ 1/2017)
Ngày bắt giữ / Theo điều:
– Nguyễn Văn Hóa, 22 tuổi, nhà báo độc lập, Công giáo, ngày 11 tháng 1, Điều 258 (lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm hại lợi ích Nhà nước)
– Trần Thị Nga, 40 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền, Công giáo, ngày 21 tháng 1, Điều 88 (tuyên truyền chống nhà nước)
– Vũ Quang Thuận, 51, blogger, 3 Tháng 3, Điều 88
– Nguyễn Văn Điển, 34, blogger, 3 Tháng 3, Điều 88
– Bùi Hiếu Võ, 55 tuổi, blogger, Công giáo, ngày 17 tháng 3, Điều 88
– Phan Kim Khánh, 24 tuổi, sinh viên, blogger, Công giáo, ngày 21 tháng 3, Điều 88
– Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, nhà hoạt động công đoàn, Công giáo, ngày 15 tháng 5, Điều 257 (chống người thi hành công vụ), 258.
– Vương Văn Thả, 49 tuổi, Phật giáo Hòa Hảo, 18/5, Không rõ điều luật nào;
Truy nã:
– Bạch Hồng Quyền, 29 tuổi, nhà hoạt động nhân quyền, Công giáo, Điều 245 (gây rối trật tự công cộng)
– Thái Văn Dung, 29 tuổi, cựu tù nhân lương tâm, Công giáo, Điều 304 (không chấp hành án)

7. Hàng vạn tài khoản mạng được chính quyền tài trợ đã trở thành một bóng ma thực sự ám ảnh những người sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để nêu lên và phổ biến quan điểm của họ. Những tài khoản ẩn danh này lướt mạng từng giờ, sản xuất ra các bài viết ủng hộ mọi chính sách của chính phủ và đả kích bất cứ người bất đồng nào, sử dụng ngôn ngữ thô tục để hăm dọa và dập tắt tiếng nói bất đồng chính kiến. Trong nhiều trường hợp, đội quân trên không gian mạng này đi xa hơn bằng cách xâm phạm quyền riêng tư của các cá nhân khác và đưa tin mạ lị, vu khống “kẻ thù” của họ, bao gồm các blogger, nhà hoạt động nhân quyền và nhà bất đồng chính kiến.

Các cuộc tấn công bạo lực chống lại tụ tập ôn hòa

8. Hoạt động tụ tập ôn hòa (biểu tình) bị dán nhãn là “gây rối trật tự công cộng” nếu không được thực hiện bởi các tổ chức do nhà nước quản lý. Thông thường, các cuộc tụ tập bị phá tan trước khi có thể diễn ra, hoặc đám đông bị giải tán trong chưa đầy 10 phút bởi lực lượng công an đông áp đảo về số lượng. Những người biểu tình thường bị giam ở đồn cảnh sát để thẩm vấn; hoặc bị đưa tới “các trung tâm bảo trợ xã hội”.

9. Hành động giải tán biểu tình luôn kéo theo bạo lực của công an và đổ máu: Trong hầu hết các trường hợp, người biểu tình bị công an, cả thường phục và sắc phục, tấn công tàn nhẫn. Trong các cuộc biểu tình tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2016 với mục đích bảo vệ môi trường và đòi hỏi trách nhiệm giải trình của chính quyền, hàng chục người tham gia đã bị đánh đập trên đường phố hoặc thậm chí bị tra tấn bằng dùi cui điện bên trong đồn công an sau khi họ bị bắt.

10. Tệ nhất, các cuộc biểu tình còn bị gọi là “bạo loạn” và công an được trao quyền tuyệt đối để đàn áp. Gần đây nhất, trong một cuộc diễu hành của nông dân và ngư dân vào một tòa án địa phương vào ngày 14/2, “Tuần hành vì công lý”, hàng trăm cảnh sát đặc nhiệm, công an thường phục và nhân viên an ninh đã sử dụng gậy, hơi cay, dùi cui… để tấn công, hàng chục người tuần hành bị thương nặng. Nạn nhân có cả người già và phụ nữ.

11. Đàn áp hậu biểu tình cũng rất đáng lo ngại. Trước và sau mỗi cuộc biểu tình phản kháng, người tham gia bị đe dọa, sách nhiễu và cô lập khỏi cộng đồng. Nhiều người bị mất việc làm dưới áp lực của nhân viên an ninh. Các phương tiện truyền thông của nhà nước và an ninh mạng đã tổ chức nhiều chiến dịch phỉ báng người biểu tình, dù những người biểu tình đó chỉ đơn giản là đã thực hiện quyền tự do biểu đạt của họ một cách ôn hòa.

12. Nhiều người bị bỏ tù vì “gây rối trật tự công cộng”. Hai trường hợp được biết đến rộng rãi nhất cho đến thời điểm này là các nhà hoạt động vì quyền lợi đất đai – bà Bùi Thị Minh Hằng và bà Cấn Thị Thêu, từng bị kết án tù ba năm và 1,5 năm tù.

Không có hội nào trừ GONGO

13. Luật về hội đã không được thông qua mặc dù ít nhất 16 dự thảo từng được đưa ra trước Quốc hội trong thập niên qua. Sự chậm trễ này cho thấy thái độ cảnh giác và miễn cưỡng của các cơ quan chức năng trong việc đưa ra một luật mà họ cho là “nhạy cảm về chính trị”.

14. Tuy nhiên, dự luật mới nhất đã không được thông qua sau khi nhiều tổ chức xã hội dân sự quan ngại về sự hà khắc của nó. Điều 8 cấm các hiệp hội hợp tác với các tổ chức nước ngoài hoặc tiếp nhận các quỹ nước ngoài.

15. Mọi liên kết dưới hình thức tổ chức chính trị đều bị nghiêm cấm. Các thành viên sẽ bị buộc tội “tiến hành các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” và nhận những bản án nặng nề, kể cả tù chung thân hoặc tử hình theo Điều 79 của Bộ luật Hình sự.

16. Ngay cả công đoàn độc lập cũng bị cấm. Các cuộc đình công phải được đăng ký với những điều kiện khắc nghiệt, và các nhà hoạt động công đoàn liên tục bị theo dõi, sách nhiễu.

17. GONGOs (các tổ chức phi chính phủ do chính phủ điều hành) được có không gian hoạt động với điều kiện là họ làm việc để thúc đẩy lợi ích của chính phủ. Trong khi hàng chục nhà hoạt động nhân quyền bị cấm xuất cảnh, đã có nhiều trường hợp nhân viên của GONGO được tự do đi nước ngoài và tham dự các hội nghị quốc tế, nhưng họ cũng phải cộng tác với an ninh.
18. Các nhân viên an ninh cũng đã nỗ lực rất nhiều để gây chia rẽ giữa các tổ chức phi chính phủ đã đăng ký và các tổ chức độc lập. Ví dụ, giới hoạt động nhân quyền thường bị ngăn cản tham gia các sự kiện do khối tổ chức phi chính phủ có đăng ký tổ chức.
Đàn áp các cộng đồng tôn giáo

19. Công dân Việt Nam phải đăng ký tôn giáo, sắc tộc vào thẻ căn cước của họ, điều này cấu thành sự phân biệt đối xử.

20. Thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số không được công nhận tiếp tục phải đối mặt với những khó khăn rất lớn trong việc thực hiện quyền tự do tôn giáo/tín ngưỡng của họ, theo Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tự do tôn giáo/tín ngưỡng trong chuyến thăm Việt Nam của ông vào năm 2014. Họ không được mở tài khoản ngân hàng, không được mua bất động sản, không được thành lập các cơ sở đào tạo, thậm chí cả quỹ từ thiện và trại tế bần.

21. Các thành viên của các nhóm tôn giáo không đăng ký liên tục bị hành hạ, gồm cả cưỡng chế đất đai và tài sản, hành hung và thậm chí bị bỏ tù.

22. Đặc biệt, kể từ khi thảm họa môi trường biển xảy ra ở bốn tỉnh ven biển miền Trung Việt Nam vào tháng 4 năm 2016, cộng đồng Công giáo đã trở thành mục tiêu rõ ràng của lực lượng an ninh. Các phương tiện truyền thông nhà nước và đội ngũ dư luận viên được nhà nước bảo kê đã ra sức bôi nhọ Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp thuộc giáo phận Vinh, buộc tội ông “kích động người dân chống chính quyền”, mặc dù những gì ông làm chỉ là đòi hỏi điều tra và minh bạch nguyên nhân thảm hoạ.

Đáng chú ý, kể từ khi bắt giữ blogger nổi tiếng Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vào tháng 10 năm ngoái, gần như tất cả các blogger bị bắt là người Công giáo. Điều này chỉ ra xu hướng nguy hiểm của việc đàn áp có chủ ý đối với cộng đồng Công giáo.

23. Trong vụ đàn áp gần đây nhất, vào ngày 2 tháng 5, Nguyễn Hữu Tấn, một người theo Phật giáo Hoà Hảo, 38 tuổi, đã bị công an Vĩnh Long bắt giữ vì nghi ngờ ông lưu trữ và phát tán quốc kỳ của chế độ cũ. Vào buổi trưa ngày hôm sau, công an nói gia đình của nạn nhân đến lấy xác. Ông Tấn chết với vết cắt sâu gần đứt cổ, máu phun khắp người. Công an Vĩnh Long đã từ chối tiến hành bất cứ cuộc điều tra nào, chỉ nói rằng ông Tấn đã tự sát bằng cách cắt cổ họng của mình với một con dao rọc giấy ông lấy trộm từ túi của điều tra viên.

Tăng cường bạo lực tấn công các nhà hoạt động ôn hòa

24. Các nhà hoạt động nhân quyền ở Việt Nam không chỉ bị tấn công trên mạng mà còn bị cả ngoài đời. Ngày 5 tháng 4, Lê Mỹ Hạnh và Trịnh Đình Hòa, hai người hoạt động nhân quyền – dân chủ ở Hà Nội, đã bị tấn công bởi một nhóm côn đồ trong khi họ đang đi bộ quanh Hồ Tây. Ông Hòa bị đánh vỡ kính, chảy máu quanh vùng mắt.
25. Chưa đầy một tháng sau đó, ngày 2 tháng 5, Lê Mỹ Hạnh và hai người bạn nữ đã bị một nhóm côn đồ tấn công dã man ở thành phố Hồ Chí Minh. Một trong những kẻ tấn công, Phan Sơn Hùng, 33 tuổi, thậm chí còn quay phim vụ hành hung tập thể và đăng đoạn phim này lên facebook. Thay vì điều tra vụ án, cảnh sát đã cố gắng bảo vệ Phan Sơn Hùng và gây khó khăn cho các nạn nhân trong quá trình khiếu nại.

Rất ít nỗ lực thực hiện các nghĩa vụ về nhân quyền

26. Mặc dù Việt Nam đã ký kết các hiệp định quốc tế quan trọng về quyền con người, nhưng chính quyền nước này cho thấy ít nỗ lực trong việc thực hiện các cam kết và nghĩa vụ của mình. Điều đó thể hiện rõ ràng nhất trong các vụ bắt giữ liên tiếp các nhà hoạt động nhân quyền trong vài năm gần đây.

27. Luật sư Nguyễn Văn Đài và đồng nghiệp, nhà hoạt động Lê Thu Hà, bị bắt vào ngày 16 tháng 12 năm 2015, ngay sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam hàng năm. Hiện tại họ vẫn đang ở trong tù đang chờ xét xử mà không được gặp luật sư.

28. Trong số 15 người hoạt động nhân quyền được mời chính thức, đã có 9 người không thể gặp tổng thống Barack Obama, vì bị chặn bắt gắt gao một cách công khai và ngang nhiên.

29. OHCHR ngày 13 tháng 5 năm 2016 đã bày tỏ mối quan tâm của họ đối với bạo lực ngày càng tăng đối với người biểu tình ôn hòa tại Việt Nam trong các cuộc biểu tình để bảo vệ môi trường. Đáp lại, chính quyền Việt Nam đã phủ nhận bạo lực đã xảy ra, trong khi công an nghiễm nhiên gia tăng các hành động trả thù người biểu tình.

Kết luận

30. Một loạt các quyền cơ bản của con người vẫn bị vi phạm ở Việt Nam, đặc biệt là tự do ngôn luận, hội họp và lập hội, và tự do tôn giáo, với bạo lực và đàn áp chính trị gia tăng. Điều này chắc chắn sẽ làm giảm sự thịnh vượng của người dân Việt Nam, và về lâu về dài sẽ cản trở sự phát triển bền vững của quốc gia.

31. Do những vi phạm nhân quyền đang lan rộng, có thể nói rằng cộng đồng quốc tế đã không làm đủ để đảm bảo chính quyền Việt Nam bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền. Các hiệp ước và hiệp định quốc tế, bao gồm các sáng kiến hợp tác thương mại song phương, đã không ngăn được việc vi phạm nhân quyền ở trong nước.

32. Các cơ chế hiện tại để bảo vệ quyền con người có thể không góp phần vào việc cải thiện nhân quyền ở Việt Nam nếu tiếng nói của xã hội dân sự độc lập vẫn chưa được nhìn nhận hoặc khối xã hội dân sự độc lập ít đóng vai trò nào trong quá trình giám sát.

33. Một cơ chế hiệu quả để thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam đòi hỏi phải có sự tham gia rộng rãi của cả cộng đồng quốc tế lẫn khu vực xã hội dân sự ở Việt Nam. Các hiệp định thương mại song phương nên kết hợp các điều khoản và thủ tục đánh giá và xem xét lại về nhân quyền.

KHUYẾN NGHỊ TỪ CÁC TỔ CHỨC XHDS ĐỘC LẬP:
Liên quan đến hợp tác thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, chúng tôi, đại diện của các tổ chức xã hội dân sự độc lập hoạt động để bảo vệ và quảng bá nhân quyền ở Việt Nam, khuyến nghị:

1, Bất kỳ sáng kiến hợp tác thương mại song phương mới nào giữa hai nước đều cần có các điều khoản về nhân quyền rõ ràng và ràng buộc về mặt pháp lý. Sẽ rất tốt nếu các điều khoản về quyền lao động của Mỹ-Việt Nam về Tăng cường Quan hệ Thương mại và Lao động được áp dụng trong trường hợp đó để hai nước bắt đầu một sáng kiến hợp tác thương mại mới.
2, Cần phải có một cuộc cải cách toàn diện trong hệ thống pháp luật để đảm bảo tư pháp độc lập. Các luật chính liên quan đến quyền dân sự và chính trị, bao gồm luật về hội và luật biểu tình, nên sớm được ban hành.
3, Việc đàn áp các nhà hoạt động nhân quyền ôn hòa – dưới tất cả các hình thức: hành hung, bắt giữ tùy tiện, sách nhiễu liên tục và cấm xuất cảnh – phải được chấm dứt.
4, Tù nhân lương tâm phải được bảo đảm quyền được xét xử công bằng, không bị tra tấn và đối xử hoặc trừng phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo hay mất nhân phẩm. Trong trường hợp tốt nhất, tất cả tù nhân lương tâm phải được trả tự do vô điều kiện.
5. Một cơ chế xem xét, đánh giá về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cần được thực hiện, theo đó, khuyến khích và tạo điều kiện cho sự tham gia của xã hội dân sự độc lập.

Trân trọng,
Các tổ chức ký tên:
• Con Đường Việt Nam, VPM
• Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, IJAVN
• Cây Xanh Việt Nam (Green Trees), CSO về môi trường
• Hội Cựu Tù nhân Chính trị, AFPP
• Hội Bảo vệ Quyền Tự do Tôn giáo, APFOR
• Nhóm Làm việc về UPR
• Sài Gòn Báo
• Trẻ Hà Nội, nhà xuất bản độc lập
• Giấy Vụn, nhà xuất bản độc lập
• Trang facebook Nhật Ký Yêu Nước
• VOICE Việt Nam.

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh