Kiểm soát cảng biển châu Á: Một cuộc chiến khác giữa Trung Quốc và Nhật Bản
Posted by Luu HoanPho, Jun 15, 2017, Comments Off
Tin AFP, RFI.- Nhật Bản đang tranh giành quyết liệt với Trung Quốc quyền kiểm soát các cảng biển quan trọng tại châu Á, nhằm bảo đảm an ninh các tuyến đường vận chuyển hàng hóa và nguyên nhiên liệu. Đồng thời, Tokyo muốn kiềm hãm bớt đà bành trướng ảnh hưởng của Bắc Kinh trong khu vực. (hình trên: cảng Tokyo, 2015).
Mua lại cổ phần, hợp tác khai thác, tham gia xây dựng, Nhật Bản đang góp phần phát triển cơ sở hạ tầng tại châu Á thông qua các khoản cho vay trực tiếp hay từ Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, qua đó cạnh tranh quyết liệt với Trung Quốc, ví dụ như trong dự án quản lý cảng nước sâu Sihanoukville ở Cam Bốt. Tokyo tiến hành hợp tác với New Delhi để cùng khai thác cảng Colombo tại Sri Lanka. Nhật Bản cũng tham gia xây dựng cảng Thilawa tại Miến Điện, dự kiến hoàn thành trong năm 2018.
Tính đến cuối tháng 3/2016, Ấn Độ và Indonesia đứng đầu danh sách các nước châu Á được Nhật Bản cho vay với tổng trị giá 1.700 tỷ yên cho mỗi nước. Tiếp đến là Việt Nam với mức vay là 1.400 tỷ. Tokyo hiện là một đối tác ngoại giao và kinh tế quan trọng trong khu vực.
Theo phân tích của tờ Nikkei Asian Review, việc Trung Quốc tìm cách kiểm soát hầu hết các tuyến đường biển đi từ Biển Đông đến châu Âu thông qua sáng kiến Một Vành Đai, Một Con Đường đang khiến Nhật Bản lo âu. Bởi vì, đó cũng chính là những tuyến hàng hải quan trọng đối với Tokyo trong việc nhập dầu khí từ Trung Đông và xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu.
Trong thời bình, những cảng biển nằm dọc theo Ấn Độ Dương chủ yếu dùng để vận chuyển hàng hóa. Nhưng nếu Trung Quốc mở rộng được tầm ảnh hưởng, “họ có thể sử dụng những cảng này cho mục đích quân sự” như cảnh báo của một quan chức Nhật Bản.
Mùa thu năm 2014, một tầu ngầm Trung Quốc đã từng ghé vào một cảng do Trung Quốc khai thác tại Sri Lanka. Vụ việc đã gây sốc cho các quốc gia láng giềng.
Do đó, trong nỗ lực kiềm chế Bắc Kinh, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe kêu gọi phát triển một khu vực Ấn Độ Dương “mở và tự do”, đồng thời, Tokyo tăng cường các mối quan hệ với các nước khác tại châu Á, thông qua các chương trình hỗ trợ phát triển chính thức và nhiều trợ giúp khác. Không chỉ hỗ trợ về mặt kinh tế – tài chính, kể từ năm 2015, Nhật Bản còn mở rộng trợ giúp sang cả lĩnh vực quân sự, cứu hộ, cứu trợ thiên tai.
Dù vậy, vẫn còn nhiều khu vực Nhật Bản chưa có được mối quan hệ chặt chẽ như tại châu Âu hay châu Phi. Đây chính là điểm Trung Quốc có thể tận dụng. Cuộc chạy đua giữa hai cường quốc tranh giành quyền kiểm soát trong khu vực sẽ càng thêm gay gắt.
Nguồn: AFP, RFI/Minh Anh