Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Phán quyết của PCA giúp Việt Nam vững tin hơn


Hình: Những người biểu tình cầm khẩu hiệu chống Trung Quốc trong cuộc biểu tình chống lại sự hiện diện của Trung Quốc trong vùng tranh chấp ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 12 tháng 6 năm 2017.

Ngày 12/7/2016, Tòa Trọng tài Thường trực Quốc tế- PCA tại The Hague, Hà Lan ra phán quyết về yêu sách đường chín đoạn – hay còn gọi là đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra để đòi hỏi chủ quyền trên Biển Đông. Ý kiến của các chuyên gia trong nước về phán quyết này nhân 1 năm sau khi phán quyết của PCA được đưa ra.

Phán quyết của PCA

Nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia đánh giá, vụ kiện của Philippines ra toà Trọng tài quốc tế PCA đối với đường yêu sách chủ quyền chín đoạn của Trung Quốc trên Biển Đông là một vụ kiện lịch sử, có nhiều ý nghĩa, trong đó có sự thượng tôn pháp luật quốc tế.

Tại thời điểm phán quyết được đưa ra, ngày 12/7/2016, các bên liên quan có những phản ứng khác nhau.

Ngay từ ban đầu, Trung Quốc đã có chính sách “ba không” – không công nhận thẩm quyền của Toà PCA, không công nhận phán quyết và không tuân thủ phán quyết. Theo Giáo sư Nguyễn Bá Diến – Giám đốc Trung tâm Luật biển và Hải đảo Việt Nam, Trung Quốc dường như đã “choáng váng” với “quả đấm knock-out” này trong nửa năm đầu sau ngày phán quyết.

“Trung Quốc đã bắt đầu phản đòn bằng việc hoá giải phán quyết này, lôi kéo, mua chuộc Phillipines mà bây giờ chính quyền của ông Duterte bằng con bài kinh tế và cả chính trị, tác động tới giới cầm quyền của Phillipines hiện nay. Thứ hai là hoá giải các nước khác từ Indonesia, Malaysia, Brunei, các nước khác ở miền Đông.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Viện phó Viện nghiên cứu các vấn đề phát triển nói rõ hơn về động thái của Philippines đối với Phán quyết của Toà PCA:

“Sau khi đã có một phán quyết thuận lợi như thế nhưng Phillipines đã gác sang một bên để thực hiện một cú xoay trục từ đồng minh chiến lược Hoa Kỳ sang đồng minh mới là Trung Quốc. Ở chỗ này ông Duterte có một sự tính toán, nghĩa là tạm gác lại sổ đỏ của ông lại. Ông coi phán quyết của toà là một cái sổ đỏ ghi nhận quyền lợi của Phi và bác yêu cầu của Trung Quốc, nhưng ông tranh thủ Trung Quốc. Tuy nhiên cho đến nay thì Phillipines có thể cũng phải xem lại cũng quyết định này.”

Điều khiến Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng nói Philippines cần xem xét lại chính sách xoay trục, tạm bỏ qua phán quyết PCA, chính là những động thái gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông – khi nước này tăng cường gây căng thẳng, làm thay đổi hiện trạng khu vực tranh chấp, quân sự hoá các đảo, đá cưỡng chiếm được và đe doạ an ninh khu vực.

Các nước liên quan

Trong bối cảnh như vậy, các nước có chung tranh chấp với Trung Quốc như Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines nói riêng và ASEAN nói chung cần có sự đoàn kết. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Giáo sư Nguyễn Bá Diến, Trung Quốc đã “hoá giải” vấn đề này:

“Cái số một họ đã làm đó là ‘củ cà rốt’, vừa đe dọa, hù dọa bằng ‘thanh gươm’ vừa dùng con bài ‘củ cà rốt’ để hoá giải. Thậm chí họ phá cả bàn cờ ASEAN. Bao nhiêu năm nay ASEAN có thực sự là một tổ chức đoàn kết, thống nhất như chúng ta, các dân tộc ASEAN mong đợi hay không? Không, tôi nghĩ chủ mưu ở đây là Trung Quốc gây ra những rệu rã những năm qua. Và nguy cơ là việc thành lập một cộng đồng ASEAN đúng như mong đợi hơi còn xa vời.”

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cho rằng, tuỳ thuộc vào nội lực của từng quốc gia, thì sẽ có vị thế khi đấu tranh với Trung Quốc trên biển Đông khác nhau:

“Trong bối cảnh hiện nay mà nói, thì bốn nước này có khả năng phối hợp như thế nào thì tôi thấy khả năng đó cũng ít. Vì bốn nước này là thành viên ASEAN mà ASEAN như một tổ chức mà vừa rồi trong vấn đề biển Đông, tuy cũng có một số nỗ lực thông qua một số tuyên bố hằng năm họp ASEAN. Nhưng tất cả đều tránh nói trực tiếp tới phán quyết của PCA.”

Khởi kiện Trung Quốc?

Trước đây, đã có nhiều tiếng nói yêu cầu Việt Nam phải khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Quốc tế để đòi lại quần đảo Hoàng Sa và các đảo, đá tại quần đảo Trường Sa. Với phán quyết của PCA ngày 12/7/2016 – được coi là một hình mẫu, một tấm gương đi trước, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm sử dụng công cụ pháp lý để bảo vệ chủ quyền.

Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng cho rằng vấn đề Biển Đông nay đã trở thành vấn đề toàn cầu, liên quan đến các nước lớn, nên vấn đề khởi kiện Trung Quốc cần nhìn nhận dưới góc độ “cân bằng chiến lược”:

“Việt Nam là một nước liên quan, từ lâu đã có sự chuẩn bị. Từ lâu Việt Nam đã đăng ký hồ sơ, đưa hồ sơ lên Liên Hiệp Quốc và đã chuẩn bị. Tuy nhiên, Việt Nam phải tính toán trên nhiều nhân tố khác nữa như yếu tố chính trị và sự leo thang căng thẳng. Tôi nghĩ không có lý do gì Việt Nam không huy động pháp lý như một cái lợi khí để đấu tranh bảo vệ chủ quyền của mình.”

Giáo sư Nguyễn Bá Diến khẳng định, Việt Nam đầy đủ hệ thống lập luận, bằng chứng xác thực về chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với Quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông ví đây như chiếc “nỏ thần” giúp Việt Nam bảo vệ Biển Đông: “Trung Quốc rất sợ Việt Nam sử dụng công cụ pháp lý. Đó là cái sợ nhất của nhà cầm quyền Trung Quốc. Nếu Việt Nam làm một vụ khởi kiện nữa, đưa ra quốc tế, Liên Hiệp Quốc để đàm phán thì Trung Quốc mất mặt lắm, sợ lắm. Đấy là nỏ thần của nước Việt thời hiện đại. Luật pháp quốc tế là nỏ thần của nước Việt Nam thời hiện đại.”

Tuy dù Việt Nam chưa có động thái khởi kiện Trung Quốc như Philippines, nhưng theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Việt Nam đã biết tận dụng “dư luận quốc tế” và nội dung phán quyết để có những bước đi chủ động về mặt ngoại giao, hợp tác an ninh – quốc phòng trong năm 2017.

Nguồn: RFA

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh