Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Thông điệp của thế giới và các nhà đấu tranh ở Việt Nam gửi về ông Lưu Hiểu Ba


Chỉ trong vòng vài phút sau khi thế giới được tin người đoạt giải Khôi nguyên Hoà bình Lưu Hiểu Ba qua đời, hàng loạt các hãng truyền thông lớn của thế giới, và các nhà đấu tranh, bất đồng chính kiến, người lên tiếng vì môi trường, dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam cũng đồng loạt đăng bài viết chia sẻ về cuộc đời, cảm kích về sự nghiệp đấu tranh của ông.

Từ thế giới

Sau khi có tin về sự ra đi của ông Lưu Hiểu Ba, tin nhận được từ hãng thông tấn AP cho biết những người ủng hộ nhân quyền và các nhà hoạt động dân chủ đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc. Ông Vương Đan, một trong những người lãnh đạo phong trào phản kháng dân chủ năm 1989 tại Quảng trường Thiên An Môn tại Bắc Kinh, kêu gọi các chính phủ và người dân trên toàn thế giới phải lên tiếng để bà Lưu Hà, vợ của ông Lưu Hiểu Ba được rời Trung Quốc, nơi bà đang bị quản thúc tại gia.

Hãng thông tấn AP trích lời ông Vương viết, “Lưu Hiểu Ba, người thầy đáng kính của tôi, anh trai yêu dấu của tôi, bạn đã chịu quá nhiều khó khăn, hãy yên nghĩ.”

Thủ lĩnh phong trào dù vàng Hồng Kong, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) đăng trên trang tweeter của anh lời cam kết: “Chúng tôi sẽ tiếp bước con đường của ông, tranh đấu cho nền dân chủ của Hồng Kong và Trung Quốc.”

Nghệ sĩ, nhà hoạt động nổi tiếng thế giới Ngải Vị Vị đã viết: “Hãy yên nghỉ, chúng tôi ở đây, và Lưu Hiểu Ba cũng ở đây với chúng tôi.”

Đến Việt Nam

Từ Việt Nam, Facebooker Ngô Thanh Tú, từ Bình Thuận viết trên trang cá nhân của ông: “Cái chết của ông Lưu làm người dân Việt Nam nhớ đến thầy giáo Đinh Đăng Định, người đã nhiều lần lên tiếng phản đối việc xây dựng các nhà máy khai thác Bauxite ở Cao nguyên Trung phần Việt Nam. Không chấp nhận tiếng nói trái chiều, nhà cầm quyến CSVN đã giam cầm thầy giáo Định trong những nhà tù khắc nghiệt nhất nhằm đè bẹp ý chí của ông.

Cũng như Lưu Hiểu Ba, bất chấp những lên án và kêu gọi thả thầy giáo Định, nhà cầm quyền CSVN quyết tâm giam cầm ông và chỉ thả khi ông mắc bịnh hiểm nghèo và chết không nhắm mắt (theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng) một thời gian ngắn sau đó.”

Thầy giáo, tù nhân lương tâm Đinh Đăng Định cũng chính là nhân vật được nhà đấu tranh Nguyễn Chí Tuyến nhắc ngay đến khi được hỏi về ảnh hưởng của ông Lưu Hiểu Ba đối với phong trào đấu tranh dân chủ trong nước.

“Đối chiếu với những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam, ví dụ như thầy Đinh Đăng Định, thầy cũng bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt và bỏ tù. Đến lúc thầy gần chết thì người ta mới đưa ra khỏi nhà tù, về nhà một thời gian sau thì thầy chết.

Với ông Lưu Hiểu Ba thì nhà cầm quyền Trung Quốc đối xử với ông cũng chả khác gì.

Thế nhưng cái nguyện vọng cuối đời của ông ấy là ông ấy nói nếu chết thì ông ấy mong muốn được chết trên một đất nước tự do, tức là ông ấy không muốn chết trên đất nước Trung Quốc, không muốn chết trên chế độ bạo tàn của Cộng sản.”

Năm 2008, ông Lưu Hiểu Ba bị giam giữ. Một năm sau ông bị kết án 11 năm tù giam vì “kích động lật đổ chính quyền” sau khi ông cho ra đời tuyên ngôn mang tên “Hiến chương 2008”, kêu gọi việc xem xét và cải cách dân chủ hệ thống chính quyền của Trung Quốc.

Năm 2010, trong lúc đang trong tù giam, ông được trao giải Nobel Hoà bình. Do ông thể tham dự, giải thưởng đã được đặt trên một chiếc ghế trống, cùng với tấm ảnh chân dung của ông được phóng lớn treo bên cạnh.

Nói về thời khắc “nhận” giải thưởng Nobel Hoà Bình của ông Lưu Hiểu Ba, ông Nguyễn Chí Tuyến liên tưởng đến ngày trao giải Phụ nữ Quốc tế Dũng cảm năm 2017 cho blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Hôm đó, bà cũng không thể có mặt vì đang bị giam giữ do bị cáo buộc ‘tuyên truyền chống nhà nước’ theo điều 88 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.

Hình ảnh chung

Theo ông Nguyễn Chí Tuyến, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một trong những ví dụ điển hình cho thấy sự tương đồng về cách đối xử của nhà nước Trung Quốc và Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến.

“Tôi nhìn qua trường hợp của ông Lưu Hiểu Ba thì tôi thấy tất cả những gì của Việt Nam và Trung Quốc thì hoàn toàn không khác nhau gì mấy về tất cả thủ đoạn cũng như gọi là chiêu trò của Đảng cộng sản với người bất đồng chính kiến.”

Từ Hà Nội, nhà hoạt động Đường Văn Thái, cho biết blogger Mẹ Nấm và những nhà hoạt động đấu tranh khác đang bị giam cầm trong tù chính là hình ảnh của những Lưu Hiểu Ba ở Việt Nam.

“Điều đó là điều hiển nhiên. Như vừa rồi phiên toà xét xử Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh là một ví dụ rất điển hình. Cách đối phó cũng như cách hành xử với nhà bất đồng chính kiến của nhà cầm quyền Cộng sản thì như nhau cả thôi. Chẳng qua nó gọi là phiên bản F1, F2”

Nhà đấu tranh Trần Bang, từ Sài Gòn trả lời chúng tôi qua email cho rằng cách thức nhà nước Trung Quốc đối với ông Lưu Hiểu Ba ngay cả những ngày cuối đời không khác với phản ứng của nhà nước Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền trong nước.

“Đúng là có sự tương đồng giữ Trung Quốc và Việt Nam trong việc phản ứng với những người bất đồng chính kiến, đấu tranh cho dân chủ nhân quyền.

Nhiều nhà bất đồng chính kiến thường liên hệ rằng “nếu phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên Bắc Kinh thắng lợi thì Trung Quốc đã chuyển hoá sang dân chủ như Liên Xô, Đông Âu… thì độc tài Cộng sản Việt Nam cũng đã sập.”

Còn rất nhiều những lời chia sẻ của thế giới và của người Việt Nam gửi đến ông, người Trung Quốc đoạt giải Khôi nguyên Hoà Bình vì những nỗ lực thúc đẩy nhân quyền ngay trên đất nước của ông. Xin mượn câu nói của chính ông Lưu Hiểu Ba: “Vì không có thế lực nào có thể ngăn chặn được đòi hỏi của con người được có tự do và Trung Quốc cuối cùng sẽ trở thành một quốc gia được điều hành bởi luật pháp, nơi nhân quyền là trên hết” để kết thúc cho bài viết Thông điệp của thế giới và các nhà đấu tranh ở Việt Nam gửi về ông Lưu Hiểu Ba.

Nguồn: RFA/Cát Linh

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh