Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Mỹ cần đóng vai trò tích cực hơn ở biển Đông


Hình trên: Các chuyên gia trình bày tại buổi Hội thảo quốc tế biển Đông lần thứ 7 tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC hôm 18 tháng 7.

Hội thảo quốc tế biển Đông lần thứ 7 vừa diễn ra tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế ở Washington DC hôm 18 tháng 7. Hội thảo lần này tập trung chủ yếu vào những diễn biến gần đây trên biển Đông, một năm sau phán quyết của tòa Trọng tài Quốc tế (PCA) về biển Đông, và vai trò của Mỹ ở biển Đông.

Lo ngại về vai trò của Mỹ ở biển Đông

Thượng Nghị sĩ Mỹ Cory Gardner, Chủ tịch tiểu ban Đông Á thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, mở đầu buổi hội thảo quốc tế về biển Đông ở trung tâm CSIS hôm 18/7 với khẳng định rằng biển Đông là một phép thử đối với vai trò lãnh đạo của Mỹ trong khu vực.

TNS. Cory Gardner: Chủ đề biển Đông tại hội thảo hôm nay đã nổi lên thành một trong các thách thức về an ninh quốc gia gây tranh cãi nhất đối với Mỹ và khu vực. Nó là một phép thử về luật pháp quốc tế, vai trò lãnh đạo và cam kết của Mỹ với một khu vực của thế giới nơi mà các quốc gia Châu Á khác không thể chấp nhận các vấn đề an ninh kinh tế, an ninh quốc gia và chính sách ngoại giao trở thành một thứ được Trung Quốc dùng như độc quyền.

Ông nhìn nhận chính phủ mới của Mỹ trong thời gian qua đã có những bước đi cho thấy mối quan tâm đến khu vực thể hiện qua các chuyến thăm cấp cao đến các nước châu  Á. Tuy nhiên, theo ông như vậy vẫn chưa đủ.

Thượng nghị sĩ Gardner nói đến 3 thách thức lớn nhất của Mỹ trong khu vực châu Á Thái Bình Dương là vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn, tranh chấp biển Đông và khủng bố. Về vấn đề biển Đông, ông kêu gọi Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện chương trình tự do hàng hải FONOPs được bắt đầu từ thời của Tổng thống Barack Obama, giúp trang bị năng lực cho các nước trong khu vực để đối phó với sức ép từ Trung Quốc, thực hiện tuần tra chung ở biển Đông với các nước Nhật bản, Úc và Anh, tăng cường hợp tác với Philippines là nước đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á.

Theo Thượng Nghị sĩ Gardner, Trung Quốc trong thời gian qua đã hành động đơn phương và dựa vào sức mạnh của mình để lấn át các nước yếu thế khác trong khu vực, và vì vậy đã đến lúc chính phủ Hoa Kỳ cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn trong khu vực này để trấn an các đồng minh của mình trong khu vực. Thượng nghị sĩ Gardner nói ông sẽ giới thiệu một dự luật mới có tên là Asia Reassurance Initiative Act (gọi tắt là ARIA), theo đó Mỹ sẽ phải tham gia tích cực hơn vào khu vực không chỉ về mặt an ninh quốc phòng mà còn cả vấn đề kinh tế, dân chủ và nhân quyền.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy, Giám đốc Quỹ Nghiên cứu biển Đông của Việt Nam, một diễn giả tại hội thảo cho biết có những lo ngại trong khu vực về sự không chắc chắn về chính sách ở khu vực biển Đông của chính quyền Mỹ bất chấp những hoạt động FONOPs của tàu và máy bay Mỹ trong khu vực trong vài tháng qua.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy lo ngại vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn sẽ ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc ở biển Đông vì Trung Quốc là nước có ảnh hưởng quan trọng có thể gây sức ép lên Bắc Hàn.

TS. Trần Trường Thủy: một điều đáng quan ngại hơn cho các nước có liên quan trong khu vực là việc kết nối vấn đề biển Đông với các vấn đề khác trong quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, đặc biệt mà khi Mỹ quá tập trung vào vấn đề Bắc Hàn và điều mà chúng ta thấy là hướng tiếp cận của Mỹ lên Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông là trông đợi để có được sự hợp tác hơn nữa của Trung Quốc trong vấn đề Bắc Hàn. Trong tháng qua chúng ta thấy Mỹ có tập trung hơn vào vấn đề biển Đông nhưng chúng ta không rõ đây là do Mỹ đã có một chiến lược rõ ràng hơn đối với vấn đề biển Đông hay chỉ là gây sức ép lên Trung Quốc để Trung Quốc hợp tác hơn trong vấn đề Bắc Hàn.

Chuyên gia Ely Ratner thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ thì cho rằng Mỹ phải xác định rõ mục tiêu của mình là ngăn chặn Trung Quốc ở biển Đông, mà để làm được điều này thì các hoạt động trong chương trình FONOPs mà Mỹ vẫn thực hiện vẫn chưa đủ. Mỹ cần phải chấp nhận rủi ro, phải chấp nhận hợp tác kinh tế đa phương chứ không chỉ song phương như chủ trương của Tổng thống Donald Trump, tăng chi tiêu hỗ trợ cho các nước trong khu vực. Ông cũng nói có thể Hoa Kỳ sẽ phải chấp nhận đứng về một phía trong tranh chấp ở biển Đông như đã làm với quần đảo Senkaku của Nhật Bản thay vì luôn duy trì quan điểm trung lập không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền ở biển Đông như từ trước đến nay.

Biển Đông không yên lặng

Hội thảo quốc tế về biển Đông năm nay diễn ra cũng là dịp để các chuyên gia quốc tế nhìn lại tình hình biển Đông một năm sau phán quyết của tòa trọng tài quốc tế (PCA) liên quan đến vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc về biển Đông và những ảnh hưởng của phán quyết này lên hành động của các nước.

Học giả Xue Chen thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc tiếp tục khẳng định lập trường của Trung Quốc đối với phán quyết của tòa PCA, đó là lập trường 4 không: không chấp nhận, không tham dự, không thừa nhận và không chấp hành. Học giả Trung Quốc bác bỏ phán quyết của tòa về đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc. Tòa PCA hôm 12 tháng 7 năm ngoái đã bác bỏ hoàn toàn tính pháp lý về đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc. Học giả Xue Chen cũng đề cập đến những sức ép về quốc tế đối với Trung Quốc trong việc phải làm rõ những yêu sách cụ thể của nước này đối với đường đứt khúc 9 đoạn, nhưng theo ông việc Trung Quốc không làm rõ yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn trên thực tế sẽ không có lợi cho các nước khác cũng có đòi hỏi về chủ quyền ở biển Đông.

Học giả Xue Chen cũng lên án các hoạt động thuộc chương trình FONOPs của Mỹ và gọi đây là các hành động nhằm cho các nước khác trong khu vực thấy Mỹ đang đe dọa Trung Quốc chứ không phải nhằm mục đích khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Tiến sĩ Trần Trường Thủy cho rằng phán quyết của tòa PCA đã làm rõ hơn vấn đề yêu sách của các nước đối với các thực thể ở Trường Sa và Hoàng Sa, theo đó các thực thể này không phải là đảo và do đó không có một thực thể nào đang tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực có được vùng lãnh hải lớn hơn 12 hải lý. Theo Tiến sĩ Trần Trường Thủy, phán quyết này của tòa do đó cũng giúp giảm khu vực tranh chấp và khả năng cho các hoạt động hợp tác nghiên cứu phát triển.

TS. Trần Trường Thủy: Phán quyết này có ý nghĩa đối với tình hình biển Đông vì nó làm giảm khu vực tranh chấp. Khu vực tranh chấp lớn nhất chỉ là 12 hải lý quanh các thực thể nổi ở cả Trường Sa và Hoàng Sa. Không có một nước nào nhìn nhận đường đứt khúc 9 đoạn. Một ảnh hưởng khác nữa là phán quyết cũng làm giảm khả năng cho các hoạt động hợp tác pháp triển ở biển Đông vì tình hình đã rõ ràng.

Học giả Việt Nam cũng nhìn nhận tình hình biển Đông 1 năm sau phán quyết của tòa PCA là khá bình lặng, quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Việt Nam, Philippines, Malaysia, là những nước có tranh chấp với Trung Quốc cũng được cải thiện. Ngoài ra ASEAN và Trung Quốc cũng đã đồng ý một bộ khung bản thảo cho một bộ Quy tắc về ứng xử của các bên trên biển Đông (gọi tắt là COC). Theo ông có những một số nhân tố ảnh hưởng bao gồm việc Trung Quốc muốn đẩy mạnh sáng kiến vành đai con đường với các nước châu Âu và châu Á, phán quyết của tòa khiến Trung Quốc phải tính toán lại các bước đi của mình và sự khó đoán trước về chính sách của Mỹ trong khu vực cũng làm Trung  Quốc phải chần chờ trong các hành động.

Tuy nhiên theo Tiến sĩ Trần Trường Thủy, ý định của Trung Quốc ở biển Đông là không thay đổi và sức mạnh của nước này thì vẫn ngày một lớn, vì vậy biển Đông có thể yên lặng trên bề mặt nhưng không hề yên lặng phía dưới và do đó người ta có thể sẽ trông đợi những bất ngờ trong tương lai.

Nguồn: RFA

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh