Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Dân Hải Dương đòi đóng cửa nhà máy dệt Pacific Crystal


Hình trên: Người dân đặt quan tài phản đối nhà máy dệt Pacific Crystal ở tỉnh Hải Dương.

Dân làng Việt Nam phong tỏa một nhà máy dệt lớn cung cấp vải cho các thương hiệu thời trang quốc tế, để đòi đóng cửa vĩnh viễn nhà máy này vì lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Hãng tin Reuters đưa tin, hàng trăm cư dân tỉnh Hải Dương từ tháng Tư đến nay đã lập lán trại, thay phiên nhau ngày cũng như đêm, phong tỏa nhà máy dệt Pacific Crystal, để đòi nhà máy này ngưng hoạt động. Pacific Crystal là do tập đoàn Pacific Textiles có trụ sở ở Hồng Kông điều hành.

Trong những doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi cuộc phong tỏa có hãng thời trang UNIQLO của Nhật Bản.

Vụ phong tỏa nhà máy Pacific Crystal là thêm một thách thức khác nữa đối với chính quyền nhà nước cộng sản Việt Nam, liên quan tới nạn ô nhiễm do công nghiệp gây ra vào một thời điểm khi Việt Nam đang vận động đầu tư nước ngoài nhằm duy trì mức tăng trưởng kinh tế thuộc hạng cao nhất Đông Nam Á.

Khai trương năm 2015, nhà máy dệt Pacific Crystal tại Hải Dương là một liên doanh giữa tập đoàn Pacific Textiles Holdings Ltd. và tập đoàn sản xuất hàng may mặc Crystal Group. Được biết vốn đầu tư ban đầu là ít nhất 180 triệu USD.

Người dân địa phương cho biết từ năm ngoái họ bắt đầu ngửi thấy mùi hôi thối.

Ông Vũ Đình Vịnh, một cựu chiến binh nói: “Mùi thôi bốc lên rất khó chịu, hôi hám, không chịu nổi.”

Ông Vịnh cho biết khi ông và những người khác đi kiểm tra, thì phát hiện ra mùi hôi từ nước thải của nhà máy.

Theo một thông báo trên trang mạng của chính quyền tỉnh Hải Dương hồi tháng Hai, công ty này đã bị phạt 672 triệu đồng vì xả thải độc hại ra môi trường trong tháng 12.

Báo Tuổi trẻ trích quyết định xử phạt cho biết công ty xả nước thải có 5 thông số vượt 10 lần quy chuẩn kỹ thuật về chất thải vào môi trường.

Hôm thứ Tư 19/7, khi một đoàn chính quyền địa phương ra thời hạn ba ngày để dân làng phải giải tán, dân nói họ sẽ không đi đâu cả.

Ông Bùi Văn Nguyệt, 70 tuổi, khẳng định: “Chúng tôi muốn trục xuất nhà máy này và không cho họ sản xuất nữa.”

Ông Eugene Cheng, Giám đốc bộ phận trách nhiệm xã hội của tập đoàn Pacific Textiles, nói với Reuters rằng với sự trợ giúp của chính quyền địa phương, công ty đã thực hiện các bước để ngăn chặn xả nước thải gây ô nhiễm.

Trong tuần, công ty Pacific Textiles cho biết họ đang chờ Ủy ban nhân dân và quản lý khu công nghiệp “giải tỏa cuộc phong tỏa”.

Hãng thời trang Fast Retailing của Nhật Bản, chủ sở hữu nhãn hiệu UNIQLO, nói với Reuters rằng hãng sử dụng vải từ nhà máy này qua trung gian, và hiện đã chuyển sang sử dụng nguồn khác. Hãng này cho biết đã xác minh những bước mà công ty Pacific Crystal đã thực hiện để khắc phục tình trạng ô nhiễm do xả thải.

Hãng thời trang Fast Retailing tin rằng vụ tranh chấp đền bù giá đất với nông dân liên quan đến các điều khoản ban đầu của việc chuyển quyền sử dụng đất, và nói thêm rằng cả hãng và công ty Pacific Crystal đều không liên quan trong vụ tranh chấp này.

Người dân nói vụ tranh chấp với chính quyền địa phương về việc bán đất, đã diễn ra hơn một thập kỷ, là một vấn đề riêng biệt.

Ông Vịnh nói: “Đây là hoàn toàn là vấn đề ô nhiễm.”

Công ty Pacific Textiles không cho biết công ty cung cấp vải cho khách hàng nào từ nhà máy này nhưng trang web của hãng cho biết họ có quan hệ với các thương hiệu như Calvin Klein và Victoria’s Secret.

Nạn ô nhiễm ở Việt Nam đã gây nhiều chú ý trong dư luận kể từ năm ngoái, sau khi nhà máy thép Formosa Plastics xả thải gây cá chết hàng loạt tại các tỉnh miền Trung.

Chính quyền yêu cầu các doanh nghiệp phải đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường mới có thể tiếp tục sản xuất ở trong nước.

Nhưng mặt khác, chính quyền cũng áp dụng các biện pháp cứng rắn để đàn áp các nhà vận động môi trường, những cuộc biểu tình của họ là phép thử đối với các giới hạn về luật nghiêm ngặt, hạn chế những lời chỉ trích và cố gắng duy trì trật tự công cộng.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người được biết đến dưới bút danh Mẹ Nấm, một trong những blogger nổi tiếng nhất của Việt Nam, trong tháng này bị tuyên án 10 năm tù giam về tội danh tuyên truyền chống nhà nước.

Nguồn: VOA Tiếng Việt

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh