Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Biển Đông: Việt Nam lùi bước trước Trung Quốc vì Mỹ thờ ơ?


Từ hai tuần lễ nay, thời sự Biển Đông sôi động trước một thông tin chưa được bên nào xác nhận chính thức : Việt Nam đã cho tập đoàn Tây Ban Nha Repsol khoan dò dầu khí tại lô 136-06, nằm ở ven vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông, một lô mà Trung Quốc cũng cho là của họ, đặt tên là Vạn An Bắc và giao quyền khai thác cho một hãng dầu khí khác tại Hồng Kông. Bắc Kinh đã gây sức ép, dọa tấn công vào các vị trí của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Thế là Hà Nội đã lùi bước, ra lệnh cho Repsol rời khỏi khu vực.

Trong một bài viết mang tựa « Tuần lễ Donald Trump để mất Biển Đông – The Week Donald Trump Lost the South China Sea », đăng trên trang blog của tạp chí Mỹ Foreign Policy ngày 31/07/2017, nhà báo kiêm nhà nghiên cứu về tranh chấp Biển Đông Bill Hayton, một trong những người đầu tiên tiết lộ các thông tin kể trên, đã lược lại diễn biến của sự kiện mà ông gọi là Việt Nam « khuất phục » trước Trung Quốc và cho rằng sở dĩ Hà Nội làm như vậy là vì không thấy Mỹ có động tĩnh gì trước hành vi đe dọa dùng võ lực của Trung Quốc đối với Việt Nam.

Về diễn biến của vụ việc, nhà báo Bill Hayton ghi nhận trước tiên thái độ bạo dạn lúc ban đầu của Việt Nam khi bật đèn xanh cho hãng Talisman Vietnam, công ty con của tập đoàn Repsol, đưa tàu khoan dò Deepsea Metro 1 đến khu vực lô 136-06 để bắt đầu khoan vào khoảng trung tuần tháng 6/2017. Việt Nam dư biết là Trung Quốc có thể sẽ tìm cách ngăn chặn, vì thế đã cho tàu Cảnh Sát Biển cũng như tàu có hình thức là dân sự đến bảo vệ tàu khoan của hãng Talisman.

Mũi khoan thử đầu tiên đã phát hiện một trữ lượng rất đáng kể chủ yếu là khí đốt, với một ít dầu hỏa và hãng Talisman hy vọng sẽ khoan tới độ sâu của giếng này vào cuối tháng 7/2017.

Thế nhưng Trung Quốc đã nhảy vào cản trở, trước hết là trên bình diện ngoại giao. phó chủ tịch Quân Ủy Trung Ương Trung Quốc tướng Phạm Trường Long đã đến Hà Nội ngày 18/06/2017 và đòi Việt Nam dừng ngay việc khoan dò. Bị Việt Nam từ chối, nhân vật này cắt ngắn chuyến thăm, hủy bỏ một chương trình giao lưu quốc phòng đã được lên kế hoạch từ trước.

Sức ép của Bắc Kinh trên Hà Nội càng lúc càng tăng và từ ngoại giao đã chuyển sang quân sự. Theo nhà báo Bill Hayton, một số nguồn tin từ Hà Nội cho biết là đại sứ Việt Nam ở Bắc Kinh đã bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu mời lên để đe dọa một cách thẳng thừng rằng : Nếu Việt Nam không chấm dứt khoan dầu khí và hứa không bao giờ thăm dò trên vùng biển đó nữa, thì Trung Quốc sẽ có hành động quân sự nhắm vào các cơ sở của Việt Nam trên Biển Đông.

Cũng theo Bill Hayton, thông tin nói trên đã được một số nguồn tin khác xác nhận với chuyên gia Carl Thayer, thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc.

Theo nhà báo Bill Hayton, Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản Việt Nam đã họp tại Hà Nội để bàn cách đối phó. Theo nguồn tin mà tập đoàn Repsol có được thì trong Bộ Chính Trị, đa số các ủy viên chủ trương tiếp tục khoan dò, cho rằng Trung Quốc chỉ dọa suông mà thôi, nhưng lại có hai phiếu chống mang tính quyết định của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và bộ trưởng Quốc Phòng Ngô Xuân Lịch. Sau hai cuộc họp căng thẳng giữa tháng 7/2017 : Việt Nam khuất phục trước Trung Quốc và chấm dứt khoan dò.

Lập luận chiếm ưu thế là Việt Nam không thể dựa vào sự giúp đỡ của chính quyền Trump trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc trên Biển Đông.

Theo Bill Hayton : « Hà Nội thường trông chờ hậu thuẫn ngầm của Washington để chống lại những đe dọa từ Bắc Kinh. Trong khi đó, chính quyền Trump cho thấy là họ không hiểu hoặc là không quan tâm đúng mức đến lợi ích của các nước bạn hay các đối tác tiềm năng ở Đông Nam Á để đứng ra bảo vệ đối tác trước sự hung hăng của Bắc Kinh ». Vào lúc Việt Nam bị Trung Quốc hù dọa thẳng thừng, thì chính quyền Trump lại ngập đầu trong các tranh cãi về gián điệp Nga và dự luật cải tổ y tế.

Bài báo kết luận bi quan : « Repsol hiện đang dùng xi măng bít giếng khoan thử nghiệm và chuẩn bị rời đi. Các thông tin từ khu vực cho biết một chiếc tàu khảo sát địa chấn của Trung Quốc, chiếc Hải Dương Thạch Du HYSY760, được một đội tàu nhỏ bảo vệ, đang trên đường đến nơi để tự mình khoan dò. Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS đã bị Trung Quốc xé bỏ, và trật tự dựa trên luật pháp bị giảm thiểu… Giá mà Hà Nội nghĩ là sẽ được Washington chống lưng thì có thể Trung Quốc sẽ phải chùn bước – và như vậy uy tín của Hoa Kỳ trong khu vực sẽ tăng cao. Đằng này thì Trump đã để cho khu vực trôi về phía Bắc Kinh.»

Nguồn: REUTERS, RFI/Trọng Nghĩa

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh