Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

VỤ KIỆN TỈ ĐÔ: Hy vọng mong manh của chính phủ VN


Trong vòng tối đa 6 tháng tới, chúng ta sẽ biết ai là người chiến thắng trong vụ kiện tỷ đô tại Tòa Trọng tài ICC được khởi xướng bởi doanh nhân Trịnh Vĩnh Bình đòi Chính phủ VN bồi thường cho những tài sản của ông đã bị tịch thu trái phép vào cuối thập niên 90.

Qua video ghi lại cảnh ông Trịnh Vĩnh Bình bước ra khỏi cổng Tòa với một trạng thái hân hoan và đầy phấn khích sau khi kết thúc quá trình tố tụng, dường như cho thấy Ông cảm nhận được sự chiến thắng đang rất gần kề.

Nếu trong vài tháng tới, Trọng tài ICC tại Paris ra Phán quyết tuyên Trịnh Vĩnh Bình thắng kiện và buộc Phính phủ VN phải bồi thường thì cuộc chiến pháp lý chưa hẳn đã kết thúc đối với Chính Phủ VN.

Theo Luật quốc tế, Phán quyết Trọng tài là có giá trị chung thẩm, và có hiệu lực thi hành tức thì, nhưng trong một số trường hợp Phán quyết Trọng tài khi bị kháng cáo vẫn có thể bị bác bởi Tòa án Quốc gia khi trọng tài xét xử trên lãnh thổ của quốc gia đó. Chẳng hạn như Phán quyết Trọng tài trong vụ Trịnh Vĩnh BÌnh được giải quyết tại Paris thì Tòa án quốc gia Pháp vẫn có thẩm quyền để bác bỏ Phán quyết này.

Cơ sở để Tòa án Quốc gia bác bỏ một Phán quyết trọng tài sẽ xảy ra nếu Tòa án Quốc gia đánh giá rằng Tòa Trọng tài không đủ thẩm quyền để giải quyết tranh chấp, hoặc có sự vi phạm trong quá trình tố tụng trọng tài, hoặc Phán quyết do trọng tài đưa ra không đảm bảo về nội dung và hình thức v.v…

Điều này lý giải cho việc Tòa trọng tài ICC không có chức năng đưa ra phán quyết, mà họ chỉ giám sát toàn bộ quá trình xét xử của Hội đồng Trọng tài – do các bên tranh chấp tự lập ra hoặc do Tòa trọng tài ICC chỉ định (nếu các bên tranh chấp không lập ra được), để đảm bảo rằng Phán quyết Trọng tài sẽ tuân thủ mọi tiêu chuẩn pháp lý để không bị bác bởi Tòa án Quốc gia.

Như vậy, trong vụ này có thể nói Tòa án Quốc gia Pháp sẽ là “khe cửa hẹp” giúp Chính phủ VN kháng cáo nhằm lật ngược tình thế nếu thua tại Tòa Trọng tài ICC, dù rằng hy vọng rất mong manh.

Trên thực tế, Tòa án Quốc gia bác Phán quyết Trọng tài khi bị kháng cáo là ít khi xảy ra nhưng không hẳn là không có tiền lệ.

Như gần đây nhất vào năm 2014, tại Hà Lan, các cổ đông của Tập đoàn dầu khí Yukos (của ông trùm Mikhail Khodorkovsky) kiện chính phủ Liên bang Nga ra Tòa Trọng tài thường trực tại Hague (Hà Lan) yêu cầu chính phủ Nga bồi thường hơn 100 tỷ đô trong vụ tịch thu tài sản của họ cùng với ông trùm Mikhail Khodorkovsky. Trọng tài đã ra Phán quyết với thắng lợi thuộc về các Cổ đông Yukos khi quyết định buộc Chính phủ Nga phải bồi thường 50 tỷ đô cho các cổ đông Yukos, vì Trọng tài nhận định rằng chiến dịch chống lại Yukos chỉ phục vụ cho mục đích chính trị của Nga chứ không đơn thuần là trốn thuế. Một năm sau đó, Bỉ và Pháp là hai quốc gia hăng hái đầu tiên thi hành Phán quyết Trọng tài Hague theo Công ước New York bằng cách phong tỏa tài khoản ngân hàng của các Tập đoàn có 100% vốn thuộc nhà nước Nga. Các cổ đông Yukos đang hí hửng ăn mừng, thì một năm sau, Chính phủ Nga đã lật ngược được tình hình khi kháng cáo thành công vụ việc lên Tòa án quốc gia Hà Lan.

Theo đó, Tòa án Quốc gia Hà Lan ra quyết định bác Phán quyết Trọng tài Hague, với nhận định rằng Tòa Trọng tài trong vụ này không có “thẩm quyền đầy đủ” để ra Phán quyết liên quan đến Hiệp ước Hiến chương Năng lượng vì Nga chưa phê chuẩn Hiệp ước này. Quyết định của Tòa án quốc gia Hà Lan cho phép tòa án các khu vực pháp lý khác nhau từ chối thực hiện phán quyết đền bù của trọng tài.

Quyết định này của Tòa án Quốc gia Hà Lan đồng nghĩa với việc Chính phủ Nga không phải trả tiền 50 tỷ đô cho người thắng kiện là các Cổ đông Yukos. Sự kiện này đã cho thấy Chính phủ Nga đã lật ngược tình thế pháp lý một cách ngoạn mục với tình tiết Tòa Trọng tài “không có thẩm quyền đầy đủ”. Cùng với việc sử dụng sức mạnh chính trị và ngoại giao, Nga đe nẹt các quốc gia đòi thi hành phán quyết trọng tài, theo kiểu: “Cơ sở pháp lý đã có rồi, giờ thằng nào đụng đến tài sản của ông thì đừng trách ông!”

Với tiền lệ từ vụ kiện của Nga, Chính phủ VN dù có thua ở Tòa trọng tài ICC, vẫn có thể tiếp tục theo đuổi vụ án này bằng cách kháng cáo lên Tòa án Quốc gia Pháp để lật ngược tình thế. Điều này có thể mang lại những thách thức thật sự cho ông Trịnh Vĩnh Vĩnh, không dễ gì lấy được tiền từ Chính phủ VN, thậm chí khi Tòa án Quốc gia Pháp bác đi Phán quyết trọng tài ICC sẽ kéo theo hệ quả cuộc chiến pháp lý đòi lại tài sản của ông Bình coi như đã kết thúc mà không lấy được đồng nào.

Tuy nhiên, nếu chú ý kỹ vụ này, chúng ta sẽ thấy tổ hợp luật sư của ông Bình đã có những bước đi nhằm hạn chế việc Phán quyết Trọng tài bị bác bởi Tòa án quốc gia. Cụ thể, theo thông tin ông Bình trả lời phỏng vấn cho báo chí trước khi xét xử, vụ này này được ông Bình nộp đơn kiện ra Tòa trọng tài thường trực tại La Haye (Hà Lan), theo quy chế UNCITRAL, nhưng cuối cùng nơi diễn ra phiên xử trọng tài lại là Tòa Trọng tài ICC ở Paris, khi hai cơ quan này là hoàn toàn độc lập với nhau.

Phải chăng Tổ hợp luật sư của ông Bình đã dùng một số thủ thuật để tránh phiên xử ở Tòa Trọng tài Thường trực diễn ra tại Hà Lan – nơi đã có tiền lệ Tòa án Quốc gia đi bác Phán quyết Trọng tài như vụ của Yukos với Chính phủ Nga? Hay do ông Bình là công dân Hà Lan nên trọng tài không cho phép xử trên “sân nhà”? Dù gì thì việc Tòa trọng tài ICC đặt trên lãnh thổ của Pháp – nơi sản sinh ra Tuyên Ngôn Nhân quyền và Dân quyền – nơi có truyền thống bảo vệ tài sản người dân trước mọi sự tước đoạt của chính quyền đã ăn sâu vào tư tưởng của những thẩm phán đang bảo vệ hệ thống pháp luật dân sự tại quốc gia này, là một điều rất thuận lợi cho ông Bình.

Điều đó cho thấy ông Bình đang đi đúng hướng nhằm ngăn ngừa tối đa Phán quyết Trọng tài bị bác bởi Tòa án quốc gia, nhằm mục đích bịt luôn “khe cửa hẹp” của Chính phủ VN trong vụ việc này.

Tuy nhiên cũng có một vấn đề khó lý giải ở đây là theo Quy tắc của Tòa Trọng tài ICC nêu rõ chỉ giải quyết tranh chấp khi có sự đồng thuận chấp nhận từ cả 2 bên: tức người đi kiện là ông Bình và người bị kiện là Chính phủ VN. Trong khi đó, như chúng ta thấy Chính phủ VN hoàn toàn không muốn tham gia vụ kiện này, khi Chính phủ VN từ chối thì Tòa trọng tài ICC cũng không xử được. Làm cách nào mà luật sư của ông Bình lại kéo được Chính phủ VN chấp nhận ra Tòa trọng tài ICC, vẫn còn là một bí ẩn.

Đến lúc này, toàn bộ thông tin về vụ kiện đều do phía ông Bình cung cấp, còn Chính phủ VN thì hoàn toàn im lặng. Giá như Chính phủ VN chịu cung cấp thông tin về vụ kiện này thì chúng ta mới có thể biết rõ hơn về những câu chuyện lấn cấn bên trong.

Sự lấn cấn nhiều chỗ trong vụ này làm nhiều luật sư chuyên về mảng tranh chấp trọng tài cũng không thể đưa bình luận và đánh giá vụ việc. Vì tôi không phải là luật sư nên tôi mạnh dạng “chém gió” vụ này để những người quan tâm có thể biết thêm một chút luật lệ quốc tế về tranh chấp, để tiếp tục… hóng!

Riêng quan điểm của cá nhân tôi trong vụ này, tôi ủng hộ mạnh mẽ tính cỗ hữu của quyền tài sản và lên án bất kỳ một hình thức tước đoạt tài sản tùy tiện nào – bao gồm cả việc tước đoạt tài sản một cách hợp pháp theo luật định nếu như luật đó không đảm bảo được tính hợp lý và tính chính đáng.

Nguồn: FB Phạm Lê Vương Các

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh