Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Con Trai cố Tổng Thống Trần Văn Hương


Ông Lưu Vĩnh Châu, người con trai Tổng thống chính quyền Sài Gòn Trần Văn Hương…là một chiến sĩ Điện biên !

Hồi ấy ông có tên là Dõi. Trần Văn Dõi. Con trai đầu lòng của Ông Đốc học Tây Ninh Trần Văn Hương.

Trong những ngày đầu sôi nổi của cuộc Cách mạng tháng Tám, rất nhiều trí thức miền Đông miền Tây tham gia kháng chiến trong số đó có Đốc học tỉnh Tây Ninh Trần Văn Hương. Vị đốc học này đã trở thành Chủ tịch ủy ban hành chính kháng chiến tỉnh Tây Ninh như vậy đó, khi ông Dõi đang tuổi mười tám vừa học xong trung học Cần Thơ.

Như một lẽ tự nhiên của lớp trẻ hồi ấy, ông xung vào thanh niên tiền phong rồi vào Vệ quốc đoàn tháng 10 năm 1945.

Những trận đánh ác liệt của bộ đội Tây Ninh chọi lại những tiểu đoàn thiện chiến quân đội Pháp như Trâu Vàng, Bến Sỏi, Bến Cầu… đơn vị ông đều tham gia tuốt luốt. Gian khổ ác liệt. Thiếu thốn trăm bề. Nhưng thứ thiếu nhất, bức xúc nhất vẫn là thiếu súng đạn! Vì vậy ông nhận lệnh nhập vào một đội quân ra Bắc nhận vũ khí vào thời điểm cuối năm 1946.

Lênh đênh nhiều ngày trên biển, tới đất Bắc lần đầu tiên trong đời biết thế nào là những cơn gió bấc cắt thịt da thì bập ngay vào không khí hừng hực sục sôi của những ngày toàn quốc kháng chiến. Ông tham gia chiến đấu cùng tự vệ và Vệ quốc đoàn khu phố Bạch Mai phối thuộc với Trung đoàn Thủ Đô. Đơn vị ông may mắn thoát ra được.

Ông được lựa trong số những người ưu tú đi học trường lục quân Trần Quốc Tuấn khoá IV. Ngày khai giảng khoá học, anh thanh niên người Nam Bộ Trần Văn Dõi lấy tên mới là Lưu Vĩnh Châu và sau đó một năm trở thành đảng viên ĐCS Đông Dương.

Tốt nghiệp, Lưu Vĩnh Châu được điều về một đơn vị vận tải. Năm 1952 là đại đội trưởng C57, tiểu đoàn 206 thuộc Tổng cục Hậu cần QĐNDVN. Sau đó, đơn vị của Châu được lệnh tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ.

Phần việc nặng nề nhất để chuẩn bị cho chiến dịch là đảm bảo giao thông thông suốt ở hai cửa ngõ quan trọng vào mặt trận như thứ yết hầu của cơ thể là bến phà Tạ Khoa qua sông Đà và ngã ba Cò Nòi. Tiểu đoàn 206 sau khi vinh dự nhận cờ thưởng luân lưu của Hồ Chủ tịch đã kiên cường bám trụ liên tục suốt ngày đêm tại hai trọng điểm này. Thương vong chả phải ít. Công sức bỏ ra khó mà tính đếm để tìm được tìm ra phương pháp tháo gỡ nhiều loại bom nổ chậm cũng như tìm những cung chặng vòng tránh đảm bảo giao thông thông suốt với mặt trận.

Trong số cán bộ chiến sĩ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ ngày ấy, anh em người Nam Bộ rất hiếm hoi, hình như chỉ có 3 người là Nguyễn Trí Việt (312) và Châu Kỳ Nam (316) và đại đội trưởng công binh – vận tải Lưu Vĩnh Châu? May mắn là cả 3 anh em đều cùng khoá IV của trường Lục quân Trần Quốc Tuấn, cùng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng bước sang tuổi tám mươi và bây giờ cùng sống tại thành phố mang tên Bác!

Năm 1954, niềm vui chiến thắng thì có nhưng niềm vui đoàn tụ với Châu chưa thành! Không có tổng tuyển cử cũng như ngày Bắc Nam đoàn tụ. Lưu Vĩnh Châu đi dò hỏi hàng tháng trời qua bà con ra tập kết tin tức người thân quê nhà nhưng vẫn bặt vô âm tín. Hình ảnh người cha gày gò dong dỏng ngày nắm vội bàn tay cậu con trai như in hằn trong tâm trí …

Xứ Bắc ba lâu rồi chưa ghé lại… ở ngoải, ba có nhiều bạn bè hồi cùng học trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội như Nguyễn Khánh Toàn, Hoàng Minh Giám, Phạm Huy Thông… Mà thôi, ra đó ráng làm mau nhiệm vụ rồi về!

Một lần về Đồ Sơn an dưỡng, Lưu Vĩnh Châu đã gặp được một người con gái quê mẹ ở Mỏ Cày, công tác ở bên y tế Hải Phòng. Họ nên vợ nên chồng … Năm 1961, Đại uý QĐNDVN Lưu Vĩnh Châu chuyển ngành đi học Đại học Bách khoa Hà Nội. Tốt nghiệp loại ưu, Châu được điều về công tác ở Ban công nghiệp Trung ương.

Một ngày nọ, một người bạn thân cùng quê tập kết đang công tác ở Hà Nội bất ngờ cho anh hay cái tin là người cha của anh hiện còn sống! Chưa kịp mừng, Châu suýt té ngửa sững sờ bởi người bạn cho biết thêm, trong đó cha anh vừa mới được chọn làm một chức lớn, Phó tổng thống nguỵ quyền Sài gòn !

Tổ chức nhà trường Đại học Bách khoa và tổ chức nơi anh công tác chỉ biết Lưu Vĩnh Châu là con trai Trần Văn Hương chủ tịch UBKC tỉnh Tây Ninh! Theo gợi ý của người bạn, anh lên gặp ông Ung Văn Khiêm là chỗ quen của hai anh em, hiện đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Ông Bộ trưởng niềm nở tiếp hai anh em. Rồi một hôm, Lưu Vĩnh Châu lại được ông Ung Văn Khiêm kêu tới… Việc của anh là viết một bức thư cho “ông già” như ông Khiêm gợi ý, không nói chi cả, chỉ báo tin cho ổng hay là Châu có công ăn việc làm tử tế ngoài Bắc, hiện là kỹ sư cơ khí, có một mái ấm gia đình với vợ và hai con v.v…

Lá thư được gửi đi… Một thời gian sau, ông Khiêm lại gọi anh tới, gợi ý rằng có thể Châu sẽ phải vô Nam làm một nhiệm vụ đặc biệt. Còn nhiệm vụ chi, thời gian nào, tổ chức sẽ tính tiếp và giao cụ thể. Châu phải giữ bí mật việc này, không được nói với ai kể cả tổ chức cơ quan hay vợ con…

Lá thư không có hồi âm cũng như nhiệm vụ đặc biệt đã không đến với kỹ sư Lưu Vĩnh Châu. Năm năm qua đi… rồi tới ngày toàn thắng 30 tháng Tư… Kỹ sư Lưu Vĩnh Châu cứ yên ổn làm việc, trước là tại Ban công nghiệp Trung ương sau là một thời gian dài biệt phái xuống nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo chuyên lo chế tạo động cơ nổ 12 mã lực cùng việc cải tiến bơm cao áp con heo dầu là đề tài khoa học mà Lưu Vĩnh Châu say mê và đã bỏ ra rất nhiều thời gian lẫn công sức!

Ba năm sau mùa xuân 1975, tại căn nhà số 216A, đường Điện Biên Phủ thành phố Hồ Chí Minh, đêm đã khuya lắm tại phòng khách, câu chuyện giữa hai người một già một trẻ của hai cha con đã diễn ra tới sáng.

Thời gian làm chủ tịch UBHC kháng chiến Tây Ninh thấy bộ đội du kích đằng mình bắt nhầm mấy ông trí thức rồi qui là Việt gian, có người còn bị họ đem bắn, ba ớn quá! Ba mặc cảm, hoang mang… Sau năm 1946, ba bỏ về quê và tuyên bố hẳn hoi Trần Văn Hương nầy không làm bất cứ việc gì liên quan đến chuyện theo Tây phản lại dân tộc! Ba về Sài Gòn mở một kho thuốc. Nhưng đâu có yên. Chánh tham biện gặp ba, Bảo Đại gặp ba. Rồi sau này có cả người của Diệm nữa… Tất thảy đều mời ba ra làm việc nhưng ba đã thề rồi. Chính quyền Diệm bắt ba giam 3 tháng. Con hỏi sao ba lại nhận chức phó tổng thống?

Chuyện thì dài nhưng ba có cái ý của ba… Mỹ đưa quân vô dữ lắm. Mỹ thì có khác chi Tây? Học trò của ba nhiều người làm cấp này chức khác tới khóc nói là đám quân sự Thiệu Kỳ nắm hết quyền hành, hoành hành tham nhũng dữ quá, khổ dân… Thầy là người có tài có đức, dù sao lúc này tiếng nói của thầy có trọng lượng, thầy nên đứng ra lãnh một việc chi đặng giúp gì đó cho dân tộc!

Ba đã lầm cũng như sau này lại lầm. Mình hổng có đảng riêng có quân đội có tài chính riêng, ngoại bang kiểm soát hết thì mần được cái chi ?! À, còn cái thơ của con, ba có nhận được, nghe nói hồi đó do chính ông Phạm Ngọc Thạch đem vô Nam, nhưng lúc đó ba cứ bán tín bán nghi bởi nghe nói hồi ra Bắc con chết lâu rồi mà? Thằng Ba em con nói, thôi cứ đốt tiêu đi nhỡ có bề gì lại liên luỵ!

Căn biệt thự sang trọng của ông cựu Tổng thống Trần Văn Hương sau giải phóng, cách mạng không đụng tới. Hàng ngày từ nhà riêng ông dùng xe đạp tự tới dinh Độc lập là địa điểm học tập cải tạo do ông Cao Đăng Chiếm giảng bài. Cuối khoá các quan chức tướng tá nguỵ quyền Sài Gòn tham gia học tập đều phải viết thu hoạch. Ông Chiếm nói ông Trần Văn Hương có tuổi, mắt lại kém nên miễn cho việc viết nhưng ông Hương cứ tình nguyện viết thu hoạch nghiêm cẩn.

Sau cuộc hội ngộ lần đó, vợ chồng kỹ sư Lưu Vĩnh Châu chuyển vô thành phố công tác. Thi thoảng vợ chồng ông có ghé qua thăm ông già (mẹ ông mất trước giải phóng nhằm ngày 30 tháng 12 năm 1974 . Ông Hương ở với người con gái. Người con trai út, em ruột ông Châu đã ra nước ngoài).

Chú Tư Chì, giáo sư dạy đại học Mỹ Tho, bạn với ông Trần Văn Hương, hồi đó công tác ở Mặt trận Tổ quốc thành phố giục ông Châu nên về ở với ông già. Thứ nhứt, vợ ông là bác sĩ, ông già tuổi cao lại lắm bệnh, nhỡ có bề gì. Thứ hai, ông Tư cười bộ tụi bây cứ e dè làm vậy người ta ngỡ cách mạng mình hổng có tình cảm gia đình chi ráo trọi…

Được lời như cởi tấm lòng. Vợ chồng ông nghe chú Tư, bỏ ngoài tai những sự đồn thổi ác ý, lẳng lặng dọn về ngôi nhà ở đường Điện Biên Phủ để làm phận sự con trai với cha già, dâu con với cha chồng! Hàng ngày vợ ông vừa lo công chuyện cơ quan vừa lui cui tất bật cơm nước chợ búa để chắp nối cho vừa cho đủ những năm tháng bao cấp khốn khó. Trong mớ tem phiếu mà bà chầu chực trước các cửa hàng mậu dịch có tiêu chuẩn phiếu E của người cha chồng mà nhà nước mình cấp cho nguyên tổng thống chính quyền Sài Gòn Trần Văn Hương!

Có lẽ sự so xúi túng bấn là có thực còn chuyện của chìm của nổi của người đứng đầu chính quyền cũ – cho dù chỉ ít ngày – chỉ là sự đồn thổi chăng mà người em trai của ông Châu khi đó đang ở nước ngoài đã viết thơ về hối thúc cha lẫn anh mình rằng cứ đưa ông già qua biên giới tức khắc sẽ có người đón (!?). Ông già Trần Văn Hương đọc thơ cười lớn sáng ngày 30 tháng 4 năm 1975, đại sứ Ma-tin còn gọi điện hối thúc là luôn giành sẵn cho qua một chiếc trực thăng. Nếu qua có đi thì đi ngay từ hồi đó rồi!

…Có lẽ đám tang ông Trần Văn Hương thuộc loại hiếm ở thành phố vào cái thời điểm Mồng Ba Tết năm 1982? Muốn chết đơn giản, ông xin được thiêu xác. Quây kín ở đài hoá thân hoàn vũ bữa đó như cách nói vui của người Sài Gòn là đông đủ cả người của cách mạng và người của chế độ cũ. Lại có sự hiện diện của mấy vị tướng nguỵ vừa mãn hạn học tập cải tạo. Phụ trách lễ tang là bạn cũ của người vừa quá cố, GS Nguyễn Văn Chì tức chú Tư Chì, Chủ tịch UBMTTQ thành phố Hồ Chí Minh…

Ngó cái tuổi tám mươi của ông Châu thơ thái cùng con cháu trong khu chung cư theo tiêu chuẩn nhà nước, tôi chả muốn hỏi ông bà thêm về duyên do hồi họ vui vẻ rời căn biệt thự đường Điện Biên Phủ. Nhìn đồ đạc khiêm nhường trong căn chung cư giản dị này, tôi bất giác nhớ tới một trưa ấy ghé đất Vĩnh Long. Chuyến đi ấy tôi chỉ nhớ hơi lâu căn nhà lợp ngói ta xây thâm thấp tờ tợ như cung cách xây cất của một nhà địa chủ thường ngoài Bắc của cụ thân sinh ra ông Trần Văn Hương ở thị trấn Long Hồ…

Thân thế nhân sĩ Trần Văn Hương

Thầy giáo Trần Văn Hương sinh năm 1902, tại làng Long Châu, quận Châu Thành (nay là thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long trong một gia đình nghèo. Nhờ học giỏi và được sự hy sinh của gia đình, cậu học sinh Trần Văn Hương được ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư Phạm… Sau khi tốt nghiệp, ông giáo Trần Văn Hương được bổ về dạy tại trường Collège Le Myre De Villers tại Mỹ Tho, cũng là ngôi trường cũ mà ông đã theo học mấy năm trước. Thời gian 1943-1945, ông Hương là giáo sư dạy môn văn chương và luận lý tại trường này. Ông là một thầy giáo, từng giữ chức vụ Đốc học Tây Ninh và đã đào tạo nhiều học trò nổi tiếng (tướngDương Văn Minh, tổng thống cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa, cũng tự nhận là một học trò của ông) .

Cách mạng tháng Tám nổ ra, ông tham gia chính quyền Việt Minh với tư cách nhân sĩ tự do khi Pháp tái chiếm Đông Dương. Ông được cử giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chính Kháng chiến tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, năm 1946, ông bỏ về quê và tuyên bố bất hợp tác với cả chính quyền Việt Minh lẫn Pháp, sống ẩn dật cho đến năm 1954. Trong thời gian đó ông lập đảng Phục Hưng, nhóm họp một số nhân vật chính trị như Tổng trưởng Kinh tế và Kế hoạch Trần Văn Văn.

Sau Hiệp định Genève, năm 1955, ông ra làm đô trưởng Sài Gòn trong chính quyền của Thủ tướng Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn. Sau đó, ông từ chức để phản đối chính sách độc tài gia đình trị của Ngô Đình Diệm thời Đệ nhất Cộng hòa. Năm 1960, ông cùng 17 nhân sĩ thành lập nhóm Tự do Tiến bộ, tổ chức họp báo tại khách sạn Caravelle (thường được gọi là “nhóm Caravelle”), chính thức xác nhận địa vị đối lập với chính quyền. Khi cuộc đảo chính do đại tá Nguyễn Chánh Thi đưng đầu nổ ra, nhóm Caravelle đã tuyên bố ủng hộ. Vì thế ông cùng 17 vị nhân sĩ nhóm Caravelle bị chính quyền bắt giam. Trong tù, ông có viết một tập thơ lấy tên là Lao trung lãnh vận (tức “Những vần thơ lạnh lẽo ở trong tù”).

Sau khi chính quyền Ngô Đình Diệm bị lật đổ, năm 1964, ông lại được cử giữ chức Đô trưởng Sài Gòn lần thứ hai. Không lâu sau, ngày 4 tháng 11 năm 1964, ông lại được Quốc trưởng Phan Khắc Sửu mời giữ ghế Thủ tướng và lập Nội các.

Tuy nhiên chính phủ của Trần Văn Hương không tồn tại được lâu vì ngày 27 tháng 1 năm 1965, tướng Nguyễn Khánh làm cuộc chỉnh lý, lật đổ chính quyền dân sự và Quốc trưởng Phan Khắc Sửu bị truất phế. Trần Văn Hương cũng bị bắt và quản thúc một thời gian ở Vũng Tàu.

Năm 1968, để tạo ảnh hưởng, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã mời ông ra làm Thủ tướng lần thứ hai.

Năm 1971, ông cùng Nguyễn Văn Thiệu liên danh ứng cử và đắc cử chức vụ Phó tổng thống nhiệm kỳ 1971-1975.

Ngày 21 tháng 4 năm 1975, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu phải tuyên bố từ chức và trao quyền lại cho Phó tổng thống Trần Văn Hương. Ông cũng chỉ nắm chức vụ trong 7 ngày. Ngày 28 tháng 4, ông đã trao quyền lãnh đạo cho tướng Dương Văn Minh để tìm cách điều đình với lực lượng cộng sản đối phương đang tiến vào sát thủ đô Sài Gòn. Ông được xem là vị tổng thống dân sự cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

Ông lấy vợ họ Lưu, sống ở căn nhà số 216 đường Phan Thanh Giản, Sài Gòn. Ông bà có hai người con trai. Con trai lớn là Trần Văn Dõi (1924-2011) và con thứ là Trần Văn Đính (sinh 1925). Trần Văn Dõi theo Việt Minh rồi bỏ ra Bắc. Trần Văn Đính làm phụ tá cho cha ở Sài Gòn rồi tỵ nạn sang Mỹ năm 1975, sống ở California. Cháu nội Trần Bảo Danh (con của Trần Văn Đính) nay sống ở Oregon Hoa Kỳ.

Sau 1975, ông chọn ở lại quê hương, tiếp tục sống ở căn nhà 216, nay đổi tên thành đường Điện Biên Phủ. Năm 1977, ông được chính quyền Việt Nam trao trả quyền công dân nhưng ông khước từ. Ông nói rằng:

Chừng nào những người tập trung cải tạo được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!

Những năm tháng cuối đời, ông sống chung với em gái, em rể, và người con trai lớn là Lưu Vĩnh Châu, tên thật là Trần Văn Dõi, một cán bộ của Ban Công nghiệp Trung ương, nguyên là đại úy Quân đội Nhân dân Việt Nam đã từng tham gia trận Điện Biên Phủ.

Ông mất ngày 27 tháng 1 năm 1982, nhằm ngày mồng ba Tết Nhâm Tuất, hưởng thọ 80 tuổi.

Tài liệu tham khảo

Những ngày cuối cùng của Tổng Thống Trần Văn Hương

Nhân cuộc phỏng vấn tác giả Trần Văn nhân cuốn sách viết về cựu Trung Tướng Đặng Văn Quang trên đài SBTN, chúng tôi đã nhận được điện thoại của ông Trần Văn Đính, thứ nam của Cựu Tổng Thống Trần văn Hương, nhờ chúng tôi viết lại nhiều thông tin trên báo chí chưa rõ hay nói sai, kể lại những ngày cuối cùng của Cụ Trần Văn Hương tại Saigon cũng như câu chuyện liên quan đến Tướng Đặng Văn Quang. Ông Trần Văn Đính năm nay đã 87 tuổi, hiện sống tại Nam California, đã là phụ tá đặc biệt cho thân phụ ông trong nhiều năm, từ 1965-1975.

Hai người con, hai chí hướng

Theo sự trình bày của ông Trần Văn Đính, ông bà Trần Văn Hương chỉ có hai người con trai.

1. Người con lớn là Trần Văn Dõi, sinh năm 1924 (nhiều người như các ông Hứa Hoành, Huỳnh Văn Lang đã ghi lầm là Trần văn Giỏi – vì Cụ Hương đã có một người em ruột tên Giỏi (1), và nhiều bài khảo cứu dựa theo tài liệu của Mỹ lại không bỏ dấu, mà chỉ ghi là Doi). Khi phong trào kháng chiến nổi lên, đang theo học tại trường “College de Can Tho.” ông Dõi bỏ học theo Việt Minh. Khi phái đoàn Hồ Chí Minh qua Pháp dự Hội Nghị Fontainebleau trở về tới Vũng Tàu, ông Dõi theo ra Bắc. Năm 1948, ông được gửi theo học trường Lục Quân Trần Quốc Tuấn và đổi tên là Lưu Vĩnh Châu (lấy họ mẹ), sau này tham gia trận Điện Biên Phủ với cấp bậc đại úy Công Binh, là đảng viên cộng sản.

Theo tài liệu, ông Dõi sau khi biết thân phụ mình là phó tổng thống VNCH, đã trình sự việc lên ông Ung Văn Khiêm là tổng trưởng Nội Vụ miền Bắc thời đó. Về phần Cụ Hương cũng đã xác nhận với tình báo Hoa Kỳ về chuyện cụ có một đứa con trai bên kia giới tuyến.

Một thời gian lâu sau khi CS vào Saigon, ông mới được phép đem gia đình (vợ tập kết và hai con, một trai một gái) vào gặp cha, và ít lâu sau dọn về ở với Cụ Trần Văn Hương tại số nhà 216 Phan Thanh Giản (sau này đổi lại Điện Biên Phủ). Con trai ông Dõi hiện làm việc tại Saigon và cô con gái hiện sống ở Hungary.
Sau khi Cụ Trần Văn Hương qua đời năm 1982, ngôi nhà này được chính quyền “cho phép” bán, chia cho gia đình em gái út Cụ Hương và gia đình ông Dõi. Ông Trần Văn Dõi đã qua đời năm 2011 tại quận Tân Bình, Saigon.

Cụ Trần văn Hương và cháu nội Trần Thủy Vân (1967- 1997)
con gái ông bà Trần Văn Ðính. (Hình gia đình chụp năm 1968)

2. Người con thứ nhì, là Trần Văn Đính, sinh năm 1925, chính là người sống với Cụ Trần Văn Hương, làm phụ tá đặc biệt cho Cụ từ năm 1965 cho đến trước ngày bàn giao chức vụ tổng thống cho ông Dương Văn Minh vào ngày 28 tháng 4, 1975.

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, năm 1955, trước khi Cụ Trần văn Hương theo lời mời của TT Ngô Đình Diệm ra làm Đô Trưởng Saigon-Chợ Lớn thì ông Trần Văn Đính đã tự túc xuất ngoại sang Anh Quốc. Ông đã học và làm việc tại Londre 3 năm, Paris (Pháp) 2 năm và Francfurt (Tây Đức) 5 năm. Cuối năm 1964, khi Cụ Trần Văn Hương lên làm thủ tướng lần thứ nhất, ông đã được gọi về, như một người thân tín, sống gần gũi, giúp thân phụ làm phụ tá đặc biệt. Ông lập gia đình tại Saigon với một người mà ông đã từng gặp tại Paris 6 năm về trước, ông bà có hai người con, trai là Trần Bảo Danh hiện sống tại Oregon và gái là Trần Thủy Vân trong tấm hình chụp với ông nội trên trang báo này.

Ngày 21 tháng 4, 1975, sau khi ông Nguyễn Văn Thiệu bàn giao chức vụ tổng thống lại cho Cụ Trần Văn Hương, trước tình hình căng thẳng tại Saigon, Ông Trần Văn Đính muốn thu xếp cho vợ con rời Việt Nam và ở lại bên cạnh cha, nhưng cuối cùng Cụ Hương không đồng ý đã hối thúc con trai rời Việt Nam cùng với gia đình.
Năm 2005, ông Trần Văn Đính có về Việt Nam và có gặp anh là Trần Văn Dõi, nhưng ông cho biết anh em xa nhau đã lâu ngày, lại khác chí hướng, không mấy hứng thú để trò chuyện. Hiện nay ông bà Trần Văn Đính đều đã già, đang sống cô đơn trong một khu mobil home thuộc thành phố Huntington Beach, vì con trai ở xa và cô con gái đã mất năm 1997 vì chứng ung thư máu.

Túng quẫn nhưng giữ trọn chí khí

Trong tiểu sử của Cựu Tổng Thống Trần văn Hương, không ai nghe nói đến cụ bà đệ nhất phu nhân cũng như trong suốt thời gian Cụ Hương làm việc trong chính phủ VNCH, không ai biết đến bà Trần Văn Hương làm gì ở đâu? Ông Trần Văn Đính cho chúng tôi biết hai ông bà sống riêng đã nhiều năm một cách tự nhiên, vì không hợp tính, và phần Cựu Tổng Thống Trần Văn Hương không muốn có đàn bà xen vào việc nước. Chỉ trong thời gian cuối cùng ốm đau, bà Trần Văn Hương mới dọn về ở đường Công Lý và mất vào đầu năm 1975.

Chúng ta cũng đã biết trong những ngày cuối cùng của VNCH, trước khi người Mỹ quyết định bỏ mặc cho VNCH tự chiến đấu chống cộng sản, Đại Sứ Martin của Hoa Kỳ đã chính thức gặp Tổng Thống Trần Văn Hương và mời tổng thống rời khỏi nước, nhưng Tổng Thống Trần Văn Hương đã khẳng khái trả lời: “Tôi là người lãnh đạo đứng hàng đầu, tôi tình nguyện ở lại để chia sẻ với dân chúng một phần nào niềm đau đớn tủi nhục, nỗi thống khổ của người dân mất nước.”

Cụ Trần Văn Hương đã lui về căn nhà 216 đường Phan Thanh Giản, tại đây cụ sống với vợ chồng người em gái út cho đến lúc qua đời. Theo ông Trần Văn Đính, đây là căn nhà mà năm 1969, khi rời chức thủ tướng để trao chức vụ này cho ông Trần Thiện Khiêm, không có nhà ở, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã cấp cho ông. Tuy mang số 216, đây là một căn nhà nhỏ hẹp, nằm sâu trong hẻm, sau lưng nhà của ông Trần Ngọc Liễng, loại nhà cấp cho các bộ trưởng nhưng vì nhà đã lâu năm, cũ kỹ, xuống cấp, không ở mặt tiền, bị mọi người chê nên mới còn lại. Chính Cụ Hương đã từ chối lời đề nghị cho sửa sang lại vì sợ tốn công quỹ, do đó, ngôi nhà còn yên, sau 1975, không bị CS chiếm như nhưng căn khác, nhưng báo chí CS cho rằng vì lý do nhân đạo nên ngôi nhà này không bị tịch thu.

Theo nguồn tin của CS thì sau năm 1975, Cụ Trần Văn Hương được trợ cấp tem phiếu hạng E dành cho một “cựu tổng thống Ngụy,” nhưng theo lời ông Trần Văn Đính thì Cụ Hương không có hộ khẩu vì không làm đơn xin “phục hồi” quyền công dân như cụ đã nói: “Chừng nào những người tập trung ‘cải tạo’ được về hết, chừng nào họ nhận được đầy đủ quyền công dân, chừng đó tôi sẽ là người cuối cùng, sau họ, nhận quyền công dân cho cá nhân tôi!”

Chính vì thái độ này, mà Cụ bị CS quản chế, không hộ khẩu, làm sao có tem phiếu, ông Đính nói. Cựu Tổng Thống Trần Văn Hương không bao giờ ra khỏi nhà, ốm đau, không những sống đạm bạc mà còn thiếu thốn. Người chăm sóc tận tình cho Cụ chính là người em rể sống với Cụ. Theo lời một người cháu Cụ kể chuyện với nhà văn Hứa Hoành, đã có lúc Cụ giao cho bà em ra chợ bán một củ sâm Đại Hàn Cụ còn cất giữ và những bộ đồ vest để lấy tiền mua thức ăn cho cả gia đình. Cụ qua đời vào ngày 27 tháng 1, 1982 (nhằm ngày mồng Ba Tết), hưởng thọ 80 tuổi, hài cốt được hỏa thiêu.

Cụ Trần Văn Hương và một con người khí tiết, yêu nước đã hai lần làm Thủ tướng, phó tổng rồi tổng thống VNCH, đã mất đi trong một hoàn cảnh, gần như bị quên lãng.

Huy Phương

Chú thích:
(1) Người em thứ sáu của Cụ Trần Văn Hương mang họ Lâm, là Lâm Văn Giỏi. Theo lời ông Trần Văn Đính thì “ông chú này không có khai sinh, nên ông nội lấy khai sinh của người khác cho chú Giỏi đi học.”

Tags:

More Stories From Lịch Sử Cận Đại

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh