Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Trung Quốc cố chiêu dụ các nước ASEAN


Theo trang mạng The Diplomat, ngày 25/09/2017, một hạm đội của Trung Quốc đã đến cảng lớn nhất của Brunei trong khuôn khổ một chuyến « viếng thăm hữu nghị », kéo dài 3 ngày. Đây là một trong những biểu hiện của việc Bắc Kinh đang thúc đẩy quan hệ quốc phòng không chỉ với Brunei, mà còn với nhiều quốc gia khác của ASEAN, một hình thức chiêu dụ các quốc gia này nhằm đối lại với thế lực của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Đối với Brunei, Trung Quốc là một đối tác hết sức quan trọng cho việc củng cố và đa dạng hóa một nền kinh tế mà cho tới nay chủ yếu vẫn dựa vào dầu hỏa. Còn Bắc Kinh thì xem Brunei là một nguồn cung cấp năng lượng cần thiết và cũng là một tiếng nói hữu dụng đối với Trung Quốc trong khối ASEAN.

Quan hệ song phương Brunei-Trung Quốc đã tiếp tục được thắt chặt trong năm nay. Trong tháng này, chủ tịch Tập Cận Bình đã hội đàm với quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah tại Bắc Kinh, khi ông này đến dự Triển lãm Trung Quốc-ASEAN lần thứ 14. Hai nhà lãnh đạo nhân dịp đó đã bàn đến việc tăng cường quan hệ quốc phòng.

Theo The Diplomat, thật ra Brunei cũng đang mở rộng quan hệ với các quốc gia khác ở châu Á như Nhật Bản hay Singapore, nhưng việc Trung Quốc tăng cường quan hệ quốc phòng với các nước ASEAN, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông vẫn nóng bỏng ( mà trong đó Brunei cũng là một bên tranh chấp nhưng rất kín tiếng ) chuyến « viếng thăm hữu nghị »của hạm đội Trung Quốc đến Brunei là một diễn biến đáng chú ý.

Nhưng đáng chú ý hơn nữa, đó là việc Trung Quốc đang nỗ lực thiết lập một mối quan hệ mới với Singapore, đồng minh của Mỹ. Tờ South China Morning Post ngày 27/09/2017 đã có một bài viết nhân chuyến viếng thăm vào tuần trước của thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đến Trung Quốc, trong bối cảnh sắp diễn ra Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 19.

Để chứng tỏ tầm quan trọng của mối quan hệ song phương này, cả 4 lãnh đạo cao cấp nhất của Trung Quốc, chủ tịch Tập Cận Bình, thủ tướng Lý Khắc Cường, chủ tịch Quốc Hội Trương Đức Giang và người lãnh đạo uỷ ban chống tham nhũng Vương Kỳ Sơn đều đã tiếp thủ tướng Lý Hiển Long.

Ông Tập Cận Bình đã ca ngợi « một chương sử mới » trong quan hệ Trung Quốc – Singapore, còn thủ tướng Lý Hiển Long thì cam kết sẽ làm việc chặt chẽ với Bắc Kinh để đưa mối quan hệ này lên một « cấp độ mới ».

Tuy vậy, theo South China Morning Post, tình hình địa chính trị sẽ không thay đổi nhanh chóng. Những vấn đề căn bản còn tồn tại trong quan hệ Trung Quốc- Singapore sẽ không dễ gì mà giải quyết. Singapore sẽ không từ bỏ mối quan hệ truyền thống với Hoa Kỳ và Đài Loan để làm vừa lòng Trung Quốc.

Thế nhưng, Bắc Kinh đang thay đổi cách tiếp cận với Singapore, theo đúng chủ trương hiện nay của ông Tập Cận Bình là tăng cường quan hệ với các nước trong khu vực và theo đúng tinh thần của « Sáng kiến Con đường và Vành đai » do chính ông tung ra. Dẫu sao, thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc buộc Singapore phải cân bằng lại quan hệ với hai cường quốc Mỹ-Trung.

Đối với Bắc Kinh, Singapore có vai trò ngày càng quan trọng, vì nước này không chỉ là cầu nối Trung Quốc với phương Tây, mà hiện đang là điều phối viên trong quan hệ Trung Quốc-ASEAN. Ấy là chưa kể, năm tới Singapore sẽ nắm chức chủ tịch luân phiên của ASEAN.

Cũng trong nỗ lực nhằm đối lại với ảnh hưởng của Hoa Kỳ trong khu vực, Trung Quốc đang tăng cường quan hệ quân sự với Malaysia và các nước ASEAN khác, theo ghi nhận của trang mạng FMT (Free Malaysia Today) ngày 26/09/2017.

Trích tờ South China Morning Post, trang mạng này cho biết quan hệ giữa Kuala Lumpur với Bắc Kinh đã được thắt chặt, kể từ chính phủ Malaysia quay sang tìm nguồn cung cấp vũ khí từ Trung Quốc. Malaysia đã mua máy bay giá rẻ, chiến hạm, rocket từ Trung Quốc. Năm ngoái, hai nước đã ký một hiệp định trị giá 1,17 tỷ nhân dân tệ, hợp đồng quốc phòng lớn đầu tiên, về việc cùng sản xuất 4 tàu tuần duyên. Tháng tư vừa qua, Malaysia và Trung Quốc cũng vừa thành lập một ủy ban hợp tác quốc phòng.

Ngay cả quốc gia đồng minh lâu đời của Mỹ là Philippines nay cũng quay sang Trung Quốc kể từ khi tổng thống Rodriguez Duterte lên cầm quyền. Trong bối cảnh quan hệ Manila-Bắc Kinh nồng ấm lên, tháng 4 vừa qua, các chiến hạm của Trung Quốc lần đầu tiên từ năm 2010 đã đến thăm Philippines. Tháng 5 vừa qua, tổng thống Duterte đã ký một ý định thư mua 500 triệu đôla vũ khí và thiết bị quân sự từ một công ty Trung Quốc.

Tờ South China Morning Post cũng cho biết là Lào và Trung Quốc cũng đã tái khẳng định mối quan hệ quân sự trong chuyến viếng thăm 4 ngày của các quan chức Trung Quốc tại Lào trong tháng này. Nhân dịp đó, Bắc Kinh cũng đã cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Lào. Tờ báo này cũng ghi nhận Trung Quốc là một trong những nước cung cấp vũ khí nhiều nhất cho Cam Bốt kể từ năm 2012 và Bắc Kinh cũng đang cấp nguồn tài chính cho quân đội Cam Bốt.

Trong khi đó, hợp tác quân sự giữa Thái Lan với Trung Quốc cũng đã gia tăng đáng kể trong những năm gần đây, nhất là sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. South China Morning Post nhắc lại rằng tháng 6 vừa qua, chính phủ Bangkok đã thông qua yêu cầu của Quân đội Hoàng gia Thái mua 34 thiết vận xa của Trung Quốc trị giá tổng cộng gần 70 triệu đôla. Cũng trong năm nay, Quốc Hội Thái Lan đã phê chuẩn kế hoạch mua 3 tàu ngầm của Trung Quốc. Hai nước cũng đã mở các cuộc tập trận chung, cả trên biển và trên bộ, trong tháng 5 và tháng 6.

Hiện đang khá căng thẳng với Indonesia trên vấn đề chủ quyền Biển Đông, Trung Quốc cũng đang cố chiêu dụ Jakarta, qua việc cho Indonesia mượn hai con gấu trúc (panda). Hai con gấu này vừa được đưa bằng máy bay từ Thành Đô đến Jakarta, theo tin của tờ Nikkei Asian Review ngày 28/09/2017.

Theo tờ báo Nhật, hiệp định « thuê » gấu trúc Trung Quốc đã được ký vào năm 2010, dưới thời tổng thống Susilo Bambang Yodhoyono. Khi loan báo thông tin hai gấu trúc này sắp đến Indonesia, đại biện của sứ quán Trung Quốc tại Jakarta xem đây là « một biểu tượng cho quan hệ song phương vững chắc hơn ». Các lãnh đạo Indonesia cũng hy vọng là việc này sẽ giúp khôi phục quan hệ giữa hai nước.

Quan hệ Jakarta-Bắc Kinh đã xấu đi từ năm trước, do vụ các tàu đánh cá Trung Quốc hoạt động ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ngoài khơi quần đảo Natuna, nam Biển Đông. Đối với Bắc Kinh, vùng này là vùng đánh cá truyền thống của ngư dân Trung Quốc.

Tranh chấp này đã ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế giữa hai nước. Kế hoạch cùng xây dựng đường xe lửa cao tốc Jakarta-Bandung hiện không tiến triển chút nào, dù hai bên đã ký hợp đồng về tài trợ.

Nhưng theo ghi nhận của Nikkei Asian Review, chính sách ngoại giao « panda » của Trung Quốc có vẻ không gây tác động như mong muốn của Bắc Kinh. Tâm lý chống Trung Quốc đang gia tăng ở nước này, một phần là do tin đồn hiện có đến khoảng… 20 triệu lao động Trung Quốc đang làm việc ở Indonesia, tin đồn mà chính quyền Jakarta đã bác bỏ. Thành ra báo chí Indonesia đã không loan tin nhiều về sự kiện hai con gấu trúc sắp đến nước này, khác với thái độ hồ hởi ở những nước khác đã từng được Trung Quốc cho mượn loài thú rất dễ thương này.

Nguồn: RFI/Thanh Phương

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh