Khi nỗi sợ quyền lực đã trở thành thói quen
Posted by Luu HoanPho, Oct 27, 2017, Comments Off
Người Việt thường ví von “chưa thấy quan tài, chưa đổ lệ” để nhắc nhau phải lường định hậu quả. Chuỗi sự kiện liên quan đến bác sĩ Hoàng Công Truyện vốn là một trong những chủ đề chính được người sử dụng mạng xã hội và hệ thống truyền thông thảo luận sôi nổi suốt tuần vừa qua, cho thấy “quan tài” đã ở trước mặt…
***
Ngày 14 tháng 7, facebooker Hoàng Công Truyện đưa lên facebook của ông hình bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Y tế kèm nhận định: “Mụ ni về nghỉ là vừa để các giáo sư có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho chính phủ can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bác sĩ tuyến cơ sở”.
Ngày 15 tháng 7, ông Nguyễn Xuân Trường, Chánh Văn phòng Bộ Y tế, thừa lệnh Bộ trưởng, ký công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế, yêu cầu phối hợp với công an xác minh về facebooker Hoàng Công Truyện vì đã bôi nhọ, gây mất uy tín, xúc phạm nhân phẩm, danh dự người đứng đầu ngành y và nếu đúng là đương sự đang làm việc trong ngành y thì Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế phải xử lý theo qui định của pháp luật, rồi báo cáo lại cho Bộ Y tế trong vòng mười ngày.
Ngày 19 tháng 7, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế báo cáo với Bộ Y tế rằng facebooker Hoàng Công Truyện hiện là Phó Khoa Cấp cứu – Hồi sức của Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Ý kiến của bác sĩ Truyện về bà Tiến trên facebook được xác định là đã vi phạm Luật Báo chí và Nghị định 72.
Ngày 15 tháng 8, bác sĩ Nguyễn Đức Lợi, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền ký quyết định “khiển trách” bác sĩ Truyện vì “vi phạm các quy định pháp luật liên quan đến viên chức”
Ngày 19 tháng 10, ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế, loan báo vừa ban hành quyết định xử phạt bác sĩ Truyện khoản tiền năm triệu đồng.
Ngay sau đó, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Y tế, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế, Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế trở thành “bia” của dư luận.
Lúc đầu, đại diện Sở Y tế và Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế khẳng định đã hành xử đúng thẩm quyền và đúng pháp luật. Tuy giới hữu trách đã dùng giải trình của bác sĩ Truyện (nhận sai, xin lỗi) như “khiên” để chống đỡ dư luận nhưng ngoài người sử dụng mạng xã hội, hệ thống truyền thông cũng tham gia tấn công.
Tờ Tuổi Trẻ giới thiệu ý kiến của ông Phạm Công Hùng, cựu Thẩm phán Tòa án Tối cao. Ông Hùng khẳng định, việc kỷ luật và phạt tiền bác sĩ Truyện là trái pháp luật. Luật pháp không cấm ông Truyện nêu nhận định có tính chất cá nhân trên facebook. Giống như nhiều facebooker khác, ông Hùng lưu ý, viên chức muốn làm tốt công việc của mình thì phải lắng nghe tất cả các ý kiến, kể cả chê bai để ngẫm nghĩ về đúng – sai. Không nên đòi xử lý kỷ luật người chê mình…
Sự cuồng nộ của công chúng tăng thêm một mức. Ngoài chỉ trích, nhiều người bắt đầu đòi kỷ luật những cá nhân liên quan đến việc xử lý bác sĩ Truyện…
Bởi việc xử lý bác sĩ Truyện vốn là yêu cầu từ “trên” nên tiến trình “phản tỉnh” cũng theo trật tự đó: Ngày 21 tháng 10, Chánh Văn phòng Bộ Y tế tuyên bố là công văn gửi Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế về facebooker Hoàng Công Truyện không hề yêu cầu kỷ luật bác sĩ này. Hai chữ “xử lý” trong công văn chỉ là đề nghị nhắc nhở một người trong ngành đừng ăn nói khiếm nhã với bộ trưởng! Việc kỷ luật bác sĩ Truyện là quyền hạn và… trách nhiệm của địa phương.
Ngày 22 tháng 10, Bộ Y tế gửi công văn, chính thức đề nghị Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế rút lại quyết định kỷ luật bác sĩ Truyện.
Cũng trong ngày 22 tháng 10, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông bảo với báo giới đã yêu cầu Thanh tra của bộ này xem lại vụ Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế xử phạt bác sĩ Truyện năm triệu đồng.
Ngày 23 tháng 10, đại diện Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế đến tận Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tuyên bố rút lại quyết định “khiển trách” và xin lỗi bác sĩ Truyện. Ngày 24 tháng 10, Giám đốc và Chánh Thanh tra Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế cũng tìm đến Trung tâm Y tế huyện Phong Điền, tuyên bố rút lại quyết định phạt năm triệu đồng và xin lỗi bác sĩ Truyện.
Hi vọng công chúng vốn “dễ giận, chóng quên” sẽ không đòi kỷ luật những người đã xử lý bác sĩ Truyện nữa.
***
Tờ Người Lao Động cho rằng “quyền lực và nỗi sợ” là hai yếu tố hiển thị khá rõ trong chuỗi sự kiện liên quan đến bác sĩ Truyện.
Tờ báo này bình luận, thường thì chỉ có người chịu sức ép của quyền lực mới sợ hãi nhưng thực tế cho thấy “nơi sở hữu quyền lực cũng sợ hãi không kém”.
Nếu Bộ Y tế không có công văn yêu cầu xác minh, xử lý bác sĩ Truyện thì Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên – Huế không “nhanh nhảu” đến như vậy và chưa chắc Trung tâm Y tế huyện Phong Điền đã kỷ luật bác sĩ Truyện. Nỗi sợ quyền lực ở những nơi sở hữu quyền lực đã khiến trên dưới răm rắp thực thi mệnh lệnh, không cần soi rọi phải trái. Trong số này có cả Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế.
Cũng theo tờ Người Lao Động, nỗi sợ quyền lực đã khiến Sở Y tế và Sở Thông tin – Truyền thông tỉnh Thừa Thiên – Huế vừa khăng khăng khẳng định rằng khiển trách và phạt tiền là đúng, rằng các quyết định đã ban hành không hề bị chi phối bởi bất kỳ sức ép nào nhưng khi “bên trên” bảo kỷ luật và phạt tiền là không đủ cơ sở thì cả hai nơi lập tức hủy quyết định rồi xin lỗi chứ không bận tâm đến việc dùng lý lẽ bảo vệ các quyết định của mình. Rõ ràng nhận định đúng – sai ở những nơi sở hữu quyền lực không phụ thuộc vào bản chất sự việc mà bị chi phối bởi nỗi sợ. Nỗi sợ đó hiển hiện cả trong giải trình của bác sĩ Truyện. Thực tế mà bác sĩ Truyện đề cập vốn không sai nhưng ông vẫn nhận sai, xin lỗi vì nỗi sợ quyền lực đã trở thành thói quen.
Công chúng nghĩ gì?
Bên cạnh một Van Duc – độc giả của tờ Người Lao Động – biện minh cho bác sĩ Truyện rằng, làm sao có thể không sợ khi phải đối phó với sức ép của cả hệ thống (?) là Nguyen Quang Toan than rằng, sợ hãi hiện là tình trạng chung, vì thế nhiều người không dám nói và cũng vì thế mà không thể kiểm soát được quyền lực. Một độc giả khác là Tú Gân nhấn mạnh, nỗi sợ quyền lực ở những nơi sở hữu quyền lực bắt nguồn từ mong muốn giữ ghế thành ra mới có chuyện nhắm mắt làm càn để tâng công. Tú Gân thắc mắc: Nếu cán bộ công chức toàn là loại người như thế thì sẽ ra sao?
Trên thực tế, bác sĩ Truyện không phải là trường hợp đầu tiên và có lẽ chưa phải là trường hợp cuối cùng. Năm 2015, công chúng từng sôi lên vì giận khi ba viên chức ở An Giang cùng bị kỷ luật và bị phạt tiền, trong đó có một “lâm nạn” vì dám bình luận rằng ông Vương Bình Thạnh, Chủ tịch tỉnh An Giang… “kênh kiệu”, hai “lâm nạn” vì dám… “like” nhưng cuối cùng chẳng tới đâu. Phong trào xác minh – xử lý (kỷ luật, phạt tiền) cả viên chức lẫn thường dân do bày tỏ ý kiến này, khác trên facebook vẫn không ngừng lớn mạnh, thậm chí đến tháng 5 vừa qua, một đại biểu của Đoàn Đại biểu Quốc hội Đắk Lắk còn đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự những người nói xấu lãnh đạo Đảng, Nhà nước trên Internet.
Chuỗi sự kiện liên quan đến bác sĩ Truyện không đơn thuần là sự xâm hại tự do ngôn luận, là nỗi sợ thái quá tiềm ẩn trong cá nhân công dân cũng như viên chức. Khi trắng dễ dàng bị biến thành đen và ngược lại thì đó là sự loạn chuẩn trong thực thi công quyền ở tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, xã hội. Nó có khác gì một kiểu quan tài để mỗi người tự đổ lệ cho tương lai của chính mình?
Nguồn: VOA/Thiên Hạ Luận