Dự thảo Luật An ninh mạng: Câu chuyện của chính trị
Posted by Luu HoanPho, Nov 7, 2017, Comments Off
Dự thảo Luật An ninh mạng Việt Nam, khoản 4, Điều 34 đang gây bất bình trong dư luận vì đưa ra quy định các công ty quốc tế cung cấp dịch vụ viễn thông, internet tại Việt Nam đặt máy chủ quản lý dự liệu người sử dụng là công dân Việt Nam trên lãnh thổ quốc gia này.
Dự thảo luật này nói lên điều gì đang diễn ra trong xã hội Việt Nam?
Rất vô lý
Đề xuất ở khoản 4, Điều 34 khiến cư dân mạng phản ứng qui định rằng: “Các doanh nghiệp nước ngoài khi cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet tại Việt Nam phải tuân thủ pháp luật, tôn trọng chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia Việt Nam, có giấy phép hoạt động, đặt cơ quan đại diện, máy chủ quản lý dữ liệu người sử dụng Việt Nam trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam…”.
Nhận định với đài RFA về dự thảo luật này, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý cho biết.
“Mới chiều nay tôi đọc trên mạng loáng thoáng thấy dự luật như thế. Thật ra nếu Việt Nam làm như thế thì Việt Nam chả giống ai. Cả thế giới này chẳng ai kỳ thị Facebook, Google. Tại sao Việt Nam phải làm như thế?”
Ngày 3 tháng 11, tờ Tuổi Trẻ trong nước có đăng bài viết trong đó trích dẫn lời ông Nguyễn Hồng Văn, Phó viện trưởng Viện An toàn thông tin cho rằng “xét ở góc độ an ninh mạng quốc gia thì dự thảo luật này là rất cần thiết.”
Cũng theo lời ông Nguyễn Hồng Văn do báo Tuổi Trẻ dẫn lại: “Điều gì sẽ xảy ra nếu thông tin cá nhân, vị trí, thói quen của người dân Việt Nam bị thu thập phục vụ mục đích của kẻ xấu thông qua các dịch vụ nêu trên, trong khi chúng ta chẳng hay biết và cũng không quản lý được gì?”
Theo ông Hồng Văn, dự thảo luật này là “nền tảng để Nhà nước có thể tiến hành các bước tiếp theo trong việc đảm bảo an ninh mạng quốc gia.”
Đề cập về góc độ an ninh mạng, lý do chính của sự ra đời dự thảo Luật An ninh mạng, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc đưa ra phân tích:
“Vấn đề an ninh mạng là vấn đề rất lớn ai cũng biết, nhưng sử dụng cái nào là vấn đề chính trị. Ví dụ như nước Mỹ là nước tuyên truyền tự do, nhưng gần đây do mối quan hệ giữa Mỹ với Nga thế nào ấy mà Mỹ cấm người Mỹ không được dùng chương trình chống virus Kaspersky của Nga.
Đó là chương trình tuyệt vời. Cả thế giới đều cho là chương trình hạng nhất.”
Tờ The Guardian đưa tin tháng 9 vừa qua, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã đưa ra một chỉ thị, kêu gọi các phòng ban, các cơ quan lập kế hoạch để loại bỏ phần mềm chống virus của Kaspersky và triển khai thay thế bằng giải pháp khác trong vòng 3 tháng. Tờ The Guardian bình luận rằng động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Nga gia tăng do những cáo buộc Moskva can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.
Cá nhân Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho rằng nếu xét ở khía cạnh chính trị thì dự thảo Luật An ninh mạng của Việt Nam cũng giống như việc Mỹ cấm sử dụng chương trình chống virus Kaspersky của Nga trên đất Mỹ.
Đẩy mạnh đàn áp vì sợ
Theo quy định của Dự thảo Luật An ninh mạng này, tất cả các dịch vụ của nước ngoài đang cung cấp tại Việt Nam hiện nay như Google, Facebook, Viber, Skype,… buộc phải có giấy phép hoạt động, có cơ quan đại diện, có đặt máy chủ quản lý dữ liệu người dùng ở Việt Nam mới được cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
Thế nhưng, qua phân tích của Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc thì việc đặt máy chủ quản lý của dịch vụ internet, cung cấp mạng xã hội ở nơi nào không phải là điều quan trọng.
“Về vấn đề kỹ thuật thì đâu cần phải là máy chủ phải đặt ở đâu. Trên thế giới này có 1 góc nào đấy, 1 hòn đảo xa xôi nào đấy cũng được, rừng Targa hay đảo Guam của Mỹ cũng được. Đây là vấn đề chính trị, cho nên luật pháp không cho dùng thì người ở đất nước đó không được dùng.”
Liên quan đến chính trị, là mục đích gia tăng kiểm soát tuyệt đối những tiếng nói bất đồng chính kiến, đặc biệt là cuộc đấu tranh của giới trẻ trong nước hiện nay, chính là ý kiến của Nguyễn Peng, một người trẻ hoạt động khá sôi nổi trong phong trào dân chủ trong nước.
Nguyễn Peng cũng là người thể hiện nhiều quan điểm cá nhân trên mạng xã hội.
“Nhờ Facebook tụi em liên kết được rất nhiều bạn đồng chính kiến, nói lên tiếng nói của mình, tự do ngôn luận. Nhà nước rất sợ những điều đó. Họ sợ thông qua mạng xã hội những người trẻ tụi em liên kết với nhau. Họ dùng những biện pháp ngăn chặn, kiểm soát tụi em.
Em nghĩ cuộc đàn áp này là rất mạnh tay đối với những người dân đang đấu tranh và biểu đạt ý kiến của họ.”
Cùng quan điểm với Nguyễn Peng, là ý kiến của bạn trẻ Như Uyên. Chia sẻ với chúng tôi ngay khi vừa lực lượng an ninh thả ra sau thời gian bị “đưa đi làm việc”, Như Uyên cho biết .
“Dự thảo Luật này quá vô lý. Vì mạng xã hội không xấu, mà vì bộ máy nhà cầm quyền họ cảm thấy họ sợ dư luận, mạng xã hội. Mỗi lần dư luận được đưa lên mạng xã hội thì nó lan đi rất nhanh. Mỗi khi họ muốn làm cái gì thì đã có mạng xã hội ngăn chặn, không thể thành công. Họ muốn dẹp cái đó (Facebook) thì họ đang nhắm tới anh em đấu tranh đòi tự do nhân quyền.”
Khẳng định cho dù vị trí đặt máy chủ không ảnh hưởng đến tài khoản mạng xã hội của người dùng, nhưng theo Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc, điều khó khăn cho người dùng Facebook, Google nếu dự luật này được thông qua đó là vấn đề pháp lý.
“Khi có luật không cho dùng, nếu tôi dùng thì tôi phạm pháp. Máy chủ của Google, Facebook nằm ở đâu tôi không cần biết, nhưng nếu Việt Nam có luật đấy, tôi dùng thì tôi sai luật Việt Nam, hệ thống pháp luật Việt Nam sẽ kiểm soát tôi chứ không phải Google và Facebook kiểm soát tôi.”
Ông Huỳnh Thanh Phi, chuyên gia marketing, đưa ra ý kiến với báo Tuổi Trẻ trong nước rằng: “Nếu Việt Nam áp dụng luật này sẽ trở thành một rào cản, khiến người Việt không thể tiếp cận được những tiến bộ về mặt công nghệ truyền thông của thế giới”.
Nhận định riêng về phía cá nhân và Hội Tư vấn về Khoa học Công nghệ và Khoa học Quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Bách Phúc cho biết nếu dự thảo luật này được thông qua thì bản thân ông và hội của của ông sẽ rất thiệt thòi.
Vào ngày 3 tháng 11, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có văn bản gửi Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội, cho rằng một số quy định trong Dự thảo Luật an ninh mạng chưa phù hợp về tính thống nhất với cam kết quốc tế của Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.
Nguồn: Cát Linh @ RFA