Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Công du châu Á, TT Trump thờ ơ với vế an ninh


Hình trên: Tổng thống Mỹ Donald Trump rời Philippines trong lúc nguyên thủ các nước châu Á đang họp thượng đỉnh Đông Á (EAS).–

Vắng mặt tại thượng đỉnh Đông Á ở Philippines, một dấu hiệu cho thấy tổng thống Trump chỉ chú trọng vào vế thương mại mà lơ là vế an ninh. Theo phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, đại học Maine- Hoa Kỳ, ông Trump muốn tránh làm phật lòng Bắc Kinh.

Ngày 14/11/2017 tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kết thúc vòng câu du châu Á trong 12 ngày, với các chặng dừng tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines, dự thượng đỉnh APEC và ASEAN. Các đối tác châu Á của Mỹ chờ đợi nhiều về những phát biểu của chủ nhân Nhà Trắng về Biển Đông, về chính sách « xoay trục » của Mỹ dưới thời Trump và câu hỏi được chú ý đến nhiều là liệu Mỹ có đang để chỗ trống cho Trung Quốc mở rộng thêm ảnh hưởng với khu vực ?

Phân tích của giáo sư Ngô Vĩnh Long, chuyên gia về châu Á, Biển Đông, đại học Maine, Hoa Kỳ :

GS Ngô Vĩnh Long : “Tuy trong suốt chuyến đi tổng thống Donald Trump không nói gì quá khích như nhiều người đã lo, nhưng thật ra ông ta không có thông điệp gì rõ ràng đối với châu Á Thái Bình Dương, nói chung và Biển Đông nói riêng. Tuy có đưa ra khẩu hiệu gọi là “Ấn Độ-Thái Bình Dương” làm như là chính phủ ông có một chính sách rộng lớn hơn các chính sách của các đời tổng thống trước, ông Donald Trump chẳng lý giải gì thêm một các cụ thể.

Ngược lại ông có thể đã để lại cho giới quan sát cái cảm tưởng rằng ông đã coi trọng Trung Quốc vì tại Bắc Kinh, tổng thống Trump đã khen Tập Cập Bình là một “nhà lãnh đạo tài ba” cũng như đã tuyên bố là ông không những không trách Trung Quốc trong việc cạnh tranh với Mỹ nhưng còn khâm phục là nước này giỏi trong việc bảo vệ quyền lợi của mình.

Nhưng khi đến Việt Nam để dự hội nghị APEC tại Đà Nẵng, tổng thống Mỹ lại lên tiếng cảnh cáo tất cả các thành viên đến dự rằng ông sẽ không tha thứ những nước Á châu đã “kinh niên lạm dụng mậu dịch” (nguyên văn: chronic trade abuses) đối với Mỹ. Có người nói rằng đây là ngụ ý cho Trung Quốc. Và có người lại cho rằng đây là để chứng tỏ với dân Mỹ trong nước là ông luôn luôn bảo vệ quyền lợi của Mỹ trên hết theo khẩu hiệu quen thuộc là “America First.”

Nhưng tại sao không tuyên bố như thế trước đó trong khi đang ở Hàn Quốc hay Trung Quốc mà lại tuyên bố trước các đại biểu của 21 nước APEC, đặc biệt là trong khi 11 nước còn lại của hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP, Trans-Pacific Partnership) đang họp bên lề hội nghị APEC tổ chức lại hiệp định này sau khi ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi hiệp định đó ?

Rất may là 11 nước thành viên còn lại có những nước rất quyết tâm như Nhật Bản và Việt Nam đã đóng những vai trò rất tích cực trong việc thúc đẩy thành lập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).  Những nước muốn chứng tỏ quyết tâm của họ một thoả thuận chung về CPTPP có ảnh hưởng rất lớn trong vấn đề an ninh, đặc biệt là trong khu vực Tây Thái Bình Dương nói chung và Biển Đông nói riêng.

Hiện nay các tổ chức khu vực như APEC hay ASEAN không phải là những nơi để có thể dễ dàng đem những vấn đề an ninh ra bàn để đi đến những quyết định chung. Đối với APEC thì đây là một tổ chức quá rộng và có quá nhiều lợi ích khác nhau để có thể làm việc đó.

Còn ASEAN với phương thức “đồng thuận” thì khó có thể đi đến việc đồng thuận, đặc biệt là nếu một vài nước thành viên bị nước ngoài làm áp lực hay bị mua chuộc. Một tổ chức như CPTPP với 11 nước thành viên có những lợi ích chung trên bình diện kinh tế và an ninh thì có thể đàm phán và quyết định các vấn đề dễ dàng hơn. Nhật là nước đồng minh lớn nhất và mạnh nhất trong khu vực châu Á Thái Bình Dương. Còn Việt Nam là nước có lãnh thổ và lãnh hải dài nhất trong khu vực Biển Đông. Cho nên hai nước này có vai trò nhất định trong các lãnh vực kinh tế và an ninh đối với tất cả các nước cần có trao đổi kinh tế và lưu thông hàng hải trong khu vực châu Á Thái Bình Dương”.

Nguồn: REUTERS, RFI/Thanh Hà

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh