Hết APEC: Chóp bu Việt Nam có nhận được tín dụng Mỹ?
Posted by Luu HoanPho, Nov 15, 2017, Comments Off
Không có tín dụng ưu đãi!
Một thực tế trần trụi mà giới chóp bu Việt Nam, dù muốn hay không, cũng cần thừa nhận như một quy luật bất biến trong giai đoạn cuối của buổi chợ chiều chính thể: bất chấp khá nhiều cố gắng vận động của “đảng và nhà nước ta” nhằm “nâng cao vị thế Việt Nam trên thế giới”, những sự kiện quốc tế then chốt liên quan đến Việt Nam vào năm 2017 vẫn cứ như một con số 0 khổng lồ không chịu ngủ mà lại lang thang vô định trên mái nhà nhân loại trong màn đêm vô tận.
APEC Đà Nẵng 2017 – một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế khu vực châu Á – Thái Bình Dương – đã thêm một thuyết minh về câu chuyện an ủi cho giới chóp bu Việt Nam ứng với tục ngữ dân gian “có tiếng, không có miếng”.
Thành công lớn nhất của APEC 2017 là không có… sự cố an ninh.
Nhưng vào lúc kết thúc APEC và cũng chấm dứt các cuộc gặp đa phương lẫn song phương giữa chủ nhà Việt Nam với người Mỹ và lãnh đạo những quốc gia khác, ngoài một hiệp định khung về việc Hàn Quốc cung cấp khoảng 1,5 tỷ USD tín dụng trong giai đoạn 2016 – 2020 cho Việt Nam, ngoài con số 12 tỷ USD trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Mỹ mà chẳng ai biết có thực chất hay không, và dù có mặt của Tổng Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde…, đã chẳng thấy hiện ra một lời hứa hẹn nào, càng không hiện ra lời cam kết nào nào từ người Mỹ hay các nước khác về cung cấp viện trợ hoàn lại hoặc tín dụng lãi suất ưu đãi cho Việt Nam – một đòi hỏi mà chưa bao giờ đảng lại gây sức ép lớn đến thế đối với phía chính phủ để ít ra phải “vay để đảo nợ”.
“Vay đảo nợ”!
Bài toán số học quá đơn giản dành cho học sinh lớp Ba là cứ mỗi năm ngân sách Việt Nam lại phải xuất ra khoảng 5 tỷ USD để trả tiền lãi cho các chủ nợ lớn nhất là Ngân hàng thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Ngân hàng Phát triển Á châu (ADB), Nhật Bản… Còn nếu tính cả khoản trả nợ gốc, ngân sách Việt Nam có thể phải chi ra đến 10 – 12 tỷ USD/năm để trả nợ nước ngoài.
Sau một thời gian dài cố gắng bưng bít thông tin và chỉ đạo báo chí nhà nước né tránh tối đa cụm từ “vay đảo nợ” với lý do “hết sức nhạy cảm”, từ cuối năm 2015 đến nay và cùng với hình ảnh thăng hoa tung tóe của ngân sách cạn kiệt, “vay đảo nợ” đã dần được công khai hóa trên báo chí và cuối cùng đã được chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận như một cách nói không còn trốn đi đâu được.
Chỉ có điều, chính vào lúc giới quan chức cao cấp Việt Nam buộc phải dần chấp nhận những cụm từ “nhạy cảm chính trị”, cơ chế cho vay đảo nợ từ quốc tế lại không còn “thoáng” như xưa. Nếu trong suốt vài chục năm trước, Việt Nam được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi chỉ 0,8%/năm cùng thời gian ân hạn để trả nợ lên đến 30 – 40 năm, thì từ tháng Bảy năm 2017, các chủ nợ quốc tế đã chấm dứt chế độ ưu ái đó, thay vào đó là mức lãi suất cho vay tăng gấp ba lần “thời xa vắng” – từ 2,5 đến 2,7%/năm, còn thời gian ân hạn giảm xuống chỉ còn 15 – 20 năm.
Trong tình cảnh quỹ dự trữ ngoại hối chỉ có khoảng hơn 40 tỷ USD mà trong đó có đến 12 tỷ USD thuộc về trái phiếu chính phủ Mỹ, phần còn lại phải lo chống đỡ con bão nhập siêu từ Trung Quốc lẫn chi tiêu “ngoài kế hoạch” của chính phủ lẫn khối đảng, đồng thời ngân sách không còn bất kỳ khoản kết dư nào để trả nợ nước ngoài, Việt Nam chỉ còn biết cách cắm đầu vay mượn quốc tế, dù với lãi suất cao hơn nhiều so với trước, để đảo nợ.
Đó cũng là nguồn cơn mà trong một cuộc gặp gần đây với đại diện Ngân hàng thế giới, Thủ tướng Phúc đã buột miệng nhờ vả tổ chức này tìm cho Việt Nam viện trợ không hoàn lại.
Lời buột miệng của Thủ tướng Phúc, cũng như lời tán thán mang tính cảnh báo của ông Phúc vào đầu năm 2017 về “sụp đổ tài khóa quốc gia”, đều có nguồn cơn bi đát của nó.
Mỹ sẽ “đòi nợ” sau APEC
Khác hẳn với những năm trước, từ đầu năm 2017 đến nay luồng tín dụng được giải ngân của “bạn bè khắp nơi trên thế giới” vào Việt Nam là nhỏ giọt buồn bã. Không chỉ từ WB, IMF và ADB, mà ngay cả Nhật Bản cũng không còn mặn mà cung cấp ODA cho Việt Nam, cho dù nhiều thông tin cho biết “Nhật dư tiền”.
Sự thật cùng tương lai trần trụi là nếu khan hiếm tiền đồng và thiếu tiền chi cho khối chính quyền lẫn khối đảng, Ngân hàng nhà nước Việt Nam vẫn còn khả năng in tiền, thậm chí in tiền ồ ạt như những dấu hiệu vào những năm trước, đặc biệt vào thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thống đốc Nguyễn Văn Bình. Nhưng nếu không có ngoại tệ để trả nợ cho quốc tế, ngân sách Việt Nam sẽ đương nhiên rơi vào cảnh phá sản y hệt như “người anh em xã hội chủ nghĩa Venezuela” mới đây.
Nhưng APEC 2017 đã không hề chiều lòng “đảng và nhà nước ta”.
Cũng hệt với một sự kiện được hệ thống tuyên giáo đảng mô tả là “thành công tốt đẹp” trước đó – chuyến đi Washington vào tháng Năm năm 2017 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng cuộc hội đàm với Tổng thống Trump – đã chẳng nhận được một hứa hẹn và càng không có cam kết nào từ chính phủ Mỹ về viện trợ không hoàn lại và cho vay tín dụng ưu đãi dành cho Việt Nam. Thậm chí điều mà ông Phúc và đằng sau đó là ông Nguyễn Phú Trọng quá mong mỏi là Hiệp định thương mại song phương Việt – Mỹ cũng chẳng hề được Trump đả động tới.
Sau những cuộc đón tiếp linh đình lẫn quốc yến ở APEC 2017, Tổng thống Trump lại chẳng đoái hoài gì đến hiệp định trên – một “cứu cánh” mà có thể giúp Việt Nam tiếp tục duy trì số xuất siêu gần ba chục tỷ USD hàng năm vào thị trường Mỹ để có thể tạm cân bằng với số nhập siêu cũng đến 30 tỷ USD mỗi năm (chỉ tính theo đường chính ngạch mà chưa kể đường tiểu ngạch) từ Trung Quốc.
Thậm chí ngược lại, Trump đang đặc biệt đặt vào “tầm ngắm” mức thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Việt Nam lên đến 30 tỷ USD, để có khả năng sau APEC Đà Nẵng sẽ tiếp tục cho Bộ Tài chính Mỹ đi “đòi nợ”, bắt buộc Việt Nam phải tìm cách giảm bớt xuất siêu vào Mỹ, nếu không muốn bị chế tài bằng hàng rào thuế quan, hàng rào bảo hộ kỹ thuật và có thể cả những động tác khác mang màu sắc chính trị.
Nếu ở lần đăng cai APEC đầu tiên vào năm 2006, Việt Nam đã được tiếp máu bằng nhiều nguồn viện trợ lớn từ các tổ chức tín dụng quốc tế như WB, IMF, ADB…, thì vào năm 2017, bức tranh đó đã quay mặt vào trong và lộ hẳn ra cái mặt trái bạc phếch sống sượng của nó.
Mềm nắn rắn buông
Rõ là thời Trump khác hẳn với thời Obama mà được giới chóp bu Việt Nam xem là “dễ chơi”.
Dễ dãi đến mức vào tháng Năm năm 2016, Hà Nội bất ngờ nhận được món quà đặc biệt từ Tổng thống Obama khi ông đến thăm Việt Nam: Mỹ dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm mua bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Kể từ thời điểm bình thường hóa quan hệ Việt – Mỹ vào năm 1995 và từ lúc Việt Nam ký kết Hiệp định thương mại song phương (BTA) với Mỹ vào năm 2001, 2016 là năm mà Hà Nội được người Mỹ ưu ái đến thế.
Nhưng giới chóp bu Việt Nam đã đáp trả thịnh tình của Obama như thế nào?
Hà Nội tháng 5/2016. Obama đáp xuống sân bay Nội Bài trong không khí nhạt nhẽo, lèo tèo vài quan chức bậc trung của Việt Nam ra đó. Thậm chí bó hoa mà Việt Nam tặng cho Obama ở cầu thang máy bay cũng đượm vẻ héo úa.
Rồi Obama về Hà Nội. Nhưng có đến 6 trong tổng số 15 khách mời của Tổng thống Mỹ – những nhà hoạt động nhân quyền và đại diện của xã hội dân sự tại Việt Nam – đã bị công an Việt Nam thẳng tay chặn cửa không cho đi gặp Obama.
Hơn một năm sau, Tổng thống Trump cũng hạ cánh xuống sân bay Nội Bài và được phía Việt Nam tiền hô hậu ủng mà không lược bỏ bất kỳ nghi thức đón tiếp nào đối với cấp nguyên thủ quốc gia. Chỉ có điều, Trump đã chẳng có kế hoạch nào gặp giới hoạt động nhân quyền ở Việt Nam nhân sự kiện APEC, do đó cũng chẳng có cơ hội nào để chứng kiến hình ảnh công an Việt Nam chặn khách mời của mình.
Chính thể Việt Nam là vậy, mềm nắn rắn buông.
Nhưng có vẻ bất chấp việc giới lãnh đạo Việt Nam đối đãi với mình ra sao, Trump vẫn cho thấy ông là một nhà kinh doanh bẩm sinh và thực dụng: kết quả tín dụng bằng 0 trong chuyến thăm Việt Nam của Trump, cộng với việc Trump vẫn chưa hề dỡ bỏ Việt Nam khỏi danh sách 16 nước “gây hại kinh tế” đối với kinh tế Mỹ, sẽ khiến Việt Nam quá khó để nhận được viện trợ không hoàn lại, tín dụng ưu đãi mà từ đó chưa có gì đáng gọi là xán lạn cho tương lai của ngân sách chính phủ lẫn khối đảng ăn theo.
Nguồn: Blogger Phạm Chí Dũng @ VOA Tiếng Việt