VIỆT – TRUNG: Trong là thủ thế, ngoài là anh em
Posted by Luu HoanPho, Nov 15, 2017, Comments Off
Không ai chọn được láng giềng, nhưng ai cũng có quyền chọn cách chơi với láng giềng của mình.
***
“Quan hệ hữu nghị” Toracanxi – Hopantomola
Những ai hâm mộ Aziz Nesin, nhà văn trào phúng nổi tiếng thế giới người Thổ Nhĩ Kỳ, hẳn đều biết đến câu chuyện “Quan hệ hữu nghị” của ông. Nội dung câu chuyện là về mối quan hệ giữa Toracanxi và Hopantomola, hai quốc gia láng giềng có mối thâm thù với nhau và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh.
Căm ghét và thù địch là cảm xúc chi phối những gì mà thủ tướng Toracanxi và quốc vương Hopantomola cùng nội các của họ dành cho nhau. Thủ tướng Phoxica thì chỉ ước ao làm sao tóm được “thằng súc sinh khốn nạn” Madragan IV để “moi gan hắn ra”, còn vua Madragan IV thì thề sẽ lột da kẻ thù ngay lập tức nếu cái “thằng Phoxica khốn kiếp” ấy rơi vào tay ông.
Tuy nhiên, đó là thái độ mà cả hai bên đều che dấu kỹ bên trong, và chỉ thoải mái bộc lộ giữa bốn bức tường của phòng họp nội các tại thủ đô mỗi nước. Còn bên ngoài, bộ ngoại giao hai nước vẫn dùng những mỹ từ cao đẹp nhất trên thế gian khi mô tả mối quan hệ của họ.
Hai bên đều tận dụng mọi cơ hội, từ dịp sinh nhật đứa cháu nội quốc vương Hopantomola cho đến sự kiện con trai út thủ tướng Toracanxi mọc răng, để trao cho nhau những thông điệp ngoại giao thắm tình hữu nghị nhất có thể.
Tuy nhiên, cứ sau mỗi bức điện, guồng máy chiến tranh của mỗi bên lại được nhấn thêm một bước.
Và cơn mưa những lời chúc tụng qua lại đó chỉ chấm dứt vào đúng “điểm nút” của câu chuyện: lệnh tấn công kẻ thù của quốc vương Hopantomola chưa kịp triển khai thì thủ tướng Phoxica đã chơi bài “tiên thủ hạ vi cường”, cho quân đội Toracanxi khai hoả trước!
“Mối tình hữu nghị” Việt – Trung
Bề ngoài thì mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng không khác “quan hệ hữu nghị” giữa hai quốc gia Toracanxi và Hopantomola là mấy.
Trong khi hàng ngàn năm qua, Trung Quốc chưa bao giờ từ bỏ dã tâm thôn tính dải đất phương Nam hình chữ S thì hầu hết người Việt cũng coi quốc gia láng giềng phương Bắc “vừa to xác, vừa xấu bụng” là kẻ thù truyền kiếp của dân tộc. (Không chỉ những lãnh tụ như Mao Trạch Đông hay Tập Cận Bình mới mang cuồng vọng bá chủ thiên hạ, mà ngay cả đám du khách Tàu lếch thếch đến Việt Nam cũng đã coi dải đất phương Nam này như là phần lãnh thổ mở rộng của họ.)
Tuy nhiên, trên phương diện ngoại giao thì mọi chuyện lại khác.
“Sắc thái chủ đạo” trong những “thông điệp ngoại giao” mà Toracanxi và Hopantomola gửi cho nhau cũng được thể hiện trong các bản tuyên bố chung giữa Việt Nam và Trung Quốc mỗi khi lãnh đạo cấp cao bên này sang thăm bên kia. Quan trọng hơn, bên cạnh việc vạch ra phương hướng cho mối quan hệ giữa hai nước, các bản tuyên bố chung Việt – Trung còn nêu lên những nội dung hợp tác cụ thể, nhằm hiện thực hoá phương hướng quan hệ đó.
Cả Toracanxi lẫn Hopantomola đều coi các thông điệp ngoại giao của đối phương là vô giá trị, bởi không những hai bên đều “đi guốc trong bụng” nhau, mà điều cốt yếu là nội các mỗi bên đều luôn đồng lòng coi phía bên kia là kẻ thù của dân tộc mình.
Tương tự, Bắc Kinh chưa bao giờ coi trọng những gì họ đã ký kết với Hà Nội, bởi cho dù trong nội bộ họ có thể đấu đá tranh giành quyền lực một cách quyết liệt, thậm chí một mất một còn, song một khi vấn đề Việt Nam được nêu ra thì giữa họ hầu như không có sự khác biệt nào. Lý do thật đơn giản: họ cùng chia sẻ dòng máu “họ Bành” vốn đã chảy trong huyết quản Hán tộc từ ngàn xưa đến nay.
Tuy nhiên, về phần mình, Hà Nội lại không được như vậy. Trong khi hầu hết người Việt đều nhìn về phương Bắc với ánh mắt đầy ngờ vực, cảnh giác thì trong ban lãnh đạo CSVN lại luôn có những kẻ hoặc đã bị Trung Nam Hải kiểm soát, thao túng, hoặc đã bị đồng Yuan làm cho mờ mắt. Vì thế, Hà Nội luôn bị chia rẽ trong chính sách đối phó với Trung Quốc, kẻ luôn chực chờ cơ hội để nuốt chửng không chỉ toàn bộ Biển Đông mà cả Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, các bản tuyên bố chung Việt – Trung không những hoàn toàn không phải là mớ giấy lộn, mà ngược lại, còn tiềm ẩn những hiểm hoạ khôn lường với vận mệnh dân tộc. Nó vốn dĩ đã nguy hiểm nếu người ký kết bị Bắc Kinh dắt mũi thì lại càng nguy hiểm nếu người thực hiện bị đối phương khống chế, thao túng.
Và tình thế Việt Nam hiện nay
Kể từ khi Nguyễn Văn Linh đưa Việt Nam vào quỹ đạo Đại Hán với câu phát ngôn bất hủ “Dù bành trướng thế nào Trung Quốc cũng là một nước xã hội chủ nghĩa”, các đời Tổng Bí thư của Đảng CSVN đều hoặc tự nguyện làm tay sai cho Bắc Kinh (Nguyễn Văn Linh và Đỗ Mười) hoặc bị Trung Nam Hải khống chế, thao túng rồi biến thành tay sai theo cách này hay cách khác (Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng).
Trong hệ thống chính trị Việt Nam, mặc dù Tổng Bí thư là nhà lãnh đạo tối cao, nhưng quyền hành pháp lại gần như nằm trọn trong tay Thủ tướng Chính phủ. Nghĩa là, tuy trong mối quan hệ với Trung Quốc, Tổng Bí thư là người có tiếng nói quyết định về đường lối, phương hướng, song việc triển khai đường lối, phương hướng đó, cũng như việc hiện thực hoá những thoả thuận hợp tác cụ thể trong các bản tuyên bố chung giữa lãnh đạo hai nước, lại chịu ảnh hưởng rất lớn, thậm chí trong nhiều trường hợp là quyết định, bởi lập trường của người đứng đầu bộ máy hành pháp.
Nếu các bản tuyên bố chung Việt – Trung xưa nay luôn được Hà Nội thực hiện đúng thì có thể nói Việt Nam đã trở thành “một bộ phận không thể chối cãi của Trung Quốc” từ lâu. Tuy nhiên trên thực tế, điều đó đã không xẩy ra, mà lý do chủ yếu là: ngoài một số người trong ban lãnh đạo Việt Nam (Bộ Chính trị) không bị Bắc Kinh dắt mũi, trong các đời thủ tướng kể từ sau Hội nghị Thành Đô đến nay (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Phúc – ít nhất là tới thời điểm này) thì chỉ duy nhất Nguyễn Tấn Dũng là bị Trung Nam Hải khống chế, thao túng. (Giai đoạn Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng cũng là giai đoạn mà Việt Nam bị “Hán hoá” nặng nề nhất, đặc biệt là trên phương diện kinh tế.)
Điều này giải thích tại sao mặc dù trong bản Tuyên bố chung Việt – Trung ngày 3/12/2001 nhân chuyến thăm Trung Quốc của Nông Đức Mạnh đã nêu rõ là hai bên “nhất trí sẽ tích cực thúc đẩy các doanh nghiệp hợp tác lâu dài trên dự án bauxite nhôm Đắc Nông”, nhưng cũng phải đến khi “đồng chí X” lên thay Phan Văn Khải thì người đứng đầu chính phủ Việt Nam mới quả quyết rằng việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên là “chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước”, trong khi Nông Đức Mạnh vẫn là Tổng Bí thư.
Sau khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang (thủ lĩnh nhóm chống Tàu trong bộ máy kể từ giữa năm 2013 đến nay) bị thất thế vì dính líu đến vụ Trịnh Xuân Thanh đào thoát khỏi Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rộng đường hơn trong cuộc chạy đua đến ngôi vị số 1, song đồng thời ông cũng chông chênh hơn trong cuộc chiến chống lại “nhóm lợi ích Tàu” trong bộ máy do cặp bài trùng Hoàng Trung Hải – Nguyễn Phú Trọng cầm đầu, với sự hậu thuẫn hết mình của Bắc Kinh.
Hy vọng là người đứng đầu chính phủ Việt Nam hiện nay sẽ không “sập bẫy” vì tham vọng quyền lực của mình, để rồi chưa kịp hiện thực hoá giấc mơ Tổng Bí thư thì đã trở thành con rối trong tay các ông chủ Trung Nam Hải, những kẻ vốn là “bậc thầy” thiên hạ về mưu ma chước quỷ. Nếu điều đó xẩy ra, đất nước sẽ lại đứng trước những hiểm hoạ khôn lường.
Nguồn: Blogger Lê Anh Hùng @ VOA Tiếng Việt