Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Monday, December 23, 2024

Trump ‘‘nối giáo’’ cho Trung Quốc khống chế Bắc Cực?


Hình: Trong tương lai không xa Bắc cực quanh năm băng giá sẽ trở thành tuyến đường hàng hải tấp nập.–

Tạp chí L’Obs tuần này đã dành một  hồ sơ nêu bật  một ý đồ bành trướng của Trung Quốc với tựa đề rất gọn : «Bắc Cực Made in China». Bài báo phân tích chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâu tóm tài nguyên khoáng sản rất dồi dào, nhưng chưa được khai phá tại vùng đất băng giá này, một chiến lược đã bất ngờ được tổng thống Mỹ Donald Trump hỗ trợ đắc lực.

Theo Pascal Riché, tác giả bài báo, mọi sự khởi đầu từ việc khí hậu toàn cầu bị hâm nóng, làm tan băng ở vùng Bắc Cực, cho phép tạo ra những tuyến đường hàng hải mới, và nhất là mở ra triển vọng khai thác các trữ lượng dầu khí, sắt, kẽm… trước đây còn bị băng phong tỏa. Đối với phóng viên tuần báo L’Obs, có thể nói là « sự mở cửa » của Bắc Cực, dưới tác động của việc Trái Đất bị hâm nóng, là thay đổi địa lý quan trọng nhất kể từ khi kỷ nguyên băng hà kết thúc.

Không giống như Nam Cực, được các hiệp ước cụ thể « bảo vệ », Bắc Cực ngày nay, giống như miền Viễn Tây Far West của Mỹ trước đây, vẫn còn hoang dã và đang trở thành một cục nam châm thu hút mọi tham vọng. Các nước bao quanh Bắc Cực như Nga, Mỹ (nhờ vùng với Alaska), Canada, Đan Mạch (với Greenland), Iceland và Na Uy đều đã tìm cách khai thác và mở rộng khu vực kiểm soát, thế nhưng theo tạp chí Pháp, điểm nổi bật của năm 2017 này là họ đã bị một nước ngoài khu vực qua mặt : Đó là Trung Quốc.

Trump đã giúp Trung Quốc làm chủ Bắc Cực

Vấn đề đáng chú ý là Trung Quốc đã lộ rõ tham vọng khống chế Bắc Cực từ lâu, nhưng cho đến nay đã vấp phải cản lực từ Mỹ. Thế nhưng, ngày 9 tháng 11 vừa qua, trong chuyến thăm Bắc Kinh, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý cho Trung Quốc đầu tư 43 tỷ đô la Mỹ vào bang Alaska để khai thác, hóa lỏng và vận chuyển khí đốt tự nhiên. Đây là khoản đầu tư lớn nhất vào vùng Bắc Cực từ trước đến nay.

Đối với Mikaa Mered, giáo sư chuyên nghiên cứu Nam Cực và Bắc Cực tại Đại Học Khoa Học Ứng Dụng Lapland ở Phần Lan, đồng thời là chuyên gia cho Ủy Ban Châu Âu, hệ quả của thỏa thuận Mỹ-Trung trên đây rất rõ : « Trung Quốc đã trở thành ông chủ của Bắc Cực ».

Chuyên gia này giải thích : « Trung Quốc đã có phần trong các dự án ở Canada, họ đã đầu tư vào hai dự án khí đốt lớn ở Nga, họ đã sưởi ấm quan hệ với Na Uy, họ đã có một thỏa thuận thương mại tự do với Iceland, họ đã nắm trong tay gần như tất cả các dự án khai thác mỏ lớn ở Greenland. Người ta từng cho rằng họ sẽ khó mà vào được Mỹ do quan điểm (được tuyên bố trước đây) của Trump đối với họ. Rốt cuộc, họ chỉ cần sáu tháng để được toại nguyện… »

Theo tạp chí Pháp, tổng thống Mỹ đã bị thống đốc Bill Walker cùng với các nghị sĩ thuộc tiểu bang Alaska, tất cả đều cùng trong đảng Cộng Hòa, thuyết phục. Từ khi giá dầu sụt giảm, bang này bị lâm vào khó khăn kinh tế và tài chính, và dự án Alaska LNG ký với Trung Quốc được coi là mang tính chất sống còn. Các đối tác ban đầu là Exxon Mobile, TransCanada, ConocoPhillips, BP, đã không hứng khởi lắm với dự án do lợi nhuận không chắc chắn, và đã rút lui vào năm ngoái.

Khống chế Bắc Cực để nắm nguồn tài nguyên

Đối với Trung Quốc thì khác, không có lợi nhuận ngay lập tức không phải là vấn đề, ưu tiên của họ là đảm bảo nguồn năng lượng để duy trì sự tăng trưởng trong nhiều thập niên.

Theo Mark Rosen, chuyên gia về Bắc Cực ở CNA, một cơ quan nghiên cứu thân cận với bộ Quốc Phòng Mỹ thì đối với Bắc Kinh, « Bắc Cực trước tiên hết là nguồn cung cấp các nguyên liệu mà ngành công nghiệp Trung Quốc rất cần. Thay vì đi mua, Bắc Kinh đã quyết định làm chủ các mỏ để nắm quyền kiểm soát sản lượng và giá cả ».

Thế là Trung Quốc đã lợi dụng thời cơ lao vào thương lượng về việc tham gia dự án Alaska LNG. Theo thỏa thuận, thì một đại tập đoàn (consortium) bao gồm 3 tập đoàn Trung Quốc sẽ tiếp quản dự án này (mặc dù Alaska sẽ vẫn nắm đa số) : Đó là tập đoàn hóa dầu Sinopec, quỹ đầu tư nhà nước CIC, và Ngân Hàng Nhà Nước Trung Quốc. Bắc Kinh dự định nhập khẩu 75% khí đốt sẽ được khai thác.

Đối với Hoa Kỳ thì mối lợi sẽ là 12.000 việc làm và giảm được 10 tỷ đô la thiếu hụt thương mại với Trung Quốc (lên đến 350 tỷ đô la vào năm ngoái). Món lợi đó, theo tạp chí L’Obs, đã đập tan luận điệu chống Trung Quốc hùng hồn của ứng cử viên Trump. Thời kỳ mà Trung Quốc « cưỡng bức Hoa Kỳ » giờ đây chỉ còn là ký ức.

Nguồn: REUTERS, RFI/Mai Vân

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh