Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Mỹ và đồng minh có gì để phòng vệ trước tên lửa mới của Bắc Triều Tiên


Ngay sau vụ Bắc Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 29/11, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ James Mattis nhận định giờ đây Bắc Triều Tiên có khả năng tấn công «khắp nơi trên thế giới». Với Hoa Kỳ, tên lửa liên lục địa này của Bắc Triều Tiên đặt ra thách thức mới cho khả năng phòng thủ chống tên lửa để bảo vệ lãnh thổ Mỹ cũng như của các đồng minh. (Hình trên: Tên lửa liên lục địa Hỏa Tinh 15(Hwasong-15) của Bắc Triều Tiên rời bệ phóng thử trong đêm rạng sáng 29/11/2017. Ảnh do KCNA thống tấn xã BTT cung cấp ngày 30/11/2017.–)

Vấn đề trước tiên được đặt ra là tầm cao của tên lửa

Giới quân sự Mỹ và các chuyên gia rất quan tâm phân tích tầm cao của các tên lửa mà Bình Nhưỡng phóng thử. Chưa bao giờ tên lửa Bắc Triều Tiên đạt được độ cao như lần thử hôm qua. Tên lửa phóng thử hôm 4/7 mà lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un gọi là quà tặng cho chính quyền Trump mới chỉ đạt độ cao ước tính 2802 km và bắn xa được 933km.

Ông David Wrigh, chuyên gia thuộc Union of Corcerned Scientist, cho biết nếu Bắc Triều Tiên có thể nâng tầm bay cao lên tới 4 500 km thì bán kính hoạt động của tên lửa sẽ vô cùng lớn. Theo chuyên gia David Wrigh, « Nếu các số liệu trên chính xác, với góc bắn bình thường thì loại tên lửa này có thể đạt tầm bắn xa 13 000 km », tức là tên lửa có thể bắn tới tận Washington D.C và như vậy cũng có nghĩa là tên lửa có thể được bắn tới bất kỳ nơi nào trên lục địa Mỹ.

Sau vụ thử tên lửa đạn đạo hôm 04/07, các chuyên gia nhận định vùng Alaska của Mỹ nằm trong tầm bắn của tên lửa Bắc Triều Tiên. Nếu như tầm cao 4 500 km của tên lửa thử hôm thứ Tư 29/11 được xác nhận, thì chứng tỏ chế độ Bình Nhưỡng đã có bước tiến nhanh chóng trong công nghệ chế tạo tên lửa.

Mối lo sợ lớn nhất của Washington và đồng minh là Bắc Triều Tiên có thể một ngày nào đó gắn được đầu đạn hạt nhân lên trên tên lửa.

Hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ có đủ tin cậy ?

Mỹ đã chi hàng tỷ đô là để phát triển công nghệ để phòng thủ có hiệu quả trước các loại tên lửa đạn đạo. Người Mỹ vẫn tin tưởng hiệu quả của hệ thống phòng thủ đó của họ.

Ít giờ sau khi Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hôm qua, phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Mỹ, đại tá Rob Manning tuyên bố : « Liên minh giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc vẫn tin tưởng vào khả năng tự vệ trước các đe dọa từ Bắc Triều Tiên ».

Mỹ và đồng minh quả thực vẫn nắm trong tay một hệ thống công nghệ hiện đại nhưng không phải là tất cả đều hoàn hảo, bảo đảm tuyệt đối.

Để đối phó với tên lửa liên lục địa, Mỹ đã có hệ thống GMD ( Ground-based Midcourse Defense), đặt tại Fort Greely, cách Fairbank (Alaska) 160 km và một hệ thống tương tự khác đặt tại Vandenberg, California. Hệ thống phòng thủ chống tên lửa chủ chốt này của Mỹ đã được thử nghiệm thành công hồi tháng 5 vừa qua tại California. Tuy nhiên hệ thống này cũng bộc lộ một số điểm yếu, đó là có thể sẽ bị quá tải trong trường hợp bị tấn công ồ ạt.

Mỹ còn cách phòng thủ nào khác để tự vệ và bảo vệ đồng minh ?

Ngoài hệ thống GDM nói trên, Hoa Kỳ và các đồng minh còn được trang bị hệ thống AEGIS – Aegis Ballistic Defense System. Đó là hệ thống được lắp đặt trên trên các chiến hạm bao gồm các radar và các bộ phận bắt sóng cực kỳ nhạy để có thể cung cấp các thông tin cho hệ thống chống tên lửa liên lục địa GDM đặt tại Alaska và California. Đồng thời, AEGIS còn có riêng khả năng đánh chặn các tên lửa tầm ngắn.

Bên cạnh đó, mới đây Hoa kỳ đã bắt đầu triển khai tại Hàn Quốc hệ thống THAAD (Teminal High Altitude Area Defense) có khả năng tiêu diệt các loại tên lửa tầm ngắn và trung ở cuối hành trình bay. Tuy nhiên, kế hoạch triển khai hệ thống này đã khiến Trung Quốc bực tức vì Bắc Kinh cho rằng lắp đặt hệ thống sẽ chỉ góp phần làm mất ổn định thêm tình hình trên bán đảo Triều Tiên. Tiến độ lắp đặt hệ thống đang gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng Hoa Kỳ, Hàn Quốc và Nhật Bản có thể trông cậy vào dàn tên lửa Patriot Advenced Capability-3. Hệ thống này chủ yếu nhằm đối phó với các đe dọa trong vùng nên hiệu quả cũng hạn chế đối với các loại tên lửa liên lục địa.

Tại châu Âu, các đồng minh của Mỹ cũng được trang bị các hệ thống chống tên lửa, nhưng hệ thống này chỉ tập trung đối phó với các loại vũ khí tầm ngắn từ phía Nga hay Trung Đông.

Bắc Triều Tiên, “thành viên mới” của Câu lạc bộ vũ khí hạt nhân

Sau khi khoe phóng thành công tên lửa liên lục địa hôm 29/11, Bắc Triều Tiên nghiễm nhiên tuyên bố trở thành quốc gia hạt nhân, ngang hàng với một số rất nhỏ các nước trên thế giới sở hữu vũ khí hạt nhân. Câu lạc bộ hạn hẹp của các nước có trong tay thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt này gồm những ai ?

Có tên lửa liên lục địa có khả năng bắn tới bất kỳ nơi nào trên đất Mỹ, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng, Kim Jong Un huênh hoang tuyên bố Bắc Triều Tiên đã trở thành một quốc gia hạt nhân thực thụ. Cho đến giờ trên thế giới mới chỉ có 8 quốc gia được xếp trong danh sách những nước có trang bị hạt nhân quân sự, nhưng chỉ có 5 nước được thừa nhận chính thức.

Theo thẩm định của Liên đoàn các nhà Khoa học Mỹ (FAS), trên tổng số 15 nghìn đầu đạn hạt nhân thống kê được trên toàn thế giới thì có khoảng 4 nghìn hiện đã được triển khai sẵn sàng sử dụng. Trong kho vũ khí hạt nhân khổng lồ đủ để tiêu hủy toàn bộ sự sống trên trái đất đó, riêng Mỹ và Nga sở hữu tới 90% .

Trong lịch sử thế giới đến giờ, Hoa Kỳ là nước duy nhất đã sử dụng vũ khí nguyên tử. Đó là hai quả bom nguyên tử mà quân đội Mỹ đã vội vã ném xuống thành phố Hiroshima và Nagasaki Nhật Bản ngày 6 và 09/08/1945, trước giờ kết thúc cuộc Đại Chiến Thế Giới thứ 2. Hai quả bom nguyên tử thời kỳ sơ khai đó đã sát hại hơn 200 nghìn người ngay tại chỗ và tiếp tục để lại những di chứng thảm thương cho dân Nhật đến tận bây giờ chưa hết.

Điều nghịch lý là sau thảm họa hạt nhân đó, thế giới Đông – Tây lại lao vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân điên rồ làm cho kho vũ khí hạt nhân trên địa cầu cứ lớn dần lên. Ý thức được mối đe dọa hủy diệt khôn lường của vũ khí hạt nhân, Hiệp ước không phổ biến hạt nhân TNP đã được ký năm 1968 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 1970.

Hiệp ước chỉ công nhận 5 quốc gia chính thức được sở hữu bom nguyên tử : Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc. Các nước này phải cam kết không chuyển giao công nghệ hạt nhân quân sự cho nước khác. TNP còn cấm tất cả các nước không có vũ khí hạt nhân tìm cách chế tạo, mua sắm vũ khí hạt nhân.

Ngay từ khi Hiệp ước được ký, nhiều nước đã tự nguyện tuyên bố chối bỏ chương trình phát triển hạt nhân quân sự, đó là : Thụy Điển (1968), Thụy Sĩ (1969), Nam Phi (1991) và các nước Cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Thế nhưng bên cạnh đó, vẫn có 4 quốc gia, không ký Hiệp ước, vẫn theo đuổi trang bị bom hạt nhân một cách không chính thức. Đó là Pakistan, Ấn Độ, Israel. Gần đây là Bắc Triều Tiên, năm 2003 đã rút khỏi TNP để theo đuổi con đường hạt nhân quân sự của họ.

Tại sao công nghệ chế tạo vũ khí hạt nhân vẫn được phổ biến bất chấp Hiệp ước TNP ? Câu hỏi này chưa bao giờ được giải đáp đầy đủ. Người ta mới chỉ biết đến một cá nhân. Đó là nhà khoa học người Pakistan, Abdul Qadeer Khan. Ông này bị tố cáo là một trong số các nhà khoa học đã tham gia phổ biến hạt nhân.

Năm 2004, ông thú nhận đã bán các bí mật hạt nhân cho Iran, Libya và Bắc Triều Tiên. Sau nhiều năm bị quản thúc tại gia, nhà khoa học này đã rút lại thú nhận trên. Tuy vậy, ở Pakistan, Abdul Qadeer Khan vẫn được coi như người hùng đã giúp thế giới Hồi giáo có được quả bom nguyên tử đầu tiên.

Trong số các nước phát triển hạt nhân quân sự, Iran là một trường hợp đặc biệt. Bị cộng đồng quốc tế nghi ngờ phát triển vũ khí hạt nhân trong những năm 2000, cuối cùng tháng 7/2015, Teheran đã ký được với các cường quốc một thỏa thuận hạt nhân, cam kết chỉ phát triển hạt nhân dân sự để đổi lại việc gỡ bỏ trong vòng 10 năm các trừng phạt của quốc tế. Có điều, thỏa thuận này giờ đang bị tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa rút khỏi bất kỳ lúc nào.

Nguồn: AFP, RFI

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh