Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Láng giềng Trung Quốc có “gục ngã” trước chiến lược mê hoặc của Tập Cận Bình?


Hình trên: Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sau lễ ký kết tại Đại Lễ Đường Nhân Dân, Bắc Kinh, ngày 14/12/2017.-

Ngày 13/12/2017, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In thăm chính thức Trung Quốc. Sự kiện này có thể là dấu hiệu quan trọng hâm nóng quan hệ song phương trở nên căng thẳng từ năm 2016 khi cựu tổng thống Park Geun Hye đồng ý để Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc.

Trong bài viết đăng trên South China Morning Post (11/12/2017), ông Douglas H. Paal, giám đốc chương trình châu Á của Quỹ Carnegie về Hòa bình Quốc tế, cho rằng chuyến công du của tổng thống Hàn Quốc được theo dõi và phân tích để xem khả năng chèo lái của Seoul giữa những tham vọng cạnh tranh nhau của Bắc Kinh và Washington trong việc kiềm chế mối đe dọa hạt nhân ngày càng gia tăng của Bình Nhưỡng. Ngoài ra, chuyên gia về châu Á cũng tìm hiểu chuyến công du này phù hợp với chính sách đối ngoại của Trung Quốc như thế nào ?

Thứ nhất, chuyến công du Bắc Kinh là một bài trắc nghiệm thực sự đối với tổng thống Hàn Quốc. Người tiền nhiệm Park Geune Hye từng trông đợi rất nhiều vào mối quan hệ với lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình để kiềm chế mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên, trước khi rơi vào cảnh bối rối vì chủ tịch Trung Quốc không nhận các cuộc gọi của bà sau một vụ thử nguyên tử nghiêm trọng của Bình Nhưỡng.

Khi bà Park chấp nhận để Hoa Kỳ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, Bắc Kinh lại cho rằng sự việc này gây hại đến an ninh quốc gia và tung một chiến dịch tẩy chay, không chính thức nhưng rất hiệu quả, nhắm vào thương mại và ngành du lịch Hàn Quốc. Trong khi đó, Seoul lại cần tổ chức thành công Thế Vận Hội Mùa Đông vào tháng 02/2018 và sự đồng thuận của Trung Quốc là chìa khóa giúp các khán đài kín chỗ.

Về phần mình, Hoa Kỳ từng « chơi khó » tổng thống Moon khi một mặt, đẩy nhà lãnh đạo cánh tả ủng hộ phản ứng ngày càng hiếu chiến hơn của Washington trước hoạt động phát triển vũ khí đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên ; mặt khác, buộc Seoul phải đàm phán lại thỏa thuận tự do thương mại Mỹ-Hàn, đã hai lần được thảo luận lại trước đó dưới thời tổng thống Bush và Obama. Tác giả bài viết so sánh tổng thống Moon như con tép nhỏ giữa bầy cá voi, và một kết thúc có hậu thì rất khó dự đoán.

Ngược lại, chủ tịch Tập Cận Bình, với vị trí được củng cố hơn sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, đang điều hành một nền kinh tế vững mạnh với những tham vọng toàn cầu mới và một lực lượng quân đội được cải tổ và củng cố. Ông Tập Cận Bình cố duy trì mối quan hệ khá nồng ấm với tổng thống Donald Trump, dù còn rất nhiều căng thẳng về kinh tế và chiến lược cũng như việc loại bỏ lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un, trong khi cả hai đều đồng ý về các biện pháp trừng phạt chưa từng có nhắm vào chế độ Bình Nhưỡng.

Từ chiến lược gây hấn…

Nhà nghiên cứu Douglas H. Paal cho biết, sau đại hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 19, nhiều mối quan hệ Trung Quốc thuyết phục ông theo dõi chính sách ngoại giao của Bắc Kinh vì họ tin rằng ông Tập Cận Bình có thể tung chiến lược quyến rũ các nước láng giềng.

Trước đó, ông Tập từng thử việc này. Năm 2013, một năm sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc, ông Tập đã mời các quan chức ngoại giao hàng đầu của nước này tham gia hội thảo về chính sách đối ngoại của Trung Quốc với các nước trong khu vực ; không che dấu là điều chỉnh những sai lầm trong đường lối ngoại giao của Trung Quốc sau năm 2008. Từ cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Á năm 1997 đến Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, ngành ngoại giao Trung Quốc tỏ ra ngày càng ôn hòa và có lợi cho các nước láng giềng. Các nhà ngoại giao thì tài tình và cơ hội kinh tế nở rộ.

Nhưng với Thế Vận Hội và khủng hoảng tài chính toàn cầu, tính tự cao tự đại có vẻ phổ biến ở Trung Quốc. Hoa Kỳ thì lại bị coi trên đà xuống dốc. Bắc Kinh hành xử ngạo mạn. Các vụ tranh chấp nổ ra gần như khắp nơi xung quanh Trung Quốc : với Nhật Bản về các hòn đảo ngoài khơi biển Hoa Đông, với Việt Nam về Biển Đông, với Ấn Độ là đường biên giới, với Miến Điện là cách đầu tư tham nhũng của Trung Quốc…

Hội thảo tháng 10/2013 có dụng ý tập trung lại ngành ngoại giao và các nguồn lực Trung Quốc để cải thiện quan hệ với các nước láng giềng. Mục tiêu mang tính thực tiễn, theo nghĩa Trung Quốc biết rằng không thể biến các láng giềng thành đồng minh. Nhưng đúng hơn, mục đích còn nhằm ngăn cản khả năng Hoa Kỳ, Nhật Bản và có thể là cả Ấn Độ hình thành một liên minh với các nước xung quanh Trung Quốc để tạo đối trọng trước sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. Khi đưa ra những cơ hội thương mại, cơ sở hạ tầng (dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường ») và hạn chế các vụ xung đột, Bắc Kinh có thể sớm gạt bỏ những ý đồ như vậy.

Những tham vọng đầu tiên của ông Tập Cận Bình bị sụp đổ. Dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » chưa thành hình hài ngoài biểu tượng. Chủ tịch Trung Quốc giám sát việc tuyên bố một vùng nhận dạng phòng không – bất ngờ và không được hoan nghênh – tại biển Hoa Đông. Ông cũng tiến hành gây hấn ở Biển Đông, với yêu sách « đường lưỡi bò » đòi chủ quyền phần lớn vùng biển này, nhưng tuyên bố đã bị Tòa trọng tài La Haye bác bỏ.

… đến chiến lược quyến rũ đề phòng láng giềng liên kết chống Trung Quốc

Dường như ông Tập Cận Bình hiện muốn tái khởi động chiến dịch quyến rũ. Mục đích chiến lược là ngăn chặn một liên minh bài Trung Quốc giữa các nước làng giềng vẫn không hề thay đổi. Động cơ thúc đẩy ông Tập có thể là chiến lược « xoay trục sang châu Á » của cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, bị đánh giá là bất thành trước sự lớn mạnh của Trung Quốc, và đến giờ là « chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương » của tổng thống Donald Trump với mục đích rõ ràng là cạnh tranh với Trung Quốc, dù không được chính thức nêu tên. Chiến lược an ninh quốc gia của chính quyền Trump có thể được công bố trong những ngày tới.

Dấu hiệu đầu tiên của chiến lược quyến rũ của Trung Quốc khá thuyết phục. Trong những ngày sau đại hội đảng, Bắc Kinh thông báo tìm được một thỏa thuận mới và cơ chế với Hà Nội để giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

Thỏa thuận cũng đạt được giữa ngoại trưởng Trung Quốc và Hàn Quốc để hạn chế việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, đổi lại là bình thường hóa quan hệ. Cũng trong thời gian này, Bắc Kinh và Tokyo cũng tiết lộ ý định chủ tịch Tập Cận Bình công du Nhật Bản vào năm 2018, và cùng nhất trí về một cơ chế, từ lâu bị đình trệ, để quản lý căng thẳng trong vùng biển Hoa Đông.

Tại Đông Nam Á, Trung Quốc tiếp tục vuốt ve chính quyền của tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Còn các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Miến Điện cũng liên tục sang thăm Trung Quốc trong thời gian gần đây. Cuối cùng, phải kể đến dự án « Một Vành Đai, Một Con Đường » được thúc đẩy trên nhiều mặt. Ông Tập Cận Bình biết nắm lấy thời cơ mà tổng thống Mỹ đem lại để bảo vệ hệ thống quốc tế.

Hoa Kỳ không hoàn toàn ngồi im. Chính quyền Trump sớm nhận ra rằng chiến lược của cựu tổng thống Barack Obama về Đông Nam Á đã để cho những trở ngại nhỏ hơn tác động đến các mục tiêu lớn hơn ở Thái Lan, Malaysia và Philippines. Nhà Trắng cố gắng nối lại quan hệ với lãnh đạo của các quốc gia này thông qua các cuộc gặp gỡ của tổng thống, có vẻ được đánh giá cao. Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn còn bị cản trở với việc rút khỏi hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nhiều vị trí chính trị vẫn còn khuyết, thái độ thờ ơ của người dân đối với trật tự quốc tế và vẫn chưa thoát được sự lún sâu, tốn kém ở Trung Đông.

Trung Quốc có thể sẽ lại thất bại với chiến lược quyến rũ. Nhiều vấn đề vốn đã đầu độc mối quan hệ giữa Trung Quốc và các nước láng giềng trong nhiều thập kỷ sẽ không biến mất. Điều đó sẽ thúc đẩy các nhà quan sát theo dõi xem Trung Quốc xử lý những vấn đề này, các bất đồng như thế nào, cũng như cách mà Washington, Tokyo và có thể là cả New Delhi thể hiện vai trò lãnh đạo và huy động các nguồn lực để chống lại hoặc khai thác các hành động « tán tỉnh » của Bắc Kinh.

Nguồn: AFP, RFI

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh