«Quyền lực bén», vũ khí lũng đoạn thâm hiểm của Trung Quốc
Posted by Luu HoanPho, Dec 16, 2017, Comments Off
Tuần báo Anh The Economist hôm nay đăng ảnh bìa là hình vẽ trái đất với những gai sắt nhọn tua tủa, chạy tựa «Quyền lực bén, một dạng mới của ảnh hưởng Trung Quốc». (Hình trên: Lễ hội ánh sáng Trung Quốc tổ chức tại Cologne (Köln), Đức ngày 25/11/2017.)
Ở trang trong, tờ báo phân tích cụ thể việc chính quyền Trung Quốc thâm hiểm dùng mọi cách xâm nhập để dẫn dắt công luận và dập tắt những tiếng nói chỉ trích của các nước khác trên thế giới. Phương thức này có thể gọi là «sharp power», tạm dịch «quyền lực sắc bén».
Úc, New Zealand, Canada, Đức…những nạn nhân của vòi bạch tuộc Trung Quốc
The Economist nhận định, trong năm qua nước Úc đã bị một loạt xì-căng-đan, mà gần đây nhất là vụ Sam Dastyari, một chính khách gốc Iran thuộc đảng Lao Động, đã phải rút lui khỏi Quốc Hội hôm 12/12. Trong một băng ghi âm, ông Dastyari đã cổ vũ Úc « tôn trọng » yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông, đi ngược lại với chủ trương của chính phủ và ngay cả của đảng mình. Dân biểu này còn cố ngăn trở người phát ngôn về đối ngoại của đảng gặp một nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông.
Trước đó một năm, Dastyari đã mất chức trưởng ban kinh tế của đối lập, sau khi bị tiết lộ là ông ta đã từng nhận tiền của Hoàng Tương Mô (Huang Xiangmo), một doanh nhân người Hoa có quan hệ chặt với đảng Cộng Sản Trung Quốc, khi có những phát biểu bênh vực sự bành trướng của Bắc Kinh.
Rất nhiều bằng chứng về việc Trung Quốc xỏ mũi vào chính trị và các trường đại học khiến giám đốc tình báo Úc phải cảnh báo rằng đất nước đang đối mặt với sự can thiệp nước ngoài «ở mức độ chưa từng thấy». Những tiết lộ khác cho thấy hai công ty Trung Quốc, trong đó có một công ty của ông Huang, đã tặng 6,7 triệu đô la Úc (5 triệu đô la Mỹ) cho hai đảng chính trong thập niên qua. Hôm 5/12, chính phủ loan báo cấm nhận những món tiền từ người cho không phải là công dân Úc, và yêu cầu giới lobby chính trị phải khai báo nếu họ làm việc cho nước ngoài.
Không chỉ có nước Úc. Hồi tháng Chín, tờ Financial Times cho biết một dân biểu New Zealand từng giảng dạy trong một trường tình báo Trung Quốc trong nhiều năm trời, nhưng không ghi thông tin này trong lý lịch lúc xin nhập tịch. Sự kiện trên khiến ngày càng có nhiều lời kêu gọi xem xét kỹ lưỡng về cộng đồng người Hoa tại New Zealand. Cơ quan tình báo Canada thì đã lo ngại từ lâu : năm 2010 họ đã cảnh báo rằng có nhiều nhân viên chính phủ là người trà trộn gây ảnh hưởng.
Tại châu Âu, cơ quan tình báo Đức tuần này tố cáo Bắc Kinh sử dụng mạng xã hội để liên lạc với 10.000 công dân Đức, kể cả dân biểu và công chức, nhằm « thu thập thông tin và tạo nguồn ». Có những báo cáo cho biết tình báo Trung Quốc cố gắng dựng lên những chính khách ở Anh, đặc biệt những người có quan hệ làm ăn. Mới nhất hôm 13/12, một ủy ban của Quốc Hội Mỹ bắt đầu xem xét các âm mưu gây ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh.
Lũng đoạn và gây sức ép khắp nơi
Phương cách của Trung Quốc có thể gọi là « sharp power », quyền lực bén. Không đến mức như quyền lực cứng thông qua sức mạnh quân sự hoặc kinh tế, nhưng khác với quyền lực mềm thông qua văn hóa, và ma mãnh hơn. Quyền lực bén là từ ngữ do National Endowment for Democracy (Quỹ Quốc gia vì Dân chủ – NED) sáng tạo, để chỉ loại quyền lực thông qua lũng đoạn và gây áp lực. Chuyên gia Anne-Marie Brady thuộc trường đại học Canterbury, New Zealand coi sự xâm nhập của Trung Quốc là « một trận chiến toàn cầu » để « lèo lái, mua chuộc hay cưỡng bức để gây ảnh hưởng ».
Rất khó đối phó với quyền lực bén. Trung Quốc dùng sức mạnh kinh tế để bóp nghẹt những chỉ trích từ nước ngoài về hệ thống chính trị, vi phạm nhân quyền, bành trướng trên biển ; nhất là dập tắt những tranh luận về Đạt Lai Lạt Ma, Pháp Luân Công, vụ thảm sát Thiên An Môn.
Từ nhiều năm qua, Bắc Kinh cũng đã cố dập tắt những phê phán qua việc từ chối cấp visa cho không ít nhà báo, giáo sư đại học, các chính phủ và công ty hay chỉ trích Trung Quốc. Bên cạnh đó là giám sát Hoa kiều, với các phương tiện truyền thông bằng tiếng Hoa và các hội nhóm thân chính phủ.
Quyền lực mềm từ lâu cũng được sử dụng rộng rãi với 500 Viện Khổng tử tại các trường đại học, 1.000 « lớp học Khổng tử » ở các trường trung học trên toàn thế giới, đa số tại các nước giàu. Không chỉ dạy tiếng Hoa, các Viện này còn cố chứng minh với sinh viên phương Tây về sự « hữu hảo » của chế độ độc đoán Bắc Kinh.
Sự nham hiểm của « quyền lực bén »
« Quyền lực bén » cố xâm nhập vào chính trị, truyền thông và giáo dục để vẽ ra một hình ảnh tích cực của Trung Quốc và bóp méo thông tin. The Economist nêu ra ba đặc tính của loại quyền lực này : hiện diện khắp nơi, khiến người ta phải tự kiểm duyệt, và rất khó chứng minh có bàn tay của Nhà nước.
Về đặc tính thứ nhất, hầu hết các chính phủ và cơ quan tình báo các nước ngỡ rằng Bắc Kinh chỉ xâm nhập giám sát cộng đồng người Hoa, nhưng họ đã lầm. Các Viện Khổng tử trở nên « bén nhọn » hơn. Nhiều trường đại học thiếu tiền đã thay thế các chương trình dạy ngoại ngữ của mình bằng chương trình của các viện này, thế là các chủ đề nhạy cảm bị bỏ sang một bên. Hiệp hội Sinh viên Học sinh Trung Quốc (CSSA) được các đại sứ quán Trung Quốc tài trợ cũng thế. Một giảng viên đại học Úc cho biết nhiều sinh viên Trung Quốc đã xin được xếp vào các nhóm không có sinh viên người Hoa nào khác để khỏi bị theo dõi.
Tại Hoa Kỳ, thượng nghị sĩ Marco Rubio trong cuộc điều trần tuần này đã tỏ ra thất vọng khi các lãnh đạo chính trị và kinh tế dường như « ngủ quên » trong lúc Trung Quốc xảo quyệt tấn công vào nền độc lập đại học, tự do ngôn luận. Human Rights Watch tố cáo công an Trung Quốc đến « hỏi thăm » cha mẹ một sinh viên hai ngày trước đó đã nêu ra các « chủ đề nhạy cảm » trong một cuộc hội thảo khép kín tại một trường đại học Mỹ. Các sinh viên người Hoa bị ngăn trở khi ghi danh vào trường đại học California sau khi Đạt Lai Lạt Ma phát biểu tại đây. Ông Rubio nhận định các hoạt động can thiệp của Trung Quốc là « vấn đề địa chính trị hết sức quan trọng ».
Mục đích trước mắt của « quyền lực bén » là sự tự kiểm duyệt. Hồi tháng Tám, Bắc Kinh đã đòi hỏi nhiều nhà xuất bản bỏ các bài viết về Thiên An Môn, các cuộc nổi dậy của người Duy Ngô Nhĩ ra khỏi cơ sở dữ liệu. Springer và Cambridge University Press (CUP) đã làm theo, nhưng do bị phương Tây chỉ trích dữ dội, CUP đã phải hồi phục lại. Tháng 11 vừa qua, một nhà xuất bản Úc đã phải thu hồi cuốn « Sự xâm nhập lặng lẽ » (Silent Invasion), một liên hoan điện ảnh Pháp mùa hè rồi không cho chiếu một bộ phim về Trung Quốc đương đại dưới áp lực của Bắc Kinh. Năm ngoái 16 dân biểu Mỹ tố cáo tập đoàn Vạn Đạt (Dalian Wanda) – sở hữu một hãng phim Hollywood và hai chuỗi rạp xi-nê ở Hoa Kỳ – kiểm duyệt các đề tài.
Nhiều tổ chức có Nhà nước Trung Quốc đứng phía sau cố tăng cường quan hệ đối tác với các tổ chức tư vấn và trường đại học phương Tây để ngăn họ chỉ trích Bắc Kinh. Về truyền thông, một cuộc điều tra của Reuters năm 2015 phát hiện đài phát thanh quốc tế Trung Quốc (CRI) tài trợ cho ít nhất 33 đài tại 14 nước, trong đó có Úc và Mỹ, tạo thành một mạng lưới tuyên truyền các tin tức có lợi cho Bắc Kinh. Hầu hết phát bằng tiếng Anh, tiếng Hoa, nhưng có cả tiếng Ý, Thái, Thổ Nhĩ Kỳ ; quan hệ với chính phủ Trung Quốc được giấu sau các công ty bình phong.
Tất nhiên là khó thể chứng minh được « bàn tay lông lá » của Bắc Kinh – một đặc tính thứ ba của « quyền lực bén ». Ngay cả trường hợp dân biểu Úc Dastyari ủng hộ « chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông » như đã nói ở trên cũng thế.
Trung Quốc sẽ thành công với «quyền lực bén»?
Liệu «quyền lực bén» có phải là một công thức mang lại thành công hay không? The Economist đặt câu hỏi.
Tập Cận Bình, lãnh đạo quyền lực nhất từ sau Mao Trạch Đông, không chỉ cai trị Trung Quốc bằng bàn tay sắt, mà còn muốn vươn vòi ra kiểm soát khắp các nước. Bắc Kinh xây dựng các cơ sở quân sự trên các đảo chiếm đóng ở Biển Đông, gởi tàu chiến đi tập trận với Nga ở Địa Trung Hải và biển Baltic, mở căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti. Song song với quyền lực cứng là « quyền lực bén » để dập tắt chỉ trích, trưng ra bộ mặt cường quốc có trách nhiệm.
Tuy nhiên ít nhất là tại Úc, sự can thiệp trắng trợn của Trung Quốc đã bắt đầu gây phản tác dụng. Ở nhiều trường đại học, xuất hiện các áp-phích đòi trục xuất Hoa kiều, những chữ « Kill Chinese » tại toa-lét trường đại học Sydney, và có những thanh thiếu niên Trung Quốc bị hành hung tại một trạm xe buýt ở Canberra.
Nguồn: REUTERS, RFI/Thụy My