Tuyên chiến với các tôn giáo!!!
Posted by Luu HoanPho, Dec 16, 2017, Comments Off
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 281 (15-12-2017 )
Tại Việt Nam vào thời gian này, có hai ngày lễ quan trọng của hai tôn giáo lớn là Ki-tô giáo và Phật giáo Hòa Hảo nằm khá gần nhau: lễ Giáng sinh của Đức Chúa Giê-su vào ngày 25-12-2017 và lễ Đản sanh của Đức Huỳnh Phú Sổ vào ngày 25 tháng 11 Đinh Dậu (tức 11-01-2018).
Rất nhiều người Việt, nhất là các tín đồ Hòa Hảo, đều biết Đức Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) đã được lịch sử ghi nhận như một vĩ nhân của Đất nước, vì đã hoạt động chống Thực dân Pháp và Việt minh Cộng sản qua việc thành lập Dân chủ Xã hội đảng với mục tiêu cách mạng con người, cách mạng dân tộc, cách mạng xã hội. Ngài cũng được vinh danh như một thánh nhân của Tôn giáo, vì đã thành lập Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo, thu phục hàng triệu tín đồ, đem lại vô vàn lợi ích cho tâm linh con người, cho văn hóa Dân tộc và cho tinh thần Đất nước kể từ năm 1939 tới nay.
Thế nhưng, từ sau năm 1975, bên cạnh những hành vi bách hại khốc liệt đối với Phật giáo Hòa Hảo như bắt bớ, giết chết nhân sự đến cả trăm ngàn người, cướp bóc, phá hủy hàng ngàn cơ sở và nơi thờ tự, cắt xén xuyên tạc Sấm Giảng Thi Văn của vị lập đạo, dàn dựng một cơ cấu quốc doanh mang tên Ban Trị sự Trung ương, nhà cầm quyền còn hạn chế hay cấm cản các tín đồ Giáo hội ấy tổ chức lễ Đản sanh của Đức Huỳnh Giáo chủ và nhiều đại lễ khác của đạo.
Sau hơn 10 năm để cho Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy tổ chức Đại lễ Đản sanh cách hạn chế trong mỗi địa phương, bỗng nhiên năm nay nhà cầm quyền An Giang (nơi có đông đảo tín đồ) cấm hẳn Giáo hội này không được làm bất cứ điều gì nhân sinh nhật Giáo chủ của họ, lấy cớ ngang ngược rằng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần tuý là một tổ chức không được nhà nước công nhận. Nhiều biện pháp hăm dọa đã được đưa ra từ hôm 27 tháng 11 mới rồi, khiến cho Giáo hội phải phổ biến các Thông báo khẩn cấp ngày 27 và 30-11-2017.
Đặc biệt, hôm 12-12-2017, trong một Kháng thư mạnh mẽ gởi cho lãnh đạo cao cấp của nhà nước, vị Hội trưởng là cụ Nguyễn Văn Điền đã có những lời tâm huyết như sau: “…Nho bảo: “Quân thị Thần như thủ túc, Thần đối Quân như thân nhân”, nhược bằng: “Quân thị Thần như thảo giới, Thần đối Quân như khấu thù”. Đây là kinh nghiệm của người xưa, cho ta một bài học về đạo làm vua, về mặt trị quốc và vai trò lãnh đạo. Nhất nhất đều nằm trong định luật nhân quả “Thiện ác chi báo như ảnh tùy hình” (Lành dữ trả vay như bóng theo hình)… Là đạo làm quan ta phải “Phiếm ái chúng như thân nhân, ái dân như xích tử…” (Phàm thương người đời như người thân, thương dân như thương con đỏ). Thì nhất định hậu quả rất tốt đẹp, tương lai rất tươi sáng. Với cái trách nhiệm phụ mẫu chi dân của một nhà lãnh đạo Đất nước khôn khéo thông minh, đừng bao giờ ép dân phải trở nên thành phần đối kháng. Nên giáo dục cho dân thành người đạo nghĩa; nên đào tạo cho dân trở thành người trung hậu hiền lương. Có thế mới tạo cơ hội tốt cho nhân dân, cho tôn giáo một điều kiện đi vào chân thiện mỹ. Nhất thiết là những ngày lễ lớn của các tôn giáo được tự do tổ chức, không bị phân biệt đối xử, như hiện nay của Nhà cầm quyền tỉnh An Giang. Và đây cũng gọi là Minh Đức Tân Dân đấy…”
Nhưng với một hàng lãnh đạo ngày càng coi Nhân dân và Tôn giáo như kẻ thù đe dọa ngai vàng lẫn túi bạc của họ và đang thực sự tuyên chiến với hai thành phần này, có hy vọng gì là họ sẽ làm dân đức sáng tỏ và dân sinh đổi mới chăng, hay sẽ đàn áp cách khốc liệt? nên vị Hội trưởng Giáo hội đành phải tuyên bố trước: “Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo Thuần túy chúng tôi nhứt quyết phải tổ chức bằng được những ngày Lễ Đạo, đặc biệt là Đại lễ Đản sanh Đức Huỳnh Giáo Chủ lần thứ 98, cho dù phải trả một giá rất đắt. Nếu đủ nhân duyên đền ơn Đạo đáp nghĩa Thầy, ví phải đổ máu thì những giọt máu oan cừu này sẽ tô đậm nét son lịch sử trong thời kỳ pháp nạn ! Bằng như được chết thì những oan hồn này hòa quyện với gió sớm mây chiều cùng hồn thiêng sông núi; và máu xương này sẽ điểm tô cho Tổ quốc Việt Nam và vun quén cho vườn hoa Đạo pháp được khởi sắc khoe hương với thời gian bất tận”.
Về phía Ki-tô giáo (gồm Công giáo và Tin lành), từ bao năm qua, Đại lễ Giáng sinh dù được cử hành thoải mái nhiều nơi, nhưng ở vùng sâu vùng xa, nhất là giữa các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc hay Tây Nguyên, hoặc tại những nơi mà dân đạo bị cho là “ương ngạnh”, “chống đối” thì đó cũng là lúc nhà nước “tỏ uy quyền” bằng cách hạch sách, cấm cản đủ kiểu đối với chức sắc lẫn tín đồ. Bằng chứng mới nhất là tại giáo xứ Đông Kiều, Giáo hạt Đông Tháp, Giáo phận Vinh, nằm trên địa bàn xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An
Vào khoảng 8 giờ tối ngày 13-12-2017, một số “côn đồ” (công an đội lốt hay thuê mướn) đã đến khu vực nhà thờ Đông Kiều hành hung giáo dân vì làm hang đá Noel. Chúng phá hai cổng chào, chặt các dàn bóng đèn trang trí và tấn công tín hữu. Một thanh niên bị chém vào tay vào xe và một thầy giáo bị bắn vào đầu, phải đưa đi bệnh viện.
Căn nguyên vụ việc là sáng hôm đó, hơn một chục cán bộ, công an địa phương đã đến giáo xứ, yêu cầu tháo dỡ hang đá, lấy cớ nơidựng nằm trên phần đất “đang có tranh chấp.” Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ và các giáo dân đã từ chối đòi hỏi ngang ngược này bởi lẽ“hang đá làm trên đất đã được người dân hiến tặng cho giáo xứ”. Ban chiều, tay chủ tịch xã lại dẫn lâu la đến lặp lại lệnh phải dẹp bỏ hang đá trong vòng 24 giờ đồng hồ. Và đến tối thì chúng đã ra tay như nói trên.
Trang Thanh niên Công giáo dẫn lời linh mục Antôn Nguyễn Văn Thanh phát biểu trong thánh lễ hiệp thông của các linh mục Giáo hạt Đông Tháp vào chiều ngày 14-12 như sau: “Giáng Sinh không chỉ của người Công giáo mà là tất cả mọi người, thế nhưng chính quyền huyện Diễn Châu lại ngăn cấm Giáo xứ Đông Kiều dựng hang đá làm bằng những cái bạt theo kiểu tạm bợ và trang trí những bóng đèn nho nhỏ…”. Trang ấy còn cho biết hiện nay giáo dân đã lập hàng rào để bảo vệ dân làng và giáo xứ vì họ sợ “côn đồ và Hội Cờ Đỏ sẽ vào làng quậy phá.” Đang khi đó thì một video lưu truyền trên mạng cho thấy một người mặc sắc phục an ninh nói ông ta sẽ cử cán bộ tới trực tại các chốt ở khu vực quanh nhà thờ Đông Kiều trong những ngày tới để “đảm bảo an ninh trật tự”. Việc này khiến công luận nhớ lại những sự kiện gây đau thương và tạo công phẫn tại cộng đoàn Công giáo này.
Đó là từ ngày 1 đến 20 tháng 9 vừa qua, tư gia và cơ sở kinh doanh của nhiều gia đình bị côn đồ ném đá, dùng súng tấn công, phá hoại tài sản. Ngày 20 tháng 9, Linh mục quản xứ Nguyễn Ngọc Ngữ và một linh mục bạn đã bị hàng trăm kẻ lạ mặt vây lại và xông vào đòi đánh ngay trước cổng ủy ban nhân dân huyện khi hai vị “được” mời đến đấy “làm việc”. Trong cùng ngày, nhiều đoàn thể tại xã Diễn Mỹ còn mang cờ đỏ sao vàng, băng rôn, khẩu hiệu đi vào khu vực quanh nhà thờ Đông Kiều gây rối và đòi trục xuất vị quản xứ ra khỏi xã. Những kẻ này còn có nhiều hành vi báng bổ tôn giáo như dùng gạch đá, gậy gộc đập phá ảnh tượng thánh và lấy súng bắn vào bàn thờ của người dân. Để bênh vực những hành vi vô luật ấy, trên một số trang báo điện tử và mạng xã hội (đặc biệt tại Nghệ An) có nhiều bài viết cho rằng những hành động này là phản ứng tự phát của dân lành chứ không phải do nhà cầm quyền chủ ý gây ra ?!? Trang “Thông tin chống Phản động” của bọn dư luận viên còn vu cáo: “Linh mục Nguyễn Ngọc Ngữ, chánh xứ Đông Kiều thường xuyên có những hành động kích động giáo dân dựng biểu ngữ, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, phát ngôn tục tĩu… đã bị người dân nơi đây dạy cho một bài học.” Linh mục đoàn giáo hạt Đông Tháp hôm 22-09 đã ra thông cáo phản đối các hành vi vi phạm pháp luật lẫn quyền tự do tôn giáo của tín hữu lẫn linh mục nơi đây, và chiều ngày 14 tháng 12 đã tới dâng thánh lễ hiệp thông với họ.
Ngoài hai vụ cấm cản tôn giáo mừng Đại lễ như trên, trang Việt Nam Thời Báo có đưa tin về việc nhà cầm quyền tỉnh Điện Biên đã xóa trắng điểm nhóm Tin Lành Tà Phì Chà. Theo đó, “ngày 15-11-2017, 5 trong số 71 ngôi nhà trong bản đã bị nhân viên chính quyền phá dỡ. Do điểm nhóm Tá Phì Chà nằm cách khá xa đường quốc lộ 131 nên khi thực hiện cưỡng chế, chính quyền huyện Mường Nhé đã huy động máy múc mở đường lên tận bản cùng một lực lượng lớn gồm cả dân quân ở các bản trong huyện và công an, bộ đội biên phòng, cơ động. Các ngã đường đến bản đều bị chính quyền lập chốt chặn; không ai có thể ra vào dù trong các trường hợp rất cấp bách, cần thiết như thăm, khám bệnh”. Trên mạng cũng lưu truyền nhiều video cho thấy vào ngày Nhân quyền Quốc tế, 10 tháng 12, Hòa thượng Thích Không Tánh thuộc Tăng đoàn Giáo hội Phật giáo VNTN và hai linh mục Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn Lê Ngọc Thanh và Lê Xuân Lộc đã bị công an côn đồ chặn đường hành hung, không cho đến giáo xứ Thọ Hòa của linh mục Nguyễn Duy Tân để cùng mừng lễ bổn mạng giáo xứ và cầu nguyện cho nhân quyền.
Các hành vi tiêu biểu trên đây nằm trong loạt những đòn thù ngày càng gia tăng của Cộng sản đối với tôn giáo, nhất là sau vụ Formosa, kẻ được nhà nước hết mình bảo trợ, giết chết môi trường biển và nghề nghiệp biển ở miền Trung từ tháng 4 năm ngoái. Tên tội phạm và bọn đồng lõa đã bị sự phản đối quyết liệt của toàn dân, nhất là các cộng đoàn tôn giáo, mà cụ thể là Giáo phận Vinh và các giáo xứ tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Những cuộc xuống đường rầm rộ đã được tổ chức, những cuộc khiếu kiện đông đảo đã được tiến hành, những cuộc vận động quốc tế đã được tung ra. Nhưng ngược lại, đủ mưu hèn kế bẩn, đủ động thái đê tiện -dưới sự hỗ trợ của dùi cui, súng ống- của CS cũng liên tục giáng xuống những con người và những tập thể tôn giáo yêu nước. CS lo sợ một ngọn triều từ nhân dân sẽ nổi lên, cuốn phăng chế độ tội ác như bên Đông Âu ngày nào.
Chính vì thế mà các Giáo hội cần ý thức được vai trò và uy tín của mình, cần vận dụng sức mạnh của niềm tin tôn giáo và mãnh lực của quần chúng tín đồ. Hãy tập thói quen bày tỏ thái độ đòi hỏi công lý và sự thật, nhân quyền và dân chủ không chỉ qua những tuyên bố thẳng thắn, những buổi cầu nguyện đông đúc, mà còn qua những cuộc biểu tình rầm rộ, với hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tín đồ, để kéo cả toàn dân theo. Như bên Đông Âu, cái chế độ độc tài này chỉ sợ những tập thể tôn giáo biết bày tỏ ý chí cách ôn hòa trên phố và chỉ sụp đổ khi đức tin thúc đẩy được đại khối tín hữu xuống đường.
BAN BIÊN TẬP