Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Nước mắt của hàng nghìn công nhân vì bị nợ lương hai năm nay


BẢN ĐIỂM TIN SỐ 86 CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT TỰ DO.

Làm việc vất vả trong môi trường độc hại, thế nhưng ba năm nay, hàng nghìn công nhân Thuỷ lợi tại Hà Nội bị nợ lương, khiến cuộc sống của họ rơi vào cảnh khốn khó.

Tròn một tháng nữa là Tết Âm lịch, chị Nguyễn Thị Kim Thành (công nhân Xí nghiệp đầu tư phát triển thủy lợi Đan Hoài, thuộc Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy) như ngồi trên đống lửa. Lương bị nợ, chị phải thức đến 11-12h làm thêm nghề may vẫn không đủ tiền sinh hoạt cho gia đình.

Trung bình mỗi tháng chị Thành phải đi vay khoảng 5 triệu đồng để chi trả các khoản sinh hoạt, lúc đầu vay của người thân, giờ phải vay lãi ngoài. Người nhà khuyên nghỉ việc, nhưng chị Thành bảo đã gắn bó với nghề gần 27 năm nên cứ lần lữa không đành.

“Tôi mong được trả lương để đảm bảo cuộc sống. Cứ vay mãi thế này rồi không biết ra sao”, chị Thành vừa nói vừa bặm môi để không bật ra tiếng khóc.

Cùng là công nhân Xí nghiệp Đan Hoài, anh Cao Văn Tân cho biết, công việc của người làm thủy lợi “nắng chống hạn, mưa chống úng, không phụ thuộc vào ngày nghỉ hay đêm tối”. Cũng như chị Thành, để có thêm thu nhập, tranh thủ ngày nghỉ và ngoài giờ, anh Tân vào thành phố đào đường thuê cho các đơn vị thi công hạ ngầm cáp viễn thông.

Theo anh Tân, một số lao động trẻ sau những tháng ngày dài chờ lương đã bỏ việc. Anh và một số đồng nghiệp do yêu công việc nhiều năm gắn bó và “cũng không có chỗ để đi” nên vẫn bám trụ đợi chờ thay đổi.

“Tết Âm lịch sắp đến rồi, con trẻ cần cái bánh cái kẹo, bộ quần áo mới và nồi bánh chưng giống hàng xóm. Nhưng với tình trạng này Tết năm nay không biết chúng tôi có được nồi bánh chưng hay không”, anh Tân chia sẻ.

Trước đó giữa năm 2017, bức ảnh bữa cơm trưa của nhóm công nhân thủy lợi với chú thích “cơm 5.000 đồng” gây xôn xao dư luận. Ông Phạm Xuân Chinh (Xí nghiệp Đan Hoài) cho biết bức ảnh nhận được nhiều phản hồi của cán bộ, công nhân vì phản ánh đời sống khốn khó của lao động ngành thủy lợi 2 năm qua.

Cuối năm 2017, ông Chinh viết tâm thư gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội, kể về nỗi khổ của người lao động ngành thủy lợi khi từ năm 2016 đến nay bị chậm lương, công việc phải làm nhiều hơn…

“Đêm Giáng sinh vừa rồi tôi đăng trên trang cá nhân rằng trên truyền hình có chương trình Điều ước thứ bảy. Người lao động chúng tôi chỉ ước được trả số tiền lương chính đáng đúng với công sức bỏ ra và mong những người lãnh đạo biết 3.700 lao động ngành thủy lợi Hà Nội đang bi đát”, ông Chinh kể.

Chưa biết bao giờ trả đủ lương

Có số lao động lên đến hàng nghìn, ông Trần Anh Tuấn, Trưởng phòng quản lý nước và công trình, Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, cho biết tình trạng chậm lương diễn ra từ cuối năm 2015 đến nay. “Tết Dương lịch người lao động không có đồng nào. Nếu tình hình tiếp tục như hiện nay, khả năng công ty phải đi vay ngân hàng để chi trước”, ông Tuấn nêu.

Ông Nguyễn Quốc Hội, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho hay, số lao động của công ty trên 1.000. Do những vướng mắc về chính sách chưa được tháo gỡ nên hàng tháng công ty chỉ đủ kinh phí ứng lương cho người lao động (gồm cả ban lãnh đạo) số tiền 2 triệu đồng/người.

Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Trần Thanh Nhã thừa nhận, cả 5 doanh nghiệp thủy lợi của Hà Nội chậm lương người lao động. Nguyên nhân là thành phố mời kiểm toán vào kiểm tra, phát hiện các công ty có một số chi phí chưa phù hợp, phải điều chỉnh, trong đó có chi trả lương.

Lý do quan trọng hơn, theo ông Nhã, là do “vướng cơ chế nên không thể làm khác”.

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT TỰ DO: Những “cơ chế vướng mắc” do chính nhà nước đặt ra này đã đẩy cuộc sống của hàng ngàn người lao động vốn đã khổ cực vào cảnh bần cùng. Những công nhân đã 40, 50 tuổi sẽ xin được việc gì khi sức trẻ, khoẻ của họ đã cống hiến hết cho ngành thuỷ lợi? Nghỉ việc sau thời gian dài vay nợ để sống do không được nhận lương hay tiếp tục im lặng chịu cảnh “vì cơ chế”, vay nợ lãi để làm việc không công?

Không! Cả hai phương án trên không chỉ đẩy người lao động vào cảnh bần cùng hơn, mà còn đẩy người thân họ vào cảnh khốn khó, khi họ là lao động chính của gia đình lại trở thành gánh nặng của gia đình.

Và trong hoàn cảnh trên, những công nhân lao động nên có động thái đòi quyền lợi mạnh mẽ hơn nữa. Bởi, dù công nhân không được nhận lương, nhưng hàng tháng hàng chục triệu người dân Việt Nam, trong đó có tôi và công nhân các bạn vẫn phải đóng thuế để bảo vệ môi trường, để duy tu thuỷ lợi. Đó là tiền để trả lương cho người lao động. Chính quyền luôn truy thu đầy đủ, nhưng lại không chịu chi trả cho người lao động. Đây có phải là do “cơ chế” hay do tham nhũng?

Để tự cứu lấy mình, công nhân chỉ còn một cách duy nhất là bằng mọi cách phải lên tiếng. Sau khi những thương thuyết với chủ nhân hay nhà nước không thành công thì lãng công và đình công là biện pháp ôn hoà những hiệu quả để đạt được mục tiêu của mình. Do đình công, bãi thị, hàng ngàn bãi rác, những con kênh sẽ bị tắc nghẽn. Hậu quả là người dân phải gánh chịu cảnh xú uế, người nông dân không đủ nước để canh tác. Họ buộc phải có trách nhiệm với khoản thuế mà mình đóng, cùng công nhân lên tiếng để tiền thuế họ đóng được chi trả đúng mục đích. Lúc này, công nhân không còn đơn độc.

Biểu tình và đình công là các phương pháp mà các Nghiệp đoàn quốc tế vẫn sử dụng để nói lên sự mong muốn và đòi hỏi quyền lợi của mình. Khi chúng ta đình công thì sẽ gây được sức ép với những người thu thuế nhưng không chịu chi trả đúng mục đích. Hơn thế nữa, đình công là hành động đòi quyền lợi hợp pháp và hiệu quả rất cao đối với người lao động gặp bất công. Điển hình nhất, trong năm 2017, tại các doanh nghiệp trên địa bàn Việt Nam đã có đến 314 cuộc đình công của các công nhân. Và hầu hết các quyền lợi của người lao động đã được cải thiện hơn sau những lần đình công.

Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng người lao động trong công cuộc cùng người lao động lên tiếng bảo vệ quyền lợi.

Nguồn: BẢN ĐIỂM TIN SỐ 86 CỦA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT TỰ DO

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh