Nhật-Úc liên thủ, học giả TQ cảnh báo: Không nước nào né được rủi ro khi đối đầu Bắc Kinh
Posted by Luu HoanPho, Jan 25, 2018, Comments Off
Tuần trước, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull đã tới thăm Nhật Bản. Hai bên cam kết thúc đẩy ký kết thỏa thuận quân sự và triển khai các cuộc đối thoại cấp cao. Thực tế, kể từ năm 2014, việc đàm phán về một thỏa thuận như vậy đã được tiến hành.
Theo Giám đốc điều hành Trung tâm chiến lược hải dương thuộc Đại học Bắc Kinh Hồ Ba, trong những năm gần đây, Tokyo đã thay đổi một số chính sách nhằm đưa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tới các vùng biển xa; trong khi, Canberra nằm ở cửa ngõ vươn ra đại dương nên hợp tác với Úc, Nhật Bản sẽ nâng cao đáng kể năng lực quân sự ở Nam Thái Bình Dương và Đông Ấn Độ Dương.
Cũng theo Hồ Ba, Úc hợp tác với Nhật Bản sẽ tăng cường khả năng đối phó với các sự vụ nóng của châu Á Thái Bình Dương ở bán đảo Triều Tiên, biển Hoa Đông và biển Đông.
“Trong bối cảnh, Tổng thống Trump liên lục nhấn mạnh việc các đồng minh của Mỹ nâng cao khả năng tự vệ, gánh vác trách nhiệm lớn thì sự hợp tác quân sự giữa Úc và Nhật sẽ đem đến cơ hội “kết hợp sức mạnh” tương đối lớn”, học giả Trung Quốc cho rằng, đây là hai quốc gia quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới hệ thống đồng minh châu Á Thái Bình Dương của Mỹ.
“Xét về địa lý, nếu Nhật-Australia, ngay cả Mỹ-Nhật-Úc-Ấn Độ liên kết thành công về an ninh quân sự thì liên kết này sẽ hình thành nên áp lực, dẫn đến sự can thiệp tương đối lớn đối với chiến lược hải dương của Trung Quốc”, Hồ Ba nhấn mạnh, đây là điều Bắc Kinh không thể phủ nhận, cũng không thể né tránh.
Tuy nhiên ông này cho rằng, hệ thống đồng minh được xây dựng theo nền tảng chuỗi đảo là tư duy từ thời chiến tranh Lạnh, rất khó thực hành trong thực tế.
“Có nhiều mối quan hệ kinh tế xã hội đan xen giữa Trung Quốc-Nhật Bản-Úc; từ lâu, [Bắc Kinh] là đối tác thương mại lớn nhất của Nhật-Úc. Do đó, Nhật-Úc cần cân nhắc đến an ninh và lợi ích kinh tế, cũng như cần cẩn trọng với Trung Quốc”, Hồ Ba cảnh báo, dù Nhật hay Úc, nếu đã khơi ra một cuộc đối đầu an ninh toàn diện với Trung Quốc thì sẽ rất khó tiếp tục chia sẻ lợi ích kinh tế từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Ông này kết luận, “Trung Quốc luôn đối tốt với người khác, chưa vạn bất đắc dĩ, tuyệt đối không gây việc binh đao… Với thực lực và quy mô Trung Quốc hiện tại, bất cứ quốc gia nào cũng không thể chống đỡ nổi rủi ro và cái giá phải trả”.
Nguồn: SCMP, Soha