Công bố danh tính 50.000 nạn nhân của chế độ Staline
Posted by Luu HoanPho, Jan 29, 2018, Comments Off
Kiến tha lâu cũng đầy tổ : Nhà sử học người Nga, Anatoli Razoumov, trong 30 năm sự nghiệp, dành trọn thời gian để đi tìm quá khứ. Nhờ ông, 50.000 nạn nhân của chế độ Staline tại Leningrad không còn là những “người vô danh”.
Hai mươi năm 1987-2017 là thời gian nhà sử học Razoumov thai nghén để cho ra đời 13 tập cuốn “Martyrologe de Leningrad”, tạm dịch là Những người bị hy sinh của thành Leningrad, tức Saint Petersbourg.
Họ là những người bị sát hại tại Leningrad trong những năm tháng Staline thi hành chính sách thanh lọc. Trả lời hãng tin Pháp AFP, tác giả cho biết ông bắt tay vào việc, vì “không tìm thấy một logic nào” để giải thích được những cái chết ấy, “về mặt con người, đấy là một sự kiện không thể nào giải thích nổi”.
Có điều như ghi nhận của AFP, sử gia Anatoli Razoumov đã dày công nghiên cứu về một thời đại đen tối nhất trong lịch sử của nước Nga, trong sự thờ ơ của công luận.
Trên nước Nga của Vladimir Putin ngày nay, 80 năm sau những trang sử kinh hoàng mang đậm dấu ấn của Staline, đi tìm sự thật là một nhiệm vụ vô cùng gian nan. Không mấy ai muốn nhắc lại thời kỳ mà hàng triệu người bị hành quyết, bị đầy tới những xứ sở ngục tù, bị chết đói. Vẫn theo AFP, nước Nga ngày nay, đứng đầu là tổng thống Putin, luôn nhân danh tinh thần đoàn kết dân tộc, để hạ thấp tầm mức nghiêm trọng của những trang sử đen tối đó.
Trong bộ sách nghiên cứu “Martyrologe de Leningrad” của sử gia Razoumov, người ta đã tìm thấy nào là tên tuổi, ngày sinh, ngày tử, nghề nghiệp và cả địa chỉ của những người đã “mất tích” tại Leningrad, như thể họ “chưa bao giờ hiện hữu trên đời”.
Trong tác phẩm này, Razoumov kể lại : trong giai đoạn Đại Khủng Bố, kéo dài trong vòng gần một năm rưỡi, cho tới mùa thu 1938, “đêm nào cũng có hàng loạt người bị sát hại. Họ không hề được xét xử”. Trong thời kỳ đó, nhà sử học người Nga cho biết “cỗ máy thay trừng hoạt động với công suất tối đa”. Khoảng 40.000 người tại Leningrad bị giết trong vòng vài tháng.
Thân phụ của tác giả công trình nghiên cứu dài hơi nói trên là một vị tướng dưới thời Liên Xô. Gia đình ông không có ai là nạn nhân của các đợt thanh trừng dưới thời Staline.
Nguồn: REUTERS, RFI/Thanh Hà