Phần mộ là lòng dân !!!
Posted by Luu HoanPho, Mar 1, 2018, Comments Off
Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 286 (01-03-2018)
Trên mạng vừa mới tung ra một biếm họa có hình chụp lãnh đạo đảng và nhà nước Việt cộng đặt hoa tưởng niệm tại tượng đài Lenin ngày 5-11-2017, nhưng với lời chú thích: “Toàn thể Lãnh đạo Cấp cao Ba Đình đã tham dự Lễ bóc thăm phân lô Nghĩa Trang Quốc Gia Ba Vì. Nhân ngày gặp mặt đầu năm, toàn thể lãnh đạo cấp cao, cả đương nhiệm lẫn “nguyên là”, đã hân hoan tham dự Lễ bóc thăm phân lô Nghĩa Trang Quốc Gia Ba Vì. Buổi lễ đã diễn ra trong vòng trật tự với tinh thần nghiêm túc. Hầu hết các ủy viên đều bày tỏ sự hài lòng cao độ được sánh vai nhau từ đầu đường kách mệnh cho tới cuối đường mệnh chung. Điều này cho thấy tinh thần đoàn kết hài hòa của toàn thể lãnh đạo cấp cao đã đánh bạt mọi lời đồn thổi về sự đấu đá long trời lở đất giữa các phe cánh trung ương hay giữa các nhóm lợi ích trong bộ phận thượng tầng của đảng”.
Dù là bịa đặt, biếm họa đó vẫn phản ảnh một sự thật, đó là hàng lãnh đạo cao cấp đảng Việt cộng đang tính chuyện xây cho mình một nghĩa trang chung, một nghĩa trang mới hoành tráng vĩ đại. Nghĩa trang mới này mang tên Yên Trung, nằm tại huyện Thạch Thất, Hà Nội, có diện tích gấp 20 lần nghĩa trang Mai Dịch rộng 6 ha, có từ năm 1982 mà nay đã hết chỗ. Truyền thông trong nước cho hay: dự án xây nghĩa trang Yên Trung đã được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt, với mục đích “phục vụ nhu cầu an táng” các cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước, cũng như các anh hùng và danh nhân do chế độ công nhận. Kinh phí dự án ước tính hơn 1.4 ngàn tỷ đồng, tương đương 60 triệu đôla Mỹ, sẽ lấy từ ngân sách nhà nước, tức tiền thuế của dân. Theo mô tả của báo mạng, nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, nơi linh địa, cách trung tâm Hà Nội 40 km về phía tây. Tổng diện tích là 120 ha, dự trù có tới 2,500 ngôi mộ, mỗi ngôi có khuôn viên rộng 25 tới 35 mét vuông. Để xây nghĩa trang mới ấy, 105 gia đình trong khu vực sẽ phải di dời.
Ngay lập tức, bản tin về dự án đã gây một cơn bão mạng. Facebooker Nguyễn Tiến Tường nhận định: “Dự án xây nghĩa trang cho cán bộ cấp cao phản ánh một não trạng vô cùng phong kiến, khi các lãnh đạo CS chóp bu tự ru ngủ bằng việc lấy lăng tẩm đền đài nguy nga để mưu cầu sự thán phục của nhân dân”.
Facebooker Hoàng Nguyễn Vũ thì than rằng: “Hà cớ gì phải đưa ra đề án 1.400 tỷ xây dựng nghĩa trang cho lãnh đạo cao cấp vậy? Bao nhiêu “lãnh đạo cao cấp” xứng đáng được nằm trong cái lô đất của muôn đời ấy? Không lẽ những kẻ tham nhũng, hốt tiền dân vào túi tham con cháu cũng xứng đáng được nằm đó sao?” Một bạn tên Nhân Thế Hoàng bình luận trên tờ Thông tin Đức quốc: “Tưởng nuôi báo cô chỉ để ăn với phá khi còn sống, ai ngờ giờ cái chỗ chết cũng phải ngang biệt phủ mới chịu. Tiền thuế của dân mà nó làm như của cha của mẹ nó để lại, muốn xài sao thì xài. Dân giờ vào thành phố, nói thật, đến cái nhà vệ sinh công cộng để giải quyết chuyện đái ỉa kiếm mỏi con mắt cũng không ra. Thuế, phí thì cái méo gì cũng tăng, tưởng tăng là lo cho dân, lo cho người già trẻ nhỏ ốm đau không tiền viện phí hay chết lỡ không có hòm chôn. Ai có ngờ là lại được dùng để làm ba cái chuyện xàm lồng này, đậu mợ, cầm tiền xong ưng quyết răng quyết chứ méo bao giờ thèm hỏi ý kiến dân một câu. Rứa chứ nợ công là cứ dân gánh với chia đều nhau ra gánh mới đau. Sống cũng báo, chừ đến chết cũng báo, ai mà chịu cho thấu, vừa vừa phải phải thôi chớ. Người chứ phải trâu chó gì đâu mà nói hoài hông chịu hiểu..!”
Công luận có lý để lên án gay gắt dự tính mới của đám chóp bu ở Ba Đình, vì nó như giọt nước làm tràn ly phẫn nộ của nhân dân Việt Nam trong lẫn ngoài nước.
Ai cũng biết người CS từng lên án chế độ phong kiến là bất công, chế độ tư bản là bóc lột, và đã quyết lật đổ lẫn chôn lấp cả hai bằng những cuộc cách mạng đổ máu, những cuộc chiến tranh chết người, với lời hứa hẹn xây dựng một xã hội công bằng, chẳng còn ai bóc lột ai nữa. Thế nhưng hiện thực diễn ra ở mọi xã hội CS, cụ thể ở Việt Nam, lại là lại là một sự phân biệt giai tầng, phân chia đẳng cấp quái gở và trắng trợn.
Cách mạng tháng Tám đã đưa đảng CS lên nắm quyền tuyệt đối trên đất nước, thành giai cấp thống trị độc tài. Vốn là những kẻ thấm nhiễm chủ thuyết duy vật vô thần, vừa không tin có Trời Phật thưởng phạt, chẳng nhận có quả báo đời sau, vừa chỉ biết sống để hưởng thụ mọi khoái lạc gian trần, coi khinh mọi giá trị tinh thần như lương tâm, tiếng thơm, danh dự, lời hứa, liêm sỉ… Bên cạnh đó, được trang bị quyền lực chính trị vô đối thủ, không hề chịu trách nhiệm trước nhân dân, chẳng bị sự chế tài của luật pháp, đám lãnh đạo cao cấp Việt cộng từ mấy chục năm qua đã coi mình như những ông trời con, những đại chúa tể, mặc sức dùng tiền thuế mồ hôi nước mắt của dân, đem tài nguyên do xương máu cha ông để lại, để lo cho mình cách tốn kém hơn cả những triều đại phong kiến thối nát và bóc lột.
Ăn có đặc sản, kẻ hầu người hạ, nơi cung cấp miễn phí hay giá rẻ. Ở có phố riêng, biệt điện xa hoa sang trọng, kín cổng cao tường, an ninh bảo vệ dày đặc. Đi xa có chuyên cơ, phái đoàn tháp tùng. Đi gần có xe hộ tống, tiền hô hậu ủng. Bệnh tật có ban chăm sóc bảo vệ sức khỏe trung ương lo lắng, được nằm miễn phí trong những nhà thương tối tân hiện đại hay đưa ra chữa trị nước ngoài. Nay chết có nghĩa trang riêng, mộ phần thênh thang rộng rãi, nơi đất thiêng long mạch, có nhà tưởng niệm tô vẽ công lênh, có tượng đồng tượng đá cho bàn dân chiêm ngưỡng, có sách vở phim ảnh tán tụng tung hô. Tất cả cốt cho thấy đã ứng nghiệm lời Quốc tế ca mà các đảng viên sốt sắng hát lên mỗi lần họp chi bộ đảng: “Mọi lợi quyền đều qua tay mình!”, cốt thần thánh hóa cả một thời CS, thời dựng lên và tồn tại bằng xương máu và nước mắt dân lành.
Ngoài những đặc quyền đặc lợi vật chất đó, còn phải kể thêm những đặc quyền đặc lợi tinh thần. Đó là cho ra đời những bản Hiến pháp ban tặng quyền cai trị độc nhất, tuyệt đối, lâu dài cho đảng CS, tước đoạt quyền làm chủ đất nước của người dân là tự do ứng cử và tự do bầu chọn hàng lãnh đạo nhà nước và xã hội.
Đó là cho ra đời những bộ luật (được hiến định và pháp định) cho nhà nước CS (thật ra là đảng) quyền thâu tóm toàn bộ tài nguyên đất nước, thâu tóm cả đất đai từ ngàn đời của người dân, chỉ thí cho thằng dân quyền sử dụng. Đó là cho ra đời những quy định để đảng là mẫu tối cao của đạo đức và văn minh (lời Hồ Chí Minh), là nguồn duy nhất của sự thật và lẽ phải, qua việc độc quyền tư pháp lập pháp và hành pháp, độc quyền thông tin, độc quyền giáo dục; triệt tiêu tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do đi lại, tự do lập hội; khống chế các nhà giáo, bịt miệng các luật sư, chỉ đạo các ký giả, đánh đập các dân oan biểu tình, bắt bớ các công dân lên tiếng, sách nhiễu các chức sắc nhân quyền… Tất cả những đặc quyền đặc lợi tinh thần ấy cũng chỉ nhằm gia tăng, củng cố và bảo vệ các đặc quyền đặc lợi vật chất nói trên.
Những con người ngày đêm chỉ nghĩ tới hai chuyện là cướp bóc và đàn áp, những kẻ chỉ muốn sống trong sức mạnh độc tài và uy thế vô đối, trong thói hư trần tục và tội lỗi ma quỉ đó, cũng như muốn chết có mồ yên mả đẹp, lăng tẩm sang trọng, xem ra không để ý rằng nhiều người dân đang so sánh lăng lãnh tụ của họ, kẻ đã mở đường cho bao tai họa và thống khổ tràn vào đất nước từ năm 1930, như là cái gì (!?!). Họ xem ra không nhớ câu chuyện của Lê Đức Thọ, một quan chức cấp cao và là hung thần hàng đầu của chế độ, mà sự tàn ác không chỉ khiến cho đồng đảng, cả đến đồng bào cũng lên án. Sau khi xây xong, mộ của Thọ trong nghĩa trang Mai Dịch thường xuyên bị người dân phóng uế hay đổ chất bẩn làm cho hôi thối, chẳng ai dám đến gần, ảnh hưởng tới cả những ngôi mộ bên cạnh. Trước tình cảnh này, con cháu của Thọ đã phải bí mật bốc mộ mang đi nơi khác để cải táng. Họ xem ra chưa biết chuyện nhiều ngôi mộ quan chức tham nhũng bóc lột khác đã bị người dân lấy cọc sắt dài đóng từ mặt đất xuống tận đáy hòm, như đã xảy ra tại huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Họ xem ra chẳng am tường lịch sử triều Trần là triều đại huy hoàng nhất và công lao nhất với dân nước. Công lao vĩ đại như vậy nhưng các vua nhà Trần khi rời ngôi đều về với lũy tre xanh ở quê nhà Tức Mặc, Thiên Trường, Nam Định, hay nương náu cửa Phật như Trần Nhân Tông. Khi về với tổ tiên đều lặng lẽ và thanh thản gửi xác vào mảnh đất quê Tức Mặc, gửi hồn vào ngọn cỏ lá cây Thiên Trường. Không xây bia mộ bề thế, không đúc tượng đồng uy nghi, chẳng tạc tượng đá sừng sững. Riêng vị vương lẫm liệt có công trạng lớn nhất triều Trần, cũng là vị tướng hiển hách có thành tích cao nhất sử Việt, được cả thế giới ghi nhận là Trần Hưng Đạo cũng chọn nơi về với tổ tiên là mảnh đất bình dị, thiên nhiên hoang sơ giữa khu rừng Kiếp Bạc, Chí Linh, Hải Dương, nơi ngài đặt bản doanh chỉ huy cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông, cách kinh kì Thăng Long hơn 80 cây số. Nói chung, các quan lớn, nhỏ triều Trần cũng như mọi triều đại phong kiến khác khi rũ áo từ quan đều trở về với làng xóm, khi chết đều gửi xác vào mảnh đất quê. Tang lễ do con cháu tự lo liệu, ngân khố quốc gia không phải tốn xu hào. Ân huệ của nước, của vua chỉ là mấy cờ lọng, sắc phong vua ban cho khi còn làm quan tướng.
Hỡi những lãnh đạo CS ngày đêm chỉ biết củng cố quyền lực, thâu tóm quyền lợi, vinh thân phì gia, tự cao tự đại, đang sống mái với nhau trong cuộc chiến gọi là “chống tham nhũng” lòe mắt nhân dân nhưng thực chất là đấu đá phe nhóm, thanh trừng nội đảng để giành quyền và tiền, đang quyết liệt chống lại -bằng đàn áp, tống ngục- kẻ thù là nhân dân hiện đứng lên khôi phục công lý trong phong trào dân oan đòi lại đất đai, trong phong trào đối kháng đòi lại nhân quyền, trong phong trào công nhân đòi lại phẩm giá… hỡi những lãnh đạo CS chẳng hề quan tâm đến nỗi thống khổ của đồng bào, cảnh hỗn loạn của xã hội, sự suy tàn của đất nước, nhất là mối đại họa của Dân tộc trước kẻ thù truyền kiếp Bắc phương đang rình chờ, hãy nhớ lại cách ngôn của người xưa: “Trâu chết để da, người ta chết để tiếng”, ca dao của dân tộc: “Thương dân, dân lập đền thờ. Hại dân, dân đái ngập mồ thối thây” để tự nhủ rằng phần mộ tốt nhất chính là lòng dân, sự thương nhớ của đồng bào, sự tri ân của lịch sử. Các người theo thuyết duy vật, không tin có đời sau, nhưng hãy nhớ đừng để con cháu phải tủi hổ vì cha ông bị nhân dân thiên thu nguyền rủa, bị bia miệng ngàn đời khắc ghi. Vua Tự Đức và vua Khải Định nhà Nguyễn, do đày đọa dân phu xây mộ lớn cho mình, đã lưu xú danh với hai cặp câu thơ nhân gian: “Vạn Niên (tên vùng đất xây Khiêm lăng) là Vạn Niên nào? Thành xây xương lính, hào đào máu dân” và “Châu Ê (tên vùng đất xây Ứng lăng) ơi hỡi Châu Ê! Khi đi thì có khi về thì không”. Chẳng lẽ các người lại muốn có câu: “Yên Trung là Yên Trung nào? Mồ xây xác lính, mả rào xương dân”?
BAN BIÊN TẬP