Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Hãy quan tâm đến bản án 13 năm tù của người cựu chiến binh già Trần Anh Kim


Cựu trung tá quân đội Trần Anh Kim tại phiên xử ở Thái Bình trước đây. (c) AFP.–

Đi tù trước khi dấn thân vào con đường hoạt động dân chủ

Ngày 29/4/2018, chúng tôi tổ chức đi Thái Bình để gặp và trao quà cho hai gia đình tù nhân lương tâm là Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Túc. Cả hai đều ở Thái Bình là những tù nhân nổi tiếng, đã từng đi tù và lần này đều bị kết án nặng nề là 13 năm tù giam. Gặp chúng tôi, chị Nguyễn Thị Thơm, vợ anh Kim nói buồn: “Nếu anh Kim còn sống cho đến khi ra tù thì đầu em đã bạc”. Tôi nghe mà nghẹn lòng chưa biết an ủi chị ra sao thì chị nói tiếp: “Anh ấy vừa cao tuổi, vừa bệnh tật, không biết có sống được đến ngày ra tù không”.

Tù nhân lương tâm đi tù lần thứ 2 bây giờ không hiếm. Nhưng Trần Anh Kim đi tù lần này là lần thứ 3. Lần tù thứ nhất trong đời, chấm dứt con đường binh nghiệp là lần anh bị bắt và bị truy tố với tội danh “Cố ý làm trái nguyên tắc quản lý kinh tế” rồi bị kết án 24 tháng tù giam. Trước khi đi tù, anh mang quân hàm trung tá, Phó chỉ huy chính trị, Ban quân sự thị xã Thái Bình.

Sau khi ra tù vào năm 1995, Quân khu III ra quyết định cho Trần Anh Kim nghỉ hưu, giải quyết trợ cấp thương tật nhưng anh không nhận vì cho rằng việc xử lý đối với anh là oan sai. Vì vậy, rời quân đội anh không hưởng một chế độ gì. Đơn thư kháng cáo của anh đã gửi lên tới Viện kiểm sát tối cao, Tòa án tối cao nhưng đều bị bác bỏ. Anh tiếp tục gửi đơn đến các lãnh đạo cấp cao nhưng bặt vô âm tín. Anh còn gửi  thư đến các tổ chức quốc tế nhờ can thiệp. Việc này mãi khi đến thăm anh khi anh mới ra tù lần thứ 2, tôi mới nghe anh kể.

Có lẽ vì nỗi oan ức của anh không được giải quyết và hiểu nguyên nhân vì đâu nên Trần Anh Kim mới dấn thân vào con đường dân chủ. Trên con đường này, anh xếp việc riêng của mình lại. Vì thế, ít người biết đến lần đi tù đầu tiên của anh. Đã có nhiều người bước vào con đường dân chủ bắt đầu từ nỗi oan ức riêng. Họ hiểu, nếu đất nước không có dân chủ thì những oan khiên vẫn tiếp tục diễn ra, công lý chỉ dừng ở khái niệm. Đấy mới là cái gốc của vấn đề.

Cũng từ đó, những năm tháng tù đày liên tiếp của Trần Anh Kim bắt đầu.

Thêm hai lần đi tù vì bất đồng chính kiến

Trên con đường đấu tranh dân chủ, Trần Anh Kim bị bắt vào ngày 7/7/2009. Anh bị cáo buộc tội danh “hoạt động lật đổ chính quyền”. Theo cáo trạng, Trần Anh Kim đã xin vào Đảng dân chủ Việt Nam, giữ chức danh phó tổng thư ký, tham gia khối 8406, trả lời đài nước ngoài… Tại phiên tòa ngày 28 tháng 12 năm 2009, tòa án Thái Bình đã kết án anh 5 năm 6 tháng tù giam và 3 năm quản chế. Trước tòa, Trần Anh Kim tuyên bố không nhận mình có tội và không xin khoan hồng.

Ngày 7/1/2015, anh mãn hạn tù. Trả lời BBC, anh nói sẽ  “không thay đổi con đường đã chọn”.

Trần Anh Kim bị bắt lần thứ 3 vào ngày 21/9/2015 khi anh ra tù mới được hơn 8 tháng. Anh bị cáo buộc lập ra tổ chức “Lực lượng quốc dân dựng cờ dân chủ” và lại bị truy tố theo điều 79. Tuy nhiên, Trần Anh Kim khẳng định hành vi này hoàn toàn không vi phạm pháp luật. Lần này, anh bị kết án nặng tới mức không ai tin nổi: 13 tù giam và 4 năm quản chế. Cùng vụ án với anh có Lê Thanh Tùng, bị kết án 12 năm tù và 4 năm quản chế.

Quản chế gắt gao

Không biết có phải Trần Anh Kim quá nguy hiểm đối với nhà cầm quyền hay vì tính chất độc ác của công an Thái Bình mà cả hai tù nhân lương tâm Trần Anh Kim và Nguyễn Văn Túc đều bị canh gác rất chặt trong thời gian giữa hai lần đi tù. Công an lập cả một chốt canh trước nhà các anh để theo dõi nhất cử nhất động hàng ngày. Tất cả những ai đến thăm các anh đều bị đưa về đồn công an thẩm vấn và bị đánh đập hoặc đe dọa. Tôi đã từng là nạn nhân của sự khủng bố này khi đoàn 12 người chúng tôi về thăm Trần Anh Kim bị bắt và bị đánh đập tàn bạo.

Không chỉ thế, bây giờ hai anh đã đi tù rồi, nhà cầm quyền vẫn tiếp tục canh… hai bà vợ. Đợt đi thăm hai gia đình vừa qua, cả chị Nguyễn Thị Thơm (vợ anh Kim) và chị Bùi Thị Rề (vợ anh Nguyễn Văn Túc) đều nói với chúng tôi: “Lẽ ra, các anh chị đã về tới đây, chúng em phải mời về nhà chơi, ăn bữa cơm gia đình nhưng lại sợ họ gây chuyện với các anh chị nên các anh chị thông cảm”. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi với hai gia đình đành phải tổ chức ở một quán cà phê, gần nơi chị Thơm ở.

Người cựu chiến binh già có qua nổi bản án 13 năm?

Về Hà Nội, tôi cứ ám ảnh mãi về câu nói của chị Nguyễn Thị Thơm: “Nếu anh Kim còn sống cho đến khi ra tù thì đầu em đã bạc”, “không biết anh ấy có sống được đến ngày ra tù không”. Chị Thơm khá trẻ so với anh Kim, anh sinh năm 1949 còn chị sinh năm 1966. Nếu tính đến ngày anh Kim mãn hạn tù thì chị cũng 63 tuổi, còn anh Kim sẽ là 80.

Không chỉ là tuổi già, Trần Anh Kim đi tù lần này trong khi cơ thể đầy bệnh tật. Anh bị viêm tiền liệt tuyến sưng to, ngoài khả năng điều trị của bệnh xá trại giam (Khi thành án, anh bị đưa về trại giam số 5 ở huyện Yên Định, Thanh Hóa). Vừa rồi, trại giam đưa anh lên tuyến bệnh viện tỉnh để mổ, vì vậy chị Thơm được ở bên anh 20 ngày để chăm sóc, tất nhiên trong vòng kiểm soát của công an. Ngoài bệnh tiền liệt tuyến, anh còn bị chứng đau đầu hành hạ do tổn thương sọ não. Đây là hậu quả của những năm tháng anh Kim tham gia chiến đấu chống Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Hiện giờ, hai hàm răng của anh bị rụng gần hết, chỉ còn vài chiếc răng cửa. Anh  đang yêu cầu trại giam cho ra ngoài để lắp hàm răng giả.

Vì vậy, nỗi lo lắng của chị Thơm là có cơ sở. Người thường, sống được trên 80 đã là thọ. Vậy mà Trần Anh Kim, khi ra tù thì cũng đã ở tuổi 80 trong khi cơ thể ốm yếu bệnh tật và sống trong môi trường khắc nghiệt của nhà tù.

Đã có một số tù nhân lương tâm được sự vận động của các tổ chức quốc tế, của chính phủ Mỹ và các nước Phương Tây, thỏa thuận với chính phủ Việt Nam nên được đi tị nạn chính trị. Đi hay ở, đều có cái giá phải trả, điều đó tùy mỗi tù nhân lương tâm cân nhắc. Tôi không phản đối hay cổ động việc này nhưng cảm thông, thấu hiểu thì có. Mỗi khi có một tù nhân lương tâm đi tị nạn chính trị, tôi vừa thấy vui vì các anh chị thoát khỏi ngục tù nhưng lại vừa thấy xa xót. Nhưng với anh Trần Anh Kim thì khác. Tôi rất muốn các tổ chức quốc tế, các quốc gia có uy tín vận động cho anh được đi tị nạn chính trị ở một quốc gia nào đó. Thêm vào đó là sự ủng hộ, khuyến khích của bạn bè, anh em dân chủ từ bên ngoài, tôi tin rằng anh sẽ chấp nhận.

Nguồn: Blogger Nguyễn Tường Thụy @ RFA

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh