Thu hồi đất với giá rẻ mạt, câu chuyện bao giờ có hồi kết?
Posted by Luu HoanPho, May 12, 2018, Comments Off
Hình trên: Hơn 150 nông dân biểu tình bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 16/1/2007 do chính quyền địa phương thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây tịch thu ruộng đất của họ vào cuối năm 2005 nhưng không bồi thường thỏa đáng.–
Tình trạng dân oan bị thu hồi đất với giá thành rẻ mạt vẫn tiếp tục diễn ra, trong khi những lô đất đó được xây dựng thành những đô thị hiện đại đắt tiền hoặc bán lại với giá cao hơn gấp nhiều lần.
Câu chuyện dài
Đất đai vẫn là chủ đề chiếm đa số đơn thư tố cáo trong nhiều năm trở lại đây. Năm ngoái, bộ TN-MT cho biết khiếu nại trong lĩnd vực đất đai chiếm đến hơn 95% tổng số đơn, trong đó phần lớn liên quan đến việc thu hồi, bồi thường và hỗ trợ về đất.
Đã từ lâu, nhiều dân oan bị thu hồi đất đai với mức bồi thường quá rẻ mạt nói với RFA họ tiến hành khiếu kiện lên cơ quan chức năng từ trung ương đến địa phương nhưng không được giải quyết.
Cách đây vài tuần lễ, ở huyện Trảng Bom, Đồng Nai xảy ra một vụ cưỡng chế khu đất rộng 12.000 m2 do gia đình bà Lê Thị Lắm làm chủ hơn 40 năm nay. Khu đất được thu hồi để xây khu công nghiệp Bàu Xéo rộng 500 ha ở Đồng Nai. Truyền thông trong nước nói rằng chính quyền phải cưỡng chế gia đình bà Lắm vì đã có mức đền bù thỏa đáng đồng thời cơ quan chức năng đã vận động giải thích nhưng gia đình bà vẫn không chấp thuận.
Tuy nhiên nói với RFA, con gái bà Lắm là Nguyễn Thị Kim Bửu cho biết mức bồi thường hết sức rẻ mạt chứ không “thỏa đáng” như những gì phía cơ quan chức năng nói:
Bây giờ nó đền cho cô có 25.000 đồng/m2 với tổng cộng 12.000m2. Như vậy cả khu đất có 310 triệu đồng bạc. Cô thưa hết lên cả văn phòng Chính phủ, không còn người nào hết trơn. Thưa lên huyện, lên xã, lên tỉnh cũng khộng được. Trên Trung ương đùn về cho tỉnh, tỉnh đùn về cho huyện, xã. Cứ như vậy 12 năm rồi.”
Gần đây chuyện thu hồi đất làm khu đô thị Thủ Thiêm trở thành đề tài nóng khi thông tin bản đồ quy hoạch khu đô thị đã bị mất. Trong buổi tiếp xúc với đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM hôm 9/5, người dân khu đô thị Thủ Thiêm cho biết họ được đền bù để lấy mặt bằng xây dựng khu đô thị với giá rẻ mạt chỉ có 150.000 đồng/m2. Người dân so sánh số tiền này mua được 3 tô phở. Trong khi đó, khu đất này được bán với giá 350 triệu/m2 sau khi quy hoạch.
Chính sách định giá chưa độc lập, khách quan
Chúng tôi trao đổi vấn đề này với chuyên gia đất đai Tiến sĩ Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên – Môi trường. Ông cho biết Nhà nước đã có nhiều cải cách cơ chế thu hồi đất và bồi thường cho dân, nhưng vẫn chưa hiệu quả:
Nó vẫn chưa đảm bảo được giá trị thị trường mà đáng lẽ người dân được hưởng. Chính vì vậy mà nó dẫn tới tình trạng có thể dùng chỉ số để đo đó là tỷ lệ người dân khiếu nại, bồi thường tái định cư cũng như khiếu nại về giá đất đang chiếm đến 70-80% trong tổng số khiếu nại.
Hiện nay mặc dù Trung ương đã cố gắng rất nhiều trong việc giải quyết những khiếu nại này. Nhưng vẫn phải thấy rằng đây là một nhược điểm trong cơ chế Nhà nước thu hồi đất và thực hiện bồi thường tái định cư cho dân.
Chuyện Nhà nước thu hồi đất đai của người dân thường xảy ra ở các khu ven thành phố lớn đang đô thị hóa một cách nhanh chóng, hay các khu công nghiệp người dân cũng bị thu hồi đất để cho các doanh nghiệp mở công ty.
Nhiều vụ tranh chấp đất đai lớn đã xảy ra trong những năm gần đây giữa một bên là chính quyền và một người là người dân. Chính quyền đóng vai trò cầu nối, tức là nhân danh Nhà nước đứng ra thu hồi đất với lý do là “để phát triển kinh tế xã hội”. Điển hình phải kể đến vụ mâu thuẫn đất đai Eco park ở Hải Dương, sân golf Đông Anh, dự án Viettel tại Đồng Tâm.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, người đề nghị Nhà nước VN thay đổi luật đất đai vào năm 2013, không tán thành việc thu hồi đất của dân với giá thành rẻ mạt để phát triển các khu thương mại:
Cái đó nó gây ra sự lạm dụng nhiều nhất, tức là nhân danh dự án kinh tế xã hội thì người ta làm là có thể nhà nước đứng ra thu hồi đất nhưng lại giao cho một tư nhân khác, một tư nhân, hoặc một cơ sở của nhà nước, nhưng làm cái dự án mới hoàn toàn mang tính chất thương mại, chứ không phải mục đích công ích phục vụ công cộng.
Bà Lan cũng nhận thấy chuyện thu hồi đất ở VN hiện nay là một bất công lớn vì chính sách bồi thường quá rẻ rúng:
Người dân được đền bù một thì đối với ông doanh nghiệp giá đất sau đó có thể lên đến cả trăm lần. Từ đó gây nên những chuyện khiếu kiện đất đai tràn lan ở Việt Nam. Chuyện đất đai trở thành một trong những cái bất công nhất ở Việt Nam hiện nay.
Kể từ sau cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc từ năm 1953 đến hết 1956 cho đến nay Việt Nam đã 3 lần công bố luật đất đai và sửa đổi, lần gần đây nhất là năm 2013, và được áp dụng cho đến hiện nay. Dù nhiều lần sửa đổi bổ sung, nhưng có một nội dung vẫn được giữ nguyên đó là người dân không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ được Nhà nước giao cho quyền sử dụng đất. Vì không có quyền sở hữu nên đất đai của dân có thể bị thu hồi bất cứ khi nào, và trong nhiều trường hợp là với mức giá cơ quan chức năng đưa ra đơn phương chứ không có sự bàn bạc với phía dân.
Năm 2013 VN sửa đổi luật đất đai, và một trong những tiến bộ được công nhận rõ ràng nhất đó là dân được bồi thường theo giá trị của từng mảnh đất, chứ không áp dụng chung một bảng giá cho tất cả như trước đó. Tuy nhiên, Tiến sĩ Đặng Hùng Võ cho rằng vẫn còn nhiều lỗ hổng trong luật sửa đổi này khiến giá đền bù đất cho dân chưa thỏa đáng:
Về nguyên tắc thì tiến bộ hơn. Nhưng trên thực tế thì cách thức xác định giá đất cho các trường hợp cụ thể để hỗ trợ bồi thường tái định cư cho dân vẫn chưa đảm bảo tính độc lập và khách quan của quá trình xác định. Thứ nhất, sở Tài nguyên có thể xác định và trình giá đất do mình xác định chứ không bắt buộc phải thuê một tổ chức cung cấp dịch vụ định giá đất độc lập.
Thứ hai, hội đồng thẩm định giá các tỉnh không có quy định cụ thể tỷ lệ bao nhiêu % là thành viên thuộc khu vực Nhà nước và bao nhiêu % thuộc khu vực ngoài Nhà nước.
Ông Đặng Hũng Võ cho rằng đã đến lúc VN cần áp dụng các cơ chế mới về đất đai, ví dụ như cơ chế thuê đất của người dân để làm các dự án công cộng, chứ không phải các dự án đầu tư. Đối với những trường hợp bắt buộc phải chuyển đổi, tuyệt đối chỉ nên áp dụng cho các mục đích công cộng. Hay có thể học theo Hàn Quốc, Nhật Bản cho người dân góp đất làm dự án công và được nhận lại phần đất khác với giá trị tương đương.
Nguồn: RFA