Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Thủ Thiêm và tấm bản đồ oan nghiệt


Hình trên: Dân oan mất đất ra khiếu kiện tại Hà Nội.–

Câu chuyện bản đồ qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm bị mất không còn là tin mới mẻ gì cho đến thời điểm hiện nay. Có một điều lạ là mặc dù chính quyền thành phố Hồ Chí Minh công bố bản đồ qui hoạch bị mất, và đang cố gắng tìm lại, nhưng khi người dân và cả các cựu lãnh đạo thành phố công bố những tấm bản đồ qui hoạch mà họ đang giữ thì giới chức và cơ quan ở thành phố Hồ Chí Minh không hề có động thái nào cho thấy họ khắc phục những sai lầm trong qui hoạch, khi hàng ngàn số phận người dân và các cơ sở tôn giáo đang gánh chịu những khó khăn do sự “mất bản đồ” này.

Tấm bản đồ oan nghiệt

Nhà văn Nguyễn Viện, người theo dõi khá kĩ vấn đề qui hoạch Thủ Thiêm từ những năm giữa thập niên 1990 của thế kỉ trước, chia sẻ: “Cái bản quy hoạch Thủ Thiêm đầu tiên xuất hiện vào năm 1996, được trình thủ tướng 1 lần và chắc chắn là thủ tướng chỉ phê duyệt một lần. Thì năm 96 là bản đồ đầu tiên rồi mới đây nhất là ông Võ Viết Thanh đã công bố đó. Thì sau đó đến năm 2005 thì nó xuất hiện bản đồ quy hoạch mới nữa, bản 2005 này nó hợp thức hóa những nơi mà nó lấn chiếm bất hợp pháp sau quy hoạch 1996 được phê duyệt. Một cách nào đó nó giải thích vì sao mà bản quy hoạch năm 1996 bị mất, một cách nào đó họ phi tang nó để chỉ có thể dùng bản quy hoạch năm 2005 thôi.”

Vấn đề nhà văn Nguyễn Viện nhấn mạnh ở đây là tấm bản đồ năm 1996 do Thủ Tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt có những điểm đáng quan tâm là giữ lại toàn bộ các cơ sở tôn giáo gồm nhà thờ Thủ Thiêm của dòng Mến Thánh Giá, các ngôi chùa và trường học của chế độ trước để lại. Và tấm bản đồ qui hoạch đó không được thực hiện, nó bị thay thế bởi một tấm bản đồ không hề có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Cái bản quy hoạch Thủ Thiêm đầu tiên xuất hiện vào năm 1996, được trình thủ tướng 1 lần và chắc chắn là thủ tướng chỉ phê duyệt một lần. Thì năm 96 là bản đồ đầu tiên rồi mới đây nhất là ông Võ Viết Thanh đã công bố đó. Thì sau đó đến năm 2005 thì nó xuất hiện bản đồ quy hoạch mới nữa, bản 2005 này nó hợp thức hóa những nơi mà nó lấn chiếm bất hợp pháp sau quy hoạch 1996 được phê duyệt.
-Nguyễn Viện

Ở tấm bản đồ qui hoạch thứ hai, các công trình chồng lấn và xóa sạch các cơ sở tôn giáo. Nó cũng không thực hiện mục tiêu quan trọng nhất mà tấm bản đồ qui hoạch bị mất hàm chứa, tức là xây dựng cơ quan hành chính mới trên đất Thủ Thiêm, cụ thể là xây dựng Ủy ban nhân dân cấp quận. Toàn bộ hệ thống xây dựng trên tấm bản đồ mới mang yếu tố tư nhân, có dấu hiệu mua bán, gian lận quĩ đất của toàn dân và xâm phạm các cơ sở tôn giáo.

Nhà văn Nguyễn Viện chia sẻ thêm:“Ý muốn của ông Võ Viết Thanh, người ký tờ trình đưa lên thủ tướng duyệt, gần đây ông tuyên bố trên báo Tuổi Trẻ là quan điểm của ông khi làm việc đó là ông giữ lại toàn bộ di sản văn hóa, từ chùa, nhà thờ dòng Mến Thánh Giá đó, trường học… và cái thứ hai trong quan điểm ông là tái định cư là một cái gì đó tốt hơn cho người dân bị mất đất chứ không phải rơi vào tình trạng mất nhà mất cửa đi lang thang như bây giờ, những nạn nhận của vụ đó. Rõ ràng là ý muốn ban đầu đã bị loại bỏ, giờ chỉ là khu dân cư thôi, rõ ràng đó là cái gì đó hết sức không minh bạch.”

Nếu như tấm bản đồ qui hoạch năm 1996 là niềm hi vọng của nhiều gia đình trên đất Thủ Thiêm, nhiều người có thể đổi đời nhờ vào tiền đền bù đất và tái định cư thì tấm bản đồ lần hai vào năm 2005 là một tai họa đối với người dân Thủ Thiêm bởi nó quét sạch mọi qui ước về giải tỏa, đền bù cũng như quyền lợi liên đới của người dân.

Sau khi tấm bản đồ lần 2 được ban bố và thực thi, có hàng trăm gia đình dân oan trên đất Thủ Thiêm ra đời. Các gia đình dân oan đã ra tận Hà Nội để kêu oan nhưng tiếng nói của họ lọt thỏm giữa lòng thủ đô và suốt hơn mười năm, quyền lợi, tương lai của dân oan Thủ Thiêm rơi vào mịt mù sương khói.

Đập phá nhà thờ Thủ Thiêm

Một cán bộ địa chính từng làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đã nghỉ hưu, không muốn nêu tên, chia sẻ: “Mọi chuyện nó phải xuất phải từ văn hóa, mà văn hóa rất dài, bản thân về văn hóa người ta suy nghĩ không sâu. Thì nhà thờ trước đây đã có tiền lệ ép người ta cho mượn kể từ khi có sự tiếp quản thành phố. Một số nhà thờ bị bỏ hoang ngay lúc đó vì sợ nhiều thứ. Và đó cũng là cái cớ để mà ép ‘mượn tạm’ rồi sau này lấy luôn. Người ta hay nói về vấn đề tôn giáo theo kiểu mượn gì đó để an dân, dân cứ an đi để ta tha hồ làm việc ấy mà. Nhưng tôi nghĩ rằng không phải thế, do vô thần mà nên thôi… Bản chất của chù nghĩa Cộng sản là vô thần.”

Theo vị này, vấn đề đập phá cơ sở tôn giáo không đơn giản chỉ là chuyện đất đai, lòng tham mà nó là biểu hiện của chủ nghĩa vô thần và phi văn hóa. Ngay cả trong chiến tranh, các cơ sở tôn giáo cũng được khoanh vùng, nằm trong diện cấm ném bom, trừ khi quân đối phương mượn nó để biến thành nơi hoạt động phục vụ chiến tranh.

Chính trị vô thần dẫn đến độc ác, dẫn đến tham lam, dẫn đến chuyện người ta dự vào tiền, người ta có tiền là có tất cả. Đi chùa có tiền nhiều thì cúng giá trị cao… Tất cả các tôn giáo chỉ là đối trọng trong việc biến con người thành cổ máy thôi…

Nhưng ở đây, trong thời bình, khi mà các vấn đề tôn giáo, văn hóa, tín ngưỡng, chính trị đã được pháp qui hóa bằng Hiến Pháp thì mọi hành xử của chính quyền thành phố Hồ Chí Minh nghe ra chẳng có pháp luật hay nguyên tắc đạo đức nào cả.

Ông chia sẻ thêm:“Chính trị vô thần dẫn đến độc ác, dẫn đến tham lam, dẫn đến chuyện người ta dự vào tiền, người ta có tiền là có tất cả. Đi chùa có tiền nhiều thì cúng giá trị cao… Tất cả các tôn giáo chỉ là đối trọng trong việc biến con người thành cổ máy thôi…”.

Ông khẳng định, bản chất của sự vụ mất bản đồ qui hoạch khu đô thị Thủ Thiêm không chỉ đơn giản là một sự sơ xuất hành chính mà là một âm mưu của phe nhóm trong quản lý thành phố. Khi tấm bản đồ 1996 mất đi, tấm bản đồ mới lên thay thế và xóa đi các cơ sở tôn giáo, tạo ra hàng loạt các lô đất vàng. Và những lô đất này nghiễm nhiên lọt vào tay các nhóm lợi ích.

Sở dĩ người ta dám làm những điều này bởi bản chất của các cán bộ Cộng sản là vô thần. Họ có thể cầu Trời, cầu Phật, đi lễ các đền đài, miếu mạo để xin thăng quan tiến chức, xin lộc làm ăn nhưng họ chẳng bao giờ tôn trọng tín ngưỡng của người khác. Và chuyện các cơ sở tôn giáo, trong đó nhà thờ Thủ Thiêm của Dòng Mến Thánh Giá bị đập phá cũng là chuyện rất bình thường của những người vô thần.

Có một dấu hỏi cần đặt ra là tại sao, cho đến bây giờ, sau khi vụ việc mất bản đồ qui hoạch diễn ra gần hai tuần, sự mất đi của nó ảnh hưởng đến hàng ngàn số phận người dân… Vậy mà khi người dân, thậm chí ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh công bố còn giữ những bản đồ qui hoạch bị mất thì phía lãnh đạo thành phố vẫn chưa có động thái khắc phục tình hình?

Và tại sao ông Đặng Hùng Võ, người được gọi là giáo sư do nhà nước phong lại tuyên bố không hề có tấm bản đồ năm 1996? Liệu ông Đặng Hùng Võ lúc đó có tư cách gì cao hơn Thủ tướng Võ Văn Kiệt?

Có thể nói rằng việc mất đi tấm bản đồ qui hoạch Thủ Thiêm cũng như sự mờ ám của giới cầm quyền thành phố Hồ Chí Minh khi thực hiện qui hoạch Thủ Thiêm là một vết nhơ về quản lý hành chính cũng như đây là một nỗi nhục của chính quyền trước nhân dân. Làm minh bạch các qui hoạch Thủ Thiêm cũng là lấy lại chút uy tín còn có thể giữ được của lãnh đạo đất nước.

Nguồn: RFA/TTVN

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh