Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Thảm họa Bắc thuộc


Trong phần thuyết trình với Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Chiến lược Úc (Australian Strategic Policy Institute) tại thủ đô Canberra vào thứ Hai 7/05/2018 vừa qua, tướng Robert B. Brown thuộc Quân lực Hoa Kỳ nhận định rằng mặc dầu giới lãnh đạo quân sự Trung Quốc vẫn còn tôn trọng chúng tôi (Hoa Kỳ), họ không còn sợ chúng tôi nữa [1].

Tướng Brown cho biết ông đã đi Trung Quốc nhiều lần năm ngoái, và trong một lần gặp các lãnh đạo quân sự hàng đầu của Quân đội Giải phóng Nhân dân, ông thấy cách cư xử của họ có gì khác mà mất ông một chặp lâu mới nhận ra. Đó là trước đây họ nể và sợ Hoa Kỳ, bây giờ họ chỉ còn nể chứ không sợ.

Tướng Brown cho rằng có một chút sợ là điều tốt. “Bạn cần có một chút sợ để biện pháp ngăn cản có thể hiệu quả”.

Làm sao để Trung Quốc sợ Hoa Kỳ, hay có chút sợ nào đó đối với các quốc gia khác?

Sự trổi dậy của Trung Quốc trong thời gian qua có lẽ là đề tài chính trị thế giới được bàn cãi và quan tâm nhiều nhất trên toàn cầu. Có người vẫn tin Trung Quốc sẽ trổi dậy trong hòa bình, sẽ chấp nhận trật tự thế giới tự do do Hoa Kỳ hình thành và lãnh đạo sau Thế Chiến Hai, và dù có lớn mạnh mấy đi nữa, họ sẽ không thể qua mặt Hoa Kỳ về kinh tế, quân sự và văn hóa (quyền lực mềm).

Có thật như vậy không?

Về mặt văn hóa/văn minh thì Trung Quốc có lẽ sẽ không bao giờ qua mặt Hoa Kỳ bởi tiến trình lịch sử của họ, và các giá trị tự do và nhân phẩm, sẽ khó chinh phục được mấy ai trên thế giới hiện nay.

Về mặt kinh tế thì theo đà tăng trưởng hiện nay, Trung Quốc có thể qua mặt Hoa Kỳ trong vòng một thập niên rưỡi nữa, khoảng năm 2032 [2].

Về mặt quân sự thì sao? Có lẽ còn lâu mới bắt kịp Hoa Kỳ. Nhưng khoảng cách đang rút ngắn dần. Khi tổng sản lượng của Trung Quốc càng tăng trưởng thì họ có nhiều khả năng hơn cho cuộc chạy đua siêu cường quốc. Chính sách quốc phòng Úc năm 2016 (The 2016 Australian Defence White Paper) nhận định rằng ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ và Trung Quốc sẽ ngang ngửa vào năm 2035 [3].

Hoa Kỳ nhận thức rất rõ khả năng và sức mạnh của mình, và biệt rõ tư thế lãnh đạo của mình đang bị thách thức, do đó để tiếp tục lãnh đạo thế giới tự do thì chính Hoa Kỳ sẽ phải thay đổi. Tướng Brown cho biết các thế lực thù nghịch của Hoa Kỳ đã quan sát kỹ triết lý quân sự của Hoa Kỳ hơn 15 năm qua, nắm rõ quan niệm chiến đấu trên không gian và lãnh thổ một cách tuyến tính và dễ đoán (linear and predictable), cho nên họ có thể xây dựng khả năng để chuẩn bị phòng ngừa và ngăn cản sức mạnh Hoa Kỳ. Do đó mục tiêu chiến lược của Hoa Kỳ trong thời gian qua là chuyển đổi sang một hệ thống hoạt động đa miền (multi-domain), cho phép họ có thể vận dụng mọi lực lượng đang sẵn có cùng một lúc để đạt được ưu thế đa miền trên không, đất, biển, mạng và khoảng cách, trong đó yếu tố ảnh hưởng chiến lược là miền con người (human domain). Tướng Brown cho rằng đạt được mục tiêu hoạt động đa miền sẽ giúp cho Hoa Kỳ giữ thế lãnh đạo lâu dài, làm cho đối thủ của Hoa Kỳ phải sợ, vì chỉ khi biết sợ thì họ mới không ngu xuẩn để gây hấn, để dẫn đến chiến tranh. Điểm cốt lõi là làm cho đối thủ nhìn thấy nhiều rắc rối nan giải, và tính khó tiên đoán của Hoa Kỳ, để họ phải lo ngại.

Theo Trung tâm Nghiên cứu Lowy Institute, các chuyên gia phân tích nhận định rằng trong thế trận hiện nay Trung Quốc thật sự không có đồng minh quân sự, trong khi Hoa Kỳ, Úc, Nam Hàn, Nhật, Singapore, Tân Tây Lan và Mã Lai đều có đồng minh. Tiềm lực của Trung Quốc chỉ đứng thứ 8, sau các quốc gia này, trên Mạng Phòng Thủ (Defence Networks), được định nghĩa là “quan hệ đối tác đóng vai trò gia tăng tiềm lực về khả năng quân sự” [4].

Trong khi tướng Brown đến Úc để trình bày kế hoạch và chiến lược của Hoa Kỳ đối với các hiểm họa có thể có trong tương lai, thì cựu thủ tướng Úc, từng là ngoại trưởng, nói tiếng Hoa rành rõi, ông Kevin Rudd, được mời đến Hoa Kỳ vào tháng Ba vừa qua để trình bày nhận định của ông về Trung Quốc trước các lãnh đạo quân sự của Hoa Kỳ. Bài phát biểu của ông Rudd tại Học viện Quân sự Hoa Kỳ ở West Point tháng 3 năm 2018 được tóm tắc và phổ biến trên tạp chí Foreign Affairs vào ngày 10 tháng Năm. Trong bài “Tập Cận Bình nhìn thế giới như thế nào” (How Xi Jinping Views the World) ông Rudd đã phân tích quyền lợi/quan tâm cốt lõi nào đã hình thành cung cách hành xử của Trung Quốc trong thời gian qua và trong tương lai [5].

Ông Rudd cho rằng một phương cách mới để hiểu Tập Cận Bình và Trung Quốc hiện nay là một tập hợp bảy vòng tròn quan tâm/quyền lợi có cùng trung tâm điểm (concentric). Vòng một là trung tâm của Đảng Cộng Sản Trung Quốc. Vòng hai là sự thống nhất của đất nước/dân tộc. Vòng ba là tầm quan trọng của việc duy trì phát triển kinh tế vững ổn nhưng quân bình với vấn đề môi trường. Vòng bốn là kiểm soát tinh tế quan hệ với 14 quốc gia mà Trung Quốc có cùng biên giới. Vòng năm là phô trương sức mạnh hàng hãi khu vực (thuỷ lực). Vòng sáu là vận dụng sức mạnh kinh tế trên khắp các ngoại vi lục địa. Vòng bảy là từ từ cải tổ một phần, không phải tất cả, trật tự thế giới (dựa trên pháp luật) thời hậu chiến để qua thời gian phục vụ quyền lợi của mình tốt hơn.

Thành công hay không nằm trong các chiến lược cốt lõi ưu tiên này.

Lãnh đạo Trung Quốc, theo ông Rudd, đã quyết định vào thập niên 1990 và tái xác định trong thập niên đầu của thế kỷ 21 là không có sự thay đổi hệ thống nào cả, và Trung Quốc vẫn tiếp tục một nhà nước độc đảng. Lãnh đạo Trung Quốc cũng nhận định rằng Trung Quốc sẽ không thể trở thành một cường quốc toàn cầu nếu thiếu đi một đảng có khả năng tập trung quyền lực để lãnh đạo. Tuy ngày càng lớn mạnh trong vài thập niên qua, các lãnh đạo Trung Quốc vẫn một mực áp dụng chủ trương chính thống của Đặng Tiểu Bình “Che dấu sức mạnh, chờ cơ hội tốt, không bao giờ dẫn đầu”.

Nhưng ông Tập đã tách rời khỏi chủ trương đó. Từ khi nắm quyền, ông là người đẩy mạnh ý thức hệ chính trị trên các chính sách thực tiễn, mở rộng các chiến dịch tuyên truyền, đặc biệt làm lu mờ hình ảnh giữa Đảng và dân tộc. Theo ông Rudd, ông Tập nghĩ ông có thể đánh bại quan điểm lịch sử của Francis Fukuyama, trong đó biện luận rằng nền dân chủ cấp tiến kiểu Tây phương sẽ là hình thức chính phủ tồn tại sau cùng (tác phẩm nổi tiếng The End of History của Fukuyama). Với mục tiêu chính trị này, lại được tăng cường bởi khoa học kỹ thuật tiên tiến giúp cho nhà nước Trung Quốc có khả năng kiểm soát chặt chẽ (kể cả điểm tín dụng xã hội, kỹ thuật nhận diện mặt, lại được yểm trợ bởi nguyên cả bộ máy an ninh nội vụ lớn hơn cả Quân đội Nhân dân Trung Hoa), nhiều người Trung Quốc nghĩ là ông Tập có thể thành công.

Lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố trật tự thế giới hiện nay được hình thành bởi các thế lực Tây phương, mà chủ yếu là thực dân, sau Thế Chiến Hai, vì thế họ tất nhiên mong muốn một trật tự khác có lợi hơn cho họ. Ông Tập không có ý định giữ nguyên trạng nữa. Theo ông Rudd thì làm sao để tiếp cận với một Trung Hoa quả quyết là câu hỏi cho tất cả thế giới còn lại.

Từ khi lên thay thế Hồ Cẩm Đào trong vai trò Tổng Bí Thư ĐCSTQ cuối năm 2012 đến nay, Tập Cận Bình ngày càng thâu tóm quyền lực trong tay và loại trừ thành công hầu như tất cả đối thủ chính trị của mình. Được mệnh danh là Chủ Tịch của Mọi Thứ (Đảng, Nhà Nước và Quân Đội), và nhiệm kỳ chủ tịch nước không còn bị giới hạn nữa vào ngày 17 tháng Ba năm 2018, ông Tập hiện nay không những là lãnh đạo quyền lực nhất sau thời Mao Trạch Đông mà còn có thể là chủ tịch muôn năm và muôn mặt.

Những nhận định của ông Rudd về Trung Quốc trên bình diện chính trị quốc tế, đặc biệt về vòng năm, sáu và bảy (sức mạnh hàng hãi, sức mạnh kinh tế và trật tự thế giới), có thể được kiểm chứng phần nào qua nhiều tài liệu và bằng chứng dồi dào hiện nay. Trường hợp cụ thể là nền chính trị và xã hội tại Úc, và Tân Tây Lan.

Úc và Tân Tây Lan là hai quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh mẽ và trực tiếp từ Trung Quốc về mặt kinh tế và nhiều lãnh vực khác. Gần một năm trước, các phóng viên truyền hình của đài ABC cộng tác với một cơ quan truyền thông uy tín Fairfax tại Úc để thực hiện cuộc điều tra mang tên “Quyền lực và ảnh hưởng” của Trung Quốc [6]. Cuộc điều tra này làm chấn động dư luận Úc vì trước đó không mấy ai nắm rõ tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Úc, đặc biệt về mặt chính trị và xã hội, như thế nào. Từ chuyện thượng nghị sĩ Sam Dastyari chỉ vì bị “mua chuộc” vài ngàn đô la mà đã phát biểu ngược lại quan điểm của Đảng Lao Động Úc, mà ông là đảng viên, về vấn đề Biển Đông. Cho đến những cánh tay nối dài của ĐCSTQ, qua giới đại thương gia của họ ở Úc, đã tìm cách ủng hộ tài chánh các chính đảng để được gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo chính trị hàng đầu, kể cả thủ tướng hay các bộ trưởng và cả phía đối lập. Các hoạt động này trãi dài trên nhiều lĩnh vực khác nhau, xâm nhập sâu vào cộng đồng người Hoa tự do ở đây, mua chuộc hâm dọa hay mua đứt các cơ quan truyền thông Hoa ngữ nào không chịu ủng hộ đường lối chính thống của Đảng và Nhà nước Trung Quốc v.v…

Vài tháng sau, giáo sư Clive Hamilton, một giáo sư chuyên về chính trị và chính sách trong lãnh vực Đạo đức Công cộng (Public Ethics), dự tính cho ra mắt cuốn sách mới nhất của ông nghiên cứu chi tiết hơn về sự ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Úc. Trong cuốn sách “Xâm lược âm thầm: Sự ảnh hưởng của Trung Quốc lên nước Úc” (Silent invasion: China’s influence in Australia), ông cáo buộc rằng một chiến dịch có hệ thống về gián điệp và buôn bán ảnh hưởng của Trung Quốc đang dẫn đến “sự xói mòn chủ quyền của Úc” [7]. Tuy đã ký hợp đồng với nhà xuất bản Allen & Unwin để phát hành cuốn này, nhà xuất bản này, và sau đó hai nhà xuất bản khác, đã rút lại hợp đồng vì lo ngại sự trả đũa của Bắc Kinh và những người tại Úc đang ủng hộ cho chủ trương của Bắc Kinh. Dù gặp bao khó khăn, cuối cùng cuốn sách này cũng được phát hành vào tháng Hai năm nay bởi nhà xuất bản Hardie Grant. Cuốn sách này đã và đang gây rất nhiều tranh cãi vì đụng chạm đến bao nhiêu thế lực chính trị tại Úc, và đã gặp nhiều ủng hộ cũng như phê bình của giới nghiên cứu học thuật.

Giáo sư Hamilton đã công phu nghiên cứu và tập hợp rất nhiều dữ kiện khả tín để chứng minh các hoạt động tình báo của ĐCSTQ tại Úc qua cơ cấu của các mạng lưới Hoa Kiều của họ tại Úc và khắp nơi trên thế giới, phương thức và kỹ thuật họ áp dụng, cách họ vận động để mua ảnh hưởng lên chính trị gia Úc, cách họ giới hạn tự do học thuật, uy hiếp những ai phê bình họ, thâu thập thông tin tình báo cho ĐCSTQ, và ngay cả vận động sinh viên du học và người Trung Quốc đang sống tại Úc biểu tình chống lại chính quyền Úc về vấn đề Biển Đông. Hamilton đã trình bày chi tiết trong chương Hai bằng cách nào ĐCSTQ đã vực dậy được sau biến cố Thiên An Môn và sau khi gần như toàn bộ các nước Cộng Sản và Xã Hội Chủ Nghĩa sụp đổ năm 1991. Họ đã tập trung xây dựng một thế hệ mới qua Chiến dịch Giáo dục Yêu nước, biện minh cho việc xây dựng xã hội chủ nghĩa với đặc tính Trung Hoa. Họ đã viết lại lịch sử, nhấn mạnh nỗi nhục của Trung Quốc trong thế kỷ qua bởi thực dân và thế lực ngoại bang, thể hiện khác vọng của người Trung Hoa để vượt lên nhưng không quên cay đắng và tủi nhục mà đất nước này đã từng trãi qua. Giờ đây họ không còn là nạn nhân nữa, họ là kẻ thắng cuộc. Chiến dịch giáo dục này chứng minh hiệu quả, vì trước đây nếu sinh viên học sinh tỏ vẻ chán nản học triết học Mác thì giờ đây dễ chấp nhận chính sách giáo dục yêu nước hơn.

Ông Hamilton phân tích rằng qua chương trình giáo dục và chính sách tuyên truyền tẫy não một cách hệ thống lên toàn xã hội, ĐCSTQ đã đạt được phần nào kết quả họ mong muốn vì họ biết rõ rằng kiểm soát được suy nghĩ của người dân là không cần đến nhu cầu kiểm soát hành động của người dân. Từ kết quả này, ĐCSTQ đã vạch ra những kế hoạch lớn cho người Trung Hoa ở nước ngoài. Họ tập trung tuyên truyền rằng tính cách riêng biệt của người Trung Hoa là một dân tộc đặc biệt, là biết yêu nước, không may trãi qua một thế kỷ đầy sỉ nhục, nhưng nhờ có Đảng nên mới có được quốc gia như vậy ngày nay, cho nên yêu Đảng là đồng nghĩa với yêu nước. Đảng chính là quốc gia. Tương tự kiểu tuyên truyền “Yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa”. Giang Trạch Dân cũng từng xem những ai không thể hiện tinh thần yêu nước là kẻ phản bội, là “cặn bã của thế gian”. Tinh thần dân tộc Trung Hoa đã lên gần như tột đỉnh qua biến cố Thế Vận Hội năm 2008 khi họ biểu dương được sức mạnh Trung Hoa không chỉ nằm ở kinh tế thôi, họ có thể biểu diễn sức mạnh bằng huy chương vàng, bạc v.v…

Giáo sư Hamilton có lối hành văn mạch lạc, sử dụng từ ngữ dễ hiểu, bằng chứng dữ liệu dồi dào, và cách viết khá lôi cuốn làm cho người đọc dán mắt vào từng trang sách. Trong chương Ba, ông Hamilton nói về “Qiaowu and the Chinese diaspora”. Theo giáo sư chính trị học James Jiann Hua To, người nghiên cứu chi tiết và có thẩm quyền về chủ đề này, thì mục tiêu của Qiaowu là “vận động sự ủng hộ dành cho Bắc Kinh với những người mang bản sắc Trung Hoa nhưng không còn ở trong nước, bằng nhiều kỹ thuật tuyên truyền và quản lý tư tưởng khác nhau” [8]. Một điều đáng kể trong chương này là về câu chuyện của một số thành viên của cộng đồng người Hoa yêu chuộng tự do tại Úc. Câu Lạc bộ Chuyên gia Trung Quốc do họ thành lập đã bị các thành viên có khuynh hướng ủng hộ Bắc Kinh gia nhập, xong rồi áp dụng số đông để bầu lên một ban điều hành có quan hệ với Toà Đại sứ Trung Quốc tại Bắc Kinh. Jingping Cheng kết luận: “Họ đã sử dụng dân chủ để giết chết dân chủ”.

Cộng đồng người Hoa yêu chuộng tự do ngày càng cô đơn và bị cô lập bởi các chính sách xâm nhập hiểm độc của ĐCSTQ, qua các văn phòng đại sứ khắp Úc và tay chân nối dài. Họ không hiểu nỗi tại sao những người Trung Quốc mà vẫn còn thờ Bắc Kinh, vẫn còn coi Trung Hoa là mẫu quốc, đến Úc làm gì, và vào quốc tịch Úc làm gì. Họ cho rằng những ai có quan niệm như thế nên về Trung Quốc mà sống với chế độ với nhà nước đó đi.

Tại Tân Tây Lan, giáo sư chính trị học chuyên về Trung Quốc bà Anne-Marie Brady đã cho phổ biến một nghiên cứu giá trị mang tên “Vũ khí ma thuật” (Magic Weapons) vào năm ngoái, trình bày chi tiết lịch sử các chính sách của ĐCSTQ cho đến những năm gần đây, những chủ trương và chính sách đối nội, đối ngoại và đối với người Hoa Kiều, và những ảnh hưởng có thể có lên nền chính trị Tân Tây Lan [9]. Vào ngày 14 tháng Hai năm nay, nhà của bà và cả văn phòng ở đại học Canterburry đã bị đột nhập. Ba máy tính, kể cả máy bà sử dụng để viết bài nghiên cứu này, hai điện thoại cầm tay và một bộ nhớ đã mã hóa có chứa đựng các dữ kiện của chuyến đi Trung Quốc lần trước của bà, đã bị ăn cắp. Không những thế, họ còn để lại một lá thư răn đe bà Brady có thể bị tấn công [10].

Nếu họ dám công khai tấn công một học giả như bà Brady, và uy hiếp bao nhiêu người khác tại Úc và Tân Tây Lan nếu dám lên tiếng phê bình chính sách của ĐCSTQ ngay tại hai quốc gia này, thì chúng ta có thể hình dung được những người như Lưu Hiển Ba (Liu Xiaobo) hay các nhà dân chủ, các luật sư nhân quyền v.v… bị đối xử tệ hại đến mức nào ngay trên quê hương của họ!

Những nghiên cứu và nhận định của ông Hamilton đã thu hút sự quan tâm của quốc hội Hoa Kỳ. Vào ngày 26 tháng Tư, ông Hamilton và hai diễn giả khác đã được mời để trình bày về âm mưu của Trung Quốc tấn công vào nền dân chủ, trước quốc hội Hoa Kỳ – Ủy ban Điều hợp Quốc hội về Trung Hoa. Chủ đề ông thuyết trình là Chủ nghĩa Độc tài Điện tử và Mối Đe dọa Toàn cầu Đối với Tự do Ngôn luận (Digital Authoritarianism & The Global Threat to Free Speech) [11]. Ủy ban này xác nhận rằng trong thời gian qua sự tấn công bằng vũ lực đối với các nhà tranh đấu cho nhân quyền tại Trung Quốc và sự tấn công trên mạng đối với các nhóm hoạt động nhân quyền ở hải ngoại ngày càng gia tăng. Trong phần tường trình của mình, ông Hamilton nói ông đã được giới phản tình báo cho biết ông bị theo dõi bởi một số người lạ mặt trong thời gian qua, mà máy tính của ông có đầy các phần mềm độc hại. Ông Hamilton kết luận: “Tôi không đi tìm sự cảm thông. Nhưng tôi là một công dân của một nước dân chủ đề cao quyền tự do ngôn luận. Vì thể hiện quyền tự do ngôn luận của tôi để viết cuốn sách này mà bây giờ tôi phải dùng các bước cần thiết để tự bảo vệ mình đối với một quyền lực độc tài ngoài nước, và điều có đã xúc phạm đến tôi.”

Nếu chiến lược và hành động của Trung Quốc như thế đối với các quốc gia có nền tảng chính trị và văn hóa vững chắc như Úc và Tân Tây Lan, thì chắc chắn đối với Việt Nam, một quốc gia chiếm vị thế địa chính trị vô cùng quan trọng, tham vọng này chắc chắn sâu xa hơn, thâm độc hơn. Như họ đã có với dân tộc chúng ta hàng ngàn năm qua. Nhưng họ đã và đang làm gì với Việt Nam, làm tới đâu, kết quả ra sao v.v… thì vẫn chưa có một cuộc nghiên cứu chi tiết với bằng chứng dữ liệu cụ thể nào. Làm sao có thể đối phó với hiểm họa quá lớn lao này khi lãnh đạo quốc gia và người dân không cùng chung một mối!? Người dân có biết, có hiểu, có quan tâm đến những gì đang xảy ra mà ảnh hưởng của nó không chỉ là hiện nay mà còn kéo dài cho bao nhiêu thế hệ mai sau!!!

Càng đọc các nghiên cứu chuyên sâu của các học giả Tây phương, kể cả những chuyên gia về

Trung Quốc như Perry Link, Andrew J. Nathan, Elizabeth Economy vân vân, tôi càng cảm thấy lo lắng cho hiểm họa lớn lao mà dân tộc Việt Nam đang đối diện. Không phải người Trung Quốc nào cũng có mộng bành trướng bá quyền như Tập Cận Bình. Những thành phần chống lại chủ trương của họ Tập, nhất là xu hướng dân chủ, đã bị trù dập và kiểm soát ngoặt nghèo. Nhưng xu hướng coi Trung Hoa là trung tâm của vũ trụ, và tất cả dưới thế gian này, ít hay nhiều, đều thuộc Trung Hoa, đang thắng thế, và đang tìm cách điều khiển mọi suy nghĩ và hành động của một tỷ bốn trăm triệu dân hiện nay, và 50 triệu Hoa Kiều ở khắp nơi. Với quan niệm chủ trương như thế, với tài nguyên nhân lực ngày càng dồi dào, với kế hoạch xâm nhập lũng đoạn và ảnh hưởng tối đa lên nền chính trị trên khắp thế giới, đặc biệt các nền dân chủ vững ổn, vận dụng khối Hoa Kiều khổng lồ để làm tai mắt và tay nối dài của họ, rõ ràng cuộc chiến tranh phi quy ước đã và đang âm thầm diễn ra. Cuộc chiến âm thầm này sẽ diễn tiến, bùng nổ và kết thúc như thế nào thì không ai hiện nay tiên đoán được.

Họ bây giờ không còn biết sợ ai ngay cả đối với Hoa Kỳ. Họ sẽ bất chấp mọi thủ đoạn để đạt cho được mục tiêu bá chủ. Thế giới tự do, và giá trị độc lập và tự do, đang phải đối diện với một mối đe dọa khủng khiếp trong những thập niên tới.

Chỉ có sức mạnh của trí tuệ, tình thương và lòng dũng cảm cao độ của cả một dân tộc, và của nhiều dân tộc liên minh với nhau trên thế giới, và liên minh với người Hoa yêu chuộng tự do trong và ngoài Trung Quốc, thì mới có thể cứu nguy được tình thế này. Nhưng điều quan trọng trước tiên là phải nhận thức ra được mối đe dọa này càng sớm càng tốt, trước khi quá muộn.

Bao nhiêu người dân Việt Nam, trong và ngoài nước, đã nhận thức được rõ ràng mối hiểm họa vô cùng to lớn này?
Phạm Phú Khải, Úc Châu, 14/05/2018

Tài liệu tham khảo:

1. Brendan Nicholson, “A little bit of fear is a strong deterrent”, The Strategist, 8 May 2018.

2. Xem Fergal O’Brien, “China to Overtake U.S. Economy by 2032 as Asian Might Builds”, Bloomberg, 26 December 2017.

3. Department of Defence, Australian Government, “2016 Australian Defence White Paper”, 2016, trang 49.

4. Sam Roggeveen, “China is catching up to the US, except on this key measure”, Lowy Institute, 9 May 2018.

5. Kevin Rudd, “How Xi Jinping Views the World”, The Core Interests That Shape China’s Behavior, Foreign Affairs, 10 May 2018.

6. ABC, “Power and influence”, 5 June 2017.

7. Clive Hamilton, “Silent invasion: China’s influence in Australia”, Hardie Grant, February 2018.

8. China Real Time Report, “Writing China: James Jiann Hua To, ‘Qiaowu: Extra-Territorial Policies for the Overseas Chinese”, 16 August 2014.

9. Anne-Marie Brady, “Magic Weapons: China’s political influence activities under Xi Jinping”, Kissinger Institute on China and the United States, 18 September 2017.

10. Oliver Lewis, “Christchurch academic links break-ins to work on China’s influence campaigns”, Stuff, 16 February 2018.

11. Congressional-Executive Commission on China, “Digital Authoritarianism & The Global Threat to Free Speech”, 26 April 2018. Muốn đọc bài tường trình của ông Hamilton thì bấm vào Clive Hamilton.

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh