Đòi quyền cơ bản bị buộc tội ‘gây rối trật tự công cộng’
Posted by Luu HoanPho, May 17, 2018, Comments Off
Một số người dân do lên tiếng phản đối tình trạng ô nhiễm môi trường hay công khai đòi các quyền cơ bản của con người đã bị bắt, rồi bị khởi tố, xét xử và tuyên án với cáo buộc ‘ ‘gây rối’, ‘chống người thi hành công vụ’…
Mới đây là vụ cưỡng chế tranh chấp đất tại Giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tây, Huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. (hình trên).
Truy tố ngược tại Giáo xứ Kẻ Gai
Trường hợp xã hội đập em đó nằm ngất xỉu ngay đó thì tôi cũng bức xúc rồi can ngăn chứ không đánh đập ai, mà cũng không bắt giữ ai cả. Bây giờ họ gây ra chuyện thế này thì tôi thấy là bất công.
– Ông Võ Đình Phúc
Vào ngày 11 tháng 5 năm 2018, Linh mục Chánh xứ Kẻ Gai cùng hàng trăm giáo dân xứ này đã ký tên trong đơn yêu cầu xin được tham gia tố tụng với tư cách người làm chứng cho ông Võ Đình Phúc, người bị công an tỉnh Nghệ An khởi tố về tội ‘bắt giữ người trái phép’.
Sự việc bắt đầu vào sáng ngày 17 tháng 12 năm 2017 khi chính quyền xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên huy động cảnh sát cơ động và cho phép hội Cờ Đỏ đến đàn áp người dân đang làm mương thủy lợi trên mảnh đất của Giáo xứ Kẻ Gai khiến ít nhất một người bị thương nặng phải vào bệnh viện cấp cứu.
Do đó, Giáo xứ Kẻ Gai đã viết đơn kiến nghị gửi Công an tỉnh Nghệ An để tố giác cơ quan này đã cố tình bao che hành vi vi phạm pháp luật của Chủ tịch và trưởng công an xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, và đề nghị chấm dứt hành vi sách nhiễu, vu khống giáo dân.
Tuy nhiên đến ngày 3 tháng 5 thì bốn giáo dân xứ Kẻ Gai nhận được giấy triệu tập về vụ việc vừa nêu. Theo những người dân theo đạo Công Giáo tại Xứ Kẻ Gai thì chính quyền Nghệ An đang ‘truy tố ngược’ lại họ. Họ cho rằng theo lẽ phải khởi tố những người trong đơn tố giác thì nay chính giáo dân lại bị điều tra với những cáo buộc mà họ không hề làm. Linh mục Nguyễn Đức Nhân, linh mục quản xứ và Chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ Kẻ Gai cho biết:
“Đây là một sự chà đạp lên công lý, tạo nên một điều rất nguy hiểm cho người dân Việt Nam. Sống trong một xã hội vô pháp như vậy, chà đạp cả nhân quyền, sự thật, công lý như vậy thì rất khó sống.”
Ông Nguyễn Văn Ân, người nhận giấy triệu tập với cáo buộc ‘giam giữ người trái pháp luật’ cho biết sau khi thảo luận với nhau, anh cùng ba người còn lại đã quyết định không đến gặp phía chính quyền. Sau đó, Công an tỉnh Nghệ An đã gửi giấy lần hai đến nhà ông Võ Đình Phúc, nhưng lần này họ xử lý mạnh mẽ hơn:
“Họ không triệu tập nữa mà là triệu tập bị can, tức là họ quyết định khởi tố.”
Trong đơn yêu cầu làm nhân chứng cho ông Võ Đình Phúc của Giáo xứ Kẻ Gai có trích nội dung Thu thập chứng cứ trong điều 88, theo đó ‘cơ quan thẩm quyền tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp chứng cứ, tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.’
Giải thích rõ hơn về điều khoản này trong trường hợp Giáo xứ Kẻ Gai, Luật sư Võ An Đôn cho biết:
“Theo luật thì nếu khởi tố một người, mà có hai người tham gia, thì những người có cùng quyền lợi tham gia, hoặc đồng phạm, hoặc người làm chứng, trong ba vai trò đó thì tùy tính chất ta xác định được. Ví dụ như khởi tố ông A tội ‘gây rối trật tự công cộng’, những người còn lại không khởi tố nhưng mà đi theo hay kích động thì theo luật vẫn là đồng phạm, đáng lẽ phải khởi tố. Còn nếu không xác định được đồng phạm thì đó ít nhất cũng là người làm chứng.”
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do, ông Võ Đình Phúc cho rằng những tố giác viết trong thư triệu tập hoàn toàn không chính xác:
“Tôi là một người nông dân bình thường, từ khi có trí khôn tới giờ chưa có tiền án tiền sự gì cả, đẹp đời tốt đạo. Mà trường hợp xã hội đập em đó nằm ngất xỉu ngay đó thì tôi cũng bức xúc rồi can ngăn chứ không đánh đập ai, mà cũng không bắt giữ ai cả. Bây giờ họ gây ra chuyện thế này thì tôi thấy là bất công.”
‘Gây rối trật tự công cộng’ do bị kích động?
Sống trong một xã hội vô pháp như vậy, chà đạp cả nhân quyền, sự thật, công lý như vậy thì rất khó sống.
– LM. Nguyễn Đức Nhân
Thực tế lâu nay cho thấy, trong những lần người dân phản đối những giải pháp không hợp lý do phía nhà cầm quyền đưa ra như vụ BOT Cai Lậy, Tiền Giang hay tình trạng ô nhiễm tác động đến cuộc sống người dân, phía cơ quan chức năng qui kết có thế lực bên ngoài kích động.
Trong vụ cưỡng chế đất tại Giáo xứ Kẻ Gai, sau vụ xô xát giữa chính quyền và giáo dân vào ngày 17 tháng 12 năm 2017, báo Nghệ An có bài viết cáo buộc Linh mục Nguyễn Đức Nhân, chánh xứ Kẻ Gai, đã ‘kích động giáo dân vi phạm luật pháp’.
Tương tự là vụ việc ngày 20/4, khi người dân xã Mỹ An và Mỹ Thọ thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định tập trung phản đối dự án điện gió ở huyện này vì nghi ngờ chính quyền lấy đây là cớ để cho công ty bên ngoài khai thác quặng titan, chặt phá rừng dương, gây ô nhiễm môi trường; chính quyền huyện Phù Mỹ trả lời với truyền thông trong nước cho rằng nhân dân hai xã đã bị cơ quan nào đó đứng sau kích động nên phản ứng người dân khá ‘bài bản’.
Nhận xét về tính mơ hồ của tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’, ‘chống người thi hành công vụ’, hay ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của nhà nước, tổ chức, công dân’… luật sư Võ An Đôn khẳng định chẳng qua đó chỉ là cái cớ để chính quyền ra tay đàn áp mà thôi.
Nguồn: RFA