Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Về bài viết “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam” của Trưởng Ban TGTW Võ Văn Thưởng


Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền một bài viết của tác giả Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên Giáo TW. Đó là bài báo mang tựa đề, “Chủ nghĩa dân túy và những cảnh báo đối với Việt Nam” (bit.ly/2k2Cy5z). Đáng ngạc nhiên là có lời bình của GS. Trần Hữu Dũng (Viet-studies) khen rằng: “Nếu chính Võ Văn Thưởng viết bài này thì Võ Văn Thưởng khá lắm!” (!?)

Hình trên: Các uỷ viên Bộ Chính trị mới được bầu sau đại hội Đảng ở Hà Nội hôm 28/1/2016. Ông Võ Văn Thưởng đứng thứ hai từ trái sang.

Sự tò mò qua lời “quảng cáo” của GS. Trần Hữu Dũng, đã khiến tôi dành thời gian để đọc kỹ bài viết này. Cũng xin nói thêm, từ năm 2013, tôi đã có bài viết “Bàn về Chủ nghĩa dân tuý” (bit.ly/2rPw6mM) bàn khá kỹ về vấn đề này.

Tóm tắt về nội dung bài viết của ông Võ Văn Thưởng về cơ bản là, sự cóp nhặt các kiến thức về học thuật sau khi dùng công cụ tìm kiếm với cụm từ “chủ nghĩa dân túy”. Dẫu sao cũng là điều đáng khen. Song cái mới trong bài viết của ông Võ Văn Thưởng có chăng là sự đánh tráo khái niệm, với mục đích duy nhất là đánh lừa người ta rằng, chính quyền Nhà nước ở Việt Nam hiện nay được xuất phát từ ý chí và nguyện vọng của toàn dân. Chính vì thế vấn đề Chủ nghĩa dân túy đã và đang là mối đe dọa và cần phải được cảnh báo.

Theo từ điển Cambridge đã định nghĩa Chủ nghĩa dân túy là “những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường nhằm đòi hỏi sự bình đẳng với giới thượng lưu và kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng này”.

Chứ cái Chủ nghĩa Dân túy không hoàn toàn như Trưởng Ban Tuyên Giáo TW Võ Văn Thưởng nhận định khi cho rằng (trích) “… có thể nhìn nhận, khái niệm dân túy thường được dùng để nói về những thủ đoạn chính trị mang tính mị dân, đánh vào tâm lý của đám đông để kêu gọi, tổ chức phong trào nhằm lôi kéo, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận và quần chúng nhân dân.”

Sự nhìn nhận như trên không chỉ là riêng đối với Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên Giáo TW Võ Văn Thưởng, mà những kẻ đại diện cho những chế độ độc tài hoặc có hơi hướng tương tự luôn luôn có suy nghĩ như thế. Bởi cùng chung một lý do đó là, những chế độ chính trị ấy không xuất phát từ ý chí, nguyện vọng và là sự lựa chọn của người dân.

Đáng ngạc nhiên hơn, khi vị trùm cảnh sát tư tưởng Võ Văn Thưởng, người đứng đầu cơ quan tuyên giáo của đảng CSVN viết rằng (trích) “Sự mong muốn thực hành dân chủ trong một bộ phận nhân dân, khi điều kiện thông tin chưa thật sự đầy đủ để có thể phân biệt rõ giữa dân chủ và dân túy, có thể dẫn đến sự nhầm lẫn giữa dân chủ và dân túy. Mặt khác, khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy.

Để có thể phòng ngừa chủ nghĩa dân túy ở Việt Nam, điều quan trọng nhất là nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về những tác hại của chủ nghĩa dân túy, phải hạn chế tối đa “đất sống” của chủ nghĩa dân túy.”

Cần phải khẳng định một cách chắc chắn rằng, thể chế chính trị hiện nay ở Việt Nam hoàn toàn không tôn trọng, thậm chí là không chấp nhận nguyện vọng của đại đa số người dân và cử tri ở Việt Nam không có sự lựa chọn đối với những đại biểu nhân dân trong những cuộc bầu cử giả hiệu. Việc mua ghế ĐBQH của một số doanh nhân với giá 30 tỷ là một minh chứng không thể bác bỏ. Đó là lý do vì sao, ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII, theo công bố thì tổng số cử tri đi bầu cử là 61.965.651 người (đạt 99,51%).

Xin được nhắc lại, Chủ nghĩa dân túy là “những tư tưởng và hoạt động chính trị với mục đích đại diện cho nguyện vọng và nhu cầu của người dân bình thường nhằm đòi hỏi sự bình đẳng và kêu gọi sự thay đổi hệ thống chính trị và xã hội theo xu hướng này”. Chính vì thế, Chủ nghĩa dân Tay chỉ hiện hữu và có ý nghĩa trong một thể chế chính trị Dân chủ thực sự, ở đó ý chí và nguyện vọng của cử tri được thể hiện qua những lá phiếu bầu trong những bầu cử tự do, công bằng và minh bạch. Trong một chế độ độc tài đảng trị, không có cạnh tranh chính trị thì Chủ nghĩa dân túy có ý nghĩa gì?

Việc Ủy viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng lớn tiếng cảnh báo rằng, “khi những phần tử cơ hội chính trị lợi dụng tình hình phức tạp để mưu đồ cá nhân, phe nhóm, dẫn đến nguy cơ một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân hào hứng đón nhận các phát ngôn, hành động dân túy.”. Có lẽ xuất phát từ hiện tượng, gần đây ban lãnh đạo đảng CSVN mới phát hiện ra một nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của chế độ từ bên trong nội bộ của đảng. Đó là sự hình thành và trở thành lộng hành của các nhóm thân hữu chính trị, thông qua các hoạt động kinh tế dưới nhiều hình thức để trục lợi bất chính. Đỉnh điểm xung đột chính trị giữa các nhóm thân hữu chính trị của các phe cánh khác nhau trong đảng chính là việc củi và lò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đáng quan ngại hơn là số tiền thu lợi khổng lồ trong các thương vụ đục khoét ấy, lại được sử dụng trong việc thao túng chính trường, mua quan bán chức để tạo thanh thế cho một phe nhóm chính trị. Đó không chỉ dừng lại ở việc mua các ghế Chủ tịch Huyện (và tương đương), hay là các ghế Đại biểu Quốc Hội. Mà nó còn tiến xa hơn trong việc mua các ghế Ủy viên Trung ương, thậm chí là Ủy viên Bộ Chính trị.

Cần phải hiểu rằng người ta xử cựu Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy TP. HCM Đinh La Thăng 2 bản án hơn 30 năm tù giam, bằng những cáo buộc lãng nhách, thiếu thuyết phục được dư luận. Thực chất đó là việc trả giá của Đinh La Thăng một ngôi sao đang lên thuộc nhóm chính trị Ninh Bình của ông Trần Đại Quang, đã dùng tới hàng trăm triệu USD tiền mặt để “phong bao” cho các đại biểu dự Đại hội 12. Những đồng đô là bẩn ấy chủ yếu từ sự đóng góp của các sân sau tiêu biểu như Vũ nhôm, Út trọc Đinh Ngọc Hệ v.v…

Nếu việc lên tiếng cảnh báo nguy cơ về Chủ nghĩa Dân túy của Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tuyên Giáo TW Võ Văn Thưởng xuất phát từ những điều và phân tích nêu trên thì ông Thưởng đã nhầm lẫn. Đúng, trong một xã hội dân chủ sự xuất hiện của các chính trị gia đứng nấu ăn, hay quét rác… mang tính quảng cáo, nó cũng giống như hình ảnh ông Đinh La Thăng đi vớt bèo, ông Vũ Đức Đam lội suối v.v… Nhưng điều khác biệt cơ bản giữ những hành động đó ở 2 thể chế chính trị khác nhau là: nó không hướng đến để lôi kéo ý chí của người  dân ủng hộ. Việc ông Thăng hay ông Đam như vừa kể chả có ý nghĩa gì với người dân, bởi quyền lựa chọn của họ đã bị đảng cầm quyền đánh cắp mấy chục năm nay.

“Miệng Quan trôn trẻ”, trên mạng Internet có lưu truyền một tấm hình của báo VietNamNetvới phát ngôn của Trưởng Ban Tuyên Giáo TW Võ Văn Thưởng “Ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác”.

Người ta có nhận xét rằng, không có thế lực thù địch nào xúi ông Thưởng nói những điều xằng bậy như thế. Thử hỏi, nếu như đúng như ông Thưởng nói, “Ngoài lợi ích của người dân, Đảng không còn lợi ích nào khác”, thì cái đảng đang cai trị tại Việt Nam của ông Võ Văn Thưởng trong suốt mấy chục năm qua, chắc chắn sẽ không có những lãnh đạo hàng đầu tha hóa như cựu Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, cựu Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, các Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn .v.v… Bọn họ không chỉ suy đồi về đạo đức mà còn là những kẻ ăn cắp ngân khố quốc gia được chắt chiu từ những đồng bạc còm cõi của người dân.

Chính vì thế, không có thế lực thù địch nào kích động để Thiếu tướng Nguyễn Xuân Tỷ, Phó Giám đốc Học viện Quốc phòng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre lên tiếng tại phiên thảo luận về việc sửa đổi Bộ luật hình sự  rằng, “Làm cán bộ mấy năm mà trong nhà có vài ba trăm tỉ đồng, thậm chí cả ngàn tỉ đồng thì lấy ở đâu ra nếu không tham nhũng. Có một đội ngũ giàu rất nhanh, cưỡi lên đầu nhân dân, còn kinh khủng hơn địa chủ, tư sản ngày xưa”.

Chuyện rằng, cựu Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trung tướng Võ Viết Thanh từng kể lại rằng “Gặp các vị đương chức tôi hay hỏi: Nếu bây giờ tranh cử với một người chủ trương dân chủ, chủ trương kinh tế thị trường mà quý vị vẫn chủ trương ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’, chủ trương chuyên chính vô sản, chủ trương ‘quốc doanh chủ đạo’, dân có bầu cho quý vị không? Các vị ấy trả lời: Không.”

Nếu như thế thì nền chính trị Việt Nam hiện nay cần gì đến cái Chủ nghĩa dân túy để cuốn hút và lôi kéo dân chúng mà phải cảnh báo nguy cơ như ông Võ Văn Thưởng?

Nguồn: Blogger Kami @ RFA

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh