Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, November 5, 2024

Indonesia bác bỏ mọi sự bành trướng sức mạnh trên Biển Đông


Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ công du Indonesia trong ba ngày (29-31/05) vào cuối tháng Năm này. Phát biểu vào hôm qua, 17/05/2018 tại New Delhi, bộ trưởng bộ Hàng Hải Indonesia, hiện đang công du Ấn Độ, đã khẳng định là Jakarta bác bỏ mọi hoạt động bành trướng sức mạnh “của bất kỳ một quốc gia đơn lẻ nào” trên Biển Đông. Vị bộ trưởng Indonesia đồng thời hoan nghênh vai trò của Ấn Độ trong việc duy trì thế cân bằng lực lượng tại vùng Đông Nam Á.

Trong tham luận đặc biệt đọc tại New Delhi về quan hệ song phương Indonesia-Ấn Độ trước chuyến thăm Indonesia sắp tới của thủ tướng Ấn Độ Modi, bộ trưởng Luhut Bonsar Pandjaitan đã tái khẳng định chủ quyền của Indonesia trên các vùng biển của nước ông ở Biển Đông và phản đối mọi mưu toàn bành trướng sức mạnh trong khu vực.

Bộ trưởng Indonesia giải thích : « Indonesia có các lãnh thổ và vùng biển trực tiếp nhìn ra Biển Đông. Sự ổn định của Biển Đông có lợi cho mọi quốc gia, do đó Indonesia bác bỏ bất kỳ hoạt động triển khai sức mạnh nào (trong khu vực). Indonesia sẽ luôn luôn khẳng định quyền kiểm soát của mình trên quần đảo Natuna (bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý) thông qua nỗ lực phát triển khu vực, hiện diện quân sự, và giám sát thường trực lĩnh vực hàng hải ».

Dù bộ trưởng Indonesia không nêu đích danh, nhưng nước bị chỉ trích là bành trướng chính là Trung Quốc. Vào năm 2017, Indonesia đã quyết định đặt tên vùng biển quanh quần đảo Natuna là Biển Bắc Natuna nhằm chống lại đường lưỡi bò mà Trung Quốc vẽ ra để đòi chủ quyền trên hầu hết diện tích Biển Đông, trong đó có cả một phần vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia ở phía bắc quần đảo Natuna.

Theo nhật báo Ấn Độ The Hindu, bộ trưởng bộ Hàng Hải Indonesia đã gợi lên chiến lược của Jakarta chống lại các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông khi xác định rằng : « việc giải quyết các tuyên bố chủ quyền chồng chéo phải được thực hiện một cách thân thiện, thông qua đàm phán ».

Ông Pandjaitan còn hàm ý bác bỏ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, khi cho rằng các yêu sách đó không chắc chắn, vì dựa trên « tình cảm » và những chuyến du hành của một nhân vật lịch sử Trung Hoa là đô đốc Trịnh Hòa.

Theo ông, cả Indonesia lẫn Ấn Độ đều mong muốn Biển Đông được ổn định, và sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên rất quan trọng : « Quan hệ gần gũi hơn giữa Ấn Độ và Indonesia rất quan trọng đối với cán cân quyền lực trong khu vực. Hướng phát triển của quan hệ song phương giữa hai nước vừa rộng, vừa có nền kinh tế lớn và chính sách đối ngoại độc lập, sẽ ảnh hưởng đến kiến ​​trúc toàn khu vực ».

Sự kiện một quan chức Indonesia tuyên bố chống lại các hành vị bành trướng sức mạnh ở Biển Đông được đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc liên tiếp có hành động quân sự hóa vùng biển này, đồng thời thị uy đối với các láng giềng bằng cách phô trương vũ khí và phương tiện quốc phòng mới.

Một ví dụ điển hình : Truyền thông Trung Quốc hôm nay 18/05/2018 cho biết tàu sân bay đầu tiên mà họ tự đóng đã hoàn thành 5 ngày thử nghiệm trên biển, trước khi trở về cảng Đại Liên, miền bắc Trung Quốc.

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, chiếc tàu sân bay thứ hai của Trung Quốc sẽ được đưa vào hoạt động trước năm 2020. Bắc Kinh rất muốn thay thế Mỹ làm cường quốc hải quân thống trị ở châu Á. Trung Quốc luôn cho rằng tàu sân bay cần thiết để bảo vệ vùng ven biển và các tuyến hàng hải của Trung Quốc, nhưng đối với giới phân tích, đó là phương tiện giúp Bắc Kinh khống chế Đài Loan và hầu như toàn bộ Biển Đông.

Nguồn: RFI/Trọng Nghĩa

Tags:

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh