Việt Nam và Mỹ đối thoại nhân quyền lần thứ 22
Posted by Luu HoanPho, May 18, 2018, Comments Off
Việt Nam và Hoa Kỳ có cuộc đối thoại nhân quyền thường niên lần thứ 22 tại Washington DC hôm 17 tháng 5.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết, trong cuộc đối thoại lần này, hai bên thảo luận một loạt các vấn đề về nhân quyền bao gồm cải cách tư pháp, pháp quyền, quyền tự do bày tỏ ý kiến, tự do hội họp, tự do tôn giáo, quyền của người lao động và một số trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên Bộ Ngoại giao Mỹ không cho biết cụ thể những trường hợp cụ thể này là những ai.
Phía Hoa Kỳ khẳng định vấn đề nhân quyền tiếp tục là phần quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ trong các đối thoại với Việt Nam trong khuôn khổ Đối tác toàn diện.
Tham gia đối thoại lần này, về phía Mỹ có Đại sứ Michael Kozak thuộc Văn phòng Dân chủ, Nhân quyền và Lao động là đại diện đứng đầu, phía Việt Nam là ông Phạm Hải Anh, Vụ trưởng Vụ các Tổ chức Quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao.
Hôm 20/4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã công bố phúc trình về tình nhân quyền toàn cầu 2017, và chỉ trích tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Trong báo cáo này, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã nêu ra một loạt các vấn đề ở Việt Nam bao gồm tình trạng tước đoạt sự sống một cách tùy tiên, nạn tra tấn và đối xử tàn ác, phi nhân, hạ thấp phẩm giá con người, việc bắt và giam giữ tùy tiện những tiếng nói đối lập ôn hòa, tình trạng vi phạm một cách có hệ thống trong lĩnh vực tư pháp, các hạn chế về quyền tự do ngôn luận, lập hội, hội họp, đi lại, tự do báo chí.
Phúc trình dẫn thống kê của Human Rights Watch cho biết có hơn 100 người tại Việt Nam đã bị kết án tù trong năm ngoái vì lý do chính trị hoặc tôn giáo. Các trường hợp đặc biệt được phúc trình nêu bao gồm blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh bị kết án tù 10 năm, luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sư Lê Thu Hà bị giam giữ 2 năm mới đưa ra xét xử.
Hôm 25/4 Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) cũng công bố báo cáo về tự do tôn giáo và đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách các nước cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo (CPC).
Nguồn: RFA