HRW: Nhật Bản hãy thúc giục Việt Nam tôn trọng nhân quyền
Posted by Luu HoanPho, May 29, 2018, Comments Off
Thủ tướng Nhật Bản, Shinzo Abe, cần phải áp lực Việt Nam chấm dứt ngay tình trạng đàn áp những nhà hoạt động ôn hòa và cải thiện thành tích nhân quyền đang suy thoái nghiêm trọng của chính phủ Hà Nội.
Tổ chức theo dõi nhân quyền Human Rights Watch vào ngày 27 tháng 5 ra kêu gọi như vừa nêu trước chuyến công du cấp nhà nước của ông chủ tịch Trần Đại Quang đến Nhật Bản từ ngày 29 tháng 5 đến 2 tháng 6 này.
Human Rights Watch cho rằng ông chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đến thăm Xứ Phù Tang khi mà tình trạng đàn áp nhân quyền ở Việt Nam ngày càng tồi tệ.
Giám đốc Human Rights Watch tại Nhật Bản, Kanae Doi, nêu rõ ‘Chính phủ Việt Nam vẫn còn là một trong những chính quyền đàn áp nhất trên thế giới. Trong tư cách nhà tài trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, Nhật Bản có cả cơ hội và trách nhiệm lên tiếng về những vi phạm của chính phủ Việt Nam đối với chính công dân của họ. Thủ tướng Shinzo Abe cần công khai lên tiếng ủng hộ cho những nhà hoạt động can đảm cổ xúy cho nhân quyền; và thúc giục chính phủ Việt Nam trả tự do cho tất cả những ai bị cầm tù chỉ vì đứng lên đòi hỏi quyền con người. Sự im lặng về tình trạng vi phạm đó chỉ khuyến khích chính phủ Việt Nam tiếp tục ra tay đàn áp mà thôi. ’
Theo Human Rights Watch thì trong thời gian những tháng gần đây, Việt Nam gia tăng đàn áp hoạt động nhân quyền. Chỉ riêng trong năm 2017, lực lượng chức năng bắt giữ ít nhất 41 nhà hoạt động cổ xúy cho quyền con người và bloggers chỉ vì họ tham gia biểu tình phản đối hoặc tham dự những sự kiện khác, hay cho công bố những bài viết chỉ trích chính quyền.
Trong 5 tháng đầu năm 2018, tòa án do đảng cộng sản Việt Nam kiểm soát tiến hành truy tố ít nhất 26 nhà bảo vệ quyền con người; một số bị tuyên án trên 10 năm tù.
Danh sách của những nạn nhân trong nổ lực mà chính quyền Việt Nam tái lập nhằm bịt miệng những tiếng nói chỉ trích gồm các nhà hoạt động nổi tiếng Nguyễn Văn Đài, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển, Hoàng Đức Bình, Trần Hoàng Phúc, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ( thường được biết đến với biệt danh Mẹ Nấm), Trần Thị Nga, Bùi Văn Trung và nhiều tên tuổi khác nữa.
Vừa qua vào ngày 25 tháng 5, Human Rights Watch cũng đã gửi một bức thư đến thủ tướng Abe nêu lên những quan ngại về các hạn chế của chính phủ Việt Nam đối với quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp, những cản trở đối với các nhóm tôn giáo, nghiệp đoàn và bỏ tù những tiếng nói đối lập.
Thư của Human Rights Watch nêu rõ chính phủ Việt Nam làm chủ, kiểm soát tất cả mọi cơ quan truyền thông, kiểm duyệt Internet. Đảng cộng sản Việt Nam độc quyền lãnh đạo tất cả mọi định chế công và sử dụng chúng nhằm duy trì quyền lực. Tình trạng này diễn ra kể từ năm 1954 khi đảng cộng sản bắt đầu nắm quyền tại Việt Nam.
Thư của Human Rights Watch gửi cho thủ tướng Shinzo Abe chỉ ra rằng không hề có tiến trình dân chủ thực sự tại Việt Nam; quốc hội toàn gồm những đảng viên được đảng chọn ra. Hệ thống tòa án và tất cả bộ ngành đều dưới sự kiểm soát của đảng. Những nghiệp đoàn độc lập bị cấm đoán; các tổ chức xã hội, các nhóm tôn giáo và xã hội dân sự bị kiểm soát chặt chẽ.
Human Rights Watch liệt kê danh sách 140 người hiện bị bỏ tù chỉ vì bày tỏ quan điểm chỉ trích chính phủ Việt Nam, vì tham gia vào các cuộc biểu tình ôn hòa, theo những nhóm tôn giáo không đăng ký, hoặc tham gia các tổ chức chính trị và dân sự bất đồng chính kiến. Tổng số tù chính trị được biết đến tại Việt Nam tăng trong những năm gần đây.
Nguồn: HRW, RFA