Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Những điều luật trong Bộ Luật Hình Sự trái với Cương lĩnh ĐCSVN


Hình trên: Ông Trần Huỳnh Duy Thức trong một lần gặp gỡ gia đình tại trại giam trước đây.–

Thông tin trên mạng xã hội gần đây có những bài viết đáng chú ý:

– “Trở lại trường hợp Trần Huỳnh Duy Thức” [1] của Luật sư Lê Công Định.

– “Về Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức” [2] của Luật sư Ngô Ngọc Trai (gồm 3 phần và còn nữa).

Sau khi đọc xong những bài phân tích và viện dẫn một cách chuyên nghiệp của 2 vị Luật sư nói trên, tôi xin phép góp thêm một góc nhìn về triết lý xây dựng và thực thi pháp luật, tuân theo đặc thù của xã hội Việt Nam.

Mọi chủ trương và quyết sách phải tuân theo Cương lĩnh của ĐCSVN

Báo VNExpress ngày 28/9/2013 dẫn lời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, khi sửa đổi Hiến Pháp, ông cho biết [3]: “Hiến pháp – văn kiện chính trị pháp lý quan trọng vào bậc nhất sau Cương lĩnh của Đảng”Vậy, phải khẳng định: Cương lĩnh là một văn kiện pháp lý cao nhất trong toàn bộ hệ thống “văn bản pháp lý” của Nhà nước CHXHCNVN. Cương lĩnh ĐCSVN xuyên suốt và chi phối toàn diện và căn bản cho quản trị điều hành của Chính phủ.

Với đặc thù của xã hội Việt Nam, chấp nhận tiền đề nói trên là một điều mà tất cả cơ quan Đảng và Nhà nước cũng như công dân Việt Nam cần phải tuân thủ. Theo đó, mọi kiến giải, yêu cầu, đề đạt đều phải lấy Cương lĩnh của ĐCSVN làm căn cứ cao nhất.

Cương lĩnh ĐCSVN đã được chỉnh sửa, bổ sung và khai triển theo đúng quy luật triết học “vận động là tuyệt đối”, nhằm mục tiêu cải tạo xã hội Việt Nam ngày càng văn minh, tiến bộ và thích ứng với thời buổi hội nhập quốc tế mà Đảng và Nhà nước đang kiên trì theo đuổi.

Thật vậy, Cương lĩnh ĐCSVN đã có những thay đổi rất quan trọng. Tại Đại hội XII diễn ra từ ngày 20 đến 28 tháng 1 năm 2016, ĐCSVN đã thông qua Cương lĩnh về lĩnh vực tư tưởng, trong đó có một thay đổi rất tiến bộ và vô cùng quan trọng [4]:

“…tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam…”

Hiến Pháp 2013

Song song với thay đổi về lĩnh vực tư tưởng – lĩnh vực quan trọng bậc nhất trong Cương lĩnh, Hiến Pháp 2013 đã dành hẳn một chương nhấn mạnh về Quyền Con Người, trong đó, điều 14 quy định:

1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.

Tính “Liên Tục & Kế Thừa” khi xây dựng và áp dụng luật

Đó là thuộc tính khoa học căn bản mà bất cứ một nhà soạn luật nào cũng đều hiểu và nắm chắc khi soạn thảo và áp dụng luật. Thật vậy, trong Lời Nói Đầu của Hiến Pháp 2013 đã viết:

“Thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, kế thừa Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959, Hiến pháp năm 1980 và Hiến pháp năm 1992, Nhân dân Việt Nam xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp này vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”

Lời Nói Đầu đã trình bày 2 tính chất căn bản nhất:

– Thể chế hóa Cương lĩnh của ĐCSVN

– Kế thừa các Hiến pháp trước đây.

Như vậy, 2 tính chất nêu trên là tiền đề để ba cơ quan “Lập pháp – Hành pháp – Tư pháp” tuân thủ, sao cho tất cả cả mọi chủ trương, quyết sách, hành động phải bảo đảm đúng với Cương lĩnh của ĐCSVN. Cụ thể, về mặt tư tưởng, người dân có quyền suy nghĩ, viết ra tất cả các ý tưởng, miễn sao “KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC”.

Những điều luật trái với Cương lĩnh ĐCSVN

Đó là các điều luật trong Luật Hình Sự 1999 như: điều 79, điều 88, điều 258 và sau này được thay thế bằng những điều luật tương ứng trong Luật Hình Sự 2015 như: điều 109, điều 117, điều 331.

Trước đây, những điều luật nói trên đã được nhiều tác giả phân tích và chứng minh thành công về “tính chất mơ hồ” mà thế giới và quốc nội đều biết. Nay, Luật sư Lê Công Định đã chỉ rất rõ và cụ thể về trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế về điều luật mơ hồ này. Góp thêm vào đó, Luật sư Ngô Ngọc Trai đang tiến hành các bước theo đúng trình tự pháp lý để đề nghị Nhà nước CHXHCNVN nghiên cứu xem xét, ngõ hầu “đặc xá” cho vị doanh nhân vô tội này.

Xoay quanh “trục cốt lõi” – Cương lĩnh ĐCSVN, chúng ta thấy, những vấn đề nêu trong cáo trạng quy tội cho doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức (như Luật sư Ngô Ngọc Trai phân tích) hoàn toàn là “NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC”.

Thêm vào đó, Luật sư Lê Công Định qua bài viết của mình, đã chứng minh thành công:“…trong BLHS 1999 không có bất cứ điều khoản nào quy định, dù cụ thể hay tổng quát, các yếu tố định danh và định tính về một “tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”…” mà có lẽ không có một học giả hay chuyên gia về luật có thể chứng minh rõ hơn được nữa.

Đặc xá là một điều đúng theo khoa học và tiến bộ

Với các phân tích nêu trên, việc đề xuất “đặc xá” cho ông Trần Huỳnh Duy Thức là một điều đúng theo khoa học và tiến bộ, bởi:

– Cương lĩnh trước đây vì chưa quy định rõ về mặt tư tưởng, nên khi người dân bày tỏ ý kiến, suy nghĩ hay phát ngôn v.v… trên mọi lĩnh vực dễ bị quy chụp “lật đổ chính quyền nhân dân” hay “tuyên truyền chống nhà nước” hoặc “lợi dụng tự do dân chủ”, nhưng nay nhờ có việc “…TÔN TRỌNG NHỮNG ĐIỂM KHÁC BIỆT KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC” làm căn cứ, cho nên, những gì ông Trần Huỳnh Duy Thức bị quy tội trong cáo trạng đã không còn giá trị “bảo chứng”, nhờ sự thay đổi của Cương lĩnh. Nghĩa là tư duy và ý tưởng của ông Thức “KHÔNG TRÁI VỚI LỢI ÍCH CHUNG CỦA QUỐC GIA – DÂN TỘC”.

– Hiến pháp 2013 tại điều 2 khoản 2 quy định “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Theo đó, những ý tưởng của ông Thức không những đúng theo thay đổi tiến bộ của Cương lĩnh ĐCSVN mà còn không hề vi phạm vào khoản 2 điều 2 Hiến pháp 2013.

– Tất cả các luật đều phải xoay quanh Cương lĩnh và Hiến pháp. Khi Cương lĩnh và Hiến pháp chưa sửa đổi, ông Trần Huỳnh Duy Thức bị quy tội một cách “mơ hồ”, nên khiên cưỡng phải chấp nhận. Nay Cương lĩnh đã được sửa đổi và Hiến pháp đã đề cao Quyền Con Người.

Về đối ngoại và đối nội

Việc trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức còn có ý nghĩa rất lớn cho ĐCSVN và Nhà nước CHXHCNVN trong tình hình hiện nay.

Không những thế…

– Tất cả những người bị kết án với tội danh theo điều: 79, 88, 258 đang thụ án cũng cần được “đặc xá” theo phân tích trên.

– Tất cả những người đang chịu án quản chế (như cá nhân người viết bài này) cũng được chấm dứt thi hành án quản chế.

– ĐCSVN và Nhà nước CHXHCNVN nên nghiên cứu và vận dụng đúng theo sửa đổi của Cương lĩnh và Hiến pháp để, hoặc là xóa bỏ những điều luật 109, 117, 331 hoặc là định nghĩa rất rõ các nội dung buộc tội, sao cho những ai bị kết án từ những “tội danh này”, họ phải thấy rõ tư tưởng, hành vi của mình là “trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc”.

Nguồn: Tù Nhân Nhân Quyền Nguyễn Đình Ngọc – Blogger Nguyễn Ngọc Già @ RFA

_____________________________________________________________

[1] https://www.facebook.com/LSLeCongDinh/posts/2037462326527541 (Luật sư Lê Công Định)

[2] https://www.facebook.com/photo.php?fbid=1136823149791479&set=a.334810426659426.1073741827.100003914154408&type=3(Luật sư Ngô Ngọc Trai)

[3] https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/tong-bi-thu-de-phong-the-luc-muon-xoa-bo-dieu-4-hien-phap-2886937.html (báo điện tử VNExpress)

[4] http://www.tapchicongsan.org.vn/Home/PrintStory.aspx?distribution=44966&print=true. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr. 158 – 159 (Tạp Chí Cộng Sản).

Nguồn dẫn đều từ hai công dân với đầy đủ quyền hạn: Lê Công Định, Ngô Ngọc Trai và các trang báo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam. Nhấn mạnh điều này để thưa rõ với dư luận, những phân tích trên hoàn toàn là học thuật, tác giả bài viết không có bất kỳ “ý đồ xấu” nào để bị ghép vào “Tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 – Bộ Luật Hình Sự 2015 mà trước đây bản thân người viết đã buộc phải nhận lãnh án oan sai với 3 năm tù giam và 3 năm quản chế từ điều 88.

Tags:

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh