Tướng McKenzie: ‘Quân đội Mỹ có nhiều kinh nghiệm đánh chiếm đảo’
Posted by Luu HoanPho, Jun 2, 2018, Comments Off
Hình trên: Tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.–
Hình trên: Tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.–
Sau khi trung tướng Kenneth McKenzie, Giám đốc Liên quân thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ hôm 31/5 nhấn mạnh rằng “Quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm đánh chiếm đảo,” các nhà bình luận Việt Nam cho rằng thái độ ngày càng cứng rắn về vấn đề Biển Đông của Ngũ Giác đài, dù chỉ là phát biểu về các hành động quân sự, nhưng có thể giúp trấn an người dân Việt Nam, trong khi Hà Nội muốn có một giải pháp hòa bình với Bắc Kinh.
Tiến sĩ Hoàng Việt, đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: “Phát biểu đó cho thấy một điều là thái độ của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, đặc biệt là từ các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, họ muốn có một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.”
Khi được hỏi liệu Mỹ có khả năng “thổi bay” đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông hay không, trung tướng Kenneth McKenzie đáp rằng: “Tôi có thể nói rằng quân đội Mỹ có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đánh chiếm các đảo nhỏ ở Tây Thái Bình Dương,”theo CNN.
Theo Newsweek, ông McKenzie nói Mỹ có kinh nghiệm “phá hủy các đảo nhỏ bị cô lập” là ám chỉ các chiến dịch của quân đội Mỹ trong Thế chiến 2, và kinh nghiệm đó đã được tích lũy trở thành năng lực cơ bản của quân đội Mỹ.
Truyền thông Việt Nam đón nhận phát biểu của lãnh đạo Ngũ Giác đài như một lời “cảnh báo” “cứng rắn” đối với Trung Quốc.
Báo Tuổi trẻ hôm 1/6 chạy dòng tít: “Mỹ cảnh báo cho ‘nổ tung’ đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép,” trong khi báo Lao động loan tin “Mỹ cảnh báo “thổi bay” đảo nhân tạo Trung Quốc xây trái phép ở Biển Đông.”
Giáo sư Hoàng Việt nhận định rằng khả năng Hoa Kỳ phá tan các đảo nhân tạo của Trung Quốc là rất thấp, nhưng nếu điều đó xảy ra, thì đa số người dân Việt Nam sẽ vui mừng:
“Đối với chính phủ Việt Nam, họ sẽ có cái nhìn thận trọng, họ sẽ chờ xem có ảnh hưởng gì đến lợi ích của họ không, nhưng đối với người dân Việt Nam thì tôi nghĩ rằng họ rất thích thú điều đó. Tuy nhiên, khả năng xảy ra rất thấp vì Trung Quốc rất giỏi trong việc nắn gân và biết đâu là điểm tới hạn (redline) với Hoa Kỳ. Nếu có căng thẳng thì Trung Quốc sẽ tìm cách giảm nhiệt. Cả Hoa Kỳ và Trung Quốc đều phải có những kiềm chế nhất định nên khả năng thực tế xảy ra rất thấp.”
“Phát biểu đó cho thấy một điều là thái độ của Mỹ ngày càng cứng rắn hơn đối với Trung Quốc, đặc biệt là từ các quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ, họ muốn có một chính sách cứng rắn hơn đối với Trung Quốc.” –Tiến sĩ Hoàng Việt.
Có cùng nhận định với giáo sư Hoàng Việt, Blogger Hưng Ngọc Phạm viết trên Facebook: “Kinh nghiệm và khả năng tấn công của Mỹ thì không bàn cãi, nhưng có ý định tấn công hay không là một chuyện hoàn toàn khác.”
Bình luận của tướng McKenzie được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đẩy mạnh chiến dịch thực thi tự do hàng hải để đáp trả hành vi Trung Quốc quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Ngày 27/5, hai chiến hạm Mỹ đi vào vùng 12 hải lý các đảo ở Hoàng Sa, thuộc chủ quyền Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Mỹ sử dụng hơn một tàu trong hoạt động tuần tra, để khẳng định quyền đi lại tự do trên các vùng biển quốc tế.
Hôm 30/5, Đô đốc Harry Harris, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương nói rằng Trung Quốc là “thách thức lâu dài lớn nhất” của Mỹ trong khu vực.
Chính phủ Trung Quốc có phản ứng tức giận với những tuyên bố gần đây của Mỹ. Trong cuộc họp báo ngày 31/5, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Mỹ “vừa ăn cướp vừa la làng.”
Từ Hà Tĩnh, ông Lê Hữu Thảo, cựu binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói với VOA rằng phát biểu của tướng McKenzie thể hiện khả năng hiện diện quân sự ngày càng cao của chính quyền Mỹ.
Nhưng theo ông Thảo, người từng tham gia hải chiến Trường sa tại đá Gạc Ma khi quân đội Việt Nam đối đầu với hải quân Trung Quốc năm 1988, nói rằng Việt Nam không có ý định ủng hộ hay can thiệp vào các hành động quân sự trong tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, mà thay vào đó là biện pháp đấu tranh ngoại giao và hòa bình.
Ông Thảo nói: “Để giành lại chủ quyền lãnh thổ từ tay Trung Quốc thì không nhất thiết dùng vũ lực, mà dùng các biện pháp như chính trị, ngoại giao và nhiều cách khác, vì chiến tranh sẽ khốc liệt, gây thiệt hại kinh tế và con người.”
Hồi đầu tháng 5, Việt Nam đề nghị Trung Quốc rút thiết bị quân sự khỏi các đảo nhân tạo trên Biển Đông.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Lê Thị Thu Hằng tuyên bố hôm 8/5: “Việt Nam đề nghị phía Trung Quốc với tư cách là quốc gia lớn ở khu vực và thế giới, thể hiện trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình, ổn định ở Biển Đông, không tiến hành quân sự hóa, rút các trang thiết bị quân sự triển khai trái phép trên các cấu trúc thuộc chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.”
Trong một diễn biến liên quan, Hoa Kỳ sẽ gửi máy bay không người lái đến Việt Nam, theo một tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 1/6.
Theo mạng tin San Diego Union Tribune, tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Jim Mattis và Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch hôm 1/6 bên lề Đối thoại Shangri-La ở Singapore, ông Mattis nói rằng Mỹ “hoàn toàn nhất trí” với Hà Nội về các mục tiêu chiến lược quan trọng.
Tờ báo này cho biết cả hai quốc gia cũng đang tiến tới kế hoạch để Hoa Kỳ gửi máy bay huấn luyện và máy bay không người lái đến Việt Nam, nơi đang đóng vai trò ngày càng lớn trong các vấn đề an ninh quốc tế.
Nguồn: REUTERS, VOA Tiếng Việt