Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

CHIỀU CHÚA NHẬT BUỒN


Trưa Chúa Nhật. Đưa những người anh em cuối cùng ra về, tôi đi nghỉ. Nhưng, hình ảnh của những người dân biểu tình hiện đầy trên facebook. Tiếng la, tiếng còi xe, biểu ngữ tràn ngập màn hình… Tôi bần thần. Dân tôi đó, khái niệm “đi biểu tình” chưa bao giờ có trong tôi, thậm chí tôi vẫn dạy dỗ tín hữu đừng đi biểu tình. Nhưng chiều nay, trong căn phòng vắng, hình ảnh dân tôi ngập tràn. Tôi trỗi dậy, thay đồ ra phố.

Con đường Công Lý đông nghẹt, kéo dài cho đến ngã tư Yên Đỗ, cảnh sát không cho đi thẳng, bắt phải quẹo hướng Hai Bà Trưng, chúng tôi cố len vào dòng người để ra quận 1, nhưng cảnh sát đã chắn ngang đường bằng hai chiếc xe công vụ. Dòng xe từ đầu Yên Đỗ chạy đến cũng phải dừng. Chúng tôi bị kẹt giữa hai luồng xe, cứng ngắc. Trong khung cảnh ấy, tôi nghe tiếng la: “Mở đường cho dân đi, mấy anh ơi!”. Tôi nhìn quanh rừng người, đúng là sức dân như sức nước cuồn cuộn! Tôi hỏi người bên cạnh: – Anh ở đâu? – Phú Quốc! – Phú Quốc? Vậy phải vô đây từ hôm qua? – Dạ. Chớ hôm nay đi sao kịp? Có mấy anh từ Bắc Vân Phong vô nữa kìa!

Lòng tôi chùng xuống. Dân lặn lội từ xa đến đây, mình ngay thành phố này mà nằm nhà hóng tin. Thiệt là…

Bỗng nhiên có tiếng la đồng loạt, vừa như tiếng hoan hô, vừa giống tiếng cầu cứu. Biểu ngữ đưa lên cao, đặc biệt không có lá cờ nào, chỉ toàn biểu ngữ chống “Luật khu kinh tế tự trị” và “Luật an ninh mạng”. Sau tiếng la vang có mấy người sắc phục công an to con, nét mặt hung hãn tiến vào giữa đám đông. Từ phía dân phát ra những tiếng hô vang: “Đoàn kết! Đoàn kết!”, “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam”… Nước mắt tôi bỗng trào. Việt Nam. Hai tiếng thiêng liêng làm sao. Dân tôi lặn lội từ khắp các nẻo đường về đây chỉ nói được có thế thôi sao? “Chúng tôi không muốn mất nước!”; “Tổ quốc trên hết!”; “Đoàn kết!”; “Việt Nam!”; “Hãy bảo vệ nhau, bà con ơi…”. Dân tôi không ai bảo vệ? Tiếng la hét xót xa đến xé lòng. Tôi ngước lên cao: “Chúa ơi! Xin thương xót, xin gìn giữ họ…”

Tôi đứng giữa Trời, ăn năn. Thấy mình đã từng giống người Pha-ri-si, nhìn thấy người dân bị cướp đánh đập bên đường nhưng vẫn bỏ đi, đi cho kịp giờ lễ, cho chu toàn chức vụ, bỏ mặc bên vệ đường một thân phận, một cuộc đời đau thương không được cứu giúp vì sợ… phiền. Dân tôi đó, đang kêu gào trong vô vọng, bể dâu, những tiếng kêu nhức nhối, còn tôi khoanh tay đứng nhìn và lạnh lùng với tuyên bố hàng trăm năm nay: “NGƯỜI TIN LÀNH KHÔNG DÍNH TỚI CHÍNH TRỊ!”.

Sai rồi! Tôi vẫn ‘làm’ chính trị mỗi ngày đấy thôi! Chính trị của tôi là xóa một điểm mại dâm trong khu phố; là khuyên nhủ, giải tán các tụ điểm ghi số đề quanh nhà; là hướng dẫn các thiếu nữ không hành nghề mại dâm mà trở về lao động chân chính; là khuyên các ông chồng say xỉn đừng đánh vợ; khuyên những đứa con bất hiếu bỏ cha bỏ mẹ quay về… Chính trị của tôi là tư vấn cho những người bị gia đình, xã hội bỏ rơi, tuyệt vọng, chỉ muốn tự tử; chính trị của tôi là ngăn chặn ai đó thôi làm chuyện phi pháp: buôn lậu, trốn thuế. Chính trị của tôi là đi khắp các nẻo đường rao giảng Phúc Âm và làm cho cuộc sống mỗi ngày tốt đẹp hơn lên; chính trị của tôi là…

Ai bảo người Tin Lành không ‘làm’ chính trị?

Có lẽ từ khởi thủy, khi các giáo sĩ của một giáo phái nhỏ được phân công đến đất nước nhỏ bé này để truyền giáo, họ bất ngờ bị lọt thỏm vào hai lằn ranh: theo Việt Minh sẽ bị Pháp bỏ tù, theo Pháp thì bị Việt Minh giết. Từ đó họ có lệnh không được theo bên nào, KHÔNG DÍNH LÍU TỚI CHÍNH TRỊ, KHÔNG ‘LÀM’ CHÍNH TRỊ để được yên thân mà giảng đạo và làm tròn chức vụ. Mệnh lệnh ấy được lưu truyền cho đến hôm nay, cũng vì lẽ đất nước tôi luôn bị kẹt giữa hai lằn ranh, hai chính kiến, hai chế độ, hai tư tưởng… Nhưng có một sự thật đáng buồn là dù bao lần tuyên bố “Người Tin Lành không ‘làm’ chính trị”, thì thể chế này vẫn cứ nghĩ, cứ tin và tuyên bố: TIN LÀNH = ĐẠO MỸ, TIN LÀNH = CHÍNH TRỊ; thậm chí TIN LÀNH = PHẢN ĐỘNG!

Có lẽ người sợ ta mà ta cũng sợ người, nên bao năm qua ta cứ phải ‘lẩn trốn’ trong cụm từ bạc nhược đó, để mặc dân lành lớn tiếng kêu la…

Một Môi-se quay lại Ai Cập, chấp nhận đương đầu với vua Pha-ra-ôn để giải phóng dân Y-sơ-ra-ên ra đi tìm vùng đất mới. Một Giô-sép sẵn sàng bước thẳng vào chức vụ Tể tướng Ai Cập để cứu dân mình. Một Giô-suê nhận nhiệm vụ chỉ huy đoàn quân Chúa giành những chiến thắng ngoạn mục. Một Đa-vít bách chiến bách thắng trên trận mạc. Một Mạc-đô-chê âm thầm cố vấn cho Hoàng hậu Ê-xơ-tê lên chương trình cứu dân Do Thái khỏi họa diệt vong. Một Nê-hê-mi miệt mài phục vụ trong cung vua Ba Tư cầu xin cho được giấy phép để quay về quê hương xây lại đền thờ của dân mình đã đổ nát, hoang phế…

Vậy đó, những Môi-se, Giô-sép, Giô-suê, Đa-vít, Mạc-đô-chê, Ê-xơ-tê, Nê-hê-mi… đều là những người làm chính trị chân chính, tỏ tường cho chính dân tộc họ, dưới sự cho phép, hướng dẫn và tể trị của Đức Chúa Trời. Thế nhưng ngày nay vẫn có những người nói rằng Cơ đốc nhân đã có quê hương… trên Trời rồi, không cần tranh đấu chi cho đất đai ở trần gian này nữa! Vậy thì cứ để giặc vào cướp phá ruộng đất, nhà cửa, vợ con, giày xéo, đập tan nhà thờ và di sản của dân tộc mà mình vẫn cứ khoanh tay: “Tôi có quê hương trên Trời rồi! Tôi không màng ‘làm’ chính trị!”… Nếu linh mục Martin Luther không cải chánh, cứ khoanh tay chép miệng: “Kệ. Tôi biết họ sai tỏ tường rồi, nhưng tôi phải thuận phục cái sai ấy!”, thì hôm nay thế giới đã không có Tin Lành. Nếu mục sư Martin Luther King không hành động, thì hôm nay người da màu chắc vẫn còn làm nô lệ. Tiền nhân đã hành động, sao hôm nay con dân Chúa bất động? Phi lý đến nực cười!

Len lỏi ra đến quận 1, tôi thấy một nhóm người trẻ đứng bên lề đường Tự Do nên dừng lại hỏi thăm, các em thật thà, trong trẻo: “Con tôn trọng chính quyền, tôn trọng Quốc hội, nhưng con muốn bày tỏ chính kiến của công dân. Dân biết, dân bàn, dân làm! Việc thông qua Luật Đặc khu dân không biết, không ai bàn với dân cả nên con mới đứng đây!”. Trong dòng người, chợt thấy một bà mẹ ba con (ảnh), cháu nhỏ nhất chừng 6 tuổi, tôi hỏi: – Cháu còn nhỏ quá, sao chị cho ra đây? – Dạ vì 99 năm là tới nó rồi! Mình sẽ không còn nhưng tụi nhỏ sẽ ra sao? Nó cần biết!

Người trẻ, kẻ già, người trung niên và cả những em thơ. Điều gì đã cuốn họ ra đường, chịu nắng nôi, bụi bặm, đói khát, bắt bớ… vẫn kiên trì, miệt mài, lầm lụi giữa dòng người và biểu ngữ trên tay? Điện thoại tắt ngấm, không gọi được về nhà. Tôi mượn điện thoại của vị khách trong bưu điện thành phố, vẫn không gọi được! Trước khi Luật an ninh mạng bấm nút, điện thoại của chúng tôi đã không sử dụng được rồi! Lý do? Vì chúng tôi đang bị cuốn vào dòng người biểu tình. Mưa xuống. Khu vực Nhà thờ Đức Bà vắng vẻ, mọi người chạy đi núp mưa, chúng tôi cũng tấp vào một quán cà phê gần đó. Quán dày đặc an ninh. Không còn chiều giáo đường thơ mộng của trai thanh nữ tú, quanh nhà thờ là những ba-ri-e sắt quấn kẽm gai như thời chiến nhằm ngăn người biểu tình.

Bất giác tôi chợt nhớ một đoản văn xưa trong tác phẩm của nhà văn Đức Erich Maria Remarque – Một thời để yêu: “Người lính trở về từ chiến trường tìm thăm nhà nhưng không tìm ra con phố cũ, vì tất cả đã đổ nát vì bom đạn. Anh hỏi vị linh mục: – Cha ơi! Phải làm sao đây? – Theo con thì phải làm sao? – Theo con, bây giờ chỉ cứu vớt những giấc mộng mà thôi! Linh mục cười buồn: – Không con ạ, bây giờ cần cứu vớt niềm tin, còn những giấc mộng thì để nó tự hồi sinh”.

Tiếng chuông giáo đường trỗi lên cắt ngang dòng tư tưởng. Tiếng chuông lồng lộng giữa trời chiều, vang cả góc đường, nhưng không có bóng dáng giáo dân nào đi lễ. Không có tà áo dài nào vương vấn trước giáo đường. Không có sinh viên, công nhân, người già, em bé vào nhà thờ xem lễ, vì đường vào giáo đường đã bị chặn. Trước và quanh giáo đường có xe công an, có cảnh sát áo vàng, áo xanh và cả thường phục, có vài khách nước ngoài, có cả người Trung Cộng nói xí xồ đôi tiếng tiếng Quảng Đông.

Mưa ngớt hạt. Tôi lặng lẽ đứng lên. Chiều Chúa Nhật buồn, nhưng tôi đã không chọn ‘nằm trong căn gác đìu hiu’ như ngày xưa mà ‘theo dân xuống phố trưa nay’, để khóc với dân, cười với dân, buồn với dân, trăn trở với dân, đồng cảm với họ, và nhất là nghe Tiếng Dân Tôi chiều nay vang trên phố, những tiếng kêu hòa quyện với mồ hôi mặn đắng, xé lòng. Tiếng kêu dội vào trái tim của một kẻ trước nay vốn né tránh, nhu nhược, sợ hãi, trốn tránh và… đóng hòm sự hiểu biết của mình trong vỏ bọc tôn giáo, đem giáo điều tôn giáo ra để che đậy sự hèn hạ của mình trước nỗi đau của đồng loại, của dân mình.

Sài Gòn 12/6/2018
Mục sư Võ Xuân Loan

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh