Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, December 17, 2024

Thêm những phản biện mới về trào lưu chuyển ‘nhà’ sang Minds


Khoảng 1 tuần sau khi hàng loạt các facebookers bắt đầu trào lưu dọn nhà sang Minds, một mạng xã hội mới, để đáp trả lại những phản ứng gỡ bài, đóng tài khoản mà Facebook áp dụng đối với nhiều nhà hoạt động xã hội ở Việt Nam, đã lác đác có những ý kiến góp ý kêu gọi mọi người cẩn trọng khi sử dụng mạng xã hội mới.

Tiếng nói có lẽ được nhiều người thường xuyên theo dõi các thông tin về tin học thế giới chú ý nhiều nhất phải nói là của anh Dương Ngọc Thái, một người làm việc cho Google và đã có nhiều bài viết về tin học đáng chú ý trên blog cá nhân của mình. Trong bài viết được đăng trên trang blog của mình hôm 2/7, anh Dương Ngọc Thái đã đưa ra một loạt những phân tích so sánh giữa Facebook và Minds mà theo anh thì dường như Facebook đang hơn hẳn Minds, bất chấp việc Minds cam kết tôn trọng quyền bày tỏ ý kiến của mọi người và không gỡ bỏ bài viết như ở Facebook. Cũng phải nói thêm là Dương Ngọc Thái không sử dụng Facebook vì anh nói rằng anh không thích Facebook. Vậy những điểm chính mà người ‘chơi’ Minds cần chú ý trong bài viết của một chuyên gia của Google là gì? Bài viết dài nhưng có lẽ có ba điểm chính mà người chơi Minds cần chú ý.

Token và ICO

Mở đầu bài viết của mình, anh Thái đã gọi mạng xã hội Minds là mờ ám, nghiệp dư và kém an toàn. Điều này được anh chứng minh bằng việc Minds muốn kiếm tiền bằng ICO, nghĩa là phát hành đồng tiền của riêng họ gọi là Minds Token, trong khi các vụ ICO thường hứa thật nhiều nhưng thất hứa thật nhiều.

ICO là tên viết tắt của initial coin offering. Đây là một hình thức kêu gọi vốn đầu tư khá phổ biến trong các dự án tiền điện tử kỹ thuật số, nhất là sau khi có sự phát triển mạnh của các loại tiền điện tử gần đây như Bitcoin và Ethereum. Khi một công ty phát hành tiền điện tử kỹ thuật số của mình, họ thường tạo ra một lượng token nhất định và bán ra những mã token này cho các nhà đầu tư. Công ty đó lúc đầu phải xây dựng một cộng đồng chấp nhận thanh toán loại token mà họ đưa ra đó và giá trị của loại tiền đó phụ thuộc vào mức độ phổ biến của cộng đồng đó. Cộng đồng càng phát triển thì càng dễ cho chủ công ty thuyết phục các nhà đầu tư bỏ tiền vào token hoặc những coin đầu tiên của họ.

Ở Minds, người sử dụng được khuyến khích sử dụng token của họ. Chính ông Bill Ottman, CEO của Minds trong trả lời phỏng vấn của BBC gần đây cũng nói về điều này. Ông nói Minds trả thưởng cho người dùng bằng cách trả cho họ những tokens để cảm ơn họ đóng góp nội dung cho mạng lưới. Người dùng bỏ lên nhiều bài vở, được nhiều người thích, share và mời được nhiều người dùng khác, sẽ kiếm được minds Token. Người đại diện của Minds cũng cho biết đồng tiền của Minds sẽ được chạy trên mạng lưới chính thức của Ethereum vào mùa hè năm nay và tới lúc đó họ sẽ bán Tokens trên thị trường.

Theo blog Thái, người chơi Minds nên hiểu rõ ràng Minds là một công ty và mục tiêu chính của họ vẫn là kiếm tiền và tự do ngôn luận chỉ là một cách để họ thu hút người dùng vì càng có nhiều người sử dụng thì họ càng kiếm được nhiều tiền. Blog Thái cũng đưa ra bằng chứng hơn một nửa vụ ICO năm 2017 dẹp tiệm sau khi đã ôm một đống tiền từ người mua. Đây cũng là điểm đáng chú ý vì hiện ICO chưa được quản lý chặt chẽ bởi các chính phủ, nên bất cứ công ty, tổ chức nào cũng có khả năng tạo ra coin của mình để kêu gọi vốn đầu tư thông qua ICO.

Bảo vệ quyền riêng tư

CEO của Minds cũng cho biết công ty có chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, chống kiểm duyệt, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Bằng chứng mà ông đưa ra là ứng dụng messenger của trang này hoàn toàn được mã hóa nên ngay chính Minds cũng không có nội dung của những câu chuyện người dùng và do đó Minds không thể đưa nộp thông tin mà họ không có cho bất cứ chính quyền nào.

Theo blog Thái, ông Bill Ottman đang nói dối hoặc là không biết mình đang nói cái gì. Kỹ sư Thái đã xem mã nguồn mở của Minds và cho biết dù Minds đã mã hóa nội dung chat nhưng lại sử dụng một giao thức nghiệp dư, tạo nguy hiểm tiềm tàng cho người sử dụng. Minds tạo và lưu trữ chìa khóa giải mã trên máy chủ của họ và do đó Minds có thể tự giải mã tất cả nội dung chat của người dùng.

Cũng theo blog Thái, Minds không phải là một hệ thống phi tập trung (decentralized) như họ giới thiệu trên trang chủ. Tất cả thông tin, bài vở người dùng đều đi thẳng vào máy chủ do Minds quản lý, hoàn toàn không được lưu trữ bằng công nghệ blockchain.

Như vậy có nghĩa là Minds cũng vẫn dùng máy chủ để lưu trữ giống như Facebook. Đây là điều mà nhiều người dùng ở Việt Nam chắc cũng lo ngại vì theo luật An ninh mạng mới của Việt Nam dự kiến sẽ có hiệu lực vào đầu năm tới, công ty nước ngoài cung cấp dịch vụ internet ở Việt Nam phải lưu trữ tại Việt nam đối với những thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam và các dữ liệu quan trọng đến an ninh quốc gia, phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt nam. Hiện tại Minds chưa có văn phòng tại Việt Nam.

Trong chính sách của Minds, công ty này cũng ghi rõ là công ty sẽ tuân thủ những quy định pháp luật của quốc gia có người sử dụng dịch vụ. Điều này có thể hiểu là Minds cũng sẽ phải tuân thủ cả luật An ninh mạng của Việt Nam hay không?

Trong phỏng vấn với BBC, ông Bill Ottman nói rằng văn bản đã được các luật sư soạn thảo từ lâu và theo những khuôn mẫu sẵn có và công ty sẽ tham khảo ý kiến với ban pháp lý của Minds về những quan ngại của người dùng Việt Nam về luật An ninh mạng. Tuy nhiên ông không thể hứa là sẽ có thay đổi với điều khoản này mà chỉ kêu gọi mọi người đóng góp ý kiến.

Việc Minds không yêu cầu người dùng đăng tên thật và ảnh thật của mình như Facebook được đánh giá là điểm sáng. Tuy nhiên theo blog Thái trong đa số trường hợp việc xác định danh tính một người cũng không khó chỉ bằng cách nhìn vào hình ảnh, nội dung trao đổi, địa chỉ IP….

Gỡ bài và đóng tài khoản

Những người chuyển nhà sang Minds thời gian gần đây có lẽ khó chịu nhiều nhất là việc Facebook cho gỡ bài hoặc thậm chí treo/ đóng tài khoản của nhiều người vì những báo cáo của chính phủ Việt Nam hoặc dư luận viên. Trong khi đó việc yêu cầu Facebook xem xét mở lại tài khoản thường mất rất nhiều thời gian. Chắc chắn là việc xin phỏng vấn ông chủ Facebook hay một manager của Facebook cũng không thể dễ dàng như đối với Minds, một công ty nhỏ hơn rất nhiều và đang trong giai đoạn mở rộng cộng đồng khách hàng của mình.

Theo blogger Phạm Đoan Trang, người mới viết trên Minds gần đây, trong nửa cuối tháng 6 và cả tháng 7, hàng trăm facebook cá nhân, tổ chức hoạt động dân chủ – nhân quyền, và của những người chỉ đơn giản là hay phát ngôn trái ý tuyên giáo, bị đánh sập vì các báo cáo lên Facebook. Một loạt các trang nổi tiếng bị đóng bao gồm Nhật Ký Yêu Nước, Tập Hơp Dân Chủ Đa Nguyên, Cô Gái Đồ Long, Quê Choa, Nguyễn Lân Thắng….

Biểu tượng của Facebook
Biểu tượng của Facebook AFP

Bloger Phạm Đoan Trang cho rằng khó khăn nữa với Facebook chính là việc muốn mở lại trang của mình, khổ chủ phải tự mình hoặc nhờ người liên hệ với Facebook, gửi hình chụp giấy tờ tùy nhân để chứng minh, gây mất thì giờ, đặc biệt là cho những người ở Việt Nam.

Với Minds, người đại diện của công ty khẳng định rằng công ty này sẽ chỉ đóng cửa những tài khoản nào vi phạm luật pháp của Hoa Kỳ thôi vì Minds là công ty Mỹ.

Theo blog Thái, để làm ăn ở Việt Nam thì Facebook bắt buộc phải tiếp nhận yêu cầu của chính phủ Việt Nam, nhưng không phải hễ chính phủ yêu cầu gì thì Facebook cũng thực hiện ngay. Blogger này dựa vào bản báo cáo minh bạch được Facebook công bố hàng năm để chứng minh Facebook không phải lúc nào cũng nghe chính phủ Việt Nam. Cụ thể thông tin được đưa ra trong báo cáo là trong 6 tháng cuối năm 2017, chính phủ Việt Nam 8 lần yêu cầu cung cấp thông tin của 12 tài khoản, trong đó có 3 yêu cầu thuộc dạng khẩn cấp, nhưng Facebook chỉ đáp ứng 3 yêu cầu khẩn cấp.

Blog Thái cũng nói đến trường hợp bài viết của sinh viên Trương Thị Hà bị xóa trên Facebook. Đây là bài viết dưới dạng bức thư ngỏ gửi cho thầy giáo mình, phê phán ông đã không lên tiếng bênh vực cho sinh viên của mình trước công an dù cô bị công an đánh đập và xúc phạm. Blog Thái kêu gọi cộng đồng người Việt đối thoại với Facebook, gửi thư ngỏ cho ông chủ Facebook Mark Zuckerberg và Lê Diệp Kiều Trang để làm rõ vấn đề bài bị xóa của Trương Thị Hà và những vấn đề về nạn báo cáo láo.

Facebook mới đây cũng đang gặp thêm rắc rối khi công ty này hồi tuần trước thừa nhận đã chia sẻ thông tin người dùng cho 52 công ty trong đó có cả những công ty của Trung Quốc, như Alibaba, Huawei, Lenovo, Oppo và TCL. 4 công ty trong số này đã bị phía Mỹ coi là có đe dọa về an ninh quốc gia đối với Hoa Kỳ. Tin này chắc chắn cũng sẽ làm cho người dùng Việt nam vốn đang bất mãn với với Facebook không yên tâm với tài khoản của mình ở Facebook. Tuy nhiên tới lúc này thì phần đông người chuyển nhà sang Minds vẫn duy trì tài khoản của mình ở Facebook. Tâm lý chung là dẫu sao bỏ trứng vào nhiều rổ vẫn hơn là một rổ.

Nguồn: RFA

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh