Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, December 17, 2024

Sách lược thoát Tầu


Hình trên: Công nhân tan ca từ nhà máy gang thép Hưng Nghiệp, Formosa tại Hà Tĩnh, Việt Nam.–

Khi trận chiến mậu dịch xảy ra giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới ở hai bờ Thái Bình Dương, liệu rằng giới đầu tư quốc tế có vì vậy mà tìm vào các thị trường khác, thí dụ như Việt Nam, hay không? Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu chuyện này qua cuộc phỏng vấn chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa.

Triển vọng cho Việt Nam?

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin kính chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, như các thị trường quốc tế đã e ngại, mâu thuẫn về mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tăng cường độ vào Thứ Sáu mùng sáu vừa rồi khi Chính quyền Mỹ bắt đầu nâng thuế nhập nội trên một số hàng hóa của Trung Quốc và phía Bắc Kinh lập tức trả đũa với một quyết định tương tự. Trận chiến mậu dịch giữa hai nền kinh tế có sản lượng cao nhất thế giới sẽ ảnh hưởng ra sao đến các nền kinh tế trên Thái Bình Dương? Câu hỏi này đã được giới đầu tư quan tâm, và riêng với Việt Nam, thì đấy có là cơ hội thu hút đầu tư quốc tế hay không? Nguyên Lam xin đề nghị ông phân tích cho việc đó vì hôm mùng năm vừa qua, tờ South China Morning Post có một bài về triển vọng cho Việt Nam nếu giới đầu tư rút khỏi thị trường Trung Quốc.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi có đọc bài báo và xin nói ngay rằng đánh giá không cao những nhận định của tác giả. Ông ta quá tập trung vào lượng đầu tư đến từ Hong Kong, có tầm nhìn ngắn hạn, lại nhầm nhiều chuyện khi cho rằng đầu tư nước ngoài sẽ rút khỏi thị trường Trung Quốc vì phí tổn nhân công gia tăng nên có thể tìm vào thị trường Việt Nam. Thật ra, triển vọng cho Việt Nam đã có từ năm năm trước và diễn đàn này của chúng ta cũng có đề cập tới.

– Tôi nhớ là trong chương trình phát thanh ngày 14 Tháng Tám năm 2013 rồi một chương trình đầu năm 2014, ngay trước Tết Giáp Ngọ, chúng ta đã phân tích vụ này trong viễn cảnh dài. Ngày nay, chúng ta cũng tránh phản ứng vì mâu thuẫn mậu dịch về mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.

Nguyên Lam: Nếu vậy, Nguyên Lam xin đề nghị ông trình bày lại bối cảnh của toàn bộ vấn đề cho thính giả của chúng ta.

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi xin đi từ yếu tố khách quan của thiên hạ rồi mới nói về những chọn lựa của Việt Nam.

Năng suất công nghiệp của Việt Nam còn thấp mà giáo dục đào tạo lại bất cập cho nên xứ này chỉ làm gia công trong cái khâu sản xuất thấp, để giới đầu tư ngoại quốc kiếm lời. Mà giới đầu tư có ưu thế nhất về kinh tế lẫn chính trị lại là từ Trung Quốc, trong khi nguyên nhiên vật liệu Việt Nam sử dụng cho sản xuất để xuất khẩu cũng đến từ Trung Quốc.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

– Đầu tiên, chương trình chuyên đề của chúng ta liên tục nhắc nhở với đánh giá bi quan về thực trạng và tiềm lực kinh tế Trung Quốc, khi thiên hạ còn nói về phép lạ của xứ này. Đến nay, dư luận mới bắt đầu thấy ra những điều ấy. Thứ nhất, đà tăng trưởng của Trung Quốc thiếu phẩm chất và không thể bền vững. Thứ hai, lãnh đạo Bắc Kinh biết là phải chuyển hướng để tránh khủng hoảng. Thứ ba, Trung Quốc hết là hãng xưởng cho các ngành ráp chế nhờ nhân công nhiều và rẻ như trong các thập niên trước. Nếu vậy, khi giới đầu tư rút chạy khỏi thị trường Trung Quốc thì ta phải hỏi là họ có thể chạy đi đâu?

– Câu hỏi kế tiếp là làm sao các nước có thể thu hút được nguồn cung cấp tư bản và kỹ thuật sẽ rút chạy của thiên hạ làm sức đẩy cho mình? Như mọi nước nghèo vừa bước vào giai đoạn khởi phát hay “cất cánh”, Việt Nam cần vốn và kỹ thuật nên phải huy động từ bên ngoài, các quốc gia khác, kể cả Trung Quốc, đều trải qua giai đoạn ấy. Khi đó, vấn đề chủ yếu là Việt Nam có gì hấp dẫn hơn xứ khác để thu hút đầu tư?

Tình hình xoay chuyển

Nguyên Lam: Có lẽ quý thính giả thấy ra cách phân tích của ông  được diễn đàn chuyên đề này trình bày từ năm năm trước. Ngày nay, bất kể tới mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, tình hình sẽ xoay chuyển ra sao?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Thời đó, tôi nhớ là đã dự báo rằng có mười mấy quốc gia, khoảng 16 tới 18 nước, nuôi hy vọng trám vào khoảng trống do Trung Quốc để lại khi họ hết là “công xưởng toàn cầu” nhờ nhân công nhiều và rẻ. Trong số các nước đó, dĩ nhiên có Việt Nam và đấy là một cơ hội thoát khỏi bóng rợp của Trung Quốc. Nhưng dường như Việt Nam đã mất cơ hội đó. Bây giờ, chúng ta cần suy nghĩ tiếp…

Nguyên Lam: Ông nói rằng có lẽ Việt Nam đã mất cơ hội đó, khiến Nguyên Lam nhớ đến chương trình tuần trước, khi ông nhấn mạnh đến trình trạng lệ thuộc của kinh tế Việt Nam vào Trung Quốc. Có lẽ chúng ta cần ôn lại chuyện này, cụ thể là vì sao Việt Nam có thể đã mất cơ hội….

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Khách quan mà nói, một quốc gia đang phát triển cần có hạ tầng cơ sở bền vững để tiếp nhận đầu tư về tư bản lẫn kỹ thuật. Hạ tầng cơ sở đó gồm có nhiều loại. Là vật chất như đường xá cầu cống và cả hệ thống bảo vệ môi sinh hay hủy thải phế vật và phát huy điều kiện lao động lành mạnh cho công nhân. Hạ tầng đó cũng có bộ máy hành chính công quyền hữu hiệu và liêm minh và hệ thống ngân hàng có khả năng giải quyết các dịch vụ cần thiết cho sản xuất và xuất khẩu. Trong chu trình sản xuất thì hạ tầng cơ sở còn có ý nghĩa tiếp liệu là lấy nguyên nhiên và vật liệu ở đâu để có sản phẩm hoàn tất tung ra thị trường nội địa hay xuất khẩu? Sau cùng, hạ tầng cơ sơ vô hình mà then chốt nhất là nền tảng luật lệ công khai minh bạch để bảo đảm sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp nội địa và ngoại quốc. Việt Nam thật ra chưa có mấy điều kiện ấy mà cứ tưởng nhân công rẻ là một lợi thế. Ta nên hỏi lại rằng “rẻ so với cái gì”? Khi ấy, ta cần nhìn vào một phạm trù khác là năng suất, với cái gốc là giáo dục đào tạo.

– Năng suất công nghiệp của Việt Nam còn thấp mà giáo dục đào tạo lại bất cập cho nên xứ này chỉ làm gia công trong cái khâu sản xuất thấp, để giới đầu tư ngoại quốc kiếm lời. Mà giới đầu tư có ưu thế nhất về kinh tế lẫn chính trị lại là từ Trung Quốc, trong khi nguyên nhiên vật liệu Việt Nam sử dụng cho sản xuất để xuất khẩu cũng đến từ Trung Quốc! Sự thật phũ phàng là Trung Quốc chỉ vứt lại cho Việt Nam vai trò công xưởng đầy ô nhiễm của họ với thiết bị phế thải. Đặt vấn đề cũ vào bối cảnh mới là mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, Việt Nam bị Mỹ trừng phạt vì nhập hàng Tầu bán qua Mỹ dưới dạng “sản phẩm chế tạo tại Việt Nam” với trị giá đóng góp thấp. Lãnh đạo Việt Nam cần sách lược khác để vừa thoát khỏi sự khống chế của Trung Quốc vừa phát triển xứ sở.

Những chọn lựa

Nguyên Lam: Chúng ta bước qua phần hai là khi ông nêu câu hỏi về những chọn lựa của Việt Nam. Nguyên Lam xin ông khai triển cho phần này.

Việt Nam nên tránh việc vay vốn cho phát triển mà không nghĩ tới ngày trả nợ. Lồng việc tài trợ vào đầu tư qua các hợp đồng mờ ám là chui đầu vào dây thòng lọng của nhà đầu tư, ở đây là nhà đầu tư Trung Quốc, vốn đã có tham vọng và gian ý.
-Nguyễn Xuân Nghĩa

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Lãnh đạo Việt Nam thiếu viễn kiến khi phạm bảy sai lầm sau đây. Thứ nhất là quá lệ thuộc vào đầu tư nước ngoài, thứ hai là lấy nhân công rẻ làm lợi thế thu hút đầu tư đó, thứ ba là không thấy vai trò cốt tủy của năng suất nhờ giáo dục đào tạo, thứ tư là không có ý chí độc lập để tìm lợi thế riêng trong tiến trình sản xuất hầu xây dựng công nghệ nội địa, thứ năm là không muốn thoát ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc chỉ vì điều ấy có lợi cho thiểu số có chức có quyền, thứ sáu là chấp vào đà tăng trưởng mà chẳng thấy tăng trưởng không là phát triển nếu thiếu phẩm chất, gây ô nhiễm môi sinh, bất công xã hội. Rốt cuộc thì Việt Nam lạm thác tài nguyên quốc gia, nhất là đất đai, mà tài nguyên quý nhất là dân trí lại bị coi thường và tụt hậu nếu so với các nước khác. Ngày nay, nếu Việt Nam lại mong là sẽ trám vào khoảng trống do Trung Quốc vứt lại thì sẽ tiếp tục những sai lầm cũ mà không có thời gian bắt kịp thiên hạ. Suy từ đó ra, lãnh đạo Việt Nam nên có những chọn lựa khác. Nếu không, chính người dân sẽ đòi hỏi những chọn lựa khác.

Nguyên Lam: Dùng phương pháp loại suy, hay tự kiểm điểm để loại bỏ những sai lầm cũ, ông cho là lãnh đạo của Việt Nam nên làm những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi nghĩ những người có chức có quyền và có tiền tại Việt Nam đều biết, và giới chuyên gia trong nước cũng đã nhiều lần cảnh báo mà vô hiệu vì lý do thể chế, nôm na là chính trị.

– Cứ nói lại thì buồn và nhàm, nhưng Việt Nam đã gây cảnh tương tàn Quốc Cộng rồi chiến tranh Nam Bắc trong ba chục năm, từ 1945 tới 1975. Tới khi chiến tranh kết thúc thì mới thấy Trung Quốc chiếm lợi rất lớn và chiếm luôn chủ quyền trên đất liền và biển đảo ngoài khơi qua nhiều đợt xung đột vào các năm 1974, 1979, 1988 và cho tới gần đây. Thuần về kinh tế, Việt Nam tiếp tục làm chiến mã cho Trung Quốc khi doanh nghiệp Việt Nam mua hàng Trung Quốc và dán nhãn “Made in Vietnam” lên trên để bán cho thiên hạ trong khi tuổi trẻ mất tương lai.

– Thế giới có thiện cảm với dân Việt Nam nên sẵn sàng nâng đỡ kinh tế xứ này nhưng sẽ ngần ngại nếu Việt Nam tiếp tục những sai lầm cũ. Ta cũng không quên rằng Á Châu còn nhiều quốc gia khác ngoài Trung Quốc và giới trẻ tại Việt Nam có tiềm năng hợp tác và học hỏi từ các quốc gia đó chứ sẽ không mãi mãi cúi đầu. Bây giờ, căn cứ trên mâu thuẫn mậu dịch giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc mà mong Việt Nam sẽ có thể tiếp nhận đẩu tư của Hong Kong thì chẳng khác gì nhuộm lại bộ lông của con chiến mã, nghĩa là vẫn phạm vài sai lầm cũ.

Nguyên Lam: Một cách cụ thể thì ông nghĩ là Việt Nam nên làm những gì?

Nguyễn-Xuân Nghĩa: – Tôi trộm nghĩ Việt Nam nên nhìn xuống cái gốc của kinh tế xã hội là giáo dục đào tạo để nâng cao tay nghề và năng suất dù việc ấy sẽ mất chục năm. Thứ hai là nên đánh giá lại vai trò của đầu tư ngoại quốc, chứ không ưu đãi qua các biện pháp thiển cận như lương lậu và thuế khóa thấp mà bất kể tới môi sinh bị tàn phá. Thứ ba là với tay nghề cao hơn thì nên khuyến khích đầu tư nước ngoài vào những khu vực có trình độ công nghệ hiện đại hơn. Nghĩa là nên nhìn từ viễn ảnh của 10 năm tới về đến hiện tại. Thứ tư, mà rất thời sự chứ cũng chẳng xa vời gì là yếu tố tài trợ: Việt Nam nên tránh việc vay vốn cho phát triển mà không nghĩ tới ngày trả nợ. Lồng việc tài trợ vào đầu tư qua các hợp đồng mờ ám là chui đầu vào dây thòng lọng của nhà đầu tư, ở đây là nhà đầu tư Trung Quốc, vốn đã có tham vọng và gian ý. Nói về những việc cụ thể đó thì tôi không lạc quan vì từ đầu nguồn vẫn là tinh thần lệ thuộc Bắc Kinh của lãnh đạo Việt Nam nên họ mới chạy theo sách lược tai hại này.

Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do cùng Nguyên Lam xin cảm tạ kinh tế gia Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích không vui hôm nay.

Nguồn: RFA/Nguyên Lam

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh