Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Tuesday, December 17, 2024

Nhà tranh đấu Lê Đình Lượng đối diện án tử vì chống giặc Tàu và Formosa


Ngày 30/7/2018 phiên tòa xét xử người bảo vệ dân quyền Lê Đình Lượng sẽ diễn ra. Một nhà hoạt động quá nổi danh trên mạng xã hội nhưng lại có thể đối diện với mức án cao nhất là tử hình. Lê Đình Lượng là ai và đã làm gì để trở thành mục tiêu của chế độ với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”?

Nhà hoạt động Lê Đình Lượng bị khởi tố với quy kết “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79, Bộ luật hình sự (BLHS). Theo thông tin từ người thân, ông Lượng sẽ ra tòa theo khoản 1 điều 79 BLHS với khung án từ 12 đến 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Nhiều người đã thắc mắc về những hoạt động nào mà khiến nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam sợ hãi như vậy?

Trước tiên phải khẳng định rằng trong xã hội Việt Nam, với các vụ án mang tính chính trị việc bắt bớ hay quy tội một ai là một việc làm hết sức dễ dàng và hoàn toàn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của đảng cộng sản. Nhà cầm quyền để bảo vệ sự tồn tại độc quyền cách độc đoán của mình sẵn sàng bỏ tù tất cả những ai mà họ cho là có thể ảnh hưởng đến sự tồn vong của họ.

Người lính chống giặc Tàu và tay sai

Cũng giống như nhiều nhà hoạt động dân chủ, nhân quyền bị bắt giam – ông Lê Đình Lượng mang trong mình một lý tưởng về thể chế dân chủ đa nguyên, và công bằng xã hội. Ông thực hiện lý tưởng đó qua việc trợ giúp các nạn nhân Formosa, đòi lại quyền được đi học và chống nạn lạm thu cho học sinh nông thôn hay trực diện đương đầu với những mưu đồ Hán Hóa hoặc bán nước.

Có thể nói rằng ông Lượng là người bình thường với ước mơ phi thường là thay đổi xã hội một cách ôn hòa văn minh.

Ông sinh ra và lớn lên tại giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo phận Vinh tại mảnh đất Yên Thành, Nghệ An. Đây cũng là quê hương của Luật sư nhân quyền Lê Quốc Quân, người gọi ông Lê Đình Lượng bằng chú.

Thời trai trẻ ông đã trực tiếp tham gia bảo vệ tổ quốc, tham gia cuộc chiến biên giới năm 1979 để kháng Tàu Cộng. Là một cựu binh vì lòng ái quốc, ông sau đó tiếp tục là một người hoạt động vì quê hương dân tộc.

Trước thảm họa mất nước vào tay “bạn vàng” của đảng cầm quyền, ông Lê Đình Lượng cũng đã tham gia ký tên phản đối dự án Boxit Tây Nguyên. Không chỉ bằng việc tham gia ký tên, ông đã cùng những người quen tổ chức biểu tình tại gia chống giặc Tàu và tham gia các buổi lễ tưởng niệm các tử sĩ hi sinh tại Hoàng Sa, Trường Sa trong cuộc chiến chống giặc phương bắc.

Đặc biệt từ khi thảm họa môi trường do Formosa xả thải trực tiếp ra biển Miền Trung thì ông càng tham gia sâu vào việc đòi lại công bằng cho người dân quê ông. Ông Lượng đã viếng thăm, trợ giúp về mặt tinh thần và vật chất các ngư dân. Nhưng còn hơn thế là ông đã đến để giúp họ, đồng hành với họ trong những tháng ngày làm đơn khởi kiện Formosa.

Ông Lê Đình Lượng quen biết rộng, giao thiệp rộng nhất là từ vụ Formosa, thì mối quan hệ của ông lại gia tăng. Trong khả năng của mình ông Lê Đình Lượng đi chỗ này chỗ kia để làm cầu nối nhiều người tới nơi họ được trợ giúp.

Những người như ông Lê Đình Lượng, Hoàng Đức Bình, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Văn Oai, Trần Thị Xuân, Nguyễn Trung Trực… đã sống và hoạt động trực tiếp ngay tại những điểm nóng bài trừ Formosa – một công ty được bảo kê bởi tiền của Trung Quốc – là một thách thức của nhà cầm quyền vốn được gọi là “hèn với giặc ác với dân”.

Tùy khi tổ quốc và nhân dân cần, ông Lê Đình Lượng đã có cách của riêng mình để thực hiện nghĩa vụ của một công dân.

Một con người bình thường với trái tim nóng

Dường như ai cũng phải thừa nhận rằng tuy lớn tuổi nhưng ông Lê Đình Lượng tinh thần tươi trẻ và rất nhiệt tình. Không phải là những chính trị gia lão luyện hay màu mè, mà ngược lại ông chân chất bình dân, có hơi chút xềnh xoàng gần gũi.

Tôi cảm nhận được sự hăng hái và nhiệt huyết đó, không chỉ vì ngày tôi mãn án tù ông đã lặn lội từ Nghệ An vào Lâm Đồng thăm tôi. Mà còn là khi ông sốt sắng trợ giúp các nạn nhân Formosa cùng với các linh mục. Và cũng không phải chỉ có mình tôi được đón nhận sự nồng ấm tình người đó, nhiều người đã được ông Lượng giúp cách vô vị lợi và tận tâm.

Nhất là gia đình của các tù nhân lương tâm, những ai từng bị giam tại các trại tù nơi Nghệ An thì đa phần người nhà của họ đều được ông Lượng đồng hành.

Chúng ta không tô hồng hay tâng công một ai nhưng tự trong sâu thẳm tâm thức mỗi người, một hành động từ trái tim sẽ đi thẳng đến trái tim. Và nơi cung lòng của mẹ Việt Nam, ông Lê Đình Lượng đã xứng đáng là một người con hiếu thảo.

Nguồn: Trần Minh Nhật@Tin Mừng Cho Người Nghèo

More Stories From Chính Trị

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh