Trung Quốc giận dữ khi tàu chiến Anh đến gần Hoàng Sa
Posted by Luu HoanPho, Sep 6, 2018, Comments Off
Hình trên: Tàu chiến đổ bộ HMS Albion thuộc thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh tại Tokyo hôm 3/8/2018.–
Trung Quốc phản ứng giận dữ và cho điều một chiến hạm cùng hai trực thăng quân sự với mục đích được nói để “dằn mặt” sau khi tàu chiến Anh áp sát quần đảo Hoàng Sa, nhưng cả hai bên đều không đụng độ lẫn nhau.
Hãng tin AFP loan tin này hôm 6 tháng 9 năm 2018.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố tàu chiến Anh đã xâm phạm khu vực không được phép hôm 31 tháng 8 khi tiến gần quần đảo Hoàng Sa và bị yêu cầu rời đi. Phía Trung Quốc cũng mạnh mẽ hối thúc Anh “ngừng các hành động khiêu khích” đó, để không làm tổn hại đến tình hình chung của quan hệ song phương và hòa bình và ổn định khu vực.
Trong thời gian qua, các tàu hải quân Anh đã thực hiện sứ mệnh tuần tra hàng hải ở Biển Đông, nhưng không đi vào vùng 12 hải lý xung quanh các thực thể trong khu vực.
Mỹ và các nước đồng minh trong thời gian gần đây cũng đã gửi các máy bay và tàu chiến đến khu vực này với mục tiêu nêu rõ là để đảm bảo “tự do hàng hải” theo luật quốc tế ở vùng biển đang có tranh chấp này.
Giới quan sát cho rằng động thái đó được cho nhắm vào Trung Quốc.
Theo Reuters, tàu chiến đổ bộ 22.000 tấn mang tên HMS Albion chở một đội thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, đã đi qua khu vực gần quần đảo Hoàng Sa vào những ngày cuối tháng 8, sau đó cập cảng Sài Gòn hôm 3 tháng 9.
Trước sự giận dữ của Trung Quốc, phát ngôn viên của Hải quân Hoàng gia Anh cho biết, chiến hạm HMS Albion thực hiện các quyền tự do hàng hải, tuân thủ đầy đủ các luật và quy định quốc tế.
Tàu chiến Anh đi gần quần đảo Hoàng Sa diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có nhiều những hoạt động phi pháp tại vùng biển chiến lược này, trong khi Mỹ kêu gọi quốc tế can thiệp nhiều hơn.
Từ trước đến nay, Hoa Kỳ vẫn giữ lập trường không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp biển Đông, nơi Trung Quốc đòi chủ quyền đến 90% diện tích qua đường đứt khúc 9 đoạn vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague bác bỏ trong một phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016. Trung Quốc không công nhận phán quyết này của tòa.
Ngoài Trung Quốc, một số nước trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cũng có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông.
Từ năm cuối năm 2013 đầu 2014 trở lại đây, Trung Quốc đã gia tăng các hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo ở khu vực Biển Đông, xây dựng các đường băng và triển khai vũ khí quân sự ra các đảo. Vào tháng 5 năm 2018, Trung Quốc đã triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không và máy bay chiến đấu ra Hoàng Sa. Trong năm nay, Trung Quốc cũng cho lắp đặt các thiết bị phá sóng ở hai đảo nhân tạo do nước này xây lấp ở quần đảo Trường Sa.
Nguồn: RFA