Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Thursday, November 14, 2024

Khi chính quyền là nguồn gốc của ‘fake news’


Chính quyền Việt Nam đang yêu cầu Facebook và Google kiểm soát fake news nhưng nếu chính quyền là “nguồn” của tin giả thì ai kiểm soát?

“Fake news” – tin giả, tin dỏm, tin đồn, tin nhảm, tin ngụy tạo… – đang bùng nổ trong kỷ nguyên thông tin không biên giới. Fake news đang như một đại dịch toàn cầu. Khi có thể ảnh hưởng cả cuộc bầu cử tổng thống thì vấn đề fake news không phải là chuyện nhỏ vô hại như bề ngoài nhảm nhí của nó…

Vượt khỏi phạm vi gây nhiễu xã hội với những tin đồn mua vui vô thưởng vô phạt, fake news còn đang được sử dụng cho mục đích chính trị. Có thể nói đây là biến tướng mang tính xu hướng của thời đại thông tin nằm dưới những ngón tay lướt chạm màn hình. Năm 2016, một phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã chia sẻ trên Facebook bức ảnh thi thể cô gái trẻ được tin là bị hiếp và giết bởi một tên buôn ma túy. Sự thật là tấm ảnh có nguồn gốc ở Brazil. Nó được dùng để “minh họa” cho tính “đúng đắn” của việc bắn giết vô tội vạ các đối tượng ma túy của Duterte. Trước đó, hàng chục ngàn người sử dụng Facebook tại Philippines cũng chia sẻ câu chuyện rằng NASA đã bầu chọn Duterte là “tổng thống giỏi nhất Hệ mặt trời”! Nhiều người cho đó là thật!

Tại Indonesia, khi Joko Widodo tranh cử tổng thống năm 2014, bỗng xuất hiện tin đồn ông là người Công giáo gốc Hoa và còn là cộng sản chính cống. Tại quốc gia có tỷ lệ người đạo Hồi nhiều nhất thế giới như Indonesia thì điều đó không thể chấp nhận. Widodo cuối cùng phải trưng ra hôn thú để chứng minh ông không phải người Hoa và từng hành hương đến Mecca vào ngay trước thời gian bỏ phiếu. Tại Colombia, “dân mạng” cũng từng thổi lên tin đồn ca sĩ lừng danh Juanes phản đối một thương thuyết hòa bình với nhóm phiến loạn lớn nhất nước này.

Và trong chiến dịch bầu cử tổng thống Mỹ 2016, fake news đã thật sự trở thành công cụ được dùng để tiêu diệt đối phương. Người ta hẳn vẫn còn nhớ tin đồn về chuyện John Podesta (nhà chiến lược chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Hillary Clinton) tham gia một “nghi lễ bí ẩn” trong đó ông “uống các chất dịch từ cơ thể”; hay tin Hillary “trả tiền” cho các đối tượng thăm dò công chúng… Điều lạ là dù thế giới phát triển và văn minh đến đâu, tin nhảm vẫn có đất sống và vẫn được tin. Như Joshua Benton, giám đốc Nieman Journalism Lab cho biết hồi năm 2016, bản tin nhảm Giáo hoàng ủng hộ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump đã được hơn 868.000 chia sẻ trên Facebook trong khi bài báo nói rằng tin ấy là nhảm thì chỉ được 33.000 lượt share.

Nhà báo Walter Lippmann (1889-1974), người được xem là cha đẻ của báo chí hiện đại, từng luôn hoài nghi về khả năng một công dân trung bình có thể hiểu được các vấn đề quốc gia hoặc có thể có những nhận định chính trị hợp lý. Nhiều năm sau thời Lippmann, điều này vẫn còn đúng. Một cách chính xác, fake news không phải là sản phẩm của thời đại kỷ nguyên số. Fake news tồn tại cùng lịch sử loài người. Trong khi đó, tâm lý con người dường như không thay đổi hoặc thay đổi rất ít, trong cách đón nhận và ứng xử với thông tin. Người ta vẫn thích nghe và đồn đãi những thông tin giật gân dù không thể kiểm chứng hoặc chưa được kiểm chứng. Xã hội vẫn có khuynh hướng “háo hức” rỉ tai nhau những thông tin “bí mật” và “rò rỉ”. Trong kỷ nguyên số, điều này càng dễ thực hiện. Khi lan truyền, fake news “bay” với vận tốc ánh sáng, dù nó chỉ làm đen kịt thêm màn đêm thông tin.

Fake news trong kỷ nguyên công nghệ số bùng nổ dữ dội còn một phần bởi yếu tố mang tính tâm lý cố hữu: sự “tự sướng”. Ai cũng thích là “người đầu tiên” “biết” câu chuyện đó. Một bản tin liên quan một vấn đề được tung ra đúng thời điểm mà cộng đồng hoặc xã hội đang quan tâm sẽ dễ dàng biến “fake news” thành “true news”. Năm 2005, trong quyển Amusing Ourselves to Death, nhà phê bình truyền thông Neil Postman nói, bản chất hoàn cảnh sẽ quyết định thông điệp mà nó truyền tải. Viết trên Foreign Policy (18-11-2016), Ilya Lozovsky nói thêm: truyền thông xã hội đang “nguyên tử hóa” các ý kiến thảo luận. “Chúng ta chia sẻ những câu chuyện chứa tín hiệu và củng cố bản thể bầy đàn của chúng ta, chứ không phải những điều dẫn đến việc đòi hỏi phải suy nghĩ thấu đáo. Chúng ta đọc những gì mà bạn bè chia sẻ. Chúng ta “retweet” những gì mà những nhà báo yêu thích của chúng ta đã tweet. Và chúng ta dường như không quan tâm đến việc tìm kiếm những quan điểm thay thế”.

Môi trường thông tin không minh bạch và bị bưng bít nhiều thì fake news càng dễ lan truyền. Đó là những gì xảy ra tại Việt Nam. Sự suy yếu của hệ thống báo chí “chính thống” đã cung cấp thêm “sức mạnh” cho fake news. Cái chết của Nguyễn Bá Thanh cùng vô số câu chuyện liên quan giới chức chính quyền đã được tung ra hư hư thực thực khiến chẳng biết đâu mà lần. Những bức ảnh được ngụy tạo được lan truyền với tốc độ chóng mặt khiến sự nhiễu loạn lên đến mức không thể kiểm soát. Chính quyền lại là “thủ phạm” gián tiếp cho cuộc “cách mạng thông tin” bằng fake news của cộng đồng mạng, khi chính quyền không bao giờ trung thực trong thông tin với người dân.

Trong vài trường hợp, fake news đã được các phe phái sử dụng như một công cụ để đánh đấm nhau. Người ta còn chưa quên thời tung hoành khuynh loát của “anh Lực” – cách nói phổ biến của cộng đồng mạng khi ám chỉ trang “Chân dung quyền lực”. Có một thời, “anh Lực” là nguồn tin được trông chờ hơn bất kỳ tờ báo nào. Một thời, “anh Lực” “thống trị” cả thế giới mạng. Điều đáng chú ý là “anh Lực” mạnh đến mức “công an mạng” chẳng làm gì “anh” cả. “Lực” không hề hấn gì dù “Lực” phơi bày bao nhiêu chi tiết liên quan đến các đối thủ chính trị mà tất cả đều là giới chính trị chóp bu. Khó có thể kiểm chứng mức độ chính xác những gì “anh Lực” kể nhưng “anh Lực” là ví dụ điển hình nhất và có vai trò “lịch sử” nhất khi xét đến việc sử dụng biến tướng fake news cho mục đích chính trị, trên một sân khấu chính trị Việt Nam luôn rủ màn che phủ bóng đen trước mắt người dân.

Thật khó có thể ngăn chặn fake news khi mà bản thân chính quyền, không chỉ không trung thực, mà còn tạo ra fake news, hay nói chính xác hơn là “fake news hóa” cho mục đích chính trị. Những cái chết hoặc tình trạng bệnh tật của các gương mặt lãnh đạo cao cấp luôn bị bưng bít hoặc được cung cấp tin giả. Những cáo buộc người dân đi biểu tình “nhận tiền của các thế lực phản động nước ngoài” được đưa ra mà không bao giờ có bằng chứng. Những câu chuyện “lý thú” về cuộc đời thuở “ấu thơ” của những quan chức cấp cao luôn có các chi tiết đáng ngờ mà không bao giờ người dân có cơ hội kiểm chứng. Ví dụ mới đây nhất là “trường hợp” “cậu học trò ấy (chủ tịch nước Trần Đại Quang) từng phải bắt đom đóm vào vỏ trứng làm đèn học tới đêm thâu” được đăng tên tờ Phụ Nữ TP.HCM (phunuonline) ngày 21-9-2018. Những câu chuyện “huyền thoại hóa” cá nhân lãnh đạo, tương tự những câu chuyện ngụy tạo “bi kịch hóa” thời chiến tranh, chẳng hạn chuyện “Mỹ-Diệm ăn thịt người”, từng tồn tại dai dẳng trong lịch sử fake news của hệ thống báo chí tuyên truyền cộng sản.

Bản chất thông tin là cung cấp những gì mà người ta chưa biết và ít nhiều mang lại niềm tin. Bản chất fake news là mang đến những gì người ta “muốn tin”; và nó, thay vì mang lại niềm tin, chỉ gieo rắc hoang mang. Chính quyền Việt Nam đang yêu cầu Facebook và Google kiểm soát fake news nhưng nếu chính quyền là “nguồn” của tin giả thì ai kiểm soát? Fake news đang là đại dịch của thời đại nhưng fake news tại Việt Nam không chỉ là tin đồn nhảm nhí. Nó còn là một công cụ chính trị để cai trị. Muốn xóa fake news, bản thân chính quyền phải chứng tỏ họ là những người trung thực và minh bạch trước mắt người dân. Với cộng đồng, fake news cũng không nên được sử dụng như một “giải pháp” để “đánh cộng sản”. Cộng sản không sợ fake news. Họ chỉ sợ sự thật.

Nguồn: Blogger Mạnh Kim@VOA

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh