Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Nhật Bản ngày càng chủ động thách thức Trung Quốc ở Biển Đông


Chỉ riêng trong hai tháng 9-10/2018 Nhật Bản đã liên tục có những tuyên bố và hành động cụ thể nhằm khẳng định sự gắn bó với quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc, luôn cho rằng họ có chủ quyền trên hầu hết vùng biển này.

Một điểm nổi bật là Tokyo đã không còn ngần ngại trong việc dùng đến quân đội để thực hiện mục tiêu này. Đối với giới phân tích, rõ ràng là Tokyo đang đẩy mạnh chính sách can dự tích cực vào vấn đề Biển Đông được thủ tướng Shinzo Abe đề xướng từ khi ông trở lại cầm quyền từ năm 2012.

Trong bài phân tích « Nhật Bản đối lập với Trung Quốc tại Biển Đông – Japan versus China in the South China Sea », đăng trên trang mạng báo Nhật Bản Nikkei Asian Review ngày 03/10 vừa qua, giáo sư Yoichiro Sato thuộc Đại Học Ritsumeikan Asia Pacific University đã cho rằng Tokyo đi đúng hướng trong việc mở rộng và khẳng định vai trò quân sự của mình trong khu vực, không để cho Bắc Kinh tự do tung hoành.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu này cho rằng Nhật Bản cần phải luôn luôn liên minh chặt chẽ với Washington và các đồng minh của Mỹ, mở rộng hợp tác với các nước trong vùng đồng thời phải thận trọng để tránh một trường hợp như Philippines đã bất ngờ chạy theo Trung Quốc dưới thời tổng thống Duterte hiện nay…

Quyết tâm can dự quân sự

Đối với giáo sư Yoshiro Sato, quyết tâm can dự bằng lực lượng quân sự thể hiện rõ nhất trong vụ Nhật Bản cho tàu ngầm xuống Biển Đông vào trung tuần tháng 9 vừa qua, thậm chí còn tham gia tập trận cùng với một đội chiến hạm Mỹ – Nhật đang có mặt trong khu vực.

Đây được xem là một bước dấn thân mới của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông vì theo giáo sư Sato, đó là lần đầu tiên từ Đệ Nhị Thế Chiến mà một tàu ngầm Nhật Bản xuống tập trận ở Biển Đông.

Một số chuyên gia khác được nhật báo The Japan Times ngày 18/09 trích dẫn còn nhấn mạnh đến sự kiện chưa từng thấy là ngay sau cuộc tập trận, chiếc tàu ngầm Kuroshio của Nhật đã ghé thăm hữu nghị cảng Cam Ranh của Việt Nam, một đối thủ khác của Trung Quốc tại Biển Đông.

Mặt khác, giới lãnh đạo Nhật Bản, từ thủ tướng Abe, cho đến bộ trưởng Quốc Phòng Onodera đều loan báo công khai cuộc tập trận tàu ngầm ở Biển Đông, được giới quan sát cho là nhằm chống lại việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông.

Theo giáo sư Sato, đối với những nước công nghiệp lớn khác có lợi ích an ninh ở cấp độ thế giới, thì sự kiện liên quan đến hoạt động của tàu ngầm Nhật Bản đúng là chỉ đáng nêu lên ngắn gọn. Nhưng đối với Tokyo, đó là một động thái quan trọng  trong tiến trình phải nói là rón rén hướng đến một vai trò rộng lớn hơn về quốc phòng mà thủ tướng Abe dứt khoát muốn thực hiện.

Cho dù công cuộc điều chỉnh Hiến Pháp chủ hòa chỉ mới ở trong giai đoạn chuẩn bị, nhưng ông Abe đã khéo tận dụng một cách đúng đắn những điều khoản luật hiện hữu để bảo vệ lợi ích của Tokyo.

Giáo sư Sato đánh giá là Nhật Bản đã hành động đúng đắn khi cho mở rộng phạm vi hoạt động, từ vùng biển của mình xuống tận Biển Đông, nơi có những tuyến hàng hải mang tính chất sống còn đối với Nhật Bản về năng lượng và kinh tế. Hơn nữa, đối thủ chiến lược đáng gờm của Nhật là Trung Quốc đang đòi chủ quyền trên các vùng biển đảo của khu vực và gia tăng sự hiện diện quân sự. Dấu hiệu mới nhất cho thấy tình hình căng thẳng leo thang là sự cố tàu chiến Trung Quốc và Mỹ xém đụng nhau ngày 30 tháng 9 vừa qua ở vùng đá Ga Ven có tranh chấp.

Nhật Bản cũng có lý khi gắn liền vai trò đang được mở rộng của mình với vai trò của Mỹ, vì rõ ràng là Nhật chỉ có thể đóng góp phụ thêm cho lực lượng Hải quân Mỹ hùng hậu và quyết đoán hơn nhiều.

Hoạt động gia tăng của Hải Quân Nhật phản ánh việc hai đồng minh cùng đẩy mạnh chiến lược hình thành « Khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở », một chiến lược chính trị còn có cả Ấn Độ và Úc cùng tham gia để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc.

Mối đe dọa Trung Quốc…

Biển Đông đã trở thành đấu trường nơi mà sự va chạm giữa hai chiến lược hạt nhân của Mỹ và Trung Quốc ngày càng gia tăng. Bước đầu tiên mà Trung Quốc đã thực hiện để cải thiện khả năng đánh trả một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ là đã triển khai tàu ngầm chiến lược ở Biển Đông, hoạt động từ một căn cứ ở đảo Hải Nam.

Duy trì năng lực chống tàu ngầm ở Biển Đông để đối phó với các nỗ lực của Trung Quốc là một nhân tố thiết yếu trong chiến lược của Hải Quân Mỹ, một chiến lược trong đó Nhật càng ngày càng đóng một vai trò hữu ích.

Những thách thức gần đây của Trung Quốc đối với tàu chiến Mỹ và Úc trong những chuyến tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông càng khẳng định tính chất xác đáng của những lời cảnh báo mà Tokyo đưa ra theo đó Trung Quốc là một mối đe dọa chiến lược.

Nhật Bản ngày càng tin chắc rằng Trung Quốc coi Biển Động là lãnh hải của mình. Sự vươn lên của Hải Quân Trung Quốc đang đặt ra một thách thức quân sự ngày càng tăng đối với Mỹ, nhưng trước tiên hết, sức mạnh đó được dùng để ép buộc các quốc gia Đông Nam Á phải chấp nhân đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng tranh chấp như chung quanh Trường Sa chẳng hạn.

Đáp trả của Tokyo

Trước sự hiện diên ngày càng mạnh của Hải Quân Trung Quốc ở Biển Đông, Nhật Bản đã đáp trả bằng cả phương cách ngoại giao lẫn quân sự.

Từ năm 2010, Tokyo đã luôn công khai chỉ trích Trung Quốc về tranh chấp Biển Đông, kêu gọi một giải pháp thương lượng giữa các bên tranh chấp trong đó có Việt Nam và Philippines.

Nhật đã làm việc cùng với Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á để nêu lên giải pháp này trong nhiều diễn đàn khu vực như Thượng đỉnh Đông Á hàng năm. Nhật cũng hợp tác với các quốc gia vùng eo biển Malacca, một chốt giao thông đường biển quan trọng, để đảm bảo an toàn cho tàu buôn qua lại nơi này.

Tokyo đã đóng góp cho những hoạt động chống hải tặc trong vùng và giúp phát triển mạng lưới tuần duyên đã được mở rộng ra các nước ven bờ Ấn Độ Dương. Nhật đã cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam và Philippines từ năm 2015, cho dù đã từ chối yêu cầu của Philippines về máy bay do thám và chống tàu ngầm P3-C.

Trên bình diện rộng lớn hơn, tàu chở trực thăng Izumo đã tham gia cuộc tập trận Malabar ở Biển Đông cùng với Hải quân Mỹ và Ấn Độ vào năm 2017. Nội dung rèn luyện cũng là tập trận chống tàu ngầm.

Có điều, như ghi nhận của giáo sư Sato, khả năng phòng không giới hạn của những chiếc tàu chở trực thăng Nhật Bản không cho phép Tokyo đơn phương hành động ở Biển Đông trong trường hợp có tranh chấp thực thụ. Ngay cả khả năng triển khai chiến đấu cơ F-35 trên tàu Kaga – đang được thảo luận ở Tokyo – cũng chỉ mang lại kết quả giới hạn mà thôi. Trong khi thì năng lực quân sự của Trung Quốc phát triển nhanh chóng với những căn cứ xây dựng trên các đảo đá tranh chấp ở Biển Đông.

Tuy nhiên các chiến dịch của Mỹ trong vùng – với sự tham gia của Nhật – đã ngăn được việc Trung Quốc chuẩn bị triển khai chiến đấu cơ và oanh tạc cơ tại đây và Trung Quốc đã  luôn phản đối hoạt động của Hải Quân Nhật ở Biển Đông.

Hiến pháp hiện hành cho phép hoạt động quân sự của Nhật…

Chính sách năng nổ mới về mặt an ninh của Nhật vẫn được thực hiện trong khuôn khổ Hiến Pháp chủ hòa. Điều 9 được diễn giải lại năm 2014, đã cho phép Nhật Bản tham gia các hoạt động phòng thủ chung, mở đường cho việc hợp tác với Mỹ hay đồng minh của Mỹ như Úc, khi nổ ra chiến tranh.

Theo cách diễn giải mới, phạm vi địa lý của công cuộc hợp tác đã được mở rộng ra « bên ngoài vùng châu Á-Thái Bình Dương », và phạm vi nhiệm vụ của Quân Đội Nhật Bản không còn giới hạn ở việc « hỗ trợ từ phía sau ».

Giáo sư Sato nhận thấy Nhật Bản đã làm đúng khi dấn thân nhiều hơn vào Biển Đông, trong bối cảnh Hải Quân Mỹ không còn duy trì được uy thế thống trị áp đảo do đà vươn lên của Hải Quân Trung Quốc.

Tokyo do đó đang bổ sung vào những chỗ thiếu sót của Mỹ, cả về năng lực lẫn uy tín, vào lúc mà sự nghi ngờ ngày càng tăng về cam kết của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với châu Á.

Nhật Bản cũng có lý khi duy trì một sự thận trọng trong việc hợp tác với các quốc gia Đông Nam Á. Nhật Bản đã tránh không cung cấp các phương tiện tấn công quân sự tinh vi, vì điều này hàm chứa nhiều rủi ro.

Việc chuyển giao vũ khí tối tân có thể gây nên tình trạng bất hòa không mong muốn giữa các quốc gia Đông Nam Á vào lúc mà sự đoàn kết giữa các nước này là điều thiết yếu trong việc chống lại Trung Quốc.

Cũng có nguy cơ một nước chuyển hướng đi theoTrung Quốc, như điều đang xẩy ra với Philippines dưới thời tổng thống Rodrigo Duterte.

Đối với giáo sư Sato, Nhật Bản có thể tiếp tục mở rộng vai trò của mình tại khu vực Biển Đông mà không bị lệ thuộc vào tranh cãi chính trị trong nước về việc cải tổ Hiến Pháp.

Tokyo có thể yên tâm hành động khi theo đúng nhiệm vụ hỗ trợ và thúc giục Hoa Kỳ tôn trọng các cam kết đối với an ninh hàng hải ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Còn việc đơn phương kết nối với các đối tác địa phương trong vùng Biển Đông thì cần phải được tiến hành thận trọng, đặc biệt là khi cung cấp vũ khí tinh vi.

Tóm lại, Hiến Pháp hiện hành cho phép Nhật Bản tăng cường hợp tác với Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ, đồng thời ngăn cản không cho Tokyo lún sâu vào những mối quan hệ đầy rủi ro với các đối tác địa phương khó lường.

Nguồn: REUTERS, RFI/Mai Vân

More Stories From Biển Đông

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh