Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Sunday, December 22, 2024

Viện an ninh – Diệt an toàn !!!


Xã luận bán nguyệt san Tự do Ngôn luận số 301 (15-10-2018)

          Luật An ninh mạng (ANM) của Quốc hội VC và Dự thảo các nghị định hướng dẫn thi hành nó của bộ Công an (CA) đang gây bão trên công luận. Qua 3 bài nghiên cứu công phu, dẫn chứng rõ ràng, lập luận thuyết phục: “Luật ANM – Tượng đài… cô đơn”, “Luật ANM – Cán cân… cong lý” và “Càng ANM, dân càng bất an” được viết trong tháng 10 này, giáo sư Hoàng Xuân Phú từ Đức đã cho thấy sự lạc lõng của luật ANM Việt Nam (VN) giữa lòng thế giới văn minh dân chủ, sự dối trá của những kẻ đã biên soạn nó rồi đem ra lừa cả quốc hội để nó được phê chuẩn, sự tác hại khôn lường của toàn bộ những văn bản liên quan tới luật ANM.

          1- Sự dối trá của khái niệm “ANM”

          Trên thế giới, rất nhiều quốc gia đang đặt vấn đề về “Cybersecurity”, có nghĩa là “an toàn mạng” hoặc “biện pháp an toàn mạng” hay “biện pháp bảo đảm an toàn mạng”. Vì với tư cách môi trường vật chất kỹ thuật thuần túy, mạng internet chỉ có thể an toàn, yên ổn về mặt vật chất kỹ thuật (khỏi bị đánh cắp và phá hoại bởi các hoạt động tấn công và xâm nhập trái phép) chứ không có vấn đề an toàn, yên ổn về mặt chính trị, trật tự xã hội; nên không thể dịch “cybersecurity” thành “ANM” hoặc “biện pháp ANM” như đảng và nhà nước Việt cộng hiện đang làm. Vì lý do đó, “Cybersecurity Law” tại các quốc gia ấy chỉ có nghĩa là “Luật An toàn mạng”, hay “Luật Biện pháp an toàn mạng”, chứ không phải là “Luật ANM”, hay “Luật Biện pháp ANM” như Hà Nội quan niệm với một nội dung hoàn toàn mới mẻ và khác hẳn, thiên về chính trị. Các văn bản điển hình như Basic Act [Đạo luật] on Cybersecurity của Nhật Bản, Cyber Security Law của Cộng hòa Séc, National Anti-Cyberterrorism Act của Hàn Quốc, Cybersecurity Enhancement Act of 2014, National Cybersecurity Protection Act of 2014, Cybersecurity Act of 2015 của Hoa Kỳ, thậm chí Cybersecurity Law của Tàu cộng…. đều bàn về an toàn mạng, chứ không phải về ANM.

Thật ra thì VN cũng đã quan tâm đến chuyện bảo vệ an toàn mạng rồi: Quốc hội khóa XIII đã ban hành “Luật an toàn thông tin mạng (số 86/2015/QH13) vào năm 2015 (cùng lúc với nhiều nước trên thế giới), trong đó Điều 3 Khoản 1 viết như sau: “An toàn thông tin mạng là sự bảo vệ thông tin, hệ thống thông tin trên mạng tránh bị truy nhập, sử dụng, tiết lộ, gián đoạn, sửa đổi hoặc phá hoại trái phép nhằm bảo đảm tính nguyên vẹn, tính bảo mật và tính khả dụng của thông tin.”

Nhưng nay, trước hiện tình tại VN, internet ngày càng trở thành một kính chiếu yêu vạch trần đủ thứ sai lầm và tội ác của cộng đảng, một nguồn sáng soi rọi đủ mặt nhân quyền và dân quyền của đồng bào, một phương tiện hỗ trợ đủ kiểu đấu tranh cho tự do và dân chủ của những con người yêu nước, Nguyễn Phú Trọng và toàn thể bè đảng phải tìm cách đục tai, chọc mắt, cắt lưỡi của toàn thể Dân tộc, ngõ hầu giữ yên ngai vàng và túi bạc, tiếp tục củng cố quyền lực và vơ vét quyền lợi. Đó là lý do của việc ban hành luật ANM.

Để thuyết phục dư luận, bộ máy tuyên truyền của chế độ xoáy vào “nguy cơ an toàn thông tin mạng đang gia tăng nhanh chóng”. Chẳng hạn thiếu tướng Nguyễn Minh Đức, Viện trưởng Viện Khoa học cảnh sát–Học viện Cảnh sát nhân dân, từng liệt kê: Trong năm 2017, các hệ thống thông tin tại Việt Nam đã phải hứng chịu khoảng 15.000 cuộc tấn công mạng, gồm khoảng 3.000 cuộc tấn công lừa đảo, 6.500 cuộc tấn công cài phần mềm độc hại và 4.500 cuộc tấn công thay đổi giao diện… Thiệt hại do virus máy tính gây ra đối với người dùng VN đã lên tới 12.300 tỷ đồng (540 triệu USD), vượt xa mốc 10.400 tỷ đồng của năm 2016 và đã đạt kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây.” Nhưng từ đó, VC gian trá chuyển sang chuyện ANM (theo nghĩa chính trị mà chế độ vẫn luôn bị ám ảnh). Lập luận về sự cần thiết ban hành Luật ANM, Tờ trình số 366/TTr-CP của Chính phủ gửi Quốc hội (ngày 31-8-2017) đưa ra 5 lý do, trong đó lý do đầu tiên là: “Đáp ứng các yêu cầu của công tác ANM trong bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.” Cụ thể có 10 yêu cầu, mà “Thứ nhất là phòng ngừa, đấu tranh, làm thất bại hoạt động sử dụng không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia, chống nhà nước CHXHCNVN, tuyên truyền phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kích động biểu tình, phá rối an ninh trên không gian mạng của các thế lực thù địch, phản động.” Chín (9) yêu cầu còn lại chỉ là về an toàn mạng. Chúng được huy động vào Luật ANM như thế nhằm che đậy một ý đồ đích thực, được bộc lộ rõ ràng ở lý do thứ 5 mà Tờ trình 366 đưa ra: Bảo đảm sự phù hợp với quy định của Hiến pháp (HP) năm 2013 về quyền con người, quyền cơ bản của công dân và bảo vệ Tổ quốc. Theo quy định tại khoản 2 điều 14 của HP năm 2013 thì Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Dự kiến Luật ANM sẽ quy định các biện pháp nghiệp vụ ANM, trong đó có một số biện pháp có khả năng ảnh hưởng tới quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như giám sát ANM, hạn chế thông tin mạng… Do vậy, việc ban hành Luật ANM để bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của HP là cần thiết. Nhưng với một chế độ độc tài đảng trị, tàn bạo và dối trá như VC, làm gì có chuyện bảo đảm các nhân quyền và dân quyền cơ bản.

          2- Sự lộng hành của cơ quan an ninh

          Kỹ sư Dương Thái, một chuyên gia bảo mật đang làm việc tại Silicon Valley, Hoa Kỳ, hôm 13-10, trong bài “Nhật ký Cờ Mờ 4.0: về dự thảo 03-10-2018 hướng dẫn thực thi Luật ANM” cho biết rằng chỉ trong vòng vài trang giấy, dự thảo nghị định do Bộ Công an soạn thảo đã trao cho Cục ANM bộ này những quyền sau đây: “Điểm b, khoản 1, điều 57: bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại VN phải có sự đồng ý của Cục ANM. Điều 54, 55, 56, 57: bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại VN phải lưu trữ tất cả dữ liệu ở VN và phải cung cấp tất cả dữ liệu khi nhận được yêu cầu của Cục ANM. Khoản 5, điều 58: Bất kỳ công ty trong và ngoài nước cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên Internet tại VN phải lưu trữ và chuyển giao cho Cục ANM “nhật ký truy cập, thông tin thanh toán dịch vụ, địa chỉ IP truy cập dịch vụ, thói quen tìm kiếm, log chat, thời gian giao dịch” sau 36 tháng kể từ lúc dữ liệu được thu thập. Nếu công ty đóng cửa hoạt động hoặc ngừng cung cấp dịch vụ, phải chuyển giao tất cả thông tin người dùng cho Cục ANM”. Điều đó có nghĩa Tất cả những gì bạn gõ vào Facebook hay Zalo. Tất cả hình bạn đã chụp và chia sẻ. Tất cả những emails bạn đã gửi. Tất cả những gì bạn đã tìm kiếm. Tất cả các websites bạn đã vào. Tất cả những thông tin tế nhị, nhạy cảm, sâu thẳm nhất. Bạn có bao nhiêu tiền trong tài khoản. Ai cho bạn tiền, bạn cho tiền ai… Tất tần tật”. Tất tần tật (đặc biệt chính kiến từng người) đều sẽ bị công an nắm bắt; và với tư cách “thanh gươm của đảng”, chỉ biết còn đảng còn mình, dễ hiểu rằng lực lượng này sẽ sử dụng các dữ kiện thuộc quyền sở hữu cá nhân ấy, một là để hăm dọa và tống tiền các công ty kinh doanh, hai là để đe dọa và tống ngục các công dân tranh đấu, mà chẳng cần thông qua tòa án, viện kiểm sát hay bất cứ thẩm quyền tư pháp nào nữa. Đó là điều mà tác giả Lê Nguyễn Duy Hậu lo lắng qua bài viết “Dự thảo Luật ANM có nhầm giữa thực với ảo?” (BBC 13-10-2018): “Internet là một công cụ liên lạc, lưu trữ, thông tin. Đừng nhầm lẫn nó là một thế giới khác. Phải hiểu được nguyên tắc đó thì mới thấy Dự thảo nghị định hướng dẫn Luật ANM đáng lo ngại thế nào. Ở ngoài đời thật, không có một cơ chế nào cho phép Nhà nước thu thập thông tin (cách hợp pháp và chính thức) liên quan đến những thứ được coi là tối riêng tư của công dân (sở thích, sở trường, thông tin sức khoẻ, thông tin tài chính, thói quen tìm kiếm, chat log), cũng như xâm phạm đến những tự do tuyệt đối của con người (quan điểm chính trị, niềm tin triết lý). Ở ngoài đời thường, tất cả mọi tiếp cận hay hạn chế quyền công dân đều phải trải qua một tiến trình công bằng và nghiêm ngặt. Chẳng hạn, công an muốn khám nhà thì bắt buộc phải có lệnh của toà án hoặc viện kiểm sát. Cảnh sát muốn xâm phạm thư tín thì cần có trát tư pháp và do Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định. Những thông tin cảnh sát thu thập mà bất hợp pháp thì cũng không dùng làm gì được”. Nay với Luật ANM, công an là ông trời !!

          3- Luật ANM có lợi cho ai?

Khi bất chấp mọi can ngăn, phản đối của dư luận để thông qua bằng được một dự luật chứa đựng nhiều điều sai trái, rõ ràng luật ấy chỉ nhằm để bảo vệ lợi ích của giới cầm quyền. Giới ấy có nhiều tập hợp. Tập hợp thứ nhất là đám quan chức chỉ chấp nhận dân ngoan. Kêu ca, thắc mắc, nói năng trái định hướng… là hỗn. Đối với tập hợp này, Luật ANM là công cụ pháp lý đắc lực để hạn chế hay dập tắt các ý kiến trái chiều của “bọn giặc cỏ”. Tập hợp thứ hai là những kẻ theo đuổi học thuyết “ngu để trị”. Bản thân họ đa phần là ngu dốt (dù có thể làm tới chức Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc hội), nên họ coi việc tự do sử dụng internet –cách tốt nhất để người dân mở rộng và nâng cao kiến thức– là nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ. Tập hợp thứ ba là đám căm ghét lý tưởng dân chủ và nhân quyền. Họ thống lĩnh giới cầm quyền, nên thừa sức phủ định nhân quyền mấy chục năm ròng rã. Và ngay cả khi đã chấp nhận hiến định nhân quyền, đám này vẫn ngăn cản thực thi và tiếp tục ngang nhiên chà đạp giá trị đó. Tập hợp thứ tư là lũ “ăn cơm nhà, vác tù và phương bắc”. Với Luật ANM, họ có được vũ khí pháp lý để ngăn chặn các luồng thông tin phản đối bọn bành trướng Trung Nam Hải, cản trở các kế hoạch đem lại đặc quyền đặc lợi cho “đồng chí tốt” của họ. Tập hợp thứ năm là thành phần tham nhũng. Tập hợp này đông đảo nhất, chen chúc trong bộ máy cầm quyền. Với Luật ANM, họ tha hồ làm tiền các công ty kinh doanh.

Rõ ràng Luật ANM với những nghị định hỗ trợ nó không hề bảo đảm an ninh đất nước mà chỉ bảo đảm an ninh và trường tồn cho 1 chế độ cần phải bị xóa sổ. Nó viện cớ an ninh để tác hại lên an toàn của xã hội và an sinh của công dân. Chống lại nó là bổn phận cấp thiết của toàn dân, trước hết là của những nhà trí thức dân sự và tôn giáo, những vị đang có lực lượng quần chúng trong tay, sau lưng mình (sinh viên, tín đồ). Cần biểu tình liên tục, đông đảo và rộng khắp để tiêu diệt một công cụ sinh sát mới của cái đám cầm quyền chằng hề quan tâm đến đất nước và dân tộc.

          BAN BIÊN TẬP

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh