Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Thursday, November 14, 2024

Trung Cộng đang rơi vào suy thoái kinh tế!


Rốt cuộc, giới phân tích kinh tế-chính trị cùng rất nhiều người đặc biệt theo dõi sự tồn vong hàng năm của chế độ Trung Cộng cũng đã có được một bằng chứng – dù nhỏ bé nhưng có giá trị, mà từ đó có thể bổ sung cho những dự đoán về khoảng thời gian chính thể này có thể sẽ cáo chung.

Đầu Tháng Mười năm 2018, tờ The New York Times International của Mỹ đã có được trong tay một chỉ thị của chính phủ Trung Quốc gửi cho các nhà báo ở nước này ngay tuần trước đó – quy định rõ 6 chủ đề kinh tế cần phải được “quản lý.” Trong bài “Trung Quốc kiểm duyệt các tin tức thất lợi về kinh tế,” The New York Times International đã công khai 6 chủ đề đó, bao gồm:

1-Các dữ liệu tồi tệ hơn dự kiến có thể cho thấy nền kinh tế đang chậm lại.
2-Các nguy cơ về các khoản nợ của các cấp chính quyền địa phương.
3-Tác động của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ.
4-Các dấu hiệu suy giảm niềm tin của người tiêu dùng
5-Các nguy cơ lạm phát, hoặc tăng giá cùng với sự tăng trưởng kinh tế chậm lại.
6-Các vấn đề thời sự nóng bỏng cho thấy những khó khăn của cuộc sống của người dân.

Có thể cho rằng đây là một trong lần hiếm hoi mà báo chí quốc tế phát hiện được một văn bản chỉ thị của chính phủ Trung Quốc liên quan đến tính đặc biệt nhạy cảm về kinh tế. Trước đó, ngay cả vào thời nền kinh tế Trung Quốc phải chịu hệ quả không nhỏ từ cuộc suy thoái kinh tế thế giới xuất phát từ tâm điểm các ngân hàng ở Mỹ vào cuối năm 2007 – đầu năm 2008, đã chẳng có mấy bằng chứng về việc chế độ Trung Cộng lo sợ đến mức phải ban hành một chỉ thị nội bộ nào đó nhằm cấm cản báo chí nước này đăng tin bài về thực chất của nền kinh tế, dù rất nhiều người tin rằng những chỉ thị như thế là luôn tồn tại dưới nhiều hình thức từ nhiều năm qua.

Vào lần này và rất đáng chú ý, bản chỉ thị của chính phủ Trung Quốc về sáu chủ đề nhạy cảm kinh tế là khá tương đồng với những dấu hiệu và biểu hiện suy trầm trong thời gian gần đây mà có thể trở thành nguy cơ lớn trong nền kinh tế quốc gia Cộng Sản đông dân nhất thế giới này.

Thực chất kinh tế Trung Quốc?

Khách quan mà xét, Trung Quốc đã vượt qua được một thử thách rất lớn về kinh tế vào giai đoạn những năm 2012-2013. Từ năm 2011, người được giải Nobel kinh tế là Tiến Sĩ Nouriel Roubini đã đưa ra dự báo rằng kinh tế Trung Quốc sẽ “hạ cánh cứng vào năm 2013.” Tốc độ suy giảm GDP, nợ chính quyền địa phương và tình hình thiếu khả quan của các thị trường bất động sản và chứng khoán… là một số cơ sở cho nhận định bi quan như vậy của Rounini và cả một số tổ chức phân tích tài chính phương Tây. Tuy thế đến năm 2013, Trung Quốc lại bất ngờ vượt qua vực thẳm kinh tế và tài chính để sau đó nhịp độ tăng trưởng GDP có phần phục hồi. Cho tới gần đây, nền kinh tế quốc gia này vẫn có vẻ “ổn” và không bị quá nhiều dư luận nghi ngờ như trước đây.

Nhưng vẫn có một tử huyệt của nền tài chính Trung Quốc mà chính quyền nước này chưa bao giờ dám công bố: tổng nợ quốc gia vọt lên đến 237% GDP, tức đến $28 ngàn tỷ vào năm 2016 – theo phân tích của tờ Financial Times vào Tháng Tư, 2016 – vượt xa tỷ lệ nợ của các nước đang phát triển khác. Tình trạng này có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính hoặc trì trệ kinh tế kéo dài ở Trung Quốc.

Tất nhiên, giới lãnh đạo Trung Quốc hoàn toàn có thể tự an ủi rằng họ có một kho dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới – lên đến $4,000 tỷ vào năm 2016 và giảm xuống còn khoảng $3,000 tỷ vào năm 2018. Chỉ có điều, con số $3,000 – $4,000 tỷ này chỉ bằng 1/7 – 1/9 so với gánh nặng tổng nợ quốc gia $28 ngàn tỷ.

Vào đầu năm 2017, đã có những phản biện mới nhất về thực chất nền kinh tế Trung Quốc đến từ ông Gordon G. Chang, tác giả của cuốn sách “Sự Sụp Đổ Sắp Đến của Trung Quốc.” Vị luật sư kiêm nhà bình luận người Mỹ này nhận định “kinh tế Trung Quốc sắp rơi tự do” trong một cuộc phỏng vấn mới đây với trang Đại Kỷ Nguyên, theo đó ông cho rằng Trung Quốc chỉ ổn định trên bề mặt trong năm 2017, nhưng tiềm ẩn bất ổn thực sự dưới bề mặt.

Hai thông tin đặc biệt mà ông Gordon G. Chang cho biết là: Trong năm 2015, luồng vốn chuyển ra nước ngoài là cao chưa từng thấy, từ $900 tỷ đến $1,000 tỷ; và theo nguồn tin của ông, chỉ có $500 tỷ trong số $3,000 tỷ dự trữ ngoại hối là còn có thể sử dụng được. Cũng theo ước tính của ông, Trung Quốc chỉ còn $1.5 nghìn tỷ tiền khả dụng để bảo vệ đồng Nhân Dân Tệ…

Có ít nhất một cơ sở cho nhận định về tiền khả dụng chỉ chiếm một nửa so với con số dự trữ ngoại hối mà chính quyền Trung Quốc công bố: vào năm 2011, chính một cục trưởng Thống Kê của Trung Quốc, người sau đó đã về hưu, đã phải thừa nhận rằng nhiều thống kê của quốc gia này không phản ánh đúng sự thật. Cũng vào năm đó, con số nợ của các chính quyền địa phương ở Trung Quốc được công bố chỉ khoảng $1,550 tỷ, nhưng đến năm 2014 thì Trung Quốc đã phải thừa nhận loại nợ này đã tăng gấp đôi, tức $3,000 tỷ. Còn đến Tháng Mười năm 2018, tờ Financial Times công bố nợ của chính quyền địa phương đã lên đến $6,000 tỷ, chiếm tới 60% GDP của Trung Quốc.

Trong khi đó, vài nhà phân tích ở Hồng Kông cũng cho rằng GDP thực sự ở Trung Quốc không thể tăng đến 7% như báo cáo, mà chỉ khoảng 4-5% hàng năm.

Một trong những gam màu xám không thể che giấu chính là bức tranh về thị trường chứng khoán Trung Quốc. Từ năm 2015 đến nay, chỉ số chứng khoán Thượng Hải đã liên tiếp lao dốc và suy giảm, mất hơn 40% giá trị so với đỉnh cao nhất của nó vào năm 2015. Tuy nhiên, vấn đề chính yếu là mặc dù có nhiều thông tin cho biết Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã đổ ra hơn $100 tỷ, hoặc gấp nhiều lần như thế để vực dậy chứng khoán nhưng lại khiến quỹ dự trữ ngoại hối nước này giảm từ $4,000 tỷ xuống còn $3,000 tỷ trùng với giai đoạn chứng khoán Thượng Hải giảm thê thảm, vẫn chẳng có dấu hiệu nào cho thấy biểu đồ các chỉ số chứng khoán Trung Quốc sẽ chứng minh được sức khỏe của nền kinh tế nước này là phục hồi và ổn định bằng cách hướng lên. Ngược lại là đằng khác, các nhà đầu tư chứng khoán lúc nào cũng như chực chờ để bán tháo cổ phiếu.

Trung Cộng sẽ thoát hay không?

Trong hai năm 2017 và 2018, bất chấp đại hội 19 của đảng Cộng Sản Trung Quốc “thành công tốt đẹp” với tư tưởng Tập Cận Bình thậm chí còn được ghi vào Hiến Pháp và đưa nhân vật này trở nên độc tôn quyền lực mà có thể so sánh với thời Mao Trạch Đông, đã có những xác nhận gián tiếp trên báo chí nhà nước Trung Quốc về tốc độ phát triển kinh tế đã bị chậm lại. Cùng lúc, vấn nạn nợ của chính quyền địa phương lại được nêu ra và trở thành một lo lắng lớn, tuy cho đến nay chưa có con số thực nào về giá trị nợ là bao nhiêu – $3,000 tỷ như trước đây hay $6,000 tỷ hiện thời.

Trong khi đó, tác động của cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ đối với Trung Quốc đã biến thành điểm nhấn rõ mồn một trên bức tranh kinh tế ngày càng tối đi, bất chấp Tập Cận Bình và hệ thống tuyên truyền một chiều của ông ta cố công tìm cách vùi lấp.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mới chỉ đi vài bước khởi đầu, nhưng đã có quá nhiều dự đoán từ giới phân tích rằng Bắc Kinh hầu như không thể có được xác suất thoát hiểm trong cuộc chiến này.

Những hậu quả nào sẽ xảy đến khi Trung Quốc thua trận trước Hoa Kỳ?

Rất dễ thấy: xuất khẩu đang giảm và sẽ còn giảm, kéo theo xuất siêu giảm, và tất yếu dẫn đến GDP giảm cùng gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở Trung Quốc, tạo thêm bất ổn xã hội tại nước này. Cũng theo đó, quỹ dự trữ ngoại hối sẽ khó cầm cự được ở ngưỡng $3,000 tỷ. Còn môi trường đầu tư nước ngoài sẽ còn bị thoái vốn mạnh hơn nữa mà có thể đẩy kinh tế Trung Quốc trở về thời trước khi tăng trưởng nóng cách đây vài chục năm.

Chưa kể đến vị thế chính trị của Tập Cận Bình có thể bị lung lay, dù chưa xét đến nguy cơ mất ghế của ông ta.

Một cách vô tình, bản chỉ thị hoàn toàn có chủ ý của chính phủ Trung Quốc về sáu vấn đề nhạy cảm kinh tế mà tờ The New York Times International của Mỹ vừa công bố đã gián tiếp thừa nhận kinh tế Trung Quốc về thực chất đang rơi vào giai đoạn suy thoái.

Như một thói quen suy luận ngược, gần như bất kỳ vấn đề gì mà một chính quyền độc trị cấm cản thông tin thì đó chính là thực trạng trầm trọng của chính quyền đó.

“Tăng trưởng kinh tế chậm lại” – như khái niệm trong bản chỉ thị của chính phủ Trung Quốc – hoàn toàn có thể được hiểu là nền kinh tế nước này về thực chất đã rơi vào suy thoái khi GDP giảm trong hai quý liên tiếp hoặc hai năm liên tiếp.

Còn nợ của các chính quyền địa phương thì lại gắn liền với nợ xấu và nợ công quốc gia – một quốc nạn của Trung Quốc.

Những dấu hỏi lớn tiếp theo là chế độ Trung Cộng có tìm cách tránh thoát khỏi giai đoạn suy thoái kinh tế vào lần này như nó đã thoát được vào những năm 2011 – 2012? Nhưng nếu không thể tránh thoát, Trung Cộng sẽ bị tổn thương hệ chính trị độc đảng đến mức nào? Liệu từ đó có dẫn đến tương lai không quá xa về sự sụp đổ trong vô vọng của nó?

Và nếu tất cả những dấu hỏi trên là không hề hoang tưởng, “đảng em” Việt Nam sẽ ra sao trong cái thế đổ gập không thể tránh khỏi của “đảng anh” – kẻ mà từ lâu vẫn bị xem chỉ là một con hổ giấy mà chẳng thể nào “cứu trợ” đủ nhiều cho những kẻ thân Tàu ở Việt Nam?

Nguồn: Phạm Chí Dũng@Người Việt

Hình trên: Công nhân xí nghiệp may áo tắm ở Yinglin, Trung Quốc.

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh