Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Friday, November 22, 2024

Xin đừng nhét chữ vào mồm dân!


Chỉ với tuyên bố “Lịch sử đã lựa chọn, Nhân dân đã lựa chọn!”, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Chủ tịch nước CNXHCNVN vào ngày 23-10 vừa qua.

Tại các quốc gia dân chủ, bầu cử là cuộc sát hạch quan trọng để các cử tri có quyền lựa chọn một trong số các ứng cử viên có đủ khả năng chèo lái nhằm mang lại sự thay đổi thật sự cho xã hội, đất nước của họ. Vì thế trong chiến dịch tranh cử, các ứng cử viên phải chịu nhiều áp lực, phải nổ lực rất nhiều để chứng tỏ khả năng lãnh đạo của mình qua từng lời phát ngôn cho đến từng quan điểm để được cử tri tín nhiệm. Những cuộc bầu cử này không chỉ có nhân dân trong nước mà còn khiến cộng đồng quốc tế theo dõi từng bước tạo nên một không khí đầy sôi động và hào hứng. Bởi lẽ, mọi khả năng bất ngờ đều có thể xảy ra, cho tới trước giờ các điểm bỏ phiếu mở cửa. Hẳn mọi người vẫn chưa quên các kỳ tranh cử đầy khốc liệt và căng thẳng trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp vào ngày 23-4 năm 2017 hay cuộc chạy đua vào nhà trắng vào năm 2016 của ông Donal Trump và bà Clinton.

Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành Chủ tịch nước CNXHCNVN vì “lịch sử đã lựa chọn” là cách nói của báo lề phải, không phải của người dân. Theo nhận định của truyền thông Đảng thì “ đó là sự kiện có tính quy luật của lịch sử. Ngày hôm nay là sự tiếp nối tự nhiên và là kết quả phát triển tất yếu của ngày hôm qua”. Vấn đề là ai đã tạo nên lịch sử đó ? Lịch sử đó có thuộc về người dân hay chỉ do Đảng tạo thành? Trong khi Đảng chỉ là một “tổ chức chính trị tự nguyện với mục tiêu đấu tranh để tham gia vào việc thể hiện các quan điểm chính trị, đấu tranh để giành quyền đại diện cho người dân trong quốc hội, hoặc để đạt được một quyền lực chính trị nhất định trong chính quyền, thường là bằng cách tham gia các chiến dịch bầu cử.”

Như vậy, không thể nói “ việc Tổng Bí thư đồng thời làm Chủ tịch nước là việc không lạ với mỗi người Việt Nam”, càng không thể nói “nhân dân đã lựa chọn” vì đã ông không “tham gia các chiến dịch bầu cử” nào. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được giới thiệu để Quốc hội bầu và công bố kết quả kiểm phiếu chức danh Chủ tịch nước diễn ra trong ngày 23/10. Thế nhưng, tại một quốc gia mà không có sự phân lập quyền lực, quyền lực của Nhà nước không được phân chia cho nhiều cơ quan khác nhau thì Quốc Hội chỉ là những người thừa hành mọi đường lối chính trị do Đảng độc tài lãnh đạo đề ra mà thôi. Quốc Hội không thực sự là những người đại diện cho dân. Thực tế đã cho thấy nhiều quyết định của họ đã đi ngược với nguyện vọng thực sự của người dân và vấp phải sự phản đối mãnh liệt của dư luận xã hội như Luật An Ninh Mạng sắp được ban hành, hay như mới đây là thông qua đề xuất xây dựng nhà hát giao hưởng 15 ngàn tỉ tại Thủ Thiêm.

Mặc dù hàng năm tại Việt Nam đều có những cuộc bầu cử, nhưng tất cả chỉ là hình thức. Mọi vị trí đã được bổ nhiệm đúng quy trình và những người trúng cử luôn là Đảng viên Đảng Cộng Sản Việt Nam. Sự thao túng quyền lực này đã tạo điều kiện cho việc cả họ làm quan không còn là chuyện hiếm trong xã hội Việt Nam hiện nay. Đồng thời, nếu một cán bộ lãnh đạo nào sai phạm thì chỉ cần chuyển công tác để bảo đảm việc nắm giữ quyền lực chỉ thuộc về Đảng viên. Cụ thể gần đây nhất là câu chuyện về ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, người ký quyết định xử phạt anh thợ điện 90 triệu vì đổi 100 đô la từng giữ chức vụ Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường, Bộ Công Thương. Trong đợt thi tuyển công chức năm 2013 do ông Trương Quang Hoài Nam làm Chủ tịch Hội đồng thi tuyển đã có nhiều sai phạm gian lận nghiêm trọng. Ấy vậy mà sau khi chịu 6 tháng bị phê bình nghiêm khắc, ông chỉ việc rời cái ghế Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường và leo lên ghế Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ. Một sự luân chuyển rất” đúng quy trình”. Và vì chỉ là thay cái ghế lãnh đạo chứ không phải thay CON NGƯỜI ngồi trên cái ghế đó, do vậy, kết quả điều hành việc nước cũng sẽ không khác.

Vấn đề là mỗi người dân Việt hiện nay có là con Thỏ Rừng trong câu chuyện ngụ ngôn của La Fontaine hay không? Chuyện kể rằng có một con thú rừng có sừng tình cờ làm cho Sư Tử bị thương. Để tránh đau đớn về sau, Sư Tử ra lệnh đuổi tất cả các con thú có sừng ta khỏi lãnh địa của nó. Một chú Thỏ Rừng cũng muốn chạy trốn vì cho rằng đôi tai của mình cũng sẽ hóa thành đôi sừng. Nỗi lo sợ đã khiến nó không còn khả năng hiểu rằng đôi tai của nó là DO THƯỢNG ĐẾ LÀM RA, và nó hoàn toàn có quyền sử dụng đôi tai của mình.

Cũng vậy, “bầu cử là một quá trình đưa ra quyết định của người dân để chọn ra một cá nhân nắm giữ các chức vụ thuộc chính quyền”. Ai sinh ra trên thế giới đều được hưởng món quà của tạo hóa đó là quyền con người, và bầu cử là một trong cách giúp con người thể hiện được “quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Như vậy, nếu mỗi người dân Việt cứ nghĩ rằng “quyền con người” là điều khiến giới cầm quyền đương thời phải “đau đớn, khó chịu”, mà từ bỏ cái quyền DO THƯỢNG ĐẾ LÀM RA trong nỗi sợ hãi, thì mãi mãi người dân Việt sẽ không bao giờ có được một vị lãnh đạo đã NÓI và LÀM được như Tổng Thống Mỹ Donal J. Trump rằng: “Ở Mỹ, nhân dân quản lý, nhân dân cai trị, nhân dân có quyền lực tối cao. Tôi được bầu lên không phải để nắm quyền, mà đề trả quyền lực về cho người dân Mỹ, nơi nó thuộc về.”

Nguồn: Điền Phương Thảo @ TMCNN

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh