Go to ...

TINH THẦN YÊN BÁY BẤT DIỆT

RSS Feed

Thursday, November 14, 2024

CHU HẢO: Phẩm tính “trí thức” Việt Nam


Đã là trí thức thì ở nước nào cũng vậy, thời đại nào cũng vậy, đều có tính cách chung là: Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ; Độc lập tư duy; Hoài nghi lành mạnh; và Tự do sáng tạo.

Tuy nhiên, mỗi dân tộc đều có tính cách riêng, tầng lớp trí thức của mỗi dân tộc cũng có bản sắc riêng.

Chúng ta thường nghe nói: trí thức Trung Hoa thâm thúy (thâm nho), trí thức Nhật khiêm tốn (đến khách khí), trí thức Nga sâu sắc đôn hậu, trí thức Mỹ thực dụng, trí thức Anh lạnh lùng tỉnh táo, trí thức Pháp hào hoa phong nhã, v.v…

Vậy trí thức Việt Nam có đặc điểm gì? Chúng ta đã từng nghe nói đến tính cách “phò chính thống”; và tính cách “quan văn”, tựu chung lại là tính “thích được chính quyền sử dụng”.

Có nhiều người nói là tính cách “tuỳ thời”, nghe có vẻ dễ chịu hơn chữ “cơ hội” hay là “hèn” mà một số bạn đồng nghiệp của chúng ta không ngại ngần khẳng định. Nguyên cớ gì mà phải “hèn”?

Đã “hèn” làm sao có nhân cách? Thiếu nhân cách liệu có xứng đáng là trí thức? Nhiều ý kiến cho rằng bi kịch của giới “trí thức” Việt Nam chính là ở chỗ này!

Nhưng như vậy có lẽ chưa được công bằng cho lắm! Bởi lẽ, còn có một thực tế khác nữa cần phải xem xét.

Đó là tính cách uyển chuyển, kết hợp “hành” và “tàng” của sĩ phu – trí thức nước nhà.

Điều kiện cho phép thì bung ra hoạt động; lúc khó khăn thì tạm ẩn dật chờ thời, có khi “tàng” ngay trong lòng cường quyền với tâm trạng “cấp lưu, dũng thoái” (trước dòng nước xiết, can đảm thoái lui).

Thế nhưng ranh giới giữa thái độ đúng đắn này với cái sự hèn thật là mong manh; chỉ “tự mình, mình biết cho mình” chứ khó lòng mà phán xét từ phía ngoài. Vậy thực sự trí thức Việt Nam có phẩm tính gì?

Phẩm tính cao quý nhất của người trí thức là Tôn thờ lý tưởng Chân – Thiện – Mỹ, không bị gò bó bởi ý thức hệ, dũng cảm đấu tranh cho lẽ phải, không khuất phục trước uy quyền và không bị tha hóa bởi danh lợi.

Nếu trong một xã hội có nhiều người có học vấn cao đồng thời có những phẩm tính như vậy lại liên kết được với nhau (chủ yếu bằng diễn đàn và giao lưu tư tưởng chứ không phải bằng các hội đoàn) thành một tầng lớp, thì đấy là một xã hội dân sự lành mạnh, có nhiều tiềm năng phát triển.

Tạm gác sang một bên khái niệm “tầng lớp trí thức” như cần được làm rõ ở mục I., chúng ta hãy xem xét tầng lớp những người “có học” trong giai đoạn hiện nay phù hợp với đối tượng điều chỉnh của NQTW7 khóa 10, mà từ những năm 60 thế kỷ trước được Đảng và Nhà nước coi là “tầng lớp Trí thức XHCN”.

Trước Cách mạng tháng Tám, tầng lớp “có học”, như được xã hội đương thời công nhận, có thể bao gồm những người có học vấn từ trung học, thâm chí tiểu học, trở lên.

Ngày nay, những người có bằng cấp từ đại học, cao đẳng trở lên, được coi là tầng lớp “trí thức ”. Con số này vào khoảng 2, 6 triệu. Trong đó có bằng Tiến sĩ khoảng 16 nghìn, Thạc sĩ 20 nghìn, Giáo sư khoảng 1, 2 nghìn và Phó Giáo sư khoảng 7 nghìn.

Lực lượng này nằm đông nhất là trong các cơ quan quản lý của Đảng và Nhà nước, sau đó là ở các trường học, bệnh viện, các lực lượng quân đội an ninh, và doanh nghiệp.

Lực lượng này cũng được tập hợp trong một số Hội hoặc Liên hiệp hội như: Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các Hội Văn hóa và Nghệ thuật Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam…

Những nét đặc trưng của “ tầng lớp trí thức XHCN ” này là gì? Ngoài những đặc tính được Đảng và Nhà nước và phần nào là xã hội thừa nhận là ưu điểm, là tích cực như: Yêu Tổ quốc và CNXH; Trung thành với Đảng và Nhân dân; Cần cù, thông minh,sáng tạo; Không ngại khó khăn gian khổ… thì những tiêu cực không thể phủ nhận được là hết sức điển hình. Đó là:

1/ Hời hợt trong tư duy và thiếu nghiêm túc trong nghiên cứu.

2/ Tính cơ hội, thực dụng và vụ lợi trong hành xử.

3/. Ưa thành tích và chấp nhận sự giả dối một cách dễ dàng.

4/ Thiếu tinh thần hợp tác và ít lòng vị tha.

Tất cả những mặt tiêu cực điển hình của tầng lớp có học nói trên đều xuất phát từ một nguyên nhân chính là sự mất dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng, trước hết trong nội bộ Đảng, rồi từ đó trong toàn xã hội.

Sự mất dân chủ này đã bắt đầu từ đầu những năm 50 của thế kỷ trước, sau chiến dịch Biên giới, khi ý thức hệ đấu tranh giai cấp và phương pháp tư tưởng Mao Trạch Đông, tràn vào Việt Nam theo con đường chính thống, được một bộ phận chủ chốt của Đảng tiếp thu và áp dụng một cách rốt ráo cho đến tận trước Đại hội VI.

Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, phát huy dân chủ và tự do tư tưởng đã được Đảng đề xướng (qua chủ trương “cởi trói” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) và được toàn dân hân hoan đón nhận, nhất là tầng lớp “có học”, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ “được cởi trói”.

Nhưng tiếc rằng chỉ ít năm sau đó không khí dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng dần dần bị loãng hẳn đi cho đến trước Đại hội 10.

Khi Đảng chủ trương lấy ý kiến của quần chúng đóng góp cho văn kiện Đại hội 10, bầu không khí dân chủ lại đuợc thổi vào một luồng sinh khí mới từ nhân dân.

Tiếc rằng ngay sau Đại hội 10 cho đến nay, càng ngày càng có những biểu hiện đáng lo ngại về thực chất của nền dân chủ của chúng ta. Điều này được thể hiện khá rõ trong việc quản lý các hoạt động báo chí và xuất bản gần đây.

Báo chí và xuất bản là mặt tiền, là thước đo của mỗi nền dân chủ.

Chúng ta muốn xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh thì trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản dân chủ và công bằng.

Sách và báo chí còn là vật mang, là phương tiện trường tồn của các nền văn hóa.

Chúng ta muốn có một nền văn hóa tiên tiến, thấm đượm bản sắc dân tộc thì một lần nữa, trước hết phải xây dựng được một nền báo chí và xuất bản tiên tiến và nhân bản.

Những nhiệm vụ nặng nề ấy không phải của riêng ai mà của tất cả: Nhà nước, cộng đồng người viết và cộng đồng người đọc.

III/ Quan điểm, định hướng và giải pháp nâng cao chất lượng tầng lớp trí thức ở Việt Nam

1/ Các bài học lịch sử

Khẩu hiệu “Trí, phú, địa hào đào tận gốc, trốc tận rễ”, nghe nói có từ thời Xô Viết Nghệ Tĩnh, nhưng hình như không có văn bản nào chứng tỏ đó là chủ trương chính thức của Đảng Cộng sản.

Tuy nhiên sau Cách mạng tháng Tám, nhất là sau Đại hội lần thứ 2, nói chung khẩu hiệu này đã được thực hiện ở các mức độ khác nhau, trừ một số trường hợp được chính phủ Cụ Hồ trọng dụng, nâng đỡ ngay từ đầu hoặc có hoàn cảnh đặc biệt mà cách mạng không thể bỏ qua.

Cùng với thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân chúng ta đã trả giá đến tận ngày nay cho thái độ kỳ thị của cách mạng đối với các tầng lớp trí thức, công thương gia và địa chủ.

Thái độ kỳ thị này cũng giống hệt như thái độ của những người cộng sản Nga từ sau Cách mạng tháng 10 đối với tầng lớp trí thức của nước họ.

Ngay sau Cách mạng tháng 10, hàng ngàn gia đình trí thức Nga đã buộc phải lưu vong ra nước ngoài.

Số còn lại hầu hết đã trở thành đối tượng của cách mạng và dần dần không còn tồn tại như một tầng lớp xã hội nữa: Số muốn giữ nhân cách trí thức thì bị đàn áp không những về mặt tư tưởng mà thậm chí bị tù tội ở các khu cải tạo; số khác tự đánh mất mình bằng thái độ “chùm chăn” hoặc cơ hội chính trị.

Trong cuốn sách “Về trí thức Nga” (ở mục Tài liệu tham khảo) các tác giả cũng phân tích khá sâu sắc sự hình thành về phẩm chất và thái độ chính trị của tầng lớp có học (mà có người gọi là “trí thức nửa mùa”) trong suốt thời kỳ Xô Viết cũ.

Họ chỉ ra rằng nhà nước Xô Viết cũ đã thực hiện chính sách “cào bằng giá trị” và “đồng nhất xã hội” để không còn tồn tại tầng lớp tinh hoa – tầng lớp trí thức không đáng tin cậy dưới con mắt của tầng lớp lãnh đạo.

Một số nhỏ cá nhân trí thức tiêu biểu đã chỉ được sử dụng như những bông hoa làm cảnh cho chế độ mà thôi!

Tình trạng này không khác mấy so với các biến cố đã xảy ra ở Trung Quốc đối với tầng lớp trí thức, nhất là trong cuộc cách mạng văn hóa hồi những năm 60 và cuộc vận động dân chủ hồi cuối những năm 80.

Tầng lớp trí thức ở các nước xã hội chủ nghĩa cũ ở Đông Âu cũng như vậy, cũng hầu như tan rã sau những biến cố thăng trầm.

Câu hỏi được đặt ra là: Vì sao tất cả các nước theo xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của các Đảng Cộng sản đều có một kết cục như nhau đối với tầng lớp trí thức như vậy? Câu trả lời có thể là: Vì trong tất cả các nước ấy đã không thực sự có tự do ngôn luận và tự do tư tưởng.

Tình trạng đó đã bắt đầu từ khi Lê Nin áp dụng nguyên tắc Tập trung Dân chủ trong Đảng Cộng sản Nga trước và sau Cách mạng tháng 10 và trở thành truyền thống của các Đảng Cộng sản.

Thay vì Dân chủ Tập trung, tức là trước hết phải thực hành Dân chủ, tôn trọng các ý kiến khác nhau kể cả khi tuân theo nguyên tắc: thiểu số phục tùng đa số, cấp dưói phục tùng cấp trên v.v… các Đảng Cộng sản đã áp dụng nguyên tắc Tập trung là chủ yếu, Dân chủ chỉ là thêm vào.

Sau khi nắm chính quyền, nguyên tắc Tập trung Dân chủ sai lầm này lại được áp dụng trong toàn bộ máy Nhà nước và các đoàn thể chính trị – xã hội.

Cơ chế mất dân chủ này đã xiết chặt cái “vòng kim cô” mất lập trường giai cấp và chệch hướng XHCN lên toàn bộ sinh hoạt tinh thần – tư tưởng trong nội bộ Đảng và toàn xã hội ở tất cả các nước đã áp dụng mô hình chủ nghĩa theo kiểu Xô Viết.

Cơ chế mất dân chủ với cái “vòng kim cô” ấy đã kìm hãm sự phát triển của đất nước ta đặc biệt từ khi giải phóng miền Nam: Đất nước đã thống nhất, nhưng lòng dân vẫn chưa quy tụ về một cõi, khối đại đoàn kết dân tộc không được như chúng ta mong muốn, nhiều khi không có sự đồng thuận xã hội trong những vấn đề quan trọng của đất nước.

2/ Quan điểm và định hướng

Trong quan điểm và định hướng nhất thiết chúng ta phải khẳng định rằng: Cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho tầng lớp trí thức thực thụ được hình thành và phát triển như Nghị quyết của TW Đảng về Xây dựng đội ngũ trí thức đã nêu rõ.

Muốn vậy, điều cốt lõi là phải thực hành nghiêm chỉnh chế độ dân chủ trong sinh hoạt tư tưởng.

Phát huy dân chủ phải được đặt trên nền tảng mục đích chung của dân tộc là xây dựng một quốc gia “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”.

Mục đích chung ấy là quyền lợi của dân tộc, phải được đặt lên trên hết, trên mọi chủ thuyết, mọi ý thức hệ và mọi lợi ích của các nhóm xã hội khác nhau.

Dân chủ không phải là sản phẩm chỉ của phương Tây (dù là Hy Lạp cổ đại hay Tây Âu và Bắc Mỹ hiện đại) mà là sản phẩm của cả nhân loại, trong đó có phương Đông.

Phật giáo hết sức đề cao Đối thoại và Khoan dung, là cốt lõi sâu xa của Dân chủ. Dân chủ là một chế độ, trong đó mọi công dân thực có quyền được nhận xét, phê phán và chất vấn trực tiếp các cấp lãnh đạo (ở nước ta là của Đảng và của Nhà nước).

Đúng như lời của Nelson Mandela nói: “Bất cứ ai muốn phát biểu có thể được nói.

Đó là Dân chủ trong hình thức thuần tuý nhất. Có thể không tránh khỏi tình trạng dẳng cấp giữa vị trí quan trọng của người này với người kia, nhưng dù là lãnh tụ hay dân thường, tướng tá hay thày thuốc, buôn bán hay nông dân, đại chủ hay tá điền, người nào cũng được nói… chính đó là nền tảng của Dân chủ: Tất cả mọi người đều được tự do phát biểu ý kiến của mình và tất cả đều bình đẳng như là công dân”.

Định hướng quan trọng nhất mà chúng ta cần là phải làm rõ nội dung công thức “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” như cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nói: “Về công thức Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ, chúng ta cũng đã từng đưa ra từ rất lâu, ngày nay cũng vẫn được nhắc lại như cũ. Nếu không làm rõ nội hàm của những mối quan hệ đó thì vẫn lâm vào tình trạng nói một đằng làm một nẻo. Chúng ta tiếp tục lúng túng và khó tránh khỏi sẽ lại phạm vào những sai lầm trong việc đảm bảo quyền làm chủ thực sự của nhân dân, trong khi thường xuyên nói đến công thức kể trên như một cách để nói, chứ không phải nói để làm, nói vậy mà không phải vậy. Thực chất nội dung của công thức đó chính là đảm bảo quyền Dân chủ trong Đảng, xây dựng được Nhà nước pháp quyền vững mạnh, phát huy quyền tự do Dân chủ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp của Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Rút kinh nghiệm từ những bài học lịch sử, căn cứ vào những quan điểm và định hướng kể trên, để nâng cao chất lượng thực hành Dân chủ đối với đội ngũ trí thức (hay là “có học” như nói ở trên) cần thiết phải có các giải pháp sau đây:

3/1/ Trước hết phải thực hành Dân chủ ở trong nội bộ Đảng.

Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, trên thực tế Đảng lãnh đạo và chi phối toàn bộ hoạt động của xã hội. Nếu trong Đảng mà không thực sự có Dân chủ thì ngoài xã hội không thể có Dân chủ.

Trước hết trong Đảng phải thực sự tôn trọng nguyên tắc Dân chủ Tập trung chứ không phải Tập trung Dân chủ.

Đại hội đại biểu của Đảng là cơ quan quyền lực cao nhất, sau đó đến Ban chấp hành Trung ương, rồi mới tới Bộ Chính trị.

Nguyên tắc này lâu nay bị vi phạm, thường là Bộ Chính trị có quyền hạn tuyệt đối không những trong nội bộ Đảng, mà còn đối với mọi vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước mà lẽ ra phải là trách nhiệm của Quốc hội.

Trong nội bộ Đảng, mọi Đảng viên nên đều phải được phát biểu và bảo vệ chính kiến của mình song song với nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, cần phải tôn trọng và tạo mọi điều kiện để ý kiến của thiểu số được thảo luận một cách công khai và bình đẳng.

Cơ chế dân chủ trực tiếp cần phải được phát huy tối đa trong các cuộc bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Việc bổ nhiệm Đảng viên vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống Nhà nước phải được tiến hành một cách dân chủ hơn.

Không áp đặt tiêu chuẩn cấp uỷ Đảng vào tiêu chuẩn lãnh đạo các cấp nhà nước.

Một vị trí lãnh đạo nhà nước có thể tiến cử hai Đảng viên có ý kiến khác nhau về chủ trương về cách thực hiện để Quốc hội hoặc Hội đồng Nhà nước lựa chọn, v.v….

Chỉ trong những điều kiện tối thiểu như trên thì tầng lớp trí thực thực thụ của nước ta mới có thể tự hình thành và phát triển một cách lành mạnh được.

3/2/ Phải từng bước xây dựng một xã hội dân sự lành mạnh.

Trong điều kiện chế độ chính trị có một Đảng lãnh đạo, những khiếm khuyết do chế độ toàn trị gây ra có thể được khắc phục, điều chỉnh một cách hữu hiệu bằng xã hội dân sự.

Xã hội dân sự lành mạnh là đối trọng, chứ không phải là đối lập với Nhà nước. Sự đồng thuận xã hội được giải quyết chủ yếu thông qua xã hội dân sự .

Trước mắt phải xây dựng được một Luật về Hội. Các hội nghề nghiệp và quần chúng là thành phần quan trọng nhất của xã hội dân sự.

Quyền tự do thành lập Hội được ghi trong Hiến pháp phải được thể hiện đầy đủ trong Luật về Hội.

Chỉ trong một xã hôi dân sự lành mạnh như vậy tầng lớp trí thức mới phát huy được phẩm tính trí thức của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3/3/ Phải thực sự tôn trọng quyền tự do ngôn luận của công dân như được ghi trong Hiến pháp.

Tự do ngôn luận là quyền được bình đẳng phát biểu công khai ý kiến của mỗi công dân. Đó là cốt lõi của Dân chủ, không có tự do ngôn luận thì không thể dân chủ.

Báo chí và xuất bản sách là công cụ chủ yếu để thực hiện tự do ngôn luận. Luật về Báo chí và Xuất bản cần được cải thiện hơn nữa, hướng tới chấp nhận nền báo chí và xuất bản tư nhân và mỗi cá nhân tự chịu trách nhiệm về các ấn phẩm của mình.

Không có tự do ngôn luận thì những người “có học” chỉ có thể là những người là những người lao động trí óc ( thậm chí rất giỏi ) nhưng không thể trở thành một tầng lớp trí thức mà các xã hội văn minh coi là tinh hoa.

Hà Nội, tháng 6 năm 2010.
Giáo Sư Chu Hảo

FB Hoang Hung (trích)

More Stories From Bình Luận

About Luu HoanPho,

Lưu Hoàn Phố. Chủ biên Vietquoc.com. Mọi bài vở, ý kiến, xin email về luuhpho@yahoo.com

Web Design BangladeshWeb Design BangladeshMymensingh